Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM
Bạn em đã điều trị khỏi bệnh lao vậy có nguy cơ lây cho người khác?
Câu hỏi
Gần đây em có ngồi cạnh một người bạn mới. Bạn ấy mới đi chữa lao về và bảo là đã khỏi. Vậy em hỏi BS là em có thể bị lây nếu bạn đó chưa hoàn toàn hết lao không ạ. Em năm nay 25 tuổi và em có nên đi tiêm phòng lao nhắc lại không BS? Bệnh lao em thấy là lúc đầu không có biểu hiện rõ ràng thì làm thế nào tự phát hiện được trong trường hợp chưa tới cơ sở y tế xét nghiệm ạ? (Bạn đọc Vũ Văn Thân)
Trả lời
Chào em
Thông thường nếu được điều trị đúng và đủ liều theo chương trình chống lao Quốc Gia thì bệnh của bạn em có thể đã khỏi hẳn và không lây cho người khác, trừ khi vi khuẩn lao kháng thuốc, theo số liệu điều tra thì tỷ lệ này vào khoảng 2,7% tại Việt Nam vào năm 2005. Tuy nhiên, tình trạng kháng thuốc có thể dự đoán được trên lâm sàng, nếu hiện tại sức khỏe bạn em tốt, không có biểu hiện bất thường nào như sốt, ho khạc đàm, sụt cân thì nhiều khả năng bệnh lao đã chữa khỏi, do đó em không nên quá lo lắng.
Vi khuẩn lao có thể sống âm thầm trong cơ thể người nhiều năm trời mà không gây ra biểu hiện gì cũng không lây nhiễm, sở dĩ chúng ta không bị bệnh vì chúng ta có hệ miễn dịch bảo vệ. Bệnh chỉ bùng phát khi cơ thể suy yếu do bệnh lý suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng, nghiện rượu… Lúc này sẽ bắt đầu xuất hiện triệu chứng của bệnh như:
- Ho kéo dài hơn 3 tuần lễ, có thể ra đờm có mầu hoặc có máu
- Xuống cân không do ăn kiêng
- Mệt mỏi thường xuyên
- Sốt nhẹ thường xuyên
- Ra mồ hôi ban đêm
- Ớn lạnh thường xuyên
- Không ăn ngon miệng
- Đau ngực mỗi lần thở hay ho
Nếu có các triệu chứng nêu trên thì em nên đi khám để tầm soát lao.
Lao là một bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách áp dụng những phương pháp sau:
- Giữ cho hệ miễn nhiễm được tốt: Bằng cách ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ và vận động thường xuyên.
- Thử nghiệm lao thường xuyên: Nên thử mỗi năm nếu bị HIV hoặc một bệnh nào đó làm giảm hệ miễn nhiễm, hay làm việc nơi đông người như nhà tù hay viện dưỡng lão, là nhân viên y tế hay có nhiều cơ hộp tiếp xúc với bệnh lao.
- Chữa bệnh để phòng ngừa: nếu phản ứng lao tố dương tính nhưng bạn không có triệu chứng bệnh (tức chỉ bị nhiễm lao), nên hỏi bác sĩ về việc uống thuốc ngừa isoniazide để tránh trở thành bệnh lao thực sự sau này.
- Thuốc chủng ngừa lao BCG không hiệu nghiệm cho người lớn, chỉ có tác dụng ngừa được bệnh lao lan ra từ phổi ở trẻ em dưới 1 tuổi. Ngoài ra, chủng ngừa BCG khiến phản ứng lao của bệnh nhân thành dương tính, khó cho việc định bệnh lao, vì thế nó không được dùng ở Mỹ. Các nhà nghiên cứu đang tìm một thuốc chủng hữu hiệu hơn.
Thân mến!
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe miễn phí
AloBacsi.vn
- nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.
AloBacsi.vn
giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Bạn đọc có thể ghi
kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết. Chân thành cảm ơn. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình