Đái tháo nhạt có liên quan đến đái tháo đường?
Bệnh “đái tháo nhạt” và “đái tháo đường” nghe có vẻ giống nhau, nhưng chúng không liên quan gì đến nhau. Mặc dù đều là hai căn bệnh liên quan đến sự rối loạn chuyển hóa nhưng có những đặc điểm khác nhau. Người bệnh cần tìm hiểu rõ để có hướng điều trị phù hợp.
I. Tìm hiểu bệnh đái tháo nhạt
1. Nguyên nhân gây bệnh đái tháo nhạt là gì?
Đái tháo nhạt là một bệnh khác với bệnh đái tháo đường. Tên của chúng tương tự nhau, nhưng điểm chung duy nhất của chúng là khiến bạn khát nước và khiến bạn đi tiểu nhiều.
Bệnh đái tháo nhạt là căn bệnh có tỉ lệ hiếm gặp hơn so với bệnh đái tháo đường, nam gặp nhiều hơn nữ và thường ở lứa tuổi trẻ. Bệnh xuất hiện do cơ thể sản xuất không đủ chất hormone kháng lợi tiểu - ADH đây là hormone được sản xuất ở vùng dưới đồi trong bộ não và dự trữ ở thùy sau của tuyến yên và dưới áp lực thẩm thấu máu sẽ được điều tiết ra.
Nếu bạn bị đái tháo nhạt, các hormone giúp cơ thể bạn cân bằng chất lỏng sẽ không hoạt động. Cứ 25.000 người thì có 1 người mắc chứng này.
Có khoảng 50% trường hợp đái tháo nhạt không rõ nguyên nhân. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng chủ yếu xảy ra ở người lớn. Đái tháo nhạt cũng có thể xuất hiện trong giai đoạn phụ nữ có thai.
Các tình trạng gây ra sự thiếu hụt ADH hoặc ngăn chặn tác động của ADH dẫn đến sản xuất dư thừa nước tiểu. Nếu bạn bị bệnh đái tháo nhạt, cơ thể bạn không thể cân bằng lượng chất lỏng. Các nguyên nhân chính dẫn đến bệnh đái tháo nhạt, bao gồm:
a. Đái tháo nhạt trung ương (đái tháo nhạt thần kinh)
- Tổn thương tuyến yên hoặc vùng dưới đồi do phẫu thuật, khối u, chấn thương đầu hoặc bệnh tật.
- Đái tháo nhạt do di truyền.
- Có khoảng 30 - 40% các bệnh nhân có kháng thể trực tiếp neuron vùng dưới đồi tiết ADH.
b. Đái tháo nhạt thận
Bệnh đái tháo nhạt do thận xảy ra khi có một khiếm khuyết trong cấu trúc của thận khiến thận của bạn không thể đáp ứng đúng với ADH.
Một số loại thuốc, chẳng hạn như lithium hoặc thuốc kháng vi-rút như foscarnet (Foscavir), cũng có thể gây ra bệnh đái tháo nhạt do thận.
c. Đái tháo nhạt thai kỳ
Trong thai kỳ, một aminopeptidase từ nhau thai làm tăng chuyển hoá AVP gây thiếu AVP dẫn đến tiểu nhiều.
d. Uống nhiều tiên phát (thói uống nhiều-potomanie)
Khi bạn uống nước nhiều làm giảm lượng vasopressin mà cơ thể bạn tạo ra, đồng thời khiến bạn đi tiểu nhiều hơn. Nguyên nhân bao gồm tổn thương vùng dưới đồi hoặc tuyến yên của bạn do:
- Một khối u
- Chấn thương đầu
- Sự nhiễm trùng
- Viêm
- Ca phẫu thuật.
2. Các triệu chứng lâm sàng của bệnh đái tháo nhạt
a. Khi mắc bệnh đái tháo nhạt người bệnh thường có các biểu hiện sau
- Đi tiểu tiểu nhiều có thể từ 3 - 20 lít/ngày thậm chí có thể lên tới 40 lít/ngày.
- Tiểu thường xuyên cứ cách nửa tiếng một lần.
- Thức đêm nhiều lần để đi tiểu.
- Cảm thấy vẫn khát mặc dù uống nhiều nước, đặc biệt là nước lạnh.
- Dấu hiệu chung của mất nước bao gồm: đau đầu, khô miệng lưỡi khô da, chóng mặt, chuột rút, lơ mơ, thậm chí bất tỉnh.
- Cơ thể mệt mỏi và giảm khả năng tập trung do thiếu ngủ vì phải thức dậy đi tiểu nhiều lần trong đêm.
b. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc đái tháo nhạt có thể có các dấu sau
- Ướt tã bất thường.
- Sốt, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
- Da khô.
- Tăng trưởng chậm.
- Giảm trọng lượng.
Xem thêm: Bệnh đái tháo nhạt là gì?
3. Điều trị bệnh đái tháo nhạt bằng cách nào?
Phương pháp điều trị bệnh đái tháo nhạt chủ yếu phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh tại trung ương hay tại thận thì từ dó mới có phương pháp điều trị.
- Nếu nguyên nhân gây bệnh đái tháo nhạt là do sức ép của khối u tuyến yên sẽ tiến hành phẫu thuật loại bỏ khối u thì mới khỏi.
- Nếu nguyên nhân là do chấn thương tinh thần hay nhiễm trùng nặng thì cần điều trị tích cực các chấn thương và tình trạng nhiễm trùng.
- Nếu do suy thận thì tiến hành điều trị bệnh thận.
- Nếu nguyên nhân là do thiếu hormon ADH thì phải điều trị bằng phương pháp thay thế (dùng nội tiết tố).
Đặc biệt, người bệnh nên nắm được lượng nước uống vào và thải ra. Nếu khát nước, người bệnh không nên uống quá nhiều hoặc quá ít chỉ nên uống một lượng vừa đủ để thận có thể hoạt động ổn định lại.
4. Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa đái tháo nhạt
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
II. Tìm hiểu về bệnh đái tháo đường
1. Bệnh đái tháo đường do đâu?
Bệnh đái tháo đường là do rối loạn chuyển hóa không đồng nhất do tăng glucose đường huyết hoặc do khiếm khuyết về tiết insulin hoặc cả hai.
Tăng glucose trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, làm tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim, mạch máu, thận, mắt và hệ thần kinh.
- Đái tháo đường type 1: Nguyên nhân là do phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối.
- Đái tháo đường type 2: Nguyên nhân là do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin.
- Đái tháo đường thai kỳ: Được chẩn đoán trong tam cá nguyệt thứ 2 hoặc thứ 3 của thai kỳ.
- Đái tháo đường thứ phát.
- Đái tháo đường thể LADA.
Xem thêm: Chẩn đoán và điều trị đái tháo nhạt trung ương
2. Triệu chứng lâm sàng của bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường có các biểu hiện bao gồm:
- Có cảm giác rất khát, hay còn được gọi là chứng khát nhiều
- Đi tiểu nhiều, tiểu thường xuyên mỗi giờ
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi.
Ngoài ra, còn có thể xuất hiện các biểu hiện khác như:
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Mờ mắt nếu có biến chứng mắt
- Xuất hiện tình trạng nhiễm trùng âm đạo thường xuyên ở phụ nữ
- Nhiễm nấm men hoặc nấm candida
- Khô miệng
- Chậm lành vết loét hoặc vết cắt
- Xuất hiện tình trạng ngứa da, đặc biệt là ở vùng bẹn hoặc khu vực âm đạo.
3. Phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường
Đối với bệnh nhân đái tháo đường phải có một chế độ ăn uống đặc biệt để kiểm soát lượng đường trong máu. Nên có các bữa ăn nhẹ vào thời điểm cố định mỗi ngày.
Thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu bằng dụng cụ đo đường huyết tại nhà (máy thử glucose mao mạch) và cẩn trọng với các dấu hiệu cho thấy mức độ đường trong máu quá thấp hoặc quá cao. Cần biết cách phát hiện cơn hạ đường máu và cách xử trí cơn hạ đường máu ở nhà.
Đái tháo đường type 1 là bệnh không có khả năng chữa khỏi nhưng bệnh đái tháo đường type 2 có thể được cải thiện tốt nếu thay đổi lối sống lành mạnh (như có chế độ ăn hợp lý, luyện tập phù hợp, dùng thuốc hợp lý).
Việc chẩn đoán bệnh đái tháo đường không khó nhưng điều trị bệnh hết sức khó khăn. Vì vậy cần tầm soát đái tháo đường sớm và có hướng điều trị kiểm soát đường máu tốt. Việc kiểm soát đường máu tốt và ngăn ngừa biến chứng hoàn toàn phụ thuộc vào sự hiểu biết và tuân thủ điều trị của bệnh nhân.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình