Hotline 24/7
08983-08983

Điểm mặt các nguyên nhân gây rối loạn lipid máu

Rối loạn lipid máu là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng của các bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, không giống như tuổi tác, giới tính, đây là yếu tố nguy cơ hoàn toàn có thể thay đổi được. Biết được các nguyên nhân gây rối loạn lipid máu để phòng ngừa và điều chỉnh là một cách phòng tránh bệnh tật, đảm bảo chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ về sau.

Nguyên nhân gây rối loạn lipid máu khác nhau với từng dạng: rối loạn lipid máu nguyên phát và rối loạn lipid máu thứ phát.
1. Rối loạn lipid máu nguyên phát

Các yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra rối loạn lipid máu nguyên phát, bao gồm:

Tăng lipid máu gia đình kết hợp;
Đột biến trong một nhóm lipoprotein LDL;
Tăng triglycerid máu gia đình;
Tăng lipid máu gia đình đồng hợp tử hoặc đa gen - một đột biến trong thụ thể LDL.

Các bệnh nhân bị rối loạn lipid máu nguyên phát chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong cộng đồng, thường phát hiện từ trước lứa tuổi thiếu niên, trong gia đình có nhiều người mắc bệnh cùng lúc. Đây là yếu tố gây ra nhiều bệnh lý tim mạch nặng nề từ rất sớm, tuổi thọ bị hạn chế.
2. Rối loạn lipid máu thứ phát

Rối loạn lipid máu thứ phát là do yếu tố lối sống hoặc điều kiện y tế ảnh hưởng đến mức lipid trong máu. Đây là dạng gặp chủ yếu trong đời sống, tỷ lệ ngày càng tăng dần và trở nên trẻ hóa.
2.1. Chế độ ăn thiếu lành mạnh

Con đường tổng hợp ra các chất béo trong máu 1/4 có nguồn gốc là từ chế độ ăn. Do đó, đây là yếu tố hàng đầu dẫn đến bệnh lý tăng mỡ máu. Trong đó, ăn nhiều chất béo bão hòa như mỡ, nội tạng động vật và chất béo chuyển hóa được tìm thấy trong một số bánh quy, bánh nướng có thể làm tăng đáng kể mức cholesterol trong máu. Những thực phẩm giàu cholesterol, chẳng hạn như thịt đỏ và các sản phẩm từ sữa có chất béo cũng sẽ làm tăng cholesterol toàn phần.

Chất béo bão hòa làm tăng rối loạn lipit máu

Vì vậy, việc thực hiện chế độ ăn kiểm soát lipid máu là điều kiện tiên quyết để giảm mỡ máu. Cụ thể là giảm tiêu thụ các chất béo không lành mạnh, chẳng hạn như chất béo có trong thịt đỏ, những sản phẩm sữa nguyên chất béo, nội tạng động vật, trứng lộn, hải sản,... Bổ sung rau xanh, các loại ngũ cốc, trái cây vào chế độ ăn uống hàng ngày không chỉ giúp hạ mỡ máu mà còn phòng tránh các bệnh lý tim mạch.
2.2. Tổng trạng thừa cân - béo phì

Đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh người có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên khiến sức khỏe tiềm ẩn nguy cơ bị rối loạn lipid máu. Không chỉ như thế, nếu người có chu vi vòng eo lớn, nguy cơ rối loạn lipid máu cũng sẽ tăng lên, ở đàn ông có chu vi vòng eo là từ 102 cm hoặc phụ nữ là từ 89 cm.

Như vậy, song song với xây dựng chế độ ăn, cần phải chú ý duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh. Hình thành thói quen đo cân nặng mỗi ngày để tìm cách giảm cân khi phát hiện dư cân.
2.3. Lối sống thụ động

Rất dễ quan sát thấy những người tích cực, năng động thường không chỉ có thân hình thon gọn mà cũng giảm thiểu các bệnh lý tim mạch so với những người lười vận động, hiếm khi tập thể dục. Thật vậy, vận động thường xuyên giúp tăng cường HDL- cholesterol. Do đó, nếu ít vận động, nguy cơ bị rối loạn lipid máu sẽ tăng lên.

Để hạn chế mỡ trong máu một cách hiệu quả, ngoài việc kiêng ăn, việc tập luyện thể lực cũng đóng vai trò quan trọng. Nhu cầu vận động sẽ giúp tiêu thụ năng lượng, đốt cháy các sản phẩm chuyển hóa lipid dư thừa, tránh lắng đọng trong máu.
2.4. Hút thuốc lá

Khói thuốc lá là tập hợp của hơn 100 loại chất hóa học là độc tố của cơ thể, làm xáo động các quá trình chuyển hóa, sinh ra nhiều độc chất thay vì các sản phẩm có lợi, làm giảm mức HDL-cholesterol trong máu. Không những thế, khi hút thuốc lá, hệ tim mạch là cơ quan chịu tổn thương nhiều nhất. Khói thuốc lá là làm hỏng các thành mạch máu, làm cho LDL-cholesterol dư thừa tích tụ, càng gây xơ vữa mạch máu.

Hơn thế nữa, mối nguy hại đến từ thuốc lá không chỉ tác động trên cá nhân người hút thuốc mà cả những người xung quanh hít phải khói thuốc, đặc biệt là người già và trẻ em. Vì thế, cần kiên quyết từ bỏ, nhằm giữ sức khỏe bản thân cũng như bảo vệ sức khỏe cả cộng đồng.
2.5. Tuổi tác

Khi tuổi càng cao, các hoạt động sống của cơ thể giảm dần, nhu cầu năng lượng ít hơn trước. Do đó, chuyển hóa lipid cũng có sự thay đổi đáng kể. Cơ thể sẽ chú trọng vào việc tăng quá trình dự trữ hơn quá trình thoái giáng tạo năng lượng, từ đó, lipid sẽ ứ đọng lại trong máu, mô cơ quan.

Khi tuổi càng cao, các hoạt động sống của cơ thể giảm dần, nhu cầu năng lượng ít hơn trước

Như vậy, mặc dù tuổi tác là một yếu tố nguy cơ không thể thay đổi của rối loạn lipid máu nhưng nếu biết cách hạn chế được các yếu tố gây tăng mỡ máu khác sẽ phần nào giúp nồng độ lipid ổn định được theo thời gian.
2.6. Do các bệnh lý chuyển hóa khác

Các bệnh lý có ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa trong cơ thể như bệnh tiểu đường, bệnh thận mạn, suy giáp... đều có thể ảnh hưởng đến con đường chuyển hóa lipid máu. Đôi khi, xét nghiệm thấy mỡ máu tăng cao lại là dấu hiệu chỉ điểm cho các bệnh lý nêu trên.

Trong các tình huống này, điều trị các thuốc làm hạ lipid máu là cần thiết nhưng cốt lõi là điều trị bệnh nguyên. Do đó, cần phải tích cực tìm kiếm nguyên nhân nếu thấy nồng độ lipid tăng cao trên những bệnh nhân tuổi đời còn trẻ. Khi điều chỉnh các chuyển hóa này trở về ổn định, rối loạn lipid máu cũng phần nào cải thiện.

Trên đây là các nguyên nhân thường gặp gây rối loạn lipid máu mà cá nhân đều có thể tự nhận thấy và điều chỉnh. Căn cứ vào đó chúng ta có thể tự xây dựng lối sống lành mạnh cho mình để có một sức khỏe tim mạch lý tưởng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X