Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương
Suy giãn tĩnh mạch chân có nguy hiểm không AloBacsi?
Câu hỏi
BS tư vấn giúp em, Bệnh suy giãn tĩnh mạch ở chân có nguy hiểm không? Vì bà ngoại, mẹ em đều bị suy giãn tĩnh mạch ở chân. Em thấy mỗi khi em đứng lâu các tĩnh mạnh chân nổi lên to và rõ lắm. Vậy có cách nào để hạn chế suy giãn tĩnh mạch không?
Trả lời
Suy giãn tĩnh mạch chân. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Suy giãn tĩnh mạch chân hay còn gọi là suy van tĩnh mạch chi dưới là từ chỉ sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân.
Suy giãn tĩnh mạch sâu ở chân thì nguy hiểm hơn vì dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại ở chân sẽ gây ra các triệu chứng như nhức mỏi, nặng chân, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, vọp bẻ (chuột rút) về ban đêm... có thể dẫn đến các biến chứng khó chữa như chàm da, loét chân không lành (nhất là ở người già), chảy máu, giãn lớn các tĩnh mạnh nông, viêm tĩnh mạch nông huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu... Nguyên nhân là do tổn thương chức năng các van một chiều của hệ tĩnh mạch ngoại biên, do thoái hóa theo tuổi, tư thế sinh hoạt, béo phì...
Suy giãn tĩnh mạch nông ở chân thì ít nguy hiểm hơn, biểu hiện bằng việc “đứng lâu các tỉnh mạnh chân nổi lên to”, chủ yếu là mất thẩm mỹ, tuy nhiên nếu không phòng ngừa thì sẽ dẫn đến suy giãn tĩnh mạch sâu.
Để điều trị và phòng bệnh, cần loại bỏ những thói quen có hại là đứng lâu, ngồi lâu, đi nhiều, khiêng vác nặng, béo phì. Nếu công việc buộc phải đứng lâu, ngồi lâu thì nên mang vớ áp lực ngừa suy giãn tĩnh mạch.
Thân mến.
Mời tham khảo thêm:
>> Đứng lâu dẫn đến suy tĩnh mạch chi dưới
Giãn tĩnh mạch (hay còn gọi là bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới mạn tính) là các tĩnh mạch phình ra nổi lên gần bề mặt da. Tĩnh mạch mang máu từ các mô và tế bào trở lại tim và phổi, nơi mà máu có thể trao đổi oxy. Giãn tĩnh mạch là bệnh phổ biến, có đến 30% người lớn mắc bệnh. Người lớn tuổi, phụ nữ, bị thừa cân và những người phải đứng một trong thời gian dài có tỷ lệ giãn tĩnh mạch cao hơn. Các triệu chứng có thể xảy ra bao gồm: - Chân đau nhức hoặc cảm thấy nặng nề, đặc biệt sau khi đứng hoặc ngồi lâu; - Tĩnh mạch xanh và phình ra dọc theo đùi, mắt cá hoặc đầu gối; - Da khô và ngứa. Tình trạng thay đổi màu da, da mỏng hơn, lở loét và nhiễm trùng mô mềm (viêm mô tế bào) có thể xảy ra gần mắt cá chân. Nguyên nhân của bệnh giãn tĩnh mạch là do các van tĩnh mạch bị yếu đi và không thể hỗ trợ đưa máu trở ngược về tim, làm máu bị ứ đọng. Bệnh không lây nhiễm nhưng có thể di truyền trong gia đình. Điều trị giãn tĩnh mạch có ba phương pháp chủ yếu là: - Mang vớ y khoa dành cho bệnh giãn tĩnh mạch; - Liệu pháp xơ hóa: bác sĩ tiêm thuốc làm cứng tĩnh mạch bị giãn, thuốc khiến cho tĩnh mạch bị mất chức năng và điều chỉnh lưu thông máu sang các tĩnh mạch khác khỏe hơn; - Phẫu thuật: phẫu thuật thường là tiểu phẫu. Các mạch máu sẽ được lấy ra hoặc thắt lại để ngưng hoạt động. Có nhiều cách thực hiện phẫu thuật như phẫu thuật laser, cắt đốt trị liệu, phẫu thuật nội soi và các thủ thuật khác. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình