Cúm ít gây tử vong nhưng cần biết triệu chứng nào trở nặng
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Chủ tịch LCH Hô hấp TPHCM, sáng lập Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh chia sẻ, virus cúm thường được gọi là cảm cúm để xác định mức độ ít nghiêm trọng của bệnh. Tuy nhiên nếu xem thường, đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền… có thể biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
1. Khoảng 650 ngàn người trên thế giới tử vong do virus cúm mỗi năm
Mới đây truyền thông Đài Loan đồng loạt đưa tin minh tinh Từ Hy Viên (Đại S) qua đời ở tuổi 48 vì mắc phải bệnh cúm nặng và viêm phổi, nhờ BS cho biết:
- Vì sao cảm cúm và viêm phổi lại gây tử vong ạ?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Cúm là bệnh thường gặp khi thời tiết thay đổi, đặc biệt vào mùa đông, gây tử vong khoảng 650.000 người mỗi năm trên thế giới. Virus cúm thuộc nhóm siêu vi hô hấp, với 200-300 loại virus cảm. Trong đó, virus cúm A (H1N1, H3N2) lưu hành hàng năm, còn cúm B (Victoris, Yamagata) ít phổ biến hơn.
Mỗi năm có sự biến đổi của virus cúm, do đó phải cập nhật thường xuyên các chủng đang lưu hành để có biện pháp phòng chống hiệu quả.
Tóm lại, mặc dù virus cúm ít gây ra tử vong nhưng đặc biệt nghiêm trọng ở những người lớn tuổi hoặc trẻ em là những người thuộc nhóm nguy cơ cao, khi mắc cúm có thể xảy ra các biến chứng thậm chí tử vong.
2. Cúm mà xem thường có thể biến chứng tử vong
Đâu là dấu hiệu cho thấy cảm cúm đã trở nặng, thưa BS?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Trong những mùa dịch cúm rất khó để phòng chống bệnh đầy đủ và hiệu quả, dễ nhiễm virus cúm. Thế kỷ thứ XIX, có một dịch cúm Tây Ban Nha gây tử vong gần 20 triệu người, sau đó nhiều đợt dịch cúm khác tiếp tục bùng phát với tỷ lệ tử vong đáng kể.
COVID-19 cũng là một loại virus có triệu chứng giống cúm, đây là loại virus lạ đối với cơ thể con người, trong khi đó cúm là loại virus đặc hữu diễn ra hàng năm, do đó mức độ nghiêm trọng gây tử vong giảm đi.
Đây cũng là vấn đề khiến nhiều người chủ quan đối với virus cúm và liệt kê cúm vào bệnh cảm cúm như người Việt Nam thường gọi tên để xác định mức độ ít nghiêm trọng của nó.
Tuy nhiên, virus cúm có tình trạng biến đổi, mức độ bệnh nặng phụ thuộc vào đáp ứng viêm của cơ thể mỗi người, tùy theo sức đề kháng, miễn dịch của cơ thể. Ví dụ như miễn dịch tại chỗ hoặc miễn dịch toàn thân, người mắc COPD, hen phế quản, bệnh nhân có bệnh tiểu đường, miễn dịch kém đi dẫn đến bệnh cúm gây ra tác hại nhiều hơn.
Thời gian ủ bệnh cúm từ 2-5 ngày, sau đó khởi phát với triệu chứng mệt mỏi, suy nhược và sốt, có thể sốt cao 39-40°C kèm theo tình trạng viêm đường hô hấp trên. Các tình trạng sẽ kéo dài trong vòng 2 tuần lễ và hồi phục hoàn toàn.
Tuy nhiên một số người có thể vì một đáp ứng viêm rất mạnh của cơ thể đối với virus cúm hoặc do miễn dịch của cơ thể suy yếu, virus cúm đồng nhiễm với các tác nhân khác như vi khuẩn, vi khuẩn không điển hình, COVID-19 làm bệnh trở nên nặng hơn và có thể xuất hiện các biến chứng.
Khi cơ thể đã suy giảm miễn dịch và nhiễm siêu vi, trong đó có virus cúm làm ức chế tất cả tế bào miễn dịch, làm tình trạng đề kháng của cơ thể yếu đi rất nhiều, các vi khuẩn thường trú trong đường hô hấp như phế cầu, Haemophilus bùng phát.
Thậm chí một số bệnh mạn tính như giãn phế quản, COPD, các vi khuẩn kháng thuốc đã thường xuyên ở trong đường hô hấp và gây ra các biến chứng, vì vậy có thể dẫn đến các bệnh cảnh nặng của cúm, bệnh nhân có thể tử vong nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời.
3. Cúm và cảm lạnh khác nhau thế nào?
Làm thế nào để phân biệt cảm lạnh thông thường với cảm cúm ạ?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Cảm lạnh do nhiễm virus cảm như Adenovirus, Rhinovirus, hay một số virus khác, thường chỉ gây ra các triệu chứng chủ yếu của viêm đường hô hấp trên như đau họng, hắt hơi, sổ mũi, nhức dầu, sốt nhẹ, còn triệu chứng toàn thân rất ít, khi nghỉ ngơi, nâng cao sức đề kháng trong vòng một tuần triệu chứng sẽ qua đi.
Trong khi đó, cúm nặng nề hơn, ngoài các triệu chứng đường hô hấp trên người bệnh còn có các triệu chứng toàn thân như sốt cao (39-40°C), đau nhức nhiều và suy nhược rất nặng kéo dài do các đáp ứng viêm của cơ thể khi nhiễm cúm mạnh hơn nhiều so với cảm thông thường. Các chất trung gian hóa học hay Cytokine từ đáp ứng viêm có thể gây ra tổn thương ở đường hô hấp, thậm chí có thể gây ra tổn thương viêm lan tỏa (cơn bão Cytokine như COVID-19) và tấn công vào những cơ quan khác như viêm gan cấp, suy thận cấp, thậm chí tổn thương lên não, viêm não (gọi là cúm ác tính). Các tình trạng trên có thể diễn tiến một thời gian 1-2 tuần, đến tuần thứ hai các biến chứng sẽ trở nặng.
Ngoài nhiễm cúm thông thường còn có thể đồng nhiễm hoặc bội nhiễm với các tác nhân khác, làm cho cộng hưởng quá trình đáp ứng viêm, gia tăng sự xâm nhập của vi khuẩn, virus vào trong máu. Cụ thể như nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, nhiễm virus máu và có thể gây ra nhiễm virus xuất huyết toàn thân hoặc nhiễm trùng huyết toàn thân, gây ra tình trạng suy hô hấp, suy nhiều cơ quan và trong tránh khỏi tử vong.

4. Ai có nguy cơ cao gặp biến chứng do cúm và viêm phổi gây ra?
Vậy đâu là nhóm người có nguy cơ cao gặp biến chứng nghiêm trọng do cúm và viêm phổi gây ra, thưa BS?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Tuổi là một trong những yếu tố nguy cơ, ví dụ như trẻ em dưới 5 tuổi hoặc người già trên 65 tuổi, đây là hai nhóm người có miễn dịch suy giảm, khả năng tạo ra kháng thể trước tình trạng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn trở nên yếu và làm cho đáp ứng miễn dịch giảm.
Ngoài ra một số bệnh nền gây ra tình trạng suy giảm miễn dịch như tiểu đường, xơ gan, nghiện rượu, hút thuốc lá gây giảm miễn dịch tại chỗ. Các bệnh lý hen, COPD, cùng rất nhiều vấn đề làm sức đề kháng tại chỗ của đường hô hấp và sức đề kháng toàn thân suy giảm.
Bên cạnh đó, việc điều trị một số bệnh lý miễn dịch bằng thuốc ức chế miễn dịch có thể làm suy giảm đề kháng.
Bệnh nhân bị ung thư, hoặc vô tình/cố ý sử dụng corticoid trong các thực phẩm chức năng; thuốc cao, đơn, hoàn, tán… Đặc biệt trong chuyên khoa hô hấp thường gặp các bệnh nhân tìm đến những phương thuốc đông y, trong đó không may trộn corticoid vào, bệnh nhân uống lâu ngày sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể, khi bị nhiễm trùng, nhiễm virus, khả năng lan rộng của tình trạng nhiễm trùng sẽ nhanh hơn, đáp ứng của cơ thể sẽ kém hơn rất nhiều so với người bình thường.
5. Sốt, ho, suy kiệt nặng, khó thở là triệu chứng trở nặng, phải đi khám bác sĩ
Khi nào người bệnh cảm cúm cần nhập viện và khi nào có thể tự điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Cảm lạnh thông thường có thể điều trị tại nhà bằng cách uống nhiều nước, vitamin, thuốc giảm nhức đầu sẽ nhanh chóng khỏi bệnh.
Tuy nhiên khi bị cúm, tình trạng suy nhược kéo dài và có thể xảy ra biến chứng, đặc biệt là những người lớn tuổi, những người có bệnh nền, hoặc trẻ em khi xuất hiện triệu chứng cúm nên đi khám bác sĩ, đó là điều tốt nhất khi bị cúm.
Cần khám càng sớm càng tốt, đặc biệt trong 48 giờ đầu khi phát hiện nhiễm cúm bằng các phương pháp test nhanh hoặc các xét nghiệm sinh học phân tử, bác sĩ có thể cho bệnh nhân đơn thuốc có thuốc chống virus cúm giúp triệu chứng phục hồi nhanh hơn so với việc để tự nhiên. Nếu để tự nhiên thì khoảng 90% triệu chứng sẽ thuyên giảm, tuy nhiên sẽ kéo dài hơn so với điều trị đúng từ ban đầu.
Ngoài ra, một số người mắc các bệnh nền có thể xuất hiện biến chứng hoặc viêm phổi thứ phát sau cúm. Ví dụ như tụ cầu, phế cầu hoặc bùng phát các bệnh mạn tính như COPD, hen, giãn phế quản, làm cho bệnh nặng hơn.
Tóm lại, với các tình trạng nặng như sốt, ho, suy kiệt, triệu chứng thở không được, thở nhanh, nếu có điều kiện kẹp độ bão hòa oxy thấy SpO2<90% thì nên đi khám bác sĩ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình