Dị ứng, dùng thuốc cho đúng
Thuốc kháng histamin là loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị dị ứng hiện nay.
Thuốc kháng histamin được dùng điều trị dị ứng: viêm mũi dị ứng; nổi mày đay, ban da, viêm da dị ứng; viêm kết mạc dị ứng; các trường hợp bị côn trùng đốt… Ngoài ra, thuốc còn được dùng điều trị say tàu xe, máy bay; điều trị buồn nôn và nôn trong thai nghén; dùng như thuốc an thần gây ngủ.
Thuốc kháng histamin chỉ giúp điều trị triệu chứng dị ứng (ho, ngứa, nổi mề đay…) chứ không điều trị được nguyên nhân nên không giúp bệnh nhân khỏi bệnh được hoàn toàn. Do vậy, điều quan trọng là phải tìm ra và loại trừ các tác nhân gây dị ứng (thuốc, mỹ phẩm, bụi, thời tiết, thức ăn…) mới có thể tránh được bệnh. Việc dùng thuốc do đó cũng phải kiên trì, phải dùng nhiều đợt mới hạn chế được tái phát.
Trong trường hợp dị ứng nặng (như sốc phản vệ), histamin giải phóng ồ ạt, một mình thuốc kháng histamin H1 không thể giải quyết được mà phải phối hợp thêm với các biện pháp hồi sức cấp cứu, thuốc trợ tim mạch (adrenalin), biện pháp trợ hô hấp (thở ôxy)…
Một số thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1 (clorpheniramin maleat…) hay được dùng trong các chế phẩm trị cảm cúm – ho – sổ mũi, nhưng chúng có tác dụng phụ là ức chế thần kinh trung ương, do vậy không nên sử dụng khi đang lái tàu xe, làm việc trên cao, công việc cần sự tỉnh táo hay uống rượu khi đang dùng thuốc. Tác dụng gây buồn ngủ của thuốc kháng histamin có thể dùng như chỉ định chính trong trường hợp mất ngủ. Nhưng chỉ nên dùng thuốc trong thời gian ngắn, đặc biệt không được dùng kéo dài cho trẻ vì có thể gây mệt mỏi, ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ ở trẻ.
Trong thời kỳ mang thai, khoảng 1/3 phụ nữ có tình trạng viêm mũi dị ứng, hen phế quản, mày đay hay chàm nặng lên, do vậy vẫn cần phải sử dụng thuốc chống dị ứng. Nhưng phụ nữ trong thời kỳ này chỉ nên sử dụng những thuốc có đầy đủ bằng chứng về độ an toàn.
Như vậy, tất cả các thuốc kháng histamin H1 đều có nhiều tác dụng phụ nên phải dùng đúng liều lượng và thời gian, theo chỉ định của bác sĩ, không nên lạm dụng thuốc, đặc biệt chú ý ở các đối tượng phụ nữ mang thai và trẻ em.
Theo DS.Ngô Trang - Sức khỏe & Đời sống
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình