Dấu hiệu cảnh báo viêm tụy cấp sau khi uống rượu bia, ăn nhiều chất béo cần lưu ý
Dùng quá nhiều chất béo, rượu bia là một trong những yếu tố quan trọng đưa đến viêm tụy cấp - một căn bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Trong bài viết dưới đây ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành sẽ chia sẻ một số thông tin quan trọng về dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa căn bệnh này.
1. Vào đầu năm, tần suất bệnh nhân nhập viện vì viêm tụy cấp có thay đổi?
Các dịp lễ Tết, nhiều trường hợp bị viêm tụy cấp được ghi nhận tại các bệnh viện. Tại đơn vị BS công tác, vào các dịp Tết đến Xuân về, tần suất bệnh nhân nhập viện vì viêm tụy cấp có thay đổi so với các ngày trong năm?
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Dịp xuân về không chỉ thay đổi tần suất viêm tụy cấp mà còn thay đổi về một số bệnh trong khoa tiêu hóa gan mật nói chung.
Viêm tụy cấp là một trong những nhóm bệnh thường xuyên gặp và mức độ nặng hơn so với ngày thường. Trong khi đó, nhóm bệnh liên quan đến rượu bia thường gặp ở khoa tiêu hóa như bệnh nhân uống rượu bia trên nền bệnh gan sẽ gây biến chứng xuất huyết tiêu hóa, ói ra máu.
2. Viêm tụy cấp là gì và nguyên nhân nào dẫn đến viêm tụy cấp?
Nhờ BS giải thích kỹ hơn, viêm tụy cấp là gì và bệnh thường xảy ra khi nào thưa BS? Nguyên nhân nào khiến viêm tụy cấp tìm đến chúng ta vào dịp Tết cao hơn bình thường ạ?
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Trong cơ thể, tuyến tụy là một trong những tuyến tham gia vào hệ tiêu hóa. Dân gian hay gọi tuyến tụy là lá mía vì có hình dạng gần giống và vắt ngang ở vùng bụng.
Viêm tụy cấp là tình trạng tuyến tụy, mô tụy bị tổn thương do enzyme tụy tiết ra và tiêu hủy mô tụy. Bình thường tuyến tụy sẽ tiết ra enzym tiêu hóa để tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn. Trong trường hợp enzym được kích hoạt bên trong tuyến tụy sẽ tiêu hủy mô của tuyến tụy làm cho tuyến tụy bị sưng, phù nề và rối loạn về mặt chức năng, dẫn đến tình trạng viêm tụy cấp.
Có 3 nhóm nguyên nhân chính gây viêm tụy cấp:
- Uống quá nhiều rượu.
- Sỏi mật.
- Triglyceride trong máu tăng bất thường, quá mức.
Tuy nhiên còn một loạt các nguyên nhân khác như:
- Tăng canxi trong máu.
- Bệnh nhân bị chấn thương tuyến tụy.
- Sử dụng một số thuốc ảnh hưởng đến tuyến tụy.
- Một số thủ thuật ngoại khoa như: nội soi mật tụy ngược dòng.
Khi tình trạng viêm tụy cấp tái đi tái lại nhiều lần sẽ trở thành bệnh lý được gọi là viêm tụy mạn tính. Nếu tuyến tụy bị tổn thương mạn tính sẽ ảnh hưởng đến chức năng khác của tuyến tụy là chức năng nội tiết. Từ đó gây rối loạn chuyển hóa đường, dẫn đến người bệnh bị tiểu đường.
3. Những ai có nguy cơ mắc viêm tụy cấp?
Những ai có nguy cơ mắc viêm tụy cấp trong ngày Tết, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Trong những ngày Tết thông thường có 2 nhóm nguyên nhân nổi trội dẫn đến người bệnh bị viêm tụy là:
- Sử dụng quá nhiều chất béo.
- Sử dụng nhiều rượu bia.
4. Làm sao để nhận diện các dấu hiệu của bệnh viêm tụy cấp?
Vậy làm sao để nhận diện các dấu hiệu của bệnh viêm tụy cấp? Bệnh thường nhầm lẫn với các tình trạng nào khác của sức khỏe và liệu có cách nào để phân biệt không thưa BS?
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Thông thường biểu hiện của viêm tụy cấp có rất nhiều thể và mỗi một thể sẽ rất nặng nề, dễ tái đi tái lại nếu không kiểm soát được các yếu tố nguy cơ.
Một khi đã xác nhận được bệnh nhân bị viêm tụy do uống quá nhiều rượu thì những lần sau phải hạn chế rượu bia. Nếu vẫn tiếp tục tình trạng uống rượu bia thì chắc chắn viêm tụy sẽ tái diễn.
Một số trường hợp bệnh nhân rối loạn về lipid máu (lipid máu tăng quá cao) dẫn đến viêm tụy, cần hạn chế chế độ ăn nhiều dầu mỡ. Thường viêm tụy xảy ra sau một bữa ăn thịnh soạn. Nếu bữa ăn đó có quá nhiều chất đạm, chất mỡ sẽ khởi phát cơn đau viêm tụy.
Đặc điểm của cơn viêm tụy cấp rất điển hình. Thông thường cơn đau viêm tụy sẽ xảy ra sau bữa ăn thịnh soạn hoặc bữa tiệc có quá nhiều rượu bia. Người bệnh sẽ đột ngột đau bụng dữ dội, đau ở vùng thượng vị sau đó lan ra phía sau và phía sau lưng. Cơn đau này có thể giảm nếu người bệnh nằm co người giống tư thế cò súng.
Tình trạng viêm tụy nặng sẽ làm bụng chướng. Khi đó sẽ gây liệt ruột và người bệnh không xì hơi được, cảm giác đau, khó chịu. Thậm chí một số trường hợp bệnh nhân nôn ói dữ dội.
Hai dấu hiệu rất điển hình trong y học về một số trường hợp viêm tụy nặng và có nguy cơ tử vong cao là bầm xung quanh rốn và bầm phía sau lưng.
5. Khi xuất hiện triệu chứng của viêm tụy cấp nên sơ cứu như thế nào?
Khi xuất hiện triệu chứng của viêm tụy cấp, chúng ta nên sơ cứu như thế nào? Viêm tụy cấp, nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế nào để điều trị ạ?
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Đặc điểm của cơn viêm tụy là đau khủng khiếp, đau dữ dội và hầu như khó đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường.
Khi người bệnh có các dấu hiệu này, tốt nhất không được ăn uống và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán. Nếu đã chẩn đoán viêm tụy bác sĩ sẽ có liệu trình điều trị phù hợp, khi đó các triệu chứng mới có thể hồi phục.
Trong một số trường hợp nếu người bệnh không đến cơ sở y tế kịp thời tình trạng viêm tụy sẽ trở nên nặng nề hơn. Từ đó xuất hiện các biến chứng nặng của viêm tụy và có thể dẫn đến:
- Tràn dịch màng phổi làm người bệnh không thở được
- Ảnh hưởng lên thận, tổn thương thận cấp bệnh nhân sẽ bị suy thận
- Có thể nhiễm khuẩn nặng gây tình trạng nhiễm trùng, sốc nhiễm trùng và người bệnh có thể tử vong.
6. Viêm tụy cấp sẽ được điều trị ra sao?
Viêm tụy cấp sẽ được điều trị ra sao ạ? Khả năng điều trị viêm tụy cấp ở nước ta so với các nước tiên tiến trên thế giới như thế nào ạ?
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Hầu hết các trường hợp viêm tụy cấp nếu được phát hiện và xử lý kịp thời tỷ lệ thành công sẽ khá cao. Trừ một số trường hợp quá nặng nề không được theo dõi và xử lý đúng có thể dẫn đến tử vong.
Trong điều trị viêm tụy cấp:
- Tổn thương của mô tụy do chính men tụy làm hủy hoại mô tụy do đó tình trạng thoát dịch rất nhiều người bệnh sẽ bị mất nước. Vì vậy bắt buộc người bệnh phải được truyền lượng dịch đầy đủ để bù lại và tránh ảnh hưởng đến các cơ quan khác.
- Đồng thời khi tuyến tụy bị viêm sẽ có cơn đau do viêm tụy rất điển hình và khó chịu. Do đó người bệnh sẽ được sử dụng thuốc giảm đau.
- Một số trường hợp bệnh nhân chướng bụng, khó chịu quá nhiều: Bắt buộc phải đặt ống sonde vào mũi dạ dày để giải quyết dịch bên trong, làm cho người bệnh có cảm giác dễ chịu hơn.
Tùy thuộc vào biến chứng của tổn thương tụy nếu nhiễm trùng nặng bắt buộc phải sử dụng một loại kháng sinh khá đắt tiền. Đặc biệt kháng sinh này phải vào được mô tụy thì mới điều trị được tình trạng viêm tụy.
Phải tìm ra nguyên nhân gây viêm tụy.
- Nguyên nhân tắc nghẽn: Do sỏi mật gây nghẹt ống dẫn tụy thì bắt buộc phải giải quyết được viên sỏi thì sự tái lập mới dễ dàng.
- Một số nguyên nhân khác: Do tăng triglyceride (mỡ máu) quá nhiều phải sử dụng thuốc hạ lipid máu.
Tùy theo nguyên nhân mà sẽ có chiến lược điều trị phù hợp. Trong một số trường hợp viêm tụy mà triglyceride máu không đáp ứng bằng thuốc thì bệnh nhân phải lọc máu để cải thiện tình trạng việm tụy.
7. Làm thế nào để phòng ngừa viêm tụy cấp?
Với những bữa ăn thịnh soạn, chứa nhiều dầu mỡ, nhiều đạm, vậy có cách nào để phòng ngừa viêm tụy cấp, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Để an toàn, hạn chế tình trạng viêm tụy tái diễn, khuyến cáo mọi người:
- Phải ăn có chừng mực, ăn vừa đủ no. Không nên ăn quá no hoặc ăn thêm quá nhiều.
- Sử dụng bia rượu có chừng mực. Không được quá chén, quá đà.
- Người có cơ địa viêm tụy phải hạn chế chất béo.
Đối với nhóm người chưa có biểu hiện bệnh tụy trước đó, sau khi ăn bữa ăn thịnh soạn, nếu có cảm giác đau vùng dưới ức hoặc trên rốn dữ dội kèm theo nôn ói, hoặc chướng bụng. Tốt nhất nên đến cơ sở y tế để được hướng dẫn và điều trị kịp thời.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình