Công dụng của nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức - CPET, ai nên thực hiện nghiệm pháp này?
Nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức - CPET được xem là phương tiện hiện đại nhất hiện nay để phục vụ chẩn đoán khó thở. Vậy nghiệm pháp CPET này có ưu điểm gì nổi bật hơn những phương pháp khác? Mời quý vị cùng lắng nghe chia sẻ của ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân.
ThS.BS Nguyễn Trần Thiên Quân - Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM; Phó tổng thư ký hội Y học giấc ngủ Việt Nam, BCH Liên chị hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM
1. Nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức - CPET là gì?
Thưa BS, nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức - CPET được xem là phương tiện hiện đại nhất hiện nay để phục vụ chẩn đoán khó thở. Xin BS cho biết nghiệm pháp này là gì, nó sẽ cung cấp những thông tin gì?
ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân:
Nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức - CPET là nghiệm pháp bắt buộc hệ tim mạch và hô hấp hoạt động ở mức tối đa, qua đó phát hiện những bất thường. Ngoài sự hoạt động của hệ tim mạch và hô hấp thì cần sự phối hợp của các cơ và hệ thần kinh để cơ thể có thể vận động ở mức tối đa.
Nghiệm pháp này giúp chúng ta phát hiện ra một số tình trạng của cơ thể mà khi cơ thể ở trạng thái nghỉ không thể phát hiện được. Ví dụ như xe máy khi chạy ở vận tốc thấp thì bình thường, nhưng chạy ở vận tốc cao sẽ bộc lộ ra những bất thường. Tương tự, cơ thể chúng ta cũng như vậy. Khi chúng ta hoạt động chậm thì cơ thể sẽ không bộc lộ ra những bất thường. Nhưng khi chúng ta hoạt động ở cường độ cao thì sẽ bộc lộ ra những bất thường.
2. Cách thực hiện nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức - CPET
BS có thể mô tả các bước tiến hành Nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức - CPET?
ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân:
Người thực hiện nghiệm pháp này phải gắng sức và thực hiện hoạt động ở mức tối đa để nghiệm pháp có thể thu được kết quả tốt nhất.
Hiện tại, 2 phương pháp phổ biến nhất ở Việt Nam là chạy bộ trên thảm lăn và xe đạp lực kế. Máy tính sẽ tính toán theo giới tính, cân nặng, chiều cao, tuổi tác,... rồi tăng dần khả năng vận động của cơ thể từ cường độ nhẹ đến trung bình, cường độ nặng rồi đến tối đa. Sau đó, người thực hiện sẽ đến giai đoạn hồi phục và theo dõi sự thay đổi của những thông số trên nghiệm pháp gắng sức này.
3. Các thông số được theo dõi trong nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức - CPET
Các thông số nào sẽ được theo dõi trong suốt quá trình nghiệm pháp?
ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân:
Trong suốt quá trình thực hiện nghiệm pháp sẽ theo dõi được những thông số về tim mạch và hô hấp.
Tim mạch:
- Huyết áp: đo từ 1-2 phút, huyết áp sẽ tăng dần theo cường độ vận động.
- Điện tim: được theo dõi liên tục. Khi vận động cường độ cao có thể có hiện tượng thiếu máu cơ tim do mạch vành không cung cấp đủ máu nuôi tim.
Hô hấp: lưu lượng thở và oxy trong máu sẽ theo dõi trong suốt quá trình thực hiện nghiệm pháp để phát hiện những bất thường.
4. Những lưu ý trước khi thực hiện nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức - CPET
Trước khi thực hiện nghiệm pháp này thì bệnh nhân cần lưu ý những gì (có cần nhịn ăn sáng không…)?
ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân:
Người thực hiện cần ăn nhẹ trước 2-3 tiếng khi thực hiện nghiệm pháp này. Bởi vì nếu không ăn thì khi thực hiện gắng sức cơ thể sẽ bị mệt và ảnh hưởng đến kết quả của nghiệm pháp.
5. Khi nào cần ngừng nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức - CPET
Trong quá trình thực hiện nghiệm pháp, những biểu hiện nào của bệnh nhân thì cần ngừng nghiệm pháp?
ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân:
Nếu người thực hiện có những bất thường về điện tim, huyết áp, hô hấp thì bác sĩ sẽ cho ngưng nghiệm pháp.
Trường hợp thứ 2, bác sĩ sẽ cho ngưng nghiệm pháp khi bệnh nhân thực hiện đến mức tối đa.
Có một số bệnh nhân đuối sức và không thử thực hiện tiếp nghiệm pháp thì bác sĩ sẽ cho ngưng.
Một số bệnh nhân tim mạch, khi vận động xuất hiện những cơn đau tức ngực; hoặc bệnh nhân hô hấp bị co thắt phế quản khi thực hiện nghiệm sẽ thì cũng sẽ được cho ngưng nghiệm pháp.
6. Những ai có thể thực hiện nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức - CPET
Có phải tất cả bệnh nhân có triệu chứng khó thở đều phải thực hiện nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức - CPET hay không?
ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân:
Phần lớn các nguyên nhân gây khó thở thì có thể phát hiện được qua siêu âm tim, đo chức năng hô hấp,... Tuy nhiên, những nguyên nhân khó thở khó phát hiện thì bệnh nhân mới cần phải thực hiện nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức.
Không phải bệnh nhân khó thở nào cũng đều phải thực hiện nghiệm pháp này. Tuy nhiên, nếu 1 người khỏe mạnh lo sợ những vấn đề về tim mạch và hô hấp khi vận động gắng sức thì có thể thực hiện nghiệm pháp này. Vì nghiệm pháp này giúp phát hiện được những bất thường sớm hơn điện tim và đo chức năng hô hấp khi nghỉ. Khi một chức năng đã ảnh hưởng đến lúc nghỉ thì thường đã ở mức độ nặng.
7. Những ai không thể thực hiện nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức - CPET
Những bệnh nhân nào không thể làm nghiệm pháp này?
ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân:
Có một số nhóm bệnh nhân khi thực hiện nghiệm pháp này sẽ gây nguy hiểm cho cơ thể như người mới bị nhồi máu cơ tim, người có huyết áp quá cao, bệnh nhân rối loạn nhịp nặng. Đặc biệt là bệnh nhân đang ở giai đoạn cấp tính và nặng.
8. Ưu điểm của nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức - CPET
Đối với việc chẩn đoán của bác sĩ, nghiệm pháp CPET có ưu điểm so với các phương tiện trước đây là gì ạ?
ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân:
Nghiệm pháp CPET giúp phát hiện sớm những bất thường trên bệnh lý tim mạch. Ngoài ra, nghiệp pháp CPET là công cụ để chẩn đoán tình trạng co thắt phế quản khi gắng sức.
Ví dụ, trường hợp bệnh nhân chạy vài bước đã thấy khó thở và không có bằng chứng rõ ràng về vấn đề của phổi. Chúng ta sẽ đo chức năng hô hấp khi nghỉ, khi gắng sức và hồi phục để kiểm tra xem bệnh nhân có co thắt phế quản hay không. Hoặc những bệnh nhân khó thở không rõ nguyên nhân khi thực hiện nghiệm pháp sẽ giúp phân biệt được khó thở do phổi hay do tim. Từ đó, bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp.
Còn đối với bệnh nhân, khi được đánh giá bằng nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức - CPET thì sẽ có những tiện lợi gì, thưa BS?
ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân:
Giúp phát hiện sớm bệnh về tim mạch và hô hấp trên những bệnh nhân khỏe mạnh. Có vài trường hợp bệnh nhân tập luyện thể dục rất nhiều, nhưng khi thực hiện nghiệm pháp CPET với cường độ trung bình thì huyết áp đã tăng đến 200mmHg - 250mmHg.
Ngoài ra, nghiệm pháp này cũng giúp bệnh nhân biết được cường độ tập luyện của bản thân và những yếu tố nguy cơ khi tập luyện.
9. Những ai nên thực hiện nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức - CPET
Theo BS, những ai nên thực hiện nghiệm pháp CPET? Có khuyến cáo với tất cả những người chơi thể thao không ạ?
ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân:
- Bệnh nhân được chỉ định của bác sĩ: người có bệnh lý nặng như bệnh nhân suy tim cần phục hồi chức năng. Hoặc bệnh nhân trước phẫu thuật sẽ làm nghiệm pháp CPET để đánh giá nguy cơ tiền phẫu.
- Người muốn biết tình trạng sức khỏe khi vận động có gặp bất thường hay không. Hoặc người muốn phát hiện sớm những bất thường trên hệ tim mạch và hô hấp.
- Nhóm vận động viên, người hay tập luyện thể thao: khi vận động sẽ đo được chỉ số lượng oxy tiêu thụ của người thực hiện. Từ đó, điều chỉnh bài tập để phù hợp với bệnh nhân. Ngoài ra, từ nghiệm pháp CPET này, vận động viên sẽ biết được hiệu quả tập luyện của họ.
10. Chi phí và cơ sở thực hiện nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức - CPET
Chi phí thực hiện nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức - CPET này như thế nào? Có những cơ sở nào thực hiện nghiệp pháp này?
ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân:
Chi phí cho 1 lần thực hiện khoảng 1.600.000đ.
Các cơ sở có thực hiện nghiệm pháp gồm:
- Tại TPHCM: Phòng khám BV ĐH Y dược 1 và Trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
- Miền Bắc hiện chưa có triển khai nghiệm pháp này.
Minh Huy
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình