Công dụng và cách dùng cây mật nhân
Cây mật nhân còn có tên là cây bách bệnh, được biết đến nhiều với công dụng cải thiện chức năng tình dục nam giới. Ngoài ra, thảo dược này còn giúp tăng cường miễn dịch, chống sốt rét, cải thiện nhiều loại khối u, kháng khuẩn, hạ đường huyết, điều trị loãng xương…
I. Tổng quan về cây mật nhân
Tên thường gọi: mật nhân
Tên gọi khác: bách bệnh, bá bệnh, mật nhơn.
Một số người nhầm lẫn tên gọi cây mật nhân với cây mật gấu và cây mặt quỷ, sự thật chúng là các loài thực vật khác hoàn toàn.
Một số nơi gọi cây mật nhân là cây hậu phác, cách gọi này chưa đúng vì sẽ gây trùng tên với loài hậu phác vốn được dùng làm thuốc xưa nay (tên khoa học: Syzygium cumini (L.) Skeels - họ Myrtaceae, hoặc Magnolia offinalis Rehd. et Wils. Họ Mộc Lan - Magnoliaceae). Một số ý kiến cho rằng có thể gọi cây hậu phác trong thuốc cổ truyền là hậu phác bắc, còn mật nhân là hậu phác nam.
Mỗi nước có cách gọi tên cây mật nhân khác nhau: Tongkat ali (Malaysia), Pasak bumi (Indonesia), Tho nan (Lào), Antongsar, antogung sar (Campuchia), và longjack là tên tiếng Anh của loài cây này.
Tên khoa học: Eurycoma longifolia Jack subsp. Longgifolia hoặc Crassula pinnata Lour.
Phân họ: họ Thanh thất (Simaroubaceae)
1. Nhận biết cây mật nhân
Cây cao trung bình, khoảng 2-8m, có cành, có lông ở nhiều bộ phận. Lá kép gồm 10-36 đôi lá chét, lá chét hầu như không cuống, mọc đối, mặt trên xanh bóng, mặt dưới trắng xóa, hình trứng dài, dày, nhẵn hoặc có lông ở mặt dưới; cuống lá màu nâu đỏ. Cụm hoa hình chùm kép hoặc chùm tán mọc ở ngọn, cuống có lông màu gỉ sắt. Hoa màu đỏ nâu. Quả hạch hình trứng, hơi dẹt, đầu tù và cong, có rãnh giữa, mặt trong có lông thưa, ngắn, quả khi chín có màu vàng đỏ, chứa một hạt, trên mặt hạt có nhiều lông ngắn.
2. Thành phần dược chất của cây mật nhân
Vỏ cây mật nhân được phân tích ra các nhóm dược chất hydroxyceton, beta- sitosterol, campesterol, các chất đắng là quassinoids, eurycomalacton (vị đắng) và 2,6-dimetoxybenzoquinon (sắc tố màu vàng). Trong hạt có dầu béo màu vàng nhạt. Toàn cây chứa nhiều loại eurycomanone, các dẫn xuất squalene, và nhiều alkaloids.
3. Phân bố, thu hái và chế biến cây mật nhân
Cây mật nhân thường mọc hoang ở vùng núi, trong các rừng thưa, dưới tán các cây gỗ lớn ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Trung. Mật nhân tập trung nhiều ở các tỉnh: Kiên Giang, Đồng Nai, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Gia Lai, Đăk Lăk, Kon Tum, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ninh, Quảng Trị. Các nước khác vùng Đông Nam Á và Ấn Độ cũng xuất hiện loài cây này.
Cây mật nhân ra hoa vào tháng 3-8, có quả tháng 9-11.
Bộ phận dùng là toàn cây, nhưng dược tính chủ yếu ở trong rễ. Rễ thu hái được quanh năm, phơi hoặc sấy khô để lưu trữ lâu.
II. Công dụng của mật nhân
1. Công dụng của mật nhân theo đông y cổ truyền
Trong y học cổ truyền, mật nhân có vị đắng, tính mát. Quy kinh can và thận. Người ta dùng rễ thái nhỏ, tậm rượu rồi sao vàng.
Người xưa dùng rễ cây mật nhân để chữa khí hư, huyết kém, ăn uống không tiêu, tích khối vùng ngực, yếu gân xương, tê đau chân tay, tả lỵ, ói mửa, tứ thời cảm mạo. Một số hiếm hơn, mật nhân còn được dùng chữa sốt, sốt rét, ngộ độc, say rượu, tẩy giun.
Vỏ của thân cây mật nhân được người dân dùng làm thuốc bổ, chữa ăn uống khó tiêu, nôn ói, tiêu chảy, đau lưng, nhức mỏi, đau bụng kinh.
Quả mật nhân dùng chữa lỵ, tiêu chảy.
Lá mật nhân nấu nước tắm trị mọn nhọt, ghẻ lở.
2. Công dụng của mật nhân theo đông y hiện đại
2.1. Các tác dụng của mật nhân đã nghiên cứu
+ Mật nhân giúp chống oxy hóa, chống lão hóa và phòng ngừa phát sinh khối u.
+ Cải thiện chức năng tình dục nam giới: Mật nhân giúp tăng tiết testosterone - một loại hormone sinh dục nam giới, tăng cường khả năng sinh lý, thúc đẩy nhanh và duy trì trạng thái cường dương. Ngoài ra mật nhân cũng cải thiện hình thái và chức năng của tinh trùng, từ đó được ứng dụng trong hỗ trợ điều trị vô sinh ở nam giới. Cơ chế chính là tác động lên trục nội tiết Hạ đồi - Tuyến yên - Sinh dục. Đặc biệt, các tác dụng trên của mật nhân đi kèm với tăng độ nhạy insulin, cải thiện tình trạng vô sinh khi mắc đái tháo đường.
+ Tăng cường miễn dịch, cải thiện sức bền: Mật nhân giúp giảm stress, mệt mỏi sau những giờ lao động mệt mỏi cả tay chân và trí óc, bổ sung năng lượng cho cơ thể, kích thích tỉnh táo, nâng cao miễn dịch.
+ Chống sốt rét: ba quassinoids chính trong mật nhân giúp chống lại sốt rét dòng Plasmodium falciparum, tác dụng nhận thấy đáng kể sau 1 ngày điều trị, và đạt đỉnh hiệu quả trong 4-6 ngày sử dụng, ức chế hoàn toàn ký sinh trùng sốt rét.
+ Chống nhiều loại khối u: có hơn 65 hoạt chất trong cây mật nhân có tác động tiêu diệt khối u, trong đó hiệu quả nhất là khối u vú (tế bào MCF-7), cổ tử cung (tế bào HeLa), và phổi (tế bào A549). Ngoài ra mật nhân cũng được đánh giá là ức chế tốt các dòng tế bào ung thư đại tràng, u xơ tử cung, hắc tố da (tế bào HM3KO), buồng trứng (tế bào Caov-3), gan (tế bào Hep G2) và bệnh bạch cầu dòng tủy mãn tính (CML). Hơn nữa, các nghiên cứu cho thấy mật nhân hiếm khi gây độc cho các tyế bào không mắc bệnh lên cận khối u.
+ Hoạt động kháng khuẩn: chiết xuất từ lá và thân cây mật nhân có hoạt tính kháng tương đối cao ở nhiều dòng vi khuẩn gram âm và gram dương, như Escherichia coli (vi khuẩn gây đau bụng, tiêu chảy), Salmonella typhi (gây bệnh thương hàn), Staphylococcus aureus (một loại tụ cầu khuẩn gây bệnh đa cơ quan), Serratia marscesens (gây bệnh đa cơ quan), Pseudomonas aeruginosa (một loại trực khuẩn mủ xanh, gây viêm đường hô hấp, màng não, màng tim, tai giữa và nhiễm trùng huyết).
+ Đối với đái tháo đường: Mật nhân làm hạ đường huyết và tăng độ nhạy insulin thông qua việc tăng cường hấp thu glucose hơn 200% ở mức 50μg / mL và ức chế tích lũy lipid.
+ Bệnh lý loãng xương: các alkaloids và triterpenes trong mật nhân làm giảm mất xương và duy trì tốc độ hình thành xương, được sử dụng trong phòng ngừa và điều trị loãng xương, nhất là tình trạng loãng xương do thiếu hụt andandrogen ở nam giới. Liệu pháp testosterone dùng điều trị loãng xương ở nam giới hiện nay gây ra nhiều tác dụng phụ, khi đó mật nhân là một liệu pháp thay thế an toàn. Ngoài ra, tình trạng loãng xương ở cả hai giới đều cải thiện tốt khi dùng mật nhân, vì thảo dược này vẫn tác động mạnh qua cơ chế stress oxy hóa, ngăn chặn nguyên nhân chính gây ra loãng xương ở người lão hóa sau tuổi mãn kinh, mãn dục.
+ Các hoạt tính khác: Mật nhân cũng có tác dụng kháng viêm, chống oxy hóa, chống lo âu, tăng khối lượng cơ, tăng sức mạnh ở người, chống co thắt cơ, và điều trị thấp khớp.
2.2. Các tác dụng dùng theo kinh nghiệm
Rễ của mật nhân được dùng để giúp hạ huyết áp. Tách phần vỏ của rễ cây mật nhân để làm thuốc chữa tiêu chảy và sốt.
Mật nhân còn được dùng như một loại thuốc bổ năng lượng sau sản phụ khi sinh con. Ngoài ra còn trị sốt, vàng da, suy nhược.
III. Cách dùng - liều dùng của mật nhân
1. Liều dùng
8-16g rễ khô hoặc vỏ thân để sắc uống. Nếu tán bột uống thì ngày dùng 4-6g. Đối với thuốc thành phẩm dạng viên/ cao chiết thì dùng không quá 400mg/ngày.
2. Một số bài thuốc có mật nhân theo kinh nghiệm
+ Lấy rễ của mật nhân đem về thái nhỏ, phơi khô, sao vàng hạ thổ rồi đem ngâm rượu, mỗi lít rượu tương ứng với 30 - 40g mật nhân, ngâm trong 20 ngày là dùng được. Mỗi ngày uống 20 - 50ml rượu mật nhân. Tùy theo nhu cầu điều trị, có thể ngâm riêng hay phối hợp với một số dược liệu khác nhằm giúp tăng hiệu quả điều trị. Mật nhân rất đắng, người nào không uống đắng được, có thể ngâm chung mật nhân với cỏ ngọt, chuối khô nướng vàng, nho khô... để giảm vị đắng.
3. Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú
Không dùng mật nhân trên phụ nữ mang thai. Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng đang cho con bú. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng cho phụ nữ đang cho con bú vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này đối với dòng sữa mẹ. Sản phụ không nên tự ý dùng thảo dược này khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.
4. Đối với trẻ nhũ nhi
Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng trẻ nhũ nhi. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng cho trẻ nhũ nhi vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này trên trẻ nhũ nhi, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc có chuyên môn về lĩnh vực này trước khi dùng.
IV. Tác dụng phụ - thận trọng - tương tác và chống chỉ định của mật nhân
Chống chỉ định trên phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 9 tuổi, người cao tuổi có nguy cơ bệnh lý tuyến tiền liệt.
Thận trọng khi dùng cho trẻ vị thành niên vì có thể ảnh hưởng quá trình tiết hormone.
Thận trọng trên bệnh nhân bị hạ đường huyết, nghi ngờ suy giảm miễn dịch, hội chứng ngưng thở khi ngủ. Các trường hợp này cần hỏi ý kiến bác sĩ có chuyên môn về thảo dược mật nhân trước khi quyết định dùng.
Không dùng quá liều quy định, nhất là khi dùng trên 1,2g/kg cân nặng có thể gây độc tính lên gan.
Mật nhân chưa có ghi nhận gây độc cho các tế bào sinh dục nam và nữ, không gây độc cho tuyến tụy.
Tuy thảo dược này có nhiều công dụng quý, và còn được gọi là cây bách bệnh (bách = trăm), nhưng không phải bệnh nào cũng chữa khỏi, cần dùng đúng công năng và liều lượng.
V. Bảo quản cây mật nhân
Cần làm khô thảo dược bằng máy sấy hoặc ánh nắng mặt trời, sau đó cho vào hũ thủy tinh, đậy kín, tránh ánh sáng. Có thể cho vào một viên vôi sống để hút ẩm. Nếu bạn không phải là thầy thuốc thì không nên lưu trữ thuốc tại nhà quá 10 ngày. Nếu bạn buộc phải lưu trữ thảo dược tại nhà lâu hơn, cần kiểm tra chúng hàng tuần, nếu phát hiện mối mọt, ẩm mốc, biến đổi màu sắc, mùi vị thì cần loại bỏ ngay.
BS Đoàn Quang Nguyên
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình