Đau nửa đầu nên dùng thuốc giảm đau nào hiệu quả?
Giấc ngủ của bạn không trọn vẹn, người mệt mỏi, hay cáu gắt… vì những cơn đau nửa đầu. Vậy làm sao để giải quyết vấn đề này? Dùng thuốc sao cho hiệu quả? Bài viết dưới đây với sự tư vấn của TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ giúp bạn có câu trả lời.
1. Đau nửa đầu là gì?
Đau nửa đầu (migraine) là một dạng đau đầu rất đặc biệt, khá phổ biến, chiếm khoảng 15% trong số những người bị chứng đau đầu. Mặc dù Migraine có thể gặp ở bất kỳ ai nhưng phụ nữ mắc bệnh đau nửa đầu nhiều hơn ở nam giới, với tỷ lệ bệnh nhân nữ gấp 3 lần so với bệnh nhân nam.
Chứng bệnh này tuy không gây tử vong, nhưng làm người bệnh khổ sở vì các cơn đau đầu tái diễn, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập, làm việc. Bệnh dễ tấn công trong thời kỳ kinh nguyệt và xảy ra khi mang thai hoặc sau khi mãn kinh. Sau đó sẽ giảm hoặc biến mất.
Theo TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115, khác với do đau đầu căng thẳng, stress (thường bệnh nhân sẽ bị đau 2 bên), cơn đau Migraine thường khởi phát một bên đầu, sau đó có thể lan sang hai bên.
Cơn đau theo nhịp mạch và bệnh nhân có cảm giác động mạch thái dương đập mạnh, thường kéo dài từ 4 giờ đến 72 giờ. Tùy vào mức độ mà người bệnh có thể có đau vừa hoặc đau dữ dội, cơn đau tăng dần, thậm chí kèm theo các triệu chứng buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, căng thẳng.
Cơn đau nửa đầu thường xảy ra ở nữ nhiều hơn nam. Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Bệnh đau nửa đầu được liệt kê vào nhóm đau đầu do nguyên nhân ảnh hưởng đến các mạch máu não. Tuy nhiên, cho đến ngày nay thì nguyên nhân thực sự của bệnh này vẫn còn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Nhưng một số nghiên cứu cho thấy cơn đau đầu dữ dội có thể xuất phát từ việc chức năng não bị rối loạn, do các mạch máu não giãn nở và giải phóng các chất serotonin, dopamin.
Bên cạnh đó, một số yếu tố cũng khiến bệnh dễ xảy ra như thần kinh bị căng thẳng, mất ngủ; phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai, đến chu kỳ kinh nguyệt, nồng độ nội tiết tố sinh dục nữ trong máu bị thay đổi; thời tiết thay đổi; môi trường sống nhiều tiếng ồn, có ánh sáng chói, khói thuốc lá, một số mùi hương nồng nặc như nước hoa đậm đặc; người bệnh đã từng bị chấn thương đầu; sử dụng thức ăn đóng hộp, nhiều gia vị như bột ngọt, đường hóa học, socola, phô mai, rượu,...
2. Bạn đọc hỏi - TS.BS Đinh Vinh Quang đáp về đau nửa đầu
• Thưa BS, em năm nay 28 tuổi, là nữ, thường hay bị đau nửa đầu, nhất là vào những ngày “rụng dâu”. Xin hỏi, đau nửa đầu có điều trị dứt điểm được không ạ? Liệu bệnh này có gây biến chứng gì không thưa BS? (Đinh Thị Thu Hằng - Đồng Nai)
TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 trả lời:
Thu Hằng thân mến,
Migraine là đau đầu nguyên phát, không có thực tổn nên thường không nguy hiểm nhưng triệu chứng bệnh có thể dai dẳng, tái phát gây khó chịu. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe như trầm cảm, ảnh hưởng đến thị giác, thậm chí là đột quỵ...
Mặc dù không có biện pháp điều trị khỏi hoàn toàn bệnh đau nửa đầu, nhưng có thể kiểm soát bằng cách cắt cơn đau và dự phòng cơn đau đầu.
Do bệnh migraine có thể tái phát cơn gần như suốt đời, nên người bệnh cần phải biết rõ bệnh của mình và được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh, khi cơn đau đầu tái phát, người bệnh đến khám bệnh ở bệnh viện hay cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa để được điều trị tích cực.
Đau nửa đầu nếu không điều trị tích cực gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng sống, sức khỏe của người bệnh
• Thưa BS, nhà em có mẹ và chị gái đều bị đau nửa đầu, giờ đến em cũng có triệu chứng của bệnh này. Liệu đây có phải là do di truyền không thưa BS? (Phạm Nguyễn Thanh Nhàn - nhannguyen76…@gmail.com)
TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 trả lời:
Thanh Nhàn thân mến,
Đau nửa đầu là bệnh có tính chất di truyền, những người có cha mẹ, người thân có triệu chứng nhức nửa đầu có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những nhóm người khác.
• Chị gái em bị viêm xoang, rồi thi thoảng có cơn đau đầu nữa. Em không biết đau đầu này là do viêm xoang hay là do đau nửa đầu? Mong BS tư vấn giùm em. (Đoàn Thị Phương Vy - vydoan98…@gmail.com)
TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 trả lời:
Chứng đau nửa đầu thường không được chẩn đoán hay chẩn đoán nhầm với đau đầu do viêm xoang, thế nên khá nhiều người bị đau đầu kiểu này không được điều trị thích đáng. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể phân biệt hai bệnh này bằng cách xác định vị trí của cơn đau:
Bệnh nhân đau nửa đầu sẽ bị đau dọc một bên đầu, có thể là bên trái hoặc bên phải, đặt tay vào thái dương có cảm giác đau giật giật, đau theo từng nhịp mạch trong tuần hoàn máu. Ngoài ra, đau nửa đầu còn có biểu hiện đau theo từng cơn, mỗi cơn có thể kéo dài từ 4 - 72 giờ, cường độ đau tăng dần, tại thái dương như có mạch máu đập dưới da. Cơn đau cũng có thể tăng lên khi vận động và khi cơn đau qua đi người bệnh thấy nhẹ nhõm.
Còn viêm xoang sẽ đau nửa đầu thường đau ở vị trí của các xoang. Các cơn đau do ảnh hưởng từ triệu chứng của viêm xoang thì người bệnh không đau theo cơn và cơn đau sẽ thường kéo dài.
• Nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi, đau nửa đầu khi nào cần đi khám? (Trần Việt Hùng - Q.4, TPHCM)
TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 trả lời:
Nếu như bạn bị đau nửa đầu do những thói quen sinh hoạt hàng ngày như làn việc mệt mỏi, căng thẳng thì bạn chỉ cần nghỉ ngơi và thay đổi thói quen là có thể thoát khỏi những cơn đau nhức này. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau phù hợp.
Chẳng hạn như dùng thuốc giảm đau chứa Paracetamol không cần kê đơn, sử dụng phổ biến, bán rộng rãi khắp các hiệu thuốc. Nhìn chung, Paracetamol được đánh giá là một trong những nhóm an toàn và lành tính, ít tác dụng phụ trên cơ thể nhất, không làm ảnh hưởng xấu cho tim mạch hay hệ hô hấp, dạ dày khi sử dụng.
Theo khuyến nghị quốc tế, liều dùng Paracetamol là từ 10-15mg trên một kg mỗi lần. Như vậy, với vóc dáng chung của người trưởng thành Việt Nam hiện nay ở cả 2 giới từ 43 - 65kg thì có sử dụng liều 650mg paracetamol là phù hợp, có thể uống 4-6 lần/ngày nhưng không quá 4g/ngày.
Những trường hợp cần tới gặp bác sĩ là khi bạn đau đầu ở mức độ nặng, thường xuyên tái phát, đau đầu không rõ nguyên nhân; đau đầu kèm theo sốt cao, nôn mửa, cứng gáy; đau đầu kèm với rối loạn ý thức, hành vi hoặc đi không vững, cứng cơ, yếu liệt tay chân, hoặc mất khả năng diễn tả bằng ngôn ngữ,...
• Tôi bị đau nửa đầu thường xuyên, thay đổi thói quen thức khuya, ăn uống mà không cải thiện. Giờ tôi muốn đi khám, vậy xin hỏi để chẩn đoán bệnh thì cần làm xét nghiệm gì? Xin cảm ơn. (Trần Thị Hồng Phước - nữ, 27 tuổi, nặng 55kg, Long An)
TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 trả lời:
Đau nửa đầu là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới nhưng thường rất dễ nhầm lẫn với nhiều căn bệnh khác.
Khi những cơn đau này gây ảnh hưởng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, công việc, bạn có thể sử dụng những loại thuốc giảm đau lành tính, an toàn, ít tác dụng phụ cho cơ thể như Paracetamol.
Liều thông dụng hiện nay cho người trưởng thành, nặng từ 55kg như thông tin bạn cung cấp là 650mg paracetamol. Khi sử dụng đúng hàm lượng sẽ giúp kiểm soát cơn đau tốt hơn.
Bên cạnh đó, nếu triệu chứng đau nửa đầu của bạn kéo dài không khỏi thì nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Thần kinh để thăm khám, chẩn đoán sớm tình trạng bệnh và có phác đồ điều trị hiệu quả.
Đau nửa đầu được chẩn đoán dựa trên tiền sử cá nhân và gia đình người bệnh và các triệu chứng lâm sàng. Nếu cơn đau của bạn không giống bình thường, phức tạp hoặc đột nhiên trở nên nghiêm trọng, bác sĩ thường yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm để loại trừ các nguyên nhân khác, như công thức máu, cấy dịch não tủy, chụp CT, chụp MRI…
Bác sĩ sẽ chỉ định các cận lâm sàng cần thiết để chẩn đoán các cơn đau nửa đầu khi cần thiết. Ảnh minh họa: Nguồn Internet
• Điều trị cơn đau nửa đầu thế nào thưa BS? Trường hợp nào cần phải sử dụng thuốc giảm đau ạ?
TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 trả lời:
Mặc dù chưa có phương pháp điều trị bệnh đau nửa đầu triệt để nhưng có nhiều thuốc giúp giảm mức độ nặng và tần suất cơn đau nửa đầu. Một phương pháp điều trị đúng kết hợp với các phương pháp thay đổi lối sống có thể đạt được hiệu quả tốt.
Hiện, có các nhóm thuốc để điều trị đau đầu từ những thuốc thông thường như Paracetamol được chia thành những nhóm thuốc Non-Steroid cho đến những loại thuốc khác như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh.
Trong đó đối với thuốc giảm đau thông dụng paracetamol là thuốc không kê đơn, ở người lớn liều thường dùng là 650 mg uống 4-6 lần/ngày và không quá 4g/ngày.
Trước đây, ở Việt Nam vẫn thịnh hành duy nhất liều 500mg paracetamol cho người trưởng thành. Nhưng đây là hàm lượng phù hợp với thể trạng của người Việt gần 2 thập kỷ trước (33-50kg). Hiện nay, mức sống nâng cao nên tầm vóc dần được cải thiện. Theo dựa trên trung bình cân nặng hiện nay, liều lượng 650mg paracetamol sẽ phù hợp hơn, giúp kiểm soát cơn đau tốt hơn.
Khi bị đau nửa đầu, bên cạnh việc dùng thuốc giảm đau tạm thời, cần đến gặp bác sĩ để có chỉ định điều trị phù hợp với tình trạng của mỗi người.
Hiện nay paracetamol liều 650mg phù hợp với “mẫu số chung” tầm vóc hiện nay của người Việt ở cả 2 giới từ 43-65kg
• Ngoài dùng thuốc, cần làm gì để cải thiện tình trạng đau nửa đầu thưa BS? (Vương Quang Hà - tranhavuong…@gmail.com)
TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 trả lời:
Ngoài việc dùng thuốc, lối sống khoa học rất quan trọng đối với những người bị đau nửa đầu. Bạn cần hạn chế các thực phẩm có chất kích thích như: rượu, bia, trà, cà phê, thuốc lá, nước uống có gas, sôcôla, phomat, xúc xích, dăm bông, mì chính, trái cây họ cam, quýt...
Nên ăn nhiều thực phẩm giàu magie như cá, cây họ đậu, rau màu xanh sậm, vì có thể giúp giảm bớt tần số đau. Không nên ăn quá nhiều và quá nhanh, không bỏ bữa sáng. Mỗi bữa nên ăn một lượng thức ăn vừa phải và ăn thành nhiều bữa (cứ 3 - 4 giờ ăn 1 lần).
Bên cạnh đó, bạn cần ngủ sớm, ngủ đủ giấc, thức dậy sớm, tập thể dục, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi - làm việc hợp lý để tránh căng thẳng sẽ giúp tinh thần sảng khoái hơn, các cơn đau vì thế cũng giảm đi. Không nên ngồi nhiều trước máy vi tính và nghe nhạc quá to trong một khoảng thời gian lâu.
Khi bị đau, hãy nghỉ ngơi trong một căn phòng tối và mát, hoặc tắm dưới vòi sen. Đắp khăn lạnh lên trán hoặc ép ngón tay lên thái dương bên đau cũng có thể giúp giảm nhẹ sự khó chịu. Một ly nước bổ dưỡng, mát-xa cổ, sau gáy và cơ... cũng có thể có ích cho những bệnh nhân đau nửa đầu.
• Thưa BS, có cách nào để phòng ngừa đau nửa đầu không ạ? Mong được BS hướng dẫn. (Đỗ Quốc Minh - mido76…@gmail.com)
TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 trả lời:
Để phòng ngừa cơn đau nửa đầu khởi phát, bạn cần tránh các thuốc gây giãn mạch, thuốc ngừa thai có estrogen; sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi điều độ, tránh các căng thẳng tâm lý, tránh các thức ăn gây tăng cơn như rượu bia, fromage, bột ngọt.
Kính mời quý độc giả cùng đón xem những nội dung tiếp theo trong chuyên đề Giảm đau hiệu quả.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình