Đái tháo đường: Phân loại, triệu chứng và cách phòng tránh
Bệnh đái tháo đường đang có xu hướng trẻ hóa, bệnh lý này gây ra biến chứng nguy hiểm. Vậy đái tháo đường được phân loại như thế nào? Làm thế nào để phòng tránh? Các thắc mắc trên sẽ được TS.BS Trần Minh Triết - Phó Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM giải đáp trong bài viết dưới đây.
1. Đái tháo đường là gì? Tại sao lại được ví như “đại dịch thế kỷ XXI”?
Đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường, được mọi người ví như “đại dịch của thế kỷ XXI”. Vậy bệnh đái tháo đường là gì? Vì sao căn bệnh này lại được ví von như vậy?
TS.BS Trần Minh Triết trả lời: Đái tháo đường là tình trạng tăng đường huyết hoặc glucose máu mãn tính do khiếm khuyết của quá trình hoạt động hormones insulin trong việc kiểm soát đường huyết hay khiếm khuyết trong quá trình bài tiết insulin hoặc cả hai và kèm theo nhiều yếu tố khác dẫn đến hậu quả là tăng glucose máu mãn tính. Việc tăng glucose máu hay đường huyết mãn tính sẽ dẫn đến ảnh hưởng và xảy ra nhiều biến chứng trên các cơ quan khác nhau.
Phổ biến là biến chứng mạch máu nhỏ và biến chứng mạch máu lớn. Điều quan trọng giải thích vấnđề tại sao mọi người nói đây là căn bệnh thế kỷ và cực kỳ nguy hiểm. Bởi vì quá trình tăng đường huyết mãn tính diễn ra rất âm thầm trong một thời gian dài. Ngay cả sau khi bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị không tốt, bệnh vẫn diễn tiến âm thầm.
Lâu ngày, gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, dẫn đến nhiều biến chứng. Biến chứng phổ biến nhất là biến chứng trên tim mạch. Bệnh nhân có thể bị đột tử, nhồi máu cơ tim hay đột quỵ và những biến chứng trên mạch máu nhỏ có thể gây mù mắt, suy thận mạn giai đoạn cuối. thậm chí cắt cụt chân (đoạn chi). Toàn bộ quá trình diễn ra rất âm thầm, đến khi xuất hiện các biến chứng sẽ gây khó khăn trong việc điều trị. Đó là gánh nặng lớn cho kinh tế, xã hội và nền y tế.
Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, đái tháo đường được coi là một “đại dịch của thế kỷ 21”.
2. Trong những năm gần đây, bệnh đái tháo đường có thay đổi gì?
Bệnh đái tháo đường ở Việt Nam có thay đổi gì trong những năm gần đây, thưa BS?
TS.BS Trần Minh Triết trả lời: Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, ước tính cứ mỗi năm tỷ lệ người bị đái tháo đường liên tục gia tăng. Con số gia tăng và chịu ảnh hưởng của đái tháo đường nhiều nhất là những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Số liệu ghi nhận trong những năm gần đây cho thấy, tỷ lệ này gia tăng đáng kể và căn bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Người trẻ tuổi hơn có thể bị mắc đái tháo đường nhiều hơn so với nhiều năm trước đây. Họ nghĩ rằng trước đây chỉ có người lớn tuổi mới bị đái tháo đường.
3. Đái tháo đường phân loại như thế nào? Bệnh nào phổ biến nhất?
Đái tháo đường được phân loại ra sao, trong đó căn bệnh nào là phổ biến nhất, thưa BS?
TS.BS Trần Minh Triết trả lời: Đái tháo đường được chia làm 4 loại: đái tháo đường type 1, đái tháo đường type 2, đái tháo đường thai kỳ và đái tháo đường do nguyên nhân khác. Trong 4 loại đó, đái tháo đường type 2 là căn bệnh thường gặp nhất. Căn bệnh này được nhiều người bàn về cách phòng ngừa và tiếp cận, điều trị nhằm hạn chế tối đa tỷ lệ đái tháo đường type 2 cũng như điều trị tối ưu nhất.
4. Đái tháo đường type 1 và type 2 có dấu hiệu khác nhau ra sao?
Xin BS cho biết dấu hiệu cảnh báo giữa tiểu đường type 1 và type 2 khác nhau như thế nào?
TS.BS Trần Minh Triết trả lời: Triệu chứng của đái tháo đường type 1 và type 2 không khác nhau nhiều vì 2 căn bệnh này gây tăng đường huyết mãn tính. Khi nói về triệu chứng tăng đường huyết, người ta sẽ nói về hội chứng 4 nhiều. Điều này được lan truyền qua nhiều kênh thông tin.
Hội chứng 4 nhiều là người bệnh luôn cảm thấy khát nước và đi tiểu nhiều, uống nước nhiều. Lúc nào cũng cảm thấy đói và ăn nhiều nhưng bị sụt cân nhanh, khó tăng cân. Tuy nhiên, các triệu chứng này xuất hiện bất ngờ và nhanh ở người đái tháo đường type 1.
Đối với người đái tháo đường type 2, trong khoảng thời gian dài họ không có triệu chứng. Đến khi có các triệu chứng, bệnh nhân mới biết đường huyết trong người tăng cao. Chính vì vậy, người bệnh cần xem mình có thuộc nguy cơ bị đái tháo đường type 2 hay không, họ cần đi phát hiện, tầm soát sớm để kiểm tra đường huyết định kỳ nhằm phát hiện sớm đái tháo đường type 2.
Đối với đái tháo đường type 1, cơ chế bệnh sinh chính là do tế bào Beta tự phá hủy một cách đột ngột khiến việc kiểm soát đường huyết gặp nhiều khó khăn và triệu chứng xuất hiện một cách thình lình trong thời gian ngắn. Đôi khi người bệnh phải nhập viện vì triệu chứng tăng đường huyết. Đó là điểm khác biệt giữa triệu chứng đái tháo đường type 1 và type 2.
5. Dấu hiệu nào cảnh báo đái tháo đường thai kỳ?
Đối với đái tháo đường thai kỳ, dấu hiệu cảnh báo sẽ là gì, thưa BS?
TS.BS Trần Minh Triết trả lời: Ngày nay, tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ đang có xu hướng gia tăng nhanh. Đái tháo đường thai kỳ gần như không có triệu chứng tương tự như đái tháo đường type 2.
Chiến lược phát hiện đái tháo đường thai kỳ cũng dựa trên yếu tố nguy cơ. Nếu tôi bắt đầu mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ, chúng ta nên tầm soát đái tháo đường để xem bản thân có bị đái tháo đường type 2 hay không. Trong trường hợp không bị đái tháo đường type 2, người mẹ sẽ đợi đến tuần 24 hoặc 28 của thai kỳ. Các bác sĩ sản khoa hoặc nội tiết sẽ hướng dẫn thai phụ thực hiện biện pháp dung nạp Glucose để xác định mình có bị đái tháo đường thai kỳ không.
Đối với người mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ, cần thực hiện một cách chủ động. Không nên đợi triệu chứng mà nên tầm soát để xem có bệnh hay không để can thiệp kịp thời.
6. Yếu tố nguy cơ nào gây ra đái tháo đường?
Những yếu tố nguy cơ nào khiến một người dễ mắc đái tháo đường hơn, thưa BS?
TS.BS Trần Minh Triết trả lời: Khi nói về yếu tố nguy cơ của đái tháo đường type 2, nguyên nhân đầu tiên là tình trạng thừa cân béo phì.
Đối với người Châu Á là chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn hoặc bằng 23 thì xác định họ đang trong tình trạng thừa cân, béo phì. Các yếu tố tiếp theo như: có người thân như cha mẹ, anh chị em ruột bị đái tháo đường (người thân trực hệ). Các bệnh lý như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch cũng là yếu tố nguy cơ của đái tháo đường type 2.
Nên nhìn vòng bụng, eo, đối với nam là trên 90, đối với nữ trên 80 được xem là có tình trạng béo bụng hoặc béo phì trung tâm. Đó là một trong những yếu tố nguy cơ của đái tháo đường. Đối với phụ nữ, bị hội chứng buồng trứng đa nang hoặc có tiền sử đái tháo đường thai kỳ ở lần mang thai trước đó được xem như nhóm người có nguy cơ đái tháo đường cao. Vì vậy, những đối tượng đó cần được tầm soát sớm.
Những người không bị thừa cân, béo phì nhưng trên 45 tuổi, gần như chúng ta phải tầm soát để kiểm tra đái tháo đường một cách chủ động, không nên đợi xuất hiện các triệu chứng. Khi làm xét nghiệm, nếu không bị đái tháo đường, mỗi người sẽ lặp lại việc tầm soát từ 1 đến 3 năm tùy theo những yếu tố nguy cơ của bản thân và bác sĩ là người chỉ định điều này.
7. Vì sao bệnh đái tháo đường trẻ hóa? Phổ biến ở độ tuổi nào?
Không chỉ riêng Việt Nam mà trên thế giới, căn bệnh đái tháo đường ngày một gia tăng theo mỗi năm và căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa. Xin hỏi BS, tại sao có sự trẻ hóa này? Cụ thể trẻ hóa đối với căn bệnh đái tháo đường là độ tuổi bao nhiêu, thưa BS?
TS.BS Trần Minh Triết trả lời: Trước đây, chúng ta cho rằng đái tháo đường type 2 chỉ xảy ra ở người lớn tuổi. Tuy nhiên gần đây, đái tháo đường type 2 xuất hiện ở nhóm người có độ tuổi rất trẻ. Trong quá trình thăm khám, tôi đã từng gặp bệnh nhân tiểu đường type 2 đang học tiểu học, căn bệnh này có thể xuất hiện rất sớm. Nhìn chung, đái tháo đường type 2 có thể xuất hiện ở bất cứ độ tuổi nào.
Nguy cơ hàng đầu của tiểu đường type 2 là thừa cân béo phì, nếu chúng ta có những đứa trẻ đang ở độ tuổi nhỏ nhưng lại thừa cân quá nhiều, nên xem đó là những đối tượng có nguy cơ.
Hiện tượng thừa cân, béo phì ngày càng gia tăng do sự phát triển kinh tế và xã hội. Thứ nhất, trẻ em ngày nay ít vận động, tham gia hoạt động thể thao. Gần như các bé thích ngồi trước vi tính, xem điện thoại hoặc chơi Ipad nên trẻ ít vận động. Thứ hai, trẻ có xu hướng sử dụng các loại thức ăn nhanh và nước uống có ga. Đó là yếu tố nguy cơ gây thừa cân, béo phì. Khi thừa cân béo phì xuất hiện, chắc chắn nhóm đối tượng đó dễ bị nguy cơ mắc đái tháo đường type 2.
8. Triệu chứng cảnh báo của tiền đái tháo đường là gì?
Thưa BS, ngoài đái tháo đường, hiện nay, chúng ta nhắc nhiều đến tiền đái tháo đường. Xin hỏi BS, liệu trong giai đoạn này, có những triệu chứng nào cảnh báo không ạ?
TS.BS Trần Minh Triết trả lời: Tiền đái tháo đường là giai đoạn đầu khi người đó chuẩn bị chuyển sang đái tháo đường. Tình trạng này thường xuất hiện ở người đái tháo đường type 2. Đái tháo đường type 1 không được đề cập đến tiền đái tháo đường vì các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột và nhanh.
Đối với đái tháo đường type 2, cần một khoảng thời gian dài để diễn tiến, do thừa cân béo phì. Sau đó, tăng đường huyết dần dần dẫn đến ngưỡng được chẩn đoán là đái tháo đường.
Trong giai đoạn tăng đường huyết, họ gọi đó là tình trạng tiền đái tháo đường. Chính vì vậy, hiện nay trên thế giới và Việt Nam, khi can thiệp và phòng ngừa đái tháo đường type 2, chúng ta sẽ can thiệp vào tình trạng tiền đái tháo đường để làm chậm diễn tiến đến đái tháo đường type 2.
Tốt hơn nữa, chúng ta sẽ can thiệp thừa cân béo phì để chậm diễn tiến đến đái tháo đường. Từ đó, chúng ta sẽ không bị đái tháo đường type 2. Như vậy, phát hiện sớm đái tháo đường là việc rất quan trọng. Can thiệp càng sớm sẽ đạt được rất nhiều lợi ích.
9. Hạ đường huyết ảnh hưởng gì trong điều trị đái tháo đường? Phòng ngừa bằng cách nào?
Ảnh hưởng của quá trình hạ đường huyết trong việc điều trị đái tháo đường như thế nào? Làm sao để phòng ngừa được tình trạng này thưa BS?
TS.BS Trần Minh Triết trả lời: Hạ đường huyết là tình trạng hay gặp khi điều trị đái tháo đường. Khi tăng đường trong máu, chúng ta sẽ phải sử dụng thuốc để kiểm soát lượng đường đó. Có 2 nhóm thuốc: một nhóm thuốc không gây hạ đường huyết tức là kiểm soát không tăng quá mức. Như vậy, nó sẽ dừng ở mức cho phép. Một số thuốc có tác động hạ đường huyết mạnh hơn có thể khiến đường huyết giảm thấp dưới ngưỡng. Khi đó, người ta gọi tình trạng này là bị hạ đường huyết.
Các triệu chứng hạ đường huyết bao gồm đói bụng, rung tay chân, hồi hộp, vã mồ hôi, người bị mệt mỏi. Hơn nữa, bệnh nhân có thể bị hôn mê trong một số trường hợp, đe dọa đến mạng sống. Hạ đường huyết là một điều cực kỳ quan trọng đối với bác sĩ lẫn bệnh nhân trong quá trình điều trị đái tháo đường. Đây sẽ là một rào cản rất lớn, khi có một cơn hạ đường huyết, người bệnh sợ và bác sĩ cũng sợ hãi, không dám điều trị tích cực để kiểm soát đường huyết một cách tối ưu, làm cho việc kiểm soát đường huyết không như ý muốn khiến đường huyết tăng lên trở lại và gây ra các biến chứng.
Mục tiêu điều trị bệnh đái tháo đường là kiểm soát đường huyết trong khoảng cho phép và hạn chế tối đa nguy cơ hạ đường huyết. Đó là điều quan trọng khi điều trị đái tháo đường.
Cơn hạ đường huyết có liên quan đến loại thuốc mình đang sử dụng. Nguyên nhân thứ hai là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, tức là người bệnh ăn uống không điều độ. Bệnh nhân ăn rất nhiều nhưng khi thấy đường huyết cao thì lại nhịn ăn. Đói thì lại ăn gấp đôi khiến đường huyết dao động liên tục. Lúc đường huyết tăng cao, đôi khi hạ đường huyết.
Chính vì vậy, người bệnh cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn uống và tập thể dục điều độ, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Quan trọng hơn hết, bệnh nhân cần phải đi tái khám định kỳ để bác sĩ điều chỉnh toa thuốc khi cần thiết. Đây là những yếu tố hàng đầu để phòng ngừa cơn hạ đường huyết. Song song đó, bác sĩ sẽ tư vấn cách xử trí khi bị hạ đường huyết ở nhà.
10. Làm thế nào để phòng ngừa đái tháo đường?
Xin BS hướng dẫn một số cách phòng ngừa đái tháo đường cho quý khán giả?
TS.BS Trần Minh Triết trả lời: Bệnh đái tháo đường nghe rất đáng sợ và căn bệnh này gây ra nhiều biến chứng. Phát hiện sớm bệnh đái tháo đường, điều trị bệnh đúng cách và tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ cũng như giữ mức đường huyết ở mức ổn định giúp giảm được các biến chứng. Lưu ý, không phải ai cũng bị xuất hiện các biến chứng nêu trên.
Như vậy, chúng ta sẽ đi từng bước và đẩy lùi căn bệnh theo thời gian. Nếu lỡ bị đái tháo đường, cần kiểm soát đường huyết tốt theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm các biến chứng.
Người bệnh cần chủ động phát hiện đái tháo đường sớm và không đợi đến khi xuất hiện triệu chứng rồi mới đi kiểm tra. Nếu làm được việc này sớm hơn, các biến chứng sẽ tiếp tục được giảm.
Để phòng ngừa đái tháo đường, chúng ta cần xem lại các yếu tố nguy cơ. Trong đó, có những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được. Ví dụ, thừa cân béo phì liên quan đến lối sống. Nếu biết mình nằm trong nhóm đối tượng nguy cơ, cần phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập luyện thể dục đúng mức để giữ cân nặng ở mức lý tưởng, không tăng cân quá mức nhằm không bị rơi vào nhóm nguy cơ cao.
Cần đi tầm soát đái tháo đường đúng theo hướng dẫn. Ví dụ, người trên 45 tuổi, dù không có triệu chứng cũng cần phải đi tầm soát để kiểm tra tình trạng sức khỏe. Nếu phát hiện bệnh giai đoạn sớm, chúng ta điều trị sẽ rất tốt. Lượng thuốc dùng rất ít nhưng tính hiệu quả cao. Khi phát hiện đái tháo đường, chúng ta cần điều trị cho thật tốt.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình