Hotline 24/7
08983-08983

Dấu hiệu nhận biết, các bước sơ cứu khi bị phản vệ và sốc phản vệ

Không chỉ có tiêm vắc xin, trong cuộc sống có rất nhiều dị nguyên có khả năng gây ra tình trạng phản vệ và sốc phản vệ, từ thực phẩm, thuốc, nọc độc côn trùng… Vì vậy, việc nhận biết dấu hiệu, phân biệt với tình trạng dị ứng thông thường và cách sơ cứu hiệu quả là điều quan trọng để ngăn chặn khả năng nguy hiểm tính mạng.

1. Phản vệ và sốc phản vệ là gì?

Thưa TS Kim Tú khi nói đên sốc phản vệ ở thời điểm này nhiều người đang nghĩ đến việc tiêm vắc xin COVID-19 thế nhưng trong cuộc sống không ít người gặp phải tình trạng này bởi một số tác nhân dị ứng. Thưa BS Kim Tú nhờ BS có thể chia sẻ rõ về khái niệm PHẢN VỆ và SỐC PHẢN VỆ được không ạ?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Nhờ việc tiêm vắc xin COVID-19 nhiều người mới biết nhiều hơn đến khái niệm phản vệ và sốc phản vệ. Trước đây, khái niệm này khá giới hạn cho người bệnh dị ứng. Bệnh nhân dị ứng, nhất là dị ứng nặng đều có nguy cơ bị phản vệ và sốc phản vệ.

Theo định nghĩa chung, phản vệ là tình trạng phản ứng dị ứng cấp tính, với đặc điểm xảy ra rất nhanh, có thể trong vòng vài giây, vài phút hoặc giới hạn trong vòng 2 giờ sau khi tiếp xúc với nguồn dị nguyên. Triệu chứng xảy ra nhanh, ồ ạt. Chẳng hạn, một người ăn trứng và sau đó có hiện tượng nổi mề đay thì đó là một triệu chứng dị ứng nhẹ. Nhưng một người bị phản vệ triệu chứng ồ ạt hơn, mề đay có thể xuất hiện nhanh, khắp người.

Sốc phản vệ là phản ứng nặng nhất của tình trạng phản vệ. Theo Bộ Y tế, phản vệ chia làm 4 độ (độ 1, độ 2, độ 3 và độ 4). Từ độ 3 trở lên, bệnh nhân có hiện tượng sốc phản vệ. Đó là khi cơ thể có phản ứng nặng, khiến cho đường thở của bệnh nhân đóng lại gây khó thở, khó khăn trong hoạt động hô hấp. Đồng thời, các mạch máu trong người bị giãn ra, tụt huyết áp, máu không lưu thông được đến các cơ quan quan trọng như não, tim… dẫn đến tình trạng sốc, khó thở, trụy tim mạch, thậm chí là tử vong.

2. Cơ chế nào gây ra phản vệ?

Với một người nguyên nhân vì sao thể lại họ có những phản vệ mạnh mẽ như vậy với các tác nhân, dị nguyên?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Đối với bệnh nhân dị ứng, cơ thể vốn dĩ đã ở trong tình trạng nhạy cảm và tồn tại những kháng thể IgE. Ví dụ như có người bị dị ứng với nọc của ong mật mà vô tình bị ong chích thì khi đó lượng dị nguyên đưa vào người rất mạnh, và khi gặp IgE sẽ kích hoạt tế bào mast - đây là thủ phạm phóng thích ra hóa chất trung gian, gây ra triệu chứng phản vệ.

Bình thường, chỉ 1 tế bào mast phóng thích ra hóa chất trung gian, chúng ta chỉ bị triệu chứng nhẹ. Nhưng khi tiếp xúc lượng dị nguyên nhiều thì một loạt tế bào mast phóng thích đồng thời hóa chất trung gian gây nên triệu chứng phản vệ và sốc phản vệ.

3. Những yếu tố nào kích hoạt nguy cơ phản vệ?

Những yếu tố nguyên nhân nào gây kích hoạt mạnh mẽ khả năng phản vệ?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Dị nguyên có thể thay đổi theo tuổi. Thường, dị nguyên có thể đến từ thức ăn, thuốc, nọc của những loại côn trùng (ví dụ như ong mật, ong vò vẽ, ong bắp cày). Theo một khảo sát tại Việt Nam, trong số các bệnh nhân phản vệ có khoảng 25% không tìm được nguyên nhân, có thể ở những người này có cơ địa, ví dụ như bệnh tăng tế bào mast hệ thống.

Hoặc một số người gặp tình trạng hiếm gặp hơn, đó là dị ứng nhựa cao su. Khi dị ứng nặng với nhựa cao su, vô tình lại có phản ứng chéo với một số loại trái cây, ví dụ như mít, kiwi… Vì vậy, khi ăn những loại trái cây này với số lượng nhiều có thể gây triệu chứng phản vệ.

Bên cạnh đó còn có những yếu tố làm nặng thêm tình trạng phản vệ bao gồm:

- Vận động nặng sau khi ăn. BS đã từng gặp một số bệnh nhân dị ứng với hải sản nhưng khi ăn không xảy ra triệu chứng nào cả. Tuy nhiên, nếu sau khi ăn mà tập gym, vận động thì họ sẽ có triệu chứng phản vệ. Đây là thể bệnh rất đặc biệt, phản vệ liên quan đến vận động và gây ra do thức ăn.

- Rượu bia. Khi bệnh nhân dị ứng đến khám các BS thường khuyên rằng, nếu đã ăn những thực phẩm gây dị ứng thì tốt nhất không nên uống rượu bia. Bởi vì điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ phản vệ và làm tăng nặng thêm các triệu chứng.

- Một số loại thuốc như thuốc điều trị bệnh tim mạch (thuốc ức chế beta), thuốc hạ lipid máu, một số thuốc kháng viêm không steroid… cũng có khả năng làm nặng thêm tình trạng phản vệ, nhưng đây là tình trạng kèm theo. Khi sử dụng đồng thời hoặc tiếp xúc nguồn dị nguyên sẽ làm nặng hơn nguy cơ bị phản vệ.

- Bệnh nhân có nền mắc bệnh lý dị ứng, ví dụ như hen suyễn không kiểm soát cũng là một trong những yếu tố làm tăng nặng tình trạng phản vệ.

4. Đâu là những dấu hiệu cảnh báo phản vệ, sốc phản vệ?

Những dấu hiệu và triệu chứng của phản vệ là gì ạ? Trong đó dấu hiệu nào là dễ nhận ra nhất? Nhiều người chia sẻ cho rằng: Bất kỳ những phản ứng dị ứng mà họ gặp phải đều là do phản vệ của cơ thể. Liệu có phải hay không hay chỉ là những triệu chứng bình thường do cơ địa dị ứng của họ?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Những triệu chứng dị ứng nhẹ hơn thường xảy ra ít cấp tính hơn, ít rầm rộ hơn và không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân. Chẳng hạn như chúng ta tiếp xúc với dị nguyên và bị ngứa nhẹ ngoài da, đây là phản ứng dị ứng mà cơ thể có thể dung nạp được.

Nếu chúng ta tiếp xúc với dị nguyên và xảy ra các triệu chứng cấp tính, rầm rộ thì phải cân nhắc đến trường hợp phản vệ. Bởi phản vệ là phản ứng dị ứng nặng và cấp tính. Bộ Y tế chia phản vệ làm 4 cấp độ (nhẹ, trung bình, nặng và nguy kịch).

- Nhẹ (độ 1) là phản ứng ngoài da và tổ chức dưới niêm như bệnh nhân bị mề đay phù mạch, triệu chứng rầm rộ khắp cơ quan, không chỉ giới hạn ngoài da mà còn ở trên tay, chân, hoặc mắt môi sưng phù.

- Trung bình (độ 2) sẽ có triệu chứng biểu hiện ở 2 cơ quan trở lên, có thể là ngoài da kèm theo một phản ứng tại cơ quan khác trong cơ thể, ví dụ như tại đường hô hấp, bệnh nhân bắt đầu thở nhanh, khó thở; tại tim mạch thì bệnh nhân thấy tim đập nhanh hơn, tăng nhẹ huyết áp; tại tiêu hóa thì cảm giác đau quặn, đau thắt bụng hoặc bị tiêu chảy.

- Nặng (độ 3), bệnh nhân có sốc, lúc đó đường thở đóng lại, tụt huyết áp nặng.

- Nguy kịch (độ 4), bệnh nhân trụy tim mạch, ngừng hô hấp, tuần hoàn.

Tóm lại, nếu đó là phản ứng xảy ra nặng, nhanh, thường trong vòng 2 giờ thì chúng ta có thể nghi ngờ bệnh nhân bị phản vệ.

5. Sơ cứu người bị phản vệ như thế nào?

Khi nào người bệnh cần phải đi cấp cứu ngay lập tức? Nếu đang ở bên cạnh ai đó bị phản ứng dị ứng và cho thấy các dấu hiệu sốc phản vệ thì chúng ta cần làm gì ngay để giúp họ ạ?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Nguyên tắc chung khi sơ cứu đó là ngưng nguồn dị nguyên ngay lập tức. Ví dụ như bệnh nhân ăn trứng và có phản vệ, khó thở, khò khè và thậm chí ngất xỉu thì chúng ta phải cắt nguồn dị nguyên ngay lập tức bằng cách lấy miếng trứng ra khỏi cơ thể. Hoặc nếu bệnh nhân bị ong chích thì chúng ta có thể làm một cách nào đó để tháo các ngòi ong, nếu bệnh nhân đang truyền thuốc thì phải ngừng loại thuốc đó ngay lập tức.

Sau đó, đặt bệnh nhân ở tư thế thoải mái nhất, không bị chặn đường thở. Một số tư thế người ta đề nghị đó là cho bệnh nhân ngồi dậy, nhưng hơi ngả người ra đằng sau để thở dễ dàng hơn. Nếu bệnh nhân đã thấy mệt, muốn ngất thì nên đặt nằm xuống, tránh những chấn thương khác và có thể nâng 2 chân lên, giúp tuần hoàn máu lưu thông tốt hơn. Ngoài ra, có những tư thế hỗ trợ khác như đặt bệnh nhân nằm nghiêng qua một bên, lấy tay đỡ đầu để không bị chặn đường thở và để đầu gối bên phải đặt xuống đất để không bị chặn bụng.

Riêng đối với sản phụ, nếu bị phản vệ, tốt nhất nên đặt nằm nghiêng bên trái, để tăng lượng máu tuần hoàn đến thai nhi.

Thực tế tại Việt Nam, khi tiếp xúc một bệnh nhân bị phản vệ thì phản ứng đầu tiên sẽ là mất bình tĩnh. Vì vậy, để sơ cứu nhanh và hiệu quả thì việc đầu tiên là giữ cho bệnh nhân không bị chấn thương đầu. Nếu bệnh nhân té thì đỡ nằm xuống, gác 2 chân cao lên ngay lập tức. Đồng thời tìm xem bệnh nhân có đang ăn hay đang dùng thuốc trong miệng không, nếu có thì lấy ra trước. Đối với sản phụ thì đặt nằm nghiêng trái. Nhanh chóng gọi cấp cứu.

Ở nước ngoài, với mỗi bệnh nhân bị sốc phản vệ hoặc nguy cơ bị sốc phản vệ thì các bác sĩ chuyên khoa dị ứng sẽ cung cấp cho bệnh nhân một chiếc bút tiêm adrenaline. Khi bệnh nhân bị sốc phản vệ thì sẽ rút chốt an toàn ở bút và trong đó có sẵn một ngòi kim chứa adrenaline, có thể dùng tiêm trực tiếp vào trong mạch trước đùi, như vậy kim chứa thuốc sẽ được phóng thích vào cơ thể. Đây là phương pháp hiệu quả nhất để đối phó với những trường hợp phản vệ ngoài cộng đồng.

Nhưng thực tế, tại Việt Nam chưa có. Vì vậy, tốt nhất chúng ta nên giữ cho bệnh nhân an toàn. Nếu bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở, chúng ta có thể áp dụng các biện pháp cấp cứu ngừng tuần hoàn, đồng thời gọi cấp cứu ngay lập tức.

6. Trẻ em bị dị ứng nhẹ, nguy cơ xảy ra phản vệ trong tương lai thế nào?

Khi một em bé chỉ bị dị ứng nhẹ trong quá khứ liệu rằng xác suất mà trẻ có thể gặp phải tình trạng phản vệ nặng trong tương lai là bao nhiêu phần trăm ạ?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Về con số cụ thể thì thực tế rất khó để trả lời. Chúng ta sẽ bàn luận theo hướng nguy cơ thấp và nguy cơ cao.

Đối với trẻ có phản ứng dị ứng trong thời kỳ thơ ấu thì trẻ sẽ có khả năng tự dung nạp, nên đa phần sẽ ít có nguy cơ dị ứng về sau. Tuy nhiên, đối với bất kỳ trẻ nào hoặc ai đó có tiền căn phản ứng dị ứng nặng thì nguy cơ lớn sẽ phản vệ xảy ra trong tương lai.

Ngoài ra, nếu người đó có những yếu tố nguy cơ, nặng nhất là bệnh lý dị ứng chưa được kiểm soát tốt, ví dụ như hen suyễn chưa được kiểm soát thì đó là nguy cơ rất lớn có thể gặp phản vệ khi tiếp xúc với dị nguyên trong tương lai. Hoặc một số yếu tố nguy cơ khác kèm theo như lớn tuổi, dùng quá nhiều loại thuốc, đặc biệt là thuốc ức chế beta, thuốc kháng viêm không steroid, thuốc hạ lipid máu… khiến người bệnh có khả năng phản vệ nặng hơn trong tương lai.

Một tuýp nho nhỏ, chúng ta có thể căn cứ dựa theo loại dị nguyên mà người bệnh dị ứng, chẳng hạn như nếu trẻ có phản ứng dị ứng nặng, cấp tính sau khi tiêu thụ những thực phẩm (trứng, sữa, hạt đậu phộng…) thì chúng ta nên theo dõi, tư vấn với một bác sĩ chuyên khoa Dị ứng để đánh giá nguy cơ phản vệ trong tương lai.

Đối với người trưởng thành thì cần lưu ý những trường hợp bệnh nhân có dị ứng với các loại thuốc như kháng sinh, đặc biệt là nhóm Beta Lactam - đây là một trong những nguyên nhân thường gặp gây nên phản ứng phản vệ ở người trưởng thành.

7. Những xét nghiệm nào cần làm để tìm ra dị nguyên gây phản vệ?

Khi đến các cơ sở y tế BS sẽ có những xét nghiệm chẩn đoán thế nào để tìm ra nguyên nhân?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Đối với xét nghiệm, chúng ta sẽ làm những test liên quan đến loại dị nguyên nghi ngờ. Đối với thức ăn có thể làm xét nghiệm máu, tìm kháng thể IgE đặc hiệu với dị nguyên, hoặc làm test lẩy da. Đối với thuốc thì cân nhắc làm những test da với thuốc đó. Đối với nọc côn trùng thì chúng ta có thể thông qua xét nghiệm tìm kháng thể IgE với côn trùng.

Tuy nhiên, như từ đầu chương trình nhắc đến, có khoảng 25% không tìm được nguyên nhân chính xác loại dị nguyên đó là gì. Trong trường hợp đó, nếu bệnh nhân có nhiều triệu chứng gợi ý thì bác sĩ có thể tìm thêm các bệnh hiếm gặp hơn, ví dụ như bệnh tăng tế bào mast hệ thống…

Khi khám tìm nguyên nhân bị sốc phản vệ thì bệnh sử cũng rất quan trọng. Do đó, nhưng người có tiền căn bị phản vệ, sau khi qua cơn cấp cứu thì tốt nhất chúng ta cố gắng ghi chú lại trong khoảng thời gian 2 giờ trước đó đã tiêu thụ món ăn nào, dùng thuốc kèm theo hay không… Đó là những tư liệu quý để bác sĩ lâm sàng có thể định hình dị nguyên là gì, bệnh nhân thuộc thể lâm sàng nào và tìm phương pháp chẩn đoán chính xác nhất.

8. Biến chứng nguy hiểm của phản vệ nặng là gì?

Phản ứng phản vệ nặng không cấp cứu kịp sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm thế nào ạ?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Nguy cơ đáng sợ nhất là bệnh nhân có thể tử vong, đặc biệt là tình trạng sốc phản vệ sẽ làm cho bệnh nhân bị co thắt đường thở ngay lập tức và làm giãn mạch máu gây tụt huyết áp, giảm lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng. Do đó, nguy cơ lớn nhất là ngưng hô hấp tuần hoàn.

Nếu nhẹ hơn, đa phần trong các trường hợp được cấp cứu kịp thời thì bệnh nhân sẽ qua cơn và sau đó có thể điều trị đến khi ổn định triệu chứng, đồng thời tiếp tục có kế hoạch điều trị để tầm soát kịp thời nguyên nhân gây phản vệ.

9. Làm sao phòng ngừa hiệu quả tình trạng phản ứng dị ứng?

Để làm giảm phản ứng dị ứng của cơ thể và ngăn ngừa phản ứng nghiêm trọng trong tương lai chúng ta cần chú trọng điều gì trong sinh hoạt chế độ ăn uống để phòng ngừa?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Để phòng ngừa tình trạng dị ứng nói chung, trước tiên cần phải khám bác sĩ chuyên khoa Dị ứng để được tầm soát, xác định rõ nguồn dị nguyên. Bệnh nhân bị dị ứng nhưng nếu không tìm được nguyên nhân thì khả năng tiên đoán cũng như ngăn ngừa tái phát trong tương lai gần như bằng 0.

Do đó, bệnh sử của bệnh nhân rất quan trọng. Người bệnh nên ghi lại các triệu chứng mình gặp phải (tiền sử dùng thức ăn, dùng thuốc, bệnh lý đi kèm), đặc biệt là tiền căn trong gia đình có bao nhiêu người bị dị ứng, có nền bị phản vệ, phù mạch di truyền hoặc bệnh tế bào mast hệ thống.

Khi bệnh nhân lo sợ một nguy cơ phản vệ thì có thể tìm đến bác sĩ chuyên khoa Dị ứng để tìm hiểu xem đó có thực sự là dị nguyên gây bệnh cho mình không và nếu đã xác định được nguồn dị nguyên thì có nguy cơ phản ứng chéo với dị nguyên khác không. Dựa vào những thông tin này, bác sĩ Dị ứng có thể có kế hoạch cụ thể để giúp bệnh nhân phòng tránh những phản vệ trong tương lai.

10. Điều trị cắt đứt hoàn toàn tình trạng phản vệ được không?

Liệu rằng chúng ta có thể điều trị dứt điểm tình trạng phản vệ không, thưa BS?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Chúng ta gần như không thể điều trị cắt đứt hoàn toàn được, vì đó đã là một phản ứng dị ứng nặng. Về việc điều trị, chúng ta chia làm 2 giai đoạn:

- Cấp tính (bệnh nhân vào cơn cấp). Chúng ta hiện có một số phác đồ để điều trị phản vệ và sốc phản vệ, đa phần đều rất hiệu quả. Thực tế khi làm các khảo sát về phản vệ tại TPHCM thì hầu như các bệnh nhân đều được cấp cứu kịp thời và không có trường hợp nào tử vong.

Tuy nhiên, việc ngăn ngừa phản vệ trong tương lai vẫn còn là một bài toán khó, bởi vì có tới 25% (1/4 số ca) không tìm được nguyên nhân. Để ngăn ngừa được phản vệ chỉ còn cách tầm soát để tìm hiểu các thông tin dị ứng của bản thân và gia đình. Từ đó xây dựng kế hoạch phối hợp với bác sĩ dị ứng để phòng ngừa chính xác và hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, một số bệnh nhân có những phản vệ với nguyên nhân hiếm gặp. Như trong giai đoạn chúng ta chích ngừa vắc xin COVID-19 có một số bệnh nhân phản ứng với vắc xin, mặc dù trước đó họ không có tiền sử dị ứng nào cả. Tuy nhiên, điều đáng mừng là tỷ lệ này rất thấp và hầu như nếu cấp cứu kịp thời sẽ không có hậu quả quá lớn cho bệnh nhân.

Nói chung, việc điều trị trong phản vệ giai đoạn cấp hiện nay đã có nhiều tiến bộ. Quan trọng là khi bệnh nhân xảy ra triệu chứng, người xung quanh cần nhanh chóng giúp bệnh nhân được hỗ trợ y tế kịp thời nhất.

- Trong giai đoạn sau khi bệnh nhân đã qua cơn phản vệ thì cách tốt nhất là khám chuyên khoa Dị ứng để tầm soát nguyên nhân và có kế hoạch dự phòng trong tương lai.

11. Cơ địa dị ứng, có nên tập tiếp xúc dần với dị nguyên gây dị ứng?

Thưa BS, với một người có cơ địa dị ứng thì họ có nên tập tiếp xúc cho quen dần với dị nguyên gây dị ứng? Lời khuyên của BS như thế nào trong những trường hợp này ạ.

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Nếu bệnh nhân đã có phản vệ thì tốt nhất không nên tiếp xúc ngay với dị nguyên đó, bởi vì nguy cơ rất cao. Một bác sĩ dị ứng khi để bệnh nhân tiếp xúc với dị nguyên và muốn giúp bệnh nhân giải mẫn cảm thì phải cân nhắc rất nhiều yếu tố như: bệnh có nặng không (bởi vì bệnh nhân đã có phản vệ và sau đó cho tiếp xúc lại dị nguyên thì nguy cơ phản vệ lần 2 rất lớn); thời gian (bệnh nhân có phản vệ cách đó bao lâu).

Ngoài ra, bác sĩ cũng cần chỉ định thực hiện xét nghiệm máu, test da để đánh giá mức độ phản ứng với dị nguyên. Nếu bệnh nhân có phản vệ từ rất lâu, sau này không bị lại nữa, khi làm xét nghiệm thấy mức độ mẫn cảm đã giảm thì lúc đó có thể lên kế hoạch để bệnh nhân giải mẫn cảm.

Tuy nhiên, việc giải mẫn cảm phụ thuộc hoàn toàn vào dị nguyên. Một số dị nguyên có thể giải mẫn cảm thành công nhưng một số khác thì rất khó để giải mẫn cảm. Sau đó, bác sĩ sẽ có kế hoạch giúp bệnh nhân giải mẫn cảm từ từ, nhưng cần phải lựa chọn dị nguyên với hàm lượng ổn định để không đưa bệnh nhân vào trạng thái nguy hiểm.

Tóm lại, chúng ta có thể hy vọng vào giải mẫn cảm nhưng cần phải biết dị nguyên đó là gì, mức độ mẫn cảm và phải có kế hoạch để làm việc với bác sĩ chuyên khoa dị ứng dài lâu.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X