Nguyên trưởng khoa Khám trẻ em - Bệnh viện Tâm thần -
Vợ chồng em cảm thấy bất lực khi dạy con nói, BS ơi!
Câu hỏi
Xin chào BS, Bé nhà em 3 tuổi nhưng không nói được như những trẻ khác. Do công việc chúng em nhiều... đến tận 7-8 giờ tối mới về nhà nên giao con cho ông bà ngoại. Sáng bé học ở trường, chiều ông bà đón về. Bé thích xem TV và ngồi yên nên hầu như 2 năm nay, từ khi bé biết ngồi là ông bà cho xem TV với chương trình dạy trẻ bằng tiếng Anh. Thấy bé nói tiếng Anh nhiều, vợ chồng em vui lắm...vì khi dẫn bé đi chơi, đi sở thú bé đều nói đúng tên con vật bằng tiếng Anh, nhưng tiếng Việt thì không chịu nói. 2 năm đi học bé không hòa nhập với bạn bè và cô giáo. Cô nói bé thích chơi 1 mình hơn, ít nói và hầu như không nói gì. Khi ở nhà, bé vẫn nói được tên, nhưng thỉnh thoảng mới chịu lặp lại những điều mình dạy, thông thường thì im lặng và không tập trung nghe ba mẹ nói. Có lúc hay nói đi nói lại những câu vô nghĩa. Bé biết tự mặc quần áo, biết kêu đi vệ sinh, tự dội nước, tắt mở quạt đèn, lâu lâu mới tự nói đi chơi, đi về, đi siêu thị... thường xuyên ra dấu hiệu và u ớ, dạy và bắt bé nói nhưng bé không làm theo. Em nghĩ bé bị rối loạn ngôn ngữ, về lâu dài chúng em sợ bé có bệnh chậm phát triển tâm thần nên lo quá. Xin AloBacsi cho em ý kiến để chăm bé tốt hơn, làm sao bé có thể giao tiếp tốt, hòa đồng với mọi người xung quanh và nói được nhiều? Em cảm ơn và chúc BS luôn vui khỏe! (Thanh Thuy - thanh...@gmail.com)
Trả lời
Chào em,
Quá trình phát triển của trẻ bao gồm nhiều khía cạnh đan xen và tương tác chặt chẽ với nhau như: phát triển thể chất, vận động, ngôn ngữ và phát triển nhận thức trí tuệ.
Điều kiện cần thiết cho việc phát triển ngôn ngữ là cơ quan thính giác và cơ quan phát âm hoàn toàn bình thường.
Để có thể đánh giá mức độ phát triển và xác định có hay không có rối loạn ngôn ngữ đòi hỏi 1 quá trình đánh giá toàn diện các khía cạnh nêu trên; việc chỉ dựa trên 1 số thông tin gói gọn ở một khía cạnh là không đủ.
Hơn nữa, các thông tin liên quan đến quá trình mang thai, sinh, bệnh tật từng mắc phải hay thuốc men từng dùng đóng vai trò không nhỏ trong định hướng xác định nguyên nhân của các biểu hiện rối loạn ở trẻ.
Tiền căn rối loạn phát triển ngôn ngữ ở những người thân trong gia đình cũng cần được quan tâm.
Biểu hiện rối loạn về mặt ngôn ngữ có thể xuất hiện trong rối loạn ngôn ngữ đơn thuần trong suy giảm thính lực, trong bệnh lý cơ quan phát âm (thường gặp là dính thắng lưỡi), trong chậm phát triển tâm thần, trong rối loạn tự kỷ,…
Trường hợp bé nhà em, em chỉ cung cấp các thông tin gói gọn là: 3 tuổi, chỉ nói 1 số từ liên quan đến nhu cầu cá nhân, thường xuyên ra dấu hiệu và ú ớ - Các thông tin này chỉ có thể cho biết rằng trẻ có chậm trễ về mặt ngôn ngữ diễn đạt. Ngoài ra, việc trẻ chỉ thích chơi 1 mình, hay nói những câu vô nghĩa, không tập trung, không làm theo yêu cầu gợi ý rằng đây không phải là 1 rối loạn ngôn ngữ đơn thuần. Cần dựa vào khả năng nhận thức của trẻ để xác định có chậm phát triển tâm thần hay không, các bất thường hành vi khác để xác định rối loạn tự kỷ… và tối quan trọng là cần đánh giá thính lực và khám cơ quan phát âm của trẻ.
Do đó, trẻ cần phải được thăm khám kỹ càng bởi BS chuyên khoa càng sớm càng tốt để có chẩn đoán chính xác và hướng can thiệp tích cực sớm.
Dù cho là rối loạn gì trong số các rối loạn kể trên việc điều chỉnh khắc phục không thể thiếu sự tham gia của gia đình, nhà trường với tâm thế kiên nhẫn và kiên trì mới có thể mang lại hiệu quả.
Thân chào em.
AloBacsi.vn
- nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.
AloBacsi.vn
giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Bạn đọc có thể ghi
kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết. Chân thành cảm ơn. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình