Hotline 24/7
08983-08983

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng thế nào đến người bệnh tăng huyết áp?

Đại dịch COVID-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng nặng nề về kinh tế và tinh thần cả cộng đồng, đặc biệt là bệnh nhân tăng huyết áp. Vậy làm sao để người bệnh kiểm soát tốt chỉ số huyết áp? Tất cả sẽ được giải đáp với chia sẻ của ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường - Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ.

1. Dịch COVID-19 ảnh hưởng thế nào đến người bệnh tăng huyết áp?

Trước tiên xin được hỏi BS, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe, tâm trạng của người bệnh tăng huyết áp?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường:

Dịch COVID-19 đang diễn tiến phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới gây ra những ảnh hưởng lớn đến tình trạng sức khỏe người bệnh, đặc biệt là người bệnh tăng huyết áp.

Đầu tiên, khi dịch bệnh bùng phát, chúng ta bị hạn chế rất nhiều về cuộc sống, kinh tế, sinh hoạt hàng ngày bị thay đổi. Khi bị hạn chế đi lại, chế độ sinh hoạt, tập thể dục, ăn uống, nghỉ ngơi hàng ngày cũng bị đảo lộn dẫn đến stress, rất dễ xảy ra tình trạng tăng huyết áp.

Trong dịch COVID-19 bùng phát, số lượng người khám chữa bệnh có giảm. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp bệnh nhân huyết áp tăng vọt lên. Nguyên nhân là bệnh nhân lo lắng nhiều hơn, mất ngủ nhiều hơn do sự tác động của môi trường, cuộc sống hàng ngày.

Vì vậy, chúng ta cần có chế độ sinh hoạt cho phù hợp với tình hình hiện nay.

2. Nguyên nhân khiến chỉ số huyết áp bất ổn trong dịch COVID-19

Trong dịch COVID-19 phức tạp như hiện nay, những nguyên nhân nào khiến huyết áp dễ “biến thiên” nhất ạ?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường:

Trong tình hình COVID-19, nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta bị căng thẳng, stress. Công việc hàng ngày làm chúng ta không thể vận động bình thường gây ảnh hưởng rất nhiều.

Bên cạnh đó, chỉ loanh quanh ở nhà khiến bản thân stress, căng thẳng nếu trong gia đình có những mối bất hòa.

Vấn đề thứ hai là việc hạn chế đi tái khám hoặc có những trường hợp sợ dịch, bỏ thuốc dẫn đến tình trạng huyết áp tăng vọt gây nguy hiểm.

3. Tăng huyết áp ảnh hưởng đến cơ thể thế nào?

Tăng huyết áp ảnh hưởng đến mắt, thận tim, não như thế nào? Kể cả chưa đưa đến biến chứng nặng như đột quỵ hay nhồi máu cơ tim thì việc huyết áp “nhảy nhót” liên tục sẽ đưa đến hậu quả ra sao thưa BS?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường:

Tăng huyết áp làm ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan, đặc biệt là tim, thận, não, mắt và các mạch máu. Tăng huyết áp rất dễ gây ra tình trạng xuất huyết não hoặc khi các mạch máu bị vôi hóa, xơ vỡ nhiều sẽ gây nhồi máu não.

Tăng huyết áp gây ra tình trạng tim lớn, dẫn đến suy tim hoặc các bệnh lý như nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành.

Tăng huyết áp khiến thận thường xảy ra tình trạng tiểu đạm, tiểu ra đạm hoặc nặng hơn là tình trạng suy thận.

Bên cạnh đó, tăng huyết áp sẽ gây tình trạng mờ mắt, thoái hóa võng mạc mắt,... Kể cả những người chưa có biểu hiện đó thì mức độ tăng huyết áp cao, nhảy vọt làm cơ tim diễn tiến âm thầm, làm tim bị quá tải, tăng sức co bóp tim lên dẫn đến cơ tim dày lên, thành tim phì đại lên.

Những người bình thường các mạch máu trơn láng hơn, còn người tăng huyết áp lâu năm, các thành mạch máu cứng, xuất hiện các mảng xơ vữa, sau đó rất dễ bóc tách và đứt, vỡ gây ra các bệnh về nhồi máu cơ tim cấp, nhồi máu não cấp,...

Bên cạnh đó tình trạng tăng huyết áp âm thầm dẫn đến làm cho các bệnh nhân đau đầu, chóng mặt, cảm giác choáng váng thường xuyên gây ảnh hưởng đến chế độ sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

4. Người bệnh cần làm gì để kiểm soát chỉ số huyết áp?

Khi dịch bệnh còn phức tạp, người bệnh tăng huyết áp cần thay đổi những gì để bắt nhịp với lối sống và kiểm soát chỉ số huyết áp của bản thân tốt nhất?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường:

Tỷ lệ tiêm vắc xin của nước ta còn rất thấp, dịch có thể bùng phát từng đợt, tái lại nhiều nên rất khó kiểm soát. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi để có lối sống phù hợp.

Thay vì vận động tập thể dục, thể thao ngoài trời như ở công viên hoặc đi siêu thị, chúng ta có thể tập thể dục ở quanh nhà, có điều kiện mua máy tập thể dục tại nhà thì nên duy trì.

Về chế độ ăn uống, vì không được vận động, lao động nhiều nên chúng ta phải ăn uống cân đối để có mức tiêu hao năng lượng phù hợp.

Việc ăn uống thoải mái, nghỉ ngơi nhiều dẫn đến tình trạng béo phì, tăng cân và kéo theo tình trạng tăng huyết áp.

Chúng ta nên ăn nhiều chất xơ, rau củ quả, giảm muối, giảm ăn mặn, uống nước đầy đủ. Cần thay đổi các mối quan hệ trong gia đình phù hợp để tránh tình trạng căng thẳng quá, mất ngủ, stress nặng, rất dễ dẫn đến tình trạng huyết áp dao động, tăng nguy cơ xảy ra các bệnh lý về tim mạch và bệnh đột quỵ não.

5. Người bệnh tăng huyết áp cần làm gì để giảm stress?

Ngoài ra, dịch bệnh cũng khiến cho người bệnh tăng huyết áp dễ căng thẳng, stress hơn. BS có lời khuyên nào dành cho các bệnh nhân trong thời điểm này giúp giảm stress, cân bằng tâm trạng?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường:

Việc giảm stress trong thời gian dịch COVID-19 là vấn đề khá nổi trội. Giảm stress thì cuộc sống của chúng ta mới ổn định được.

Các tác động về kinh tế, xã hội thì phải tự bản thân chúng ta điều chỉnh như tìm hướng điều chỉnh kinh doanh phù hợp. Đồng thời, cần có những suy nghĩ theo hướng tích cực, không nên lo lắng, u sầu quá.

Đối với một số tác động từ môi trường xung quanh hoặc gia đình, chúng ta cần có sự chan hòa, trao đổi, giữ được ở mức cân bằng.

Khi ở nhà rất dễ xảy ra tranh cãi, chúng ta cần hiểu và để ý vấn đề để có thể phát hiện sớm và điều chỉnh cho cuộc sống cân bằng, cùng nhau vượt qua đại dịch.

Bởi đại dịch COVID-19 rất khó dứt điểm, trừ khi chúng ta được tiêm đầy đủ vắc xin mới giảm được nguy cơ dịch bùng phát. Khi vắc xin chưa có đủ hoặc chưa được tiêm ngừa, mỗi chúng ta đều có nguy cơ bị mắc bệnh.

6. Người bệnh tăng huyết áp có thể dời lịch tái khám do dịch COVID-19?

Thông tin về dịch COVID-19 khiến nhiều người bệnh tăng huyết áp e ngại tái khám theo lịch hẹn của BS. Xin hỏi trong thời điểm này, liệu người bệnh có thể dời lịch hẹn tái khái tối đa là bao lâu? Trong thời gian dời lịch tái khám, cần lưu ý những gì?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường:

Trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, việc tái khám của bệnh nhân tăng huyết áp gặp khó khăn.

Nên bệnh nhân có huyết áp ổn định, duy trì khoảng 120 - 130 mmHg thì người bệnh có thể tiếp tục uống thuốc theo toa của bác sĩ từ 2 - 3 tháng trong thời gian chờ dịch ổn định.

Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian này chúng ta cần chú ý khi uống thuốc nếu có vấn đề như đau đầu, nặng ngực, khó chịu thì người bệnh có thể liên hệ với bác sĩ hoặc liên hệ với tổng đài của bệnh viện để nhận được những lời khuyên phù hợp.

7. Huyết áp cao bao nhiêu thì có thể xử trí tại nhà?

Nhưng không phải trường hợp nào cũng dời lịch tái khám được. Huyết áp đến ngưỡng bao nhiêu thì xử trí tại nhà và bao nhiêu thì không nên chần chừ đến bệnh viện nữa ạ?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường:

Những trường hợp tăng huyết áp nhẹ, người bệnh có thể theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, khi có những dấu hiệu khẩn cấp như bệnh nhân đột ngột đau đầu nhiều, chóng mặt dữ dội, nôn ói hoặc huyết áp tăng lên 180-190 mmHg, cần đưa người bệnh đi khám và nhập viện sớm để kiểm tra lại.

Những trường hợp như đau ngực, nhói ngực, khó chịu nhiều ở vùng trước ngực hoặc bệnh nhân khó thở, mệt khi vận động gắng sức thì người bệnh cần đi tái khám sớm.

Việc xử trí bệnh nhân tăng huyết áp sẽ tùy theo từng trường hợp. Ví dụ, những trường hợp huyết áp khoảng 150-160 mmHg và cơ thể không có dấu hiệu gì, chúng ta có thể xử trí tại nhà.

Những dấu hiệu đau đầu nhẹ cũng có thể theo dõi, điều trị bằng thuốc huyết áp tại nhà như ngậm 1 viên captopril hoặc uống thêm 1 liều thuốc huyết áp hàng ngày để huyết áp ổn định. Sau đó, người bệnh cần nghỉ ngơi và theo dõi.

Những trường hợp huyết áp từ 140-180 mmHg trở lên đi kèm với nhức đầu, chóng mặt, nôn ói, khó thở, tức ngực phải đi thăm khám để được bác sĩ điều chỉnh kịp thời.

8. Khi đang cách ly, xử trí bệnh tăng huyết áp thế nào?

Những trường hợp thuộc diện cách ly tại nhà, nếu trong thời gian này huyết áp tăng cao thì cần xử trí thế nào, được chăm sóc, điều trị ra sao thưa BS?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường:

Nếu đang bị cách ly, huyết áp tăng cao nhưng không khó chịu nhiều, không nôn ói, không tức ngực chúng ta có thể uống thuốc để huyết áp ổn định. Bên cạnh đó, bệnh nhân nên điều chỉnh lối sống, nghỉ ngơi. Một số trường hợp có thể sử dụng thuốc huyết áp liều trước đó để uống thêm một viên.

Trường hợp sử dụng thuốc mà huyết áp không giảm, bệnh nhân có thể gọi điện cho bác sĩ đang điều trị để có những tư vấn phù hợp.

Nếu tăng huyết áp kèm đau tức ngực, nhức đầu, nôn ói, bệnh nhân cần thông báo cho cơ sở cách ly để có hướng điều trị thích hợp hoặc đưa người bệnh nhập viện.

9. Người bệnh tăng huyết áp nên ăn gì trong mùa dịch COVID-19

Việc ăn uống trong thời gian này phần nào cũng bị ảnh hưởng. BS có thể hướng dẫn những nguyên tắc dinh dưỡng mà người bệnh cần nhớ trong thời gian dịch bệnh?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường:

Thời gian dịch bệnh sẽ có nhiều hạn chế về cung cấp thực phẩm, do đó, người bệnh cần có chế độ ăn phù hợp.

Người bệnh tăng huyết áp cần ăn nhạt, ăn nhiều chất xơ, giảm chất béo. Bên cạnh đó, cần có chế độ ăn với sinh hoạt ngày. Nếu trước đây, chúng ta vận động nhiều nên sẽ ăn nhiều hơn; nếu hiện tại bị cách ly hoặc hạn chế vận động thì nên tiết chế việc ăn để kiểm soát cân nặng.

Nhiều trường hợp, sau cách ly, tăng cân dẫn đến béo phì và gây khó kiểm soát huyết áp. Đặc biệt, người vị huyết áp kèm theo tiểu đường, cần có chế độ ăn phù hợp để cả 2 bệnh này ổn định.

10. Cách sử dụng máy đo huyết áp đúng

Hiện nay, việc sử dụng máy đo huyết áp tại nhà rất phổ biến nhưng không phải ai cũng thực hiện đúng. Xin nhờ BS hướng dẫn cách đo đúng cho người bệnh (số lần đo, thời điểm đo, cách đọc kết quả),? Để kết quả đo chính xác, cần đảm bảo những điều kiện gì?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường:

Để đo huyết áp chính xác, cần lưu ý:

  • Trước khi đo, người bệnh cần nghỉ ngơi khoảng 10-15 phút
  • Không đo huyết áp sau khi ăn, uống rượu bia, hút thuốc lá
  • Có thể ngồi hoặc nằm để đo huyết áp. Tư thế ngồi, cần để tay phải nằm ngang với tư thế của tim.
  • Khi đo, cần theo dõi chỉ số huyết áp. Chỉ số huyết áp trên là huyết áp tâm thu, chỉ số dưới là huyết áp tâm trương.

Tần số đo huyết áp nhiều hay ít tùy thuộc vào sức khỏe của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có huyết áp ổn định (120 mmHg) thì không cần đo và theo dõi liên tục. Mỗi tuần, bệnh nhân có thể đo khoảng 2-3 lần.

Trường hợp bệnh nhân có huyết áp khó kiểm soát, có thể đo 1-2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều tối.

Một số trường hợp khác, bệnh nhân có thể được theo dõi thêm.

Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X