Hotline 24/7
08983-08983

Dị dạng mạch máu có thể gây tiểu máu, suy tim, biến dạng khuôn mặt

Dị dạng máu vùng mặt hoặc vùng ngoài da rất dễ nhận biết từ giai đoạn sớm, theo TTƯT.BS.CK2 Hồ Khánh Đức - Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Mạch máu, Bệnh viện Bình Dân, nếu dị dạng mạch máu xuất hiện trên vùng mặt, môi, khóe miệng phát triển rất nhanh, khi phát triển gây dị dạng, biến dạng khuôn mặt, ảnh hưởng thẩm mỹ và chức năng vùng mặt, vùng mắt.

1. Dị dạng mạch máu có thể gặp ở rất nhiều cơ quan của cơ thể

Dị dạng mạch máu là gì?

TTƯT.BS.CK2 Hồ Khánh Đức trả lời: Trong mạng lưới mạch máu có hệ thống động mạch từ những ống dẫn máu từ tim, mang máu đỏ chứa oxy đi nuôi cơ thể; hệ thống tĩnh mạch là hệ thống đưa máu sau trao đổi khí ở các tạng, mô đưa về tim, mang dòng máu đen, chứa CO2 để trao đổi khí ở phổi. Đó là các hệ thống mạch máu bình thường.

Khi có dị dạng mạch máu là khi có sự phát triển bất thường của hệ thống động mạch và tĩnh mạch. Những bệnh lý này gặp rất nhiều dạng như u máu là một tình trạng rò động tĩnh mạch bẩm sinh, hoặc giãn mạch máu tĩnh mạch bẩm sinh, thường bị nhầm lẫn với suy tĩnh mạch chân.

Những bệnh lý dị dạng mạch máu, ngoài ở não còn có thể gặp ở rất nhiều vị trí khác, trong thực hàn lâm sàng hàng ngày, các bác sĩ rất hay gặp ở tất cả các độ tuổi từ bé nhỏ đến người lớn tuổi. Vị trí có thể gặp như ngực, phổi, bụng, các cơ quan lách, thận, gan, thậm chí trường hợp gần nhất mà bác sĩ gặp là ở ruột, bệnh nhân nhập viện với xuất huyết tiêu hoá rất nhiều, được phẫu thuật thành công.

Thường gặp nhất là vùng chân với các dị dạng mạch máu nổi ở chân, bẹn, vùng sinh dục.

Trường hợp khá nguy hiểm là dị dạng mạch máu ở vùng mặt, vùng mắt, khoé môi, miệng, các dị dạng này phát triển rất lớn, ngoài vấn đề thẩm mỹ, nó còn gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống bệnh nhân. Bên cạnh đó, việc can thiệp vào các vị trí này rất khó khăn, có nguy cơ gây ra tử vong cho bệnh nhân.

2. Các dị dạng sâu trong phổi, thận, lách, gan, triệu chứng âm thầm, phát hiện trễ

Ngoài mạch máu não mà trước giờ mọi người quan tâm rất nhiều thì những vùng nào khác cũng có thể gặp dị dạng mạch máu, thưa BS? Thường gặp ở động mạch hay tĩnh mạch nhiều hơn ạ?

TTƯT.BS.CK2 Hồ Khánh Đức trả lời: Dị dạng mạch máu thường gặp ở tĩnh mạch (cung lượng thấp) nhiều hơn động mạch (cung lượng cao). Ngoài ra, còn có dị dạng hệ bạch huyết dẫn chất dinh dưỡng đi vào các vùng hạch (cung lượng thấp).

Thường gặp nhất là dị dạng tĩnh mạch. Tùy vào dị dạng nằm ở vị trí nào mà có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Trường hợp dị dạng xuất hiện ở vùng mặt, vùng da, bệnh nhân sẽ phát hiện từ rất sớm.

Còn các vị trí nằm sâu trong cơ thể như ở phổi, thận, lách, gan, trong ổ bụng vùng chậu, các triệu chứng rất âm thầm, khi phát hiện, dị dạng đã lớn, có thể chèn ép các cơ quan lân cận, bệnh nhân có thể xuất hiện các biểu hiện như trường hợp bị dị dạng máu ruột, gây xuất huyết tiêu hoá, nhiều nơi không chẩn đoán được. Trường hợp này khi đến với bệnh viện Bình Dân đã được chụp CT mạch máu ruột và tiến hành phẫu thuật thành công.  

Một số trường hợp bị rò động tĩnh mạch nằm sâu trong thận, bệnh nhân phát hiện khi đã hơn 40 tuổi; hay các trường hợp bệnh nhân đau hông lưng, phát hiện chẩn đoán nang thận nhưng khi đến Bệnh viện Bình Dân chụp lại, phát hiện búi tĩnh mạch lớn nằm trong rốn thận, sau đó, bệnh nhân được xử lý kịp thời.

Như vậy, những dị dạng mạch máu ngoài việc u phát triển, đè và chèn ép những cơ quan xung quanh, gây vỡ và xuất huyết, còn một dạng rò động tĩnh mạch (giữa động mạch và tĩnh mạch thông nhau), lưu lượng máu từ động mạch đến tĩnh mạch rộng hơn, từ đó làm lưu lượng máu tĩnh mạch về tim nhiều hơn, làm quá tải về tim dẫn đến tình trạng bệnh nhân suy tim.

Ví dụ, một trường hợp bệnh nhân hơn 40 tuổi, nhập viện trong tình trạng suy tim, chụp lên thấy bệnh nhân bị rò động tĩnh mạch rất lớn ở thận, các bác sĩ đã can thiệp nội mạch, bít lỗ rò, giúp bệnh nhân sau này không bị suy tim nặng hơn.

3. Dị dạng mạch máu là bẩm sinh nhưng quá trình phát triển khác nhau

Có phải những dị dạng mạch máu đều là bẩm sinh? Chúng có triệu chứng sớm hay không? Và những triệu chứng này có dễ nhầm với bệnh lý khác không ạ?

TTƯT.BS.CK2 Hồ Khánh Đức trả lời: Đã số các trường hợp đã được gọi là dị dạng mạch máu, nghĩa là có bất thường, bệnh nhân đã mắc từ khi sinh ra. Tuy nhiên, việc dị dạng mạch máu phát triển nhanh hay chậm còn tùy vào vị trí, mức độ dị dạng, cung lượng cao, cung lượng thấp, cung lượng trung bình và sẽ phát triển theo độ tuổi của bệnh nhân.

Đối với những trường hợp xuất hiện ở những vị trí mặt, da, chân, phát hiện từ rất sớm, là một búi mạch máu nổ rõ ở vùng mặt, tay, chân, có thể phù lên như bệnh lý suy tĩnh mạch chân. Một số dị dạng khác nằm sâu trong cơ thể sẽ khó phát hiện hơn, biểu hiện, triệu chứng theo vị trí xuất hiện.

Ví dụ, nằm ở phổi, bệnh nhân sẽ có biểu hiện giống u phổi, làm bệnh nhân ho, khó thở; nếu nằm ở vùng bụng, vùng chậu thường gặp ở phụ nữ, khiến bệnh nhân đau bụng vùng chậu, ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt khiến bệnh nhân đau nhiều hơn; nếu nằm trong thận sẽ ảnh hưởng đến chức năng của thận, vùng lách, vùng gan cũng tương tự.

Nếu xuất hiện ở chân, có thể làm mạch máu chân nổi nhiều hơn, khiến máu đi về tim kém, khiến chân phù lên, loạn dưỡng ở da, có thể gây loét và khó lành. Đối với trường hợp này, thường bị nhầm lẫn với suy tĩnh mạch chân, điều trị sai với các biện pháp laser, sóng cao tần, keo sinh học nhưng không đem lại hiệu quả nếu không trị tận gốc.

Nếu bệnh nhân bị dị dạng bẩm sinh, rò tĩnh mạch ở nhiều vị trí, những trường hợp đó rất khó khăn khi can thiệp cho bệnh nhân.

Do đó, tuỳ vị trí và mức độ tổn thương, sẽ có các triệu chứng khác nhau, ví dụ, một số trường hợp xuất hiện như một nốt ruồi son trên mặt, có thể các vùng da, vùng mặt không phát triển nhiều nhưng vùng khóe môi, khóe mắt, bẹn, cơ quan sinh dục phát triển rất nhanh, khi phát triển gây dị dạng, biến dạng khuôn mặt, ảnh hưởng thẩm mỹ và chức năng vùng mặt, vùng mắt.

Vì vậy, cần cần thận khi phát hiện vết bớt màu đỏ, màu xanh, hoặc các nốt ruồi son, cần đi khám ngay để phát hiện kịp thời, xử trí kịp thời những dị dạng mạch máu bẩm sinh với các biểu hiện đơn giản ban đầu.

4. Siêu âm, chụp CTscan cản quang để chẩn đoán dị dạng mạch máu

Như vậy, những dị dạng mạch máu này được phát hiện trong trường hợp nào, và tại BV Bình Dân có thể phát hiện bằng phương tiện gì, thưa BS?

TTƯT.BS.CK2 Hồ Khánh Đức trả lời: Trường hợp phát hiện rõ ràng nhất là ở mặt của bệnh nhân, những mạch máu nốt ngoằn ngoèo, thay đổi màu sắc da, tạo thành búi trên mặt, những trường hợp này người nhà có thể phát hiện ngay, thậm chí đã đến bệnh viện nhi để kiểm tra.

Những trường hợp khác nằm sâu trong cơ thể, khó phát hiện, thương bệnh nhân có những biểu hiện khác do chèn ép, sự phát triển lớn của khối bướu hoặc có dấu hiệu của suy tim, tiểu ra máu… Lúc đó, có thể đến Bệnh viện Bình Dân để khám chuyên khoa tiết niệu, tiêu hoá, từ đó siêu âm, chụp CT, phát hiện dị dạng mạch máu vùng bụng, vùng ngực, vùng chân, bác sĩ dựa trên kết quả đó để chẩn đoán.

Những bệnh nhân được phát hiện có phát hiện mạch máu có các dị dạng nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định chụp cắt lớp điện toán (CTscan) có bơm thuốc cản quang vào hệ thống động mạch, tĩnh mạch để thấy rõ các tĩnh mạch ngoằn ngoèo, sự thông thương giữa động mạch và tĩnh mạch ở những vùng tuỳ vị trí, bác sĩ sẽ có các chỉ định phù hợp cho bệnh nhân.

Từ việc chụp cắt lớp điện toán có bơm thuốc cản quang, hình ảnh rất rõ ràng và chẩn đoán chính xác nguồn gốc và các triệu chứng của dị dạng mạch máu não, dị dạng dạng tĩnh mạch, dị dạng dạng động mạch, dị dạng dạng bạch huyết, bác sĩ sẽ có từng hướng xử trí phù hợp cho từng loại dị dạng mạch máu.

>>> Phần 1: Dị dạng mạch máu vùng mặt, khóe mắt, khóe miệng vô cùng nguy hiểm

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X