Hotline 24/7
08983-08983

Cứ ốm, sốt, mệt mỏi là truyền dịch, truyền nước biển, nguy hiểm thế nào?

Mới đây, một nữ bệnh nhân sốt xuất huyết 28 tuổi tử vong sau khi truyền dịch tại phòng khám tư lại dấy lên lo ngại, bởi thực tế trong cộng đồng việc tự truyền dịch, truyền nước khá phổ biến. Vậy truyền dịch, truyền nước biển áp dụng cho những trường hợp nào? Nên truyền ở đâu để đảm bảo an toàn? Tất cả những thắc mắc này đã được BS Trương Hữu Khanh giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Truyền nước, truyền dịch trong y tế gồm những chất gì, công dụng ra sao?

Xin hỏi BS, “truyền nước”, “truyền dịch” mà trong cộng đồng hay rỉ tai nhau mỗi khi mệt mỏi thực chất là gì? Chất được truyền vào cơ thể này gồm những gì và công dụng thực sự ra sao ạ?

Người dân chúng ta hay nói, mệt thì đi truyền nước biển. Sau này không nói nước biển nữa, mà gọi là truyền dịch. Thực chất, dung dịch này có 3 chất: nước muối, nước đường (hoặc chai vừa có nước muối, vừa có nước đường) và nước muối (hoặc đường) pha thêm thuốc bổ hoặc truyền đạm. Tuy nhiên, khỏe lên sau khi truyền là cảm giác “giả”, tác dụng cũng thực sự ít.

2. Truyền dịch, truyền nước biển hỗ trợ, điều trị những bệnh lý nào?

Việc truyền dịch, truyền nước biển này thường được áp dụng trong những trường hợp nào, hay điều trị, hỗ trợ điều trị cho các bệnh lý nào thưa BS?

Trong bệnh viện, tỷ lệ truyền dịch cũng rất thấp. Chỉ những người bị mất nước mà không đưa nước vào được bằng đường miệng; hoặc người bị mất nước nặng, nhiều mà bổ sung nước bằng đường miệng không kịp thì sẽ truyền. Ngoài ra, những người quá suy kiệt, ăn uống không được thì sẽ truyền vào các chất bị thiếu vào cơ thể.

Do đó, việc truyền dịch thường được chỉ định trong bệnh viện và rất rõ ràng, chặt chẽ (truyền chất gì, lượng bao nhiêu, tốc độ ra sao, dịch đó có phù hợp với người bệnh không, người bệnh có suy thận, suy tim không…).

3. Truyền dịch, truyền nước biển ở cơ sở y tế không uy tín, điều gì sẽ xảy ra?

Truyền dịch, truyền nước này chống chỉ định hay cần cẩn trọng trên những người nào? Việc tự ý truyền dịch, truyền nước tại những nơi không phải cơ sở y tế uy tín, có giấy phép, người bệnh sẽ đối diện với những nguy cơ nào ạ?

Trong truyền dịch, có những vấn đề lo sợ như sau:

- Người bệnh bị sốc phản vệ, tử vong.

- Tim của người bệnh không tải nổi lượng dịch, truyền quá tốc độ sẽ gây suy tim, tử vong.

- Không thải được dịch, khi đó người sẽ phù lên.

Ngoài ra, trong dịch truyền có thể pha thêm một loại thuốc bổ, nhưng nếu người bệnh dị ứng với loại thuốc bổ đó thì rất dễ đưa đến sốc phản vệ.

4. Truyền dịch bằng nước dừa tại nhà, nguy cơ như thế nào?

Một số trường hợp không đến cơ sở y tế mà tự truyền dịch bằng nước dừa tại nhà. Theo BS, việc truyền nước dừa này có thực sự “thần thánh” như lời đồn? Truyền dịch bằng nước dừa lợi - hại ra sao? Với những trường hợp này, BS đưa ra lời khuyên gì ạ?

Thực tế, với sự phát triển của khoa học ngày nay, ít ai dám sử dụng nước dừa để truyền vào máu. Song nếu thực sự có trường hợp này, người bệnh vẫn có khả năng sốc như những tình huống đã bàn trước đó và nguy cơ nhiễm trùng cao, bởi vì không biết rõ nước này sạch hay dơ, độ tinh khiết ra sao. Một lượng dịch được truyền vào người cần phải đảm bảo yếu tố vô trùng.

5. Sốt xuất huyết, truyền nước, truyền dịch giúp bệnh nhanh khỏi hơn?

Quay trở lại với trường hợp bệnh nhân bị sốt xuất huyết tử vong sau khi truyền dịch. Thực tế, khi mắc sốt xuất huyết, cơ thể người bệnh thường mất nước rất nhanh chóng do sốt cao và liên tục, đồng thời cảm thấy vô cùng mệt mỏi và yếu ớt. Vì vậy, rất nhiều người đã nghĩ đến việc truyền nước để giải quyết tình trạng này.

- Xin hỏi BS, bị sốt xuất huyết có phải truyền nước, truyền dịch không? Liệu việc truyền nước này có giúp bệnh nhanh khỏi, tránh mất nước hơn?

Sốt xuất huyết, triệu chứng sốt không làm mất nước nhiều. Điều chính yếu trong sốt xuất huyết là mạch máu giãn và tăng tính thấm, lượng dịch trong mạch máu thoát ra ngoài nên huyết áp tụt. Chính vì tụt huyết áp mới gây ra triệu chứng mệt mỏi.

Do đó, việc truyền dịch phải tính toán được: có sốc thực sự không, sốc ở mức độ nào, giai đoạn nào… Khi đó sẽ có những giải pháp truyền dịch khác nhau. Nếu chỉ cắm dịch truyền mà không xem xét các yếu tố đó thì có khả năng xảy ra sốc với dịch truyền. Thứ hai là nếu đã sốc mà tốc độ truyền chậm quá, người bệnh cũng có khả năng tử vong vì sốc, không phải tử vong vì truyền dịch.

- Trường hợp sốt xuất huyết nào cần phải truyền dịch?

Truyền dịch trong sốt xuất huyết chắc chắn phải được thực hiện tại một cơ sở y tế uy tín, ở mức bệnh viện huyện trở lên. Trạm y tế cũng không được truyền dịch để điều trị sốt xuất huyết. Trong sốt xuất huyết, cần nhớ rằng, đôi khi trong thời điểm đó chưa cần truyền dịch nhưng lại thực hiện thì đến khi cần lại quá tải, vì vậy không có tác dụng, thậm chí là gây hại.

Thực tế, tại các bệnh viện, trong điều trị sốt xuất huyết có những lúc phải truyền rất nhiều dịch và nhiều loại dịch khác nhau. Do đó, đừng thấy bác sĩ thực hiện như vậy mà tự tìm kiếm đơn vị để truyền dịch, điều này rất nguy hiểm. Bởi vì để truyền dịch phải tính toán rất nhiều yếu tố (cân nặng, tốc độ, giai đoạn nào tăng - giảm, dựa vào xét nghiệm máu, tổng trạng của người bệnh để điều chỉnh dịch). Tóm lại, chỉ nên truyền dịch khi có chỉ định của bác sĩ và thực hiện tại bệnh viện.

6. Những dấu hiệu cần thông báo với bác sĩ khi đang truyền dịch

Trước khi truyền nước, truyền dịch theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần chuẩn bị những gì, có cần tránh kiêng ăn, kiêng uống hoặc bất kỳ hoạt động nào khác?

Nếu đã nằm trong bệnh viện, bác sĩ sẽ dặn dò cụ thể và người bệnh nên tuân thủ những hướng dẫn này.

Nhờ BS hướng dẫn, những lưu ý khi truyền dịch (đã có chỉ định) là gì? Khi đang truyền dịch, cơ thể có những biểu hiện nào thì cần thông báo với nhân viên y tế, thưa BS?

Việc chỉ định truyền dịch, loại dịch truyền, tốc độ phụ thuộc hoàn toàn vào bác sĩ và bệnh nhân nên tuân thủ hướng dẫn. Trong khi truyền dịch, nếu rét run, sốt cao, khó chịu thì báo với bác sĩ, nhân viên y tế để được đánh giá lại trường hợp này là do bệnh hay do dịch truyền, có hướng xử trí kịp thời.

8. Có cần lo lắng về các tác dụng phụ gặp phải sau truyền dịch?

Những tác dụng phụ có thể gặp phải sau khi truyền dịch, truyền nước? Tác dụng phụ này kéo dài bao lâu và trường hợp nào cần quay lại cơ sở y tế đã truyền dịch ạ?

Sau khi truyền dịch tại bệnh viện, ổn định mới được ra về. Do đó, khi đã tryền dịch tại bệnh viện, sau khi xuất viện không cần lo lắng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X