Hotline 24/7
08983-08983

Điện tâm đồ giúp phát hiện bệnh gì?

Điện tâm đồ là một phương pháp để theo dõi hoạt động điện của tim rất phổ biến hiện nay, hầu như các cơ sở khám chữa bệnh đều sử dụng điện tâm đồ như một phương tiện chẩn đoán chính cho các bệnh lý tim mạch. Điện tâm đồ có thể thực hiện để theo dõi tình trạng sức khỏe, kể cả là người già hay người trẻ, người có dấu hiệu bệnh hay người khỏe mạnh không có bất kỳ dấu hiệu bệnh tim nào.

1. Điện tâm đồ (ECG) là gì?

Điện tâm đồ viết tắt là ECG, là một xét nghiệm đơn giản, không gây đau đớn, với hình thức là ghi lại sự  biến thiên của dòng điện do tim phát ra trong khi co bóp. Kỹ thuật này có thể đo tốc độ và nhịp điệu của tim cũng như cung cấp những bằng chứng gián tiếp về lưu lượng máu đến tim. 

Khi tim hoạt động sẽ tạo ra một xung điện tạo ra từ các tế bào trong buồng tim, điện tâm đồ ghi lại các tín hiệu điện khi những xung điện này đi qua tim theo một hệ thống dẫn truyền.

2. Vì sao cần xét nghiệm điện tâm đồ?

Xét nghiệm điện tâm đồ ghi lại các biến đổi của dòng điện dẫn truyền trong tim, từ đó giúp các bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý như: rối loạn nhịp tim và rối loạn dẫn truyền trong tim, nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, suy tim, tràn dịch màng ngoài tim, viêm màng ngoài tim cấp, tâm phế mạn, rối loạn các chất điện giải trong máu, dày thành cơ tim.....

- Chẩn đoán nhồi máu cơ tim: khi cơ tim bị thiếu máu và dưỡng khí dễ dẫn đến bị tổn thương hay hoại tử, khả năng dẫn truyền điện của cơ tim sẽ thay đổi và ghi nhận được trên điện tâm đồ, đây là một trong những chẩn đoán giá trị nhất của phương pháp cận lâm sàng này.

- Chẩn đoán thiếu máu cơ tim: cơ tim khi bị thiếu máu sẽ cho thấy hình ảnh sóng T trên điện tâm đồ dẹt, âm.

- Chẩn đoán và theo dõi rối loạn nhịp tim: bất thường tại vị trí phát ra nhịp (nút xoang, nút nhĩ nhất, cơ tim) và bất thường dẫn truyền một chiều của tim sẽ cho hình ảnh nhịp tim bất thường trên điện tâm đồ.

- Chẩn đoán và theo dõi rối loạn dẫn truyền nhịp tim do hệ thống dẫn truyền: việc tổn thương hay mất mạch lạc dẫn truyền cho thấy các bất thường về nhánh điện học của tim trên điện tâm đồ (Blốc nhĩ thất, Blốc nhánh tim).

- Chẩn đoán các chứng tim lớn khi cơ tim dày hay dãn: quá trình khử cực, tái cực của cơ tim sẽ thay đổi, qua đó trên giấy ghi điện tâm đồ sẽ cho những gợi ý nhất định về tình trạng buồng tim lớn, tuy nhiên giá trị của ECG không ưu thế trong trường hợp này vì tiêu chuẩn thay đổi nhiều phụ thuộc vào chủng tộc, nhiều yếu tố gây nhiễu và độ nhạy kém, y học cũng có nhiều công cụ chẩn đoán tim to tốt hơn.

- Chẩn đoán một số thay đổi sinh hóa máu: điện tim là do sự di chuyển của các ion (natri, kali, canxi...). Khi có sự thay đổi nồng độ các chất này, điện tâm đồ có khả năng thay đổi.

- Chẩn đoán một số ngộ độc thuốc: digoxin làm thay đổi đoạn ST của mọi cực, thuốc chống trầm cảm 3 vòng làm dài đoạn QT.

3. Những ai cần đo điện tâm đồ?

Điện tâm đồ được chỉ định trong nhiều trường hợp và ai cũng có thể thực hiện đo nhịp tim để theo dõi tình trạng sức khỏe, kể cả là người già hay người trẻ, người có dấu hiệu bệnh hay người khỏe mạnh không có bất kỳ dấu hiệu bệnh tim nào.

Tuy nhiên, những đối tượng sau đây nên đo điện tâm đồ định kỳ để kiểm tra sức khỏe tim mạch vì họ là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh: người cao tuổi (trên 55 tuổi), người thừa cân béo phì, người bị cao huyết áp, đái tháo đường, người uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, người có tiền sử gia đình bị bệnh tim mạch….

Xem thêm: Khi nào người bệnh cần đi khám chuyên khoa tim mạch

Bên cạnh đó, những trường hợp sau thường được bác sĩ chỉ định đo điện tim để chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe đang gặp phải:

- Có các dấu hiệu bệnh tim mạch như: đau tức ngực, thường xuyên hồi hộp, chóng mặt, ngất xỉu, đánh trống ngực, mệt mỏi…

- Sau điều trị nhồi máu cơ tim, phẫu thuật tim, thông tim

- Đánh giá sức khỏe tim trước khi thực hiện phẫu thuật

- Cấy ghép máy tạo nhịp tim

- Đang mắc bệnh tim mạch cần theo dõi sức khỏe định kỳ

- Suy kiệt kéo dài không rõ nguyên nhân

- Từng bị ngất xỉu hoặc mất ý thức trong thời gian ngắn.

Những trường hợp này nên thăm khám tim mạch, đo điện tim định kỳ để phát hiện sớm bất thường và điều trị kịp thời.

4. Thực hiện đo điện tâm đồ cần những lưu ý gì?

- Người bệnh sẽ được nhân viên y tế giải thích về kỹ thuật và hướng dẫn các thủ tục trước khi tiến hành xét nghiệm.

- Trước khi thực hiện điện tâm đồ, người bệnh cần liệt kê đầy đủ triệu chứng chính và cả những triệu chứng đi kèm, các thông tin quan trọng (tiền sử bệnh, tiền sử gia đình), các yếu tố nguy cơ tim mạch (tăng huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ, rối loạn nhịp tim) kể cả những lo lắng, căng thẳng hoặc những thay đổi gần đây trong cuộc sống, tất cả những thuốc, thực phẩm chức năng, vitamin đang dùng và liều lượng cũng cần khai báo với bác sĩ.

- Đo điện tim là xét nghiệm an toàn, không gây tổn hại đến sức khỏe, có thể làm bất kỳ thời điểm nào, không liên quan đến bữa ăn, không phải nhịn đói khi làm điện tâm đồ.

- Để tránh gây nhiễu cho các điện cực ghi điện tim, khi tiến hành đọc điện tim, người bệnh cần nằm yên tĩnh, tháo các vật dụng bằng kim loại ra khỏi cơ thể (đồng hồ, thắt lưng, chìa khóa...), cởi nút áo bộc lộ vùng ngực, hai tay đặt song song thân người, hai chân duỗi thẳng. Người bệnh cần thả lỏng và tuân thủ theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế trong quá trình đo.

- Tùy thuộc vào diễn biến của bệnh mà bác sĩ sẽ quyết định có thể làm điện tâm đồ nhiều lần trong các khoảng thời gian khác nhau.

- Cách đọc điện tâm đồ rất phức tạp, đòi hỏi phải có chuyên môn về Tim mạch và được đào tạo bài bản. Dựa trên kết quả được ghi lại, bác sĩ chuyên khoa có thể xác định được có triệu chứng lâm sàng rối loạn tim gây ra hay không. Người bệnh có thể hiểu điện tâm đồ cơ bản qua phần kết luận của phiếu xét nghiệm, muốn hiểu được sâu hơn cần trao đổi với bác sĩ.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X