Hotline 24/7
08983-08983

Coi chừng hội chứng đường hầm cổ tay

Hội chứng này có thể "ghé thăm" nếu bạn thường xuyên dùng chuột máy tính, lái xe máy... hoặc làm nghề vặt lông gà lông vịt.

Hay vặt lông gà, lông vịt - đau cẳng tay; dùng chuột máy tính, lái xe máy - đau cổ tay, thậm chí các ông chồng trẻ cũng đau cánh tay vì... làm gối cho vợ. Cái sự đau này không dữ dội nhưng bứt rứt, khó chịu khiến nhiều người không chịu nổi.
 
Tại phòng khám khoa phục hồi chức năng BV Bạch Mai, đã hết giờ làm việc nhưng một phụ nữ vẫn ngồi ôm cánh tay trình bày với bác sĩ. 

Đây là bệnh nhân cũ đến khám lại. Ngành nghề kiếm sống của chị là vặt lông gà lông vịt. Một ngày không biết chị vặt lông mấy mươi con gà, vịt, ngan, ngỗng, chỉ biết, công việc lặp đi lặp lại này khiến chị đau tức ở mặt trong cẳng tay trái (từ khuỷu tay đến cổ tay).
 

Thần kinh giữa bị chèn ép gây đau, tê tay - Ảnh: internet

Bác sĩ đã phải tiêm thuốc cho chị, đồng thời dặn chị tạm thời kiêng vặt lông gà vịt, kiêng giặt quần áo bằng tay hoặc những công việc tương tự, đồng thời sau đó, nếu có làm thì ở tốc độ vừa phải; giữa khoảng thời gian làm việc, nên để cho tay nghỉ ngơi bằng cách thả lỏng...
 
BS Ngân Hồng Anh, trưởng khoa Phục hồi chức năng, Viện Lão khoa cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau tay. Nếu chỉ đau tức thông thường như chị phụ nữ trên thì có thể nghĩ đến chứng viêm gân.
 
Còn chứng hay gặp hiện nay là "hội chứng đường hầm cổ tay", với biểu hiện đau râm ran như kiến bò kim châm, đau từ ngón tay cái đến ngón tay giữa (hoặc thêm nửa ngón đeo nhẫn) ở phần mặt lòng bàn tay thì phải nghĩ ngay đến hội chứng này và nên đi khám.
 
Khi phát hiện ra nguyên nhân, bệnh nhân cần điều chỉnh thói quen sinh hoạt này, làm việc kết hợp nghỉ ngơi, khoảng 30 - 45 phút nên cho tay nghỉ thư giãn một lần. Một số trường hợp nặng, bác sĩ phục hồi chức năng sẽ phải chuyển bệnh nhân sang bác sĩ chuyên khoa thần kinh hoặc cơ - xương - khớp để có chỉ định tiêm.
 
Người làm công việc nội trợ, người làm các công việc lặp đi lặp lại hay mắc hội chứng đường hầm cổ tay. Việc chữa trị các chứng bệnh này ở người bình thường thì dễ hơn, còn ở người tiểu đường thì không đơn giản bởi bệnh thường kèm theo tổn thương thần kinh ngoại biên.

Tiểu đường thường liên quan đến béo phì, thừa cân, khi mỡ phát triển thì gây hẹp đường hầm... vì thế, điều cốt yếu ở bệnh nhân tiểu đường, béo phì là phải giảm cân. Phụ nữ có thai cơ thể hay giữ muối, giữ nước nên có khi cũng mắc chứng này.
 
Người mắc hội chứng đường hầm cổ tay nhưng có kèm bệnh viêm khớp dạng thấp thì phải chú trọng điều trị bệnh chính là viêm khớp; Khi viêm khớp được kiểm soát thì chứng bệnh này sẽ đỡ.   

AloBacsi.vn
Theo Hoài HươngBáo Khoa học Đời sống Online
 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X