Hotline 24/7
08983-08983

Dị dạng mạch máu vùng mặt, khóe mắt, khóe miệng vô cùng nguy hiểm

TTƯT.BS.CK2 Hồ Khánh Đức - Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Mạch máu, Bệnh viện Bình Dân chia sẻ, các vết bớt màu đỏ, xanh, nâu hay các nốt ruồi son ở khóe mắt, khóe miệng vô cùng nguy hiểm và phát triển rất nhanh, vì vậy, những trường hợp này cần theo dõi định kỳ.

1. Điều trị kết hợp nội khoa, phẫu thuật và tiêm xơ để xử lý tận gốc dị dạng mạch máu

Sau khi phát hiện dị dạng mạch máu thì BS sẽ có hướng xử trí như thế nào ạ?

TTƯT.BS.CK2 Hồ Khánh Đức trả lời: Trường hợp bệnh nhân bị rò động tĩnh mạch ở vùng thận, làm cung lượng máu từ động mạch thận qua tĩnh mạch thận rất lớn, có thể làm hư chức năng thận, khiến máu về tim nhiều hơn làm suy tĩnh mạch thận, các bác sĩ sẽ chụp chọn lọc động mạch thận và tĩnh mạch thận, 2 cơ quan này nằm sát bên và song song với nhau, có thể nằm vị trí gần gốc của động mạch thận hoặc nằm sâu trong rốn thận.

Nếu nằm tại gốc động mạch thận và thông thương, các bác sĩ có thể can thiệp nội mạch bằng cách đặt stent phủ qua vị trí rò, thông giữa động mạch và tĩnh mạch để bít lỗ lại, ngăn dòng máu từ động mạch thận không về tĩnh mạch thận, đây là phương pháp xử trí tốt nhất.

Trường hợp búi mạch máu giãn nằm sâu trong nhu mô thận, bác sĩ sẽ dùng keo sinh học hoặc dây vòng xoắn kim loại, tạo máu đông, đi sâu vào nhu mô thận để bít một phần mạch máu nuôi dị dạng, khi vị trí này bít lại, lượng máu tới giảm, búi mạch máu thoái hoá. Tuy nhiên, nếu nằm sâu phía trong, bệnh nhân càn chấp nhận mất một phần thận, bệnh nhân có 2 thận, mất 1/3 một bên thận không ảnh hưởng gì.

Trường hợp có bướu máu nhỏ ở vùng chân hoặc cẳng tay, bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt bỏ. Tuy nhiên, trước khi phẫu thuật, cần tìm nguồn gốc tại sao xuất hiện bướu máu đó, nhiều trường hợp có mạch máu nuôi dị dạng đó, nếu chỉ cắt bên ngoài sẽ gây chảy máu khó cầm và tái phát cao.

Bác sĩ sẽ chụp cản quang can thiệp bằng cách đưa một sợi dây kim loại vào ống trong lòng động mạch, đưa đến túi phình búi mạch máu dị dạng đó và bơm thuốc cản quang vào. Sau khi xác định mạch máu nào nuôi bướu máu, bác sĩ sẽ dùng keo sinh học hoặc dùng vòng xoắn kim loại để làm tắc mạch máu nuôi vị trí dị dạng đó, không cho mạch máu nuôi bướu dị dạng, từ đó, bướu thoái hoá dần.

Hoặc các bác sĩ có thể dùng các chất tiêm xơ dưới hướng dẫn của siêu âm, X-quang, bơm chất xơ hoặc dùng cồn 90 độ để bơm vào dị dạng làm thoái hoá.

Đó là phương pháp điều trị vừa can thiệp nội mạch, kết hợp phẫu thuật để cắt bướu, kết hợp các phương pháp tiêm xơ để giới hạn tổn thương cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, với những trường hợp rò bẩm sinh rất phức tạp, rò nhiều chỗ, chỉ có thể điều trị triệu chứng gây chèn ép, không thể xử lý tận gốc cho bệnh nhân.

2. Các búi dị dạng nhỏ chỉ cần theo dõi định kỳ, không cần can thiệp

Có trường hợp nào dị dạng mạch máu được phát hiện nhưng không cần xử trí?

TTƯT.BS.CK2 Hồ Khánh Đức trả lời: Rất nhiều trường hợp tình cờ phát hiện khi đi khám bệnh, một tổn thương nhỏ, một động mạch nhỏ, không ảnh hưởng gì đến cơ quan đó hay chức năng tim, có thể theo dõi bệnh nhân, dặn bệnh nhân tái khám. Ví dụ, những rò động mạch nhỏ ở cẳng tay, chân hoặc trong cơ quan vùng chậu của phụ nữ thì chỉ cần theo dõi.

Hoặc những em bé, người lớn có nốt ruồi son trên cơ thể, vùng tay, chân, đó là những tổn thương lành tính, không cần cắt nốt ruồi để điều trị.

Một số bệnh nhân có búi tĩnh mạch nhỏ, giãn ở vùng cánh tay hoặc các cơ quan khác, nếu không ảnh hưởng đến chức năng thì chỉ cần theo dõi, không cần can thiệp.

3. Cẩn trọng với các vết dị dạng mạch máu vùng mặt

BS có thể kể lại một số trường hợp, người bệnh bị dị dạng mạch máu vùng bụng, nội tạng, ngoại biên đã được BV Bình Dân điều trị?

TTƯT.BS.CK2 Hồ Khánh Đức trả lời: Hơn 20 năm công tác tại Bệnh viện Bình Dân, có rất nhiều trường hợp để lại ấn tượng cho chúng tôi.

Trường hợp thứ nhất, một bệnh nhân nam 23 tuổi, bị một bướu máu rất to nửa vùng mặt bên trái, ước mơ lớn nhất của bệnh nhân là được đội nón bảo hiểm, vì bướu quá lớn, ăn gần như biến dạng vùng mặt, từ mắt xuống miệng. Các khối bướu nhỏ ở vùng mắt, khóe môi, khóe miệng rất nguy hiểm, phát triển rất nhanh.

Khi tâm sự với bác sĩ, bệnh nhân đã nói “thầy làm sao mổ cho em đội được nón bảo hiểm”, đó là mong muốn rất đơn giản, nhưng điều đó cho thấy bướu dị dạng đã ảnh hưởng lớn đến chức năng sinh hoạt, và lao động của bệnh nhân.

Trường hợp này trong lúc mổ đã mất máu rất nhiều, thậm chí đã nghĩ đến việc bệnh nhân không qua khỏi, tuy nhiên, sau khi cắt hết bướu máu cùng sức khỏe của độ tuổi khá trẻ, bệnh nhân đã qua khỏi, hồi phục tốt.

Thế nhưng một năm sau, bệnh nhân quay lại vì tái phát. Tuy nhiên sau đó, các bác sĩ không có dịp gặp lại bệnh nhân, không rõ người bệnh còn đến tái khám hay không. Đó là một trường hợp bác sĩ đã gặp và ấn tượng nhất và thường kể lại cho đồng nghiệp sau này.

Trường hợp thứ hai, là cô gái trẻ ở đơn vị bạn, bác sĩ gặp trong lần đi học sau đại học, bệnh nhân bị một bướu máu vùng mặt, chuẩn bị lên để chích xơ đơn giản, nhưng đòi hỏi gây mê. Đơn vị bạn đã đặt ống nội khí quản chuẩn bị cho bệnh nhân ngủ.

Tuy nhiên, bướu máu nằm trên vùng mặt nhưng không biết rằng còn có thể nằm trong vùng hầu họng, khi đặt ống nội khí quản để gây mê đã vô tình làm xước tĩnh mạch và máu chảy ngập trong phổi, bệnh nhân không qua khỏi ngay trên bàn mổ. Đó là trường hợp chúng tôi thường xuyên chia sẻ lại cho các thế hệ bác sĩ trẻ.

Đối với các bướu máu vùng mặt, phải thật sự cẩn thận khi chỉ định mổ cho bệnh nhân, đôi khi nhìn đơn giản nhưng khi can thiệp, nếu chảy máu sẽ không thể cứu chữa cho bệnh nhân.

Trường hợp thứ ba, gần đây nhất, các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân vừa cấp cứu cho một bệnh nhân nữ, bệnh nhân có một bệnh cảnh hiếm, lạ, đi rất nhiều bệnh viện, xuất huyết tiêu hoá và phải truyền máu nhiều lần, không rõ tại sao bệnh nhân bị mất máu, sau đó, bệnh nhân phát hiện bị đi cầu phân đen và chảy máu trong đường ruột.

Khi đến Bệnh viện Bình Dân, các bác sĩ cho chụp CT thì phát hiện một dị dạng mạch máu, rò động tĩnh mạch ngay động mạch mạc treo, là động mạch nuôi toàn bộ một đoạn ruột non rất lớn.

Sau khi hội chẩn với hội đồng bệnh viện và toàn thể các giáo sư, đã đưa ra quyết định cắt bỏ đoạn ruột có chứa khối dị dạng, cuộc mổ thành công và cứu được bệnh nhân, sau đó bệnh nhân đến tái khám và không còn cần truyền máu.

Đó là những trường hợp để lại cho chúng tôi ấn tượng lớn, có nhiều bài học quý giá để truyền đạt lại cho các thế hệ bác sĩ sau này. Khuyến cáo tất cả mọi người không nên xem nhẹ dị dạng mạch máu, chúng ta phải đi khám, phát hiện sớm, tái khám thường xuyên để kiểm tra, cần xử trí thích hợp để điều trị cho bệnh nhân.

4. Không cần thiết tầm soát dị dạng mạch máu các vùng ngoài não

Những người có yếu tố nguy cơ đột quỵ được khuyên nên tầm soát đột quỵ. Vậy đối với những dị dạng mạch máu vùng bụng, nội tạng, ngoại biên… thì có cần tầm soát hay không, những ai nên tầm soát, thưa BS?

TTƯT.BS.CK2 Hồ Khánh Đức trả lời: Những dị dạng mạch máu tại các vùng khác ngoài não, biến cố nghiêm trọng không lớn, diễn tiến âm thầm, không gây ảnh hưởng đến chức năng sống hay tử vong như dị dạng mạch máu não. Do đó, không bắt buộc mọi người phải đi tầm soát vấn đề này.

Bên cạnh đó, tần suất dị dạng mạch máu tại các cơ quan khác không nhiều, do đó, khi có các dấu hiệu bất thường như có mạch máu nổi ở vùng mặt, tay, chân, nên đi kiểm tra tại chuyên khoa mạch máu. Hoặc các nốt ruồi son ở vị trí khóe mắt, khóe môi, khóe mũi và vùng cơ quan sinh dục của phụ nữ, những vị trí này phát triển rất nhanh, khi phát triển thành bướu lớn sẽ làm dị dạng, mất chức năng cơ quan đó.

Các dị dạng nằm trong thận, bụng, không cần kiểm soát một cách có hệ thống như tiểu máu, đau vùng chậu, bệnh nhân có thể đi siêu âm tổng quát bình thường hay siêu âm mạch máu đã có thể phát hiện được những dị dạng mạch máu đó. Từ đó, đến với bác sĩ chuyên khoa mạch máu, các bác sĩ sẽ chỉ định chụp CT mạch máu cản quang để xác định dị dạng mạch máu dạng gì, vị trí nào để can thiệp cho bệnh nhân.

Đa số dị dạng mạch máu là do bẩm sinh nên triệu chứng không rầm rộ hay quá nguy hiểm để mọi người lo lắng. 

5. Cần tầm soát, điều trị sớm nếu em bé có nốt ruồi son, vết bớt màu đỏ, xanh, nâu

Một số phụ huynh có con nhỏ, trên cơ thể em bé có những vết bớt đỏ, đi khám BS cho biết đó là u dị dạng mạch máu. Trường hợp này bé có cần tầm soát dị dạng mạch máu không ạ?

TTƯT.BS.CK2 Hồ Khánh Đức trả lời: Đó là trường hợp cần đi tầm soát, các bé nhỏ sinh ra có vết bớt đỏ hoặc xanh, nâu đa số ở vùng mặt, đó là các u máu, có thể là u máu dạng hang, u máu tĩnh mạch… Một số em bé có nốt ruồi son ở các vị trí như mặt, khóe miệng khóe mắt cần đi tầm soát.

Có thể tầm soát bằnh các phương pháp đơn giản như siêu âm bụng, siêu âm mạch máu chân, siêu âm vùng cổ, chụp X-quang phổi. Nếu kỹ hơn, có thể CT não để kiểm tra có dị dạng mạch máu trong não hay không.

Đó là những trường hợp em bé cần theo dõi và tái khám kiểm tra. Đặc biệt là các khối nằm tại những vùng có khả năng phát triển nhanh, có thể gây ra dị dạng, ảnh hưởng đến chức năng cuộc sống của bệnh nhi, thật sự cần điều trị sớm, không nên để đến khi bướu quá lớn, ảnh hưởng chức năng, giai đoạn trễ khiến việc điều trị khó khăn và khả năng tái phát cao.

>>> Phần 1: Dị dạng mạch máu có thể gây tiểu máu, suy tim, biến dạng khuôn mặt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X