Chuyên gia tâm lý bệnh viện nhi đồng chỉ ra 4 dấu hiệu trẻ có ý định tự tử
Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện - Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, tự sát là nguyên nhân gây tử vong thứ tư trong nhóm trẻ từ 15 - 19 tuổi. Đây là vấn trước giờ ít được đề cập vì mang tính tiêu cực. Vậy làm sao để nhận biết con trẻ đang có ý định tự sát và nên làm gì để bảo vệ trẻ?
1. Nguyên nhân nào dẫn đến ý định tự sát ở trẻ?
Thưa chuyên gia, những nguyên nhân nào dẫn đến một số bạn trẻ có ý định tự sát ạ?
Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện trả lời: Thông tin trên mạng xã hội, truyền thông nói về vấn đề trẻ em, trẻ vị thành niên tự sát và có các video ghi lại những cảnh tượng rất đau lòng. Điều này cho thấy, trẻ em hay trẻ vị thành niên vẫn có nguy cơ xuất hiện các hành vi tự sát gây tổn thương đến cơ thể.
Đây không chỉ là câu chuyện của người lớn hay những người nợ nần, cờ bạc. Ngay cả trẻ em ở độ tuổi mà phụ huynh cho rằng chỉ biết ăn ngủ với học hành, vẫn có thể gặp một số yếu tố làm trẻ đưa đến quyết định dại dột.
Thống kê năm 2019, tự sát là nguyên nhân gây tử vong thứ tư trong nhóm trẻ từ 15 - 19 tuổi (là yếu tố có thật với tỷ lệ cao). Mỗi năm trên thế giới có đến 800.000 trường hợp tử vong do tự sát. Đây là một trường hợp có thật nhưng trước giờ ít được đề cập đến vì mang tính tiêu cực.
Các nguyên nhân bao gồm:
Thứ nhất, do các rối loạn về sức khỏe tâm thần. Ví dụ, các em có tình trạng trầm cảm nặng hay các bất thường về tình thần như lo âu, rối loạn lưỡng cực,… (thuộc về chẩn đoán của bác sĩ tâm thần) các tình trạng này có thể dẫn đến tự sát.
Thứ hai là những sự việc, sang chấn trong quá khứ, ví dụ như trẻ bị bỏ rơi, đặc biệt là nạn nhân của những vụ xâm hại, lạm dụng về thể xác, bạo hành, lạm dụng về tình dục đều làm gia tăng nguy cơ tự sát của các em sau này.
Hoặc trẻ trải qua một sang chấn kinh khủng nào đó, hội chứng PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn), ví dụ như chứng kiến trực tiếp một vụ tai nạn mà cha mẹ mình tử vong hay nạn nhân của những trận động đất, cơn dịch bệnh,… nếu không chăm sóc tốt sẽ làm gia tăng nguy cơ tự sát.
Thứ ba là những biến cố trong đời sống hiện tại. Ví dụ, một số bạn kỳ vọng rất nhiều vào kỳ thi nhưng kết quả không như mình mong đợi hay có những bạn chia tay người yêu (độ tuổi vị thành niên là bắt đầu có những đối tượng để tìm kiếm và kết đôi, sau đó rạn nứt trong mối quan hệ) hay cha mẹ ly hôn, gia đình đỗ vỡ… các bạn có thể tự sát như một giải pháp.
Một số bạn bị bắt nạt trong trường, bắt nạn trực tuyến (dù là khái niệm mới nhưng vẫn làm gia tăng nguy cơ tự sát).
2. Dấu hiệu nào giúp nhận biết trẻ có ý định tự tử?
Hành động tự sát là quyết định cuối cùng của các bạn khi không tìm được lối thoát. Quá trình đó cũng diễn ra trong một thời gian dài mà đôi khi phụ huynh, nhà trường, thầy cô giáo, bạn bè cũng chưa nhận biết được tình trạng này. Vậy để dẫn đến hành động tự sát này, liệu rằng chúng ta sẽ nhận biết quá trình này ra sao thưa chuyên gia?
Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện trả lời: Để nhận biết hành động tự sát phải có lịch sử phía trước, một chiều sâu, nền bất ổn về mặt tâm trí trước đó chứ không chỉ là hành động trên bề mặt.
Đầu tiên sẽ nhận biết thông qua việc các em chia sẻ như có suy nghĩ tiêu cực, luôn luôn cho rằng mình là người có lỗi, không được yêu thương, xứng đáng bị bỏ rơi,… suy nghĩ này thường xuyên xảy ra ở những nạn nhân bị lạm dụng.
Thứ hai là thể hiện qua cảm xúc như lo lắng đột độ hay buồn kéo dài, khí sắc trầm buồn, cảm xúc tức giận, khó chịu thường xuyên kéo dài và ảnh hưởng đến cuộc sống.
Thứ ba khi các em có những lời nói đề cập đến vấn đề này. Ví dụ, có những em tự nhiên nói với ba mẹ rằng “nếu con chết thì gia đình mình sẽ tốt hơn”, “con không sống chắc mọi người sẽ hạnh phúc hơn”, “nếu mà chết thì sao, có đau không?”… Khi nghe phụ huynh nghĩ con nói đùa, nhưng đây là những báo động đỏ cho phụ huynh thấy rằng trẻ đang có bất ổn.
Thứ tư là khi các em có những hành động để chuẩn bị, ví dụ như đang bình thường nhưng lại đến hiệu thuốc mua thuốc giảm đau (paracetamol) hay đi mua dao, kéo, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ,… Hoặc có nhiều em giống như chuẩn bị cho một chuyến đi xa, sắp xếp chu toàn hết mọi thứ của mình và gửi gắm cha mẹ cho người thân,…
Đây là những dấu hiệu có thể quan sát được, nếu thấy như vậy phải can thiệp ngay lập tức. Đừng nghĩ rằng trẻ chỉ nói đùa, không sao, tình trạng này vài bữa sẽ hết… Chính những suy nghĩ này đã đem đến những giọt nước mắt muộn màng khi phụ huynh đón nhận tin dữ từ con em của mình.
3. Cần làm gì khi thấy trẻ có dấu hiệu muốn tự sát?
Phụ huynh, những người xung quanh khi thấy trẻ có dấu hiệu muốn tự sát thì cần làm gì để ngăn tình trạng này xảy ra?
Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện trả lời: Nhiều trẻ vị thành niên có hành vi tự sát để cho người khác hối hận như ba mẹ hay la mắng, không quan tâm nên tự sát cho ba mẹ hối hận. Đôi khi các bạn không muốn chết, chỉ làm hành động đó để gây sự chú ý cho người khác nhưng lại quá đà và không quay đầu được, dẫn đến mất mạng.
Rất nhiều trường hợp bác sĩ gặp trong khoa hồi sức khi được đưa vào cấp cứu thành công, sau đó các bạn nói chỉ muốn thử, muốn gây sự chú ý. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng may mắn và có thể cứu sống được.
Cha mẹ, thầy cô hoặc người thân khi thấy trẻ có những dấu hiệu nguy cơ tử sát, đầu tiên phải lắng nghe, đừng vội kết án, la mắng trẻ, chỉ cần tương quan không an toàn, trẻ sợ, cảm thấy bất mãn sẽ mất cơ hội giữ đứa trẻ lại. Do đó, phải bình tĩnh ngồi xuống lắng nghe, để xem vấn đề nào làm cho trẻ buồn, khó khăn, đau lòng, trẻ đang có mong muốn gì.
Thứ hai là thấu cảm với cảm xúc của con. Tránh các lời khuyên, lời kết án như “thi rớt một kỳ có gì đâu mà buồn”, “mạnh mẽ lên, đàn ông là không được khóc”, “chia tay người này thì quen người khác”, “như vậy là yếu đuối”… Trẻ khi nghe những câu nói này sẽ cảm thấy mình không được thấu hiểu, không được chia sẻ, ba mẹ không hiểu mình.
Vì vậy hãy thấu cảm với con, thay vào đó nên chia sẻ rằng “đúng là kỳ thi này con kỳ vọng rất nhiều nhưng không đạt kết quả tốt thì buồn là điều đương nhiên”, “với người bạn này con đã rất trân trọng, rất yêu thương và chăm sóc cho bạn nhưng bây giờ không giữ được tình bạn nữa thì con sẽ có sự tổn thương”.
So với việc kết án, lên án, đưa ra lời khuyên “sống lạc quan lên”, “đàn ông phải mạnh mẽ lên” thì việc lắng nghe, thấu hiểu và thừa nhận cảm xúc của đứa trẻ sẽ làm trẻ dễ dàng bộc lộ và tin tưởng ba mẹ hơn.
Thứ ba là hỏi trực tiếp. Nhiều phụ huynh sợ rằng “không biết con có ý định tự sát thật không hay chỉ nói vu vơ, mình hỏi như vậy giống như vẽ đường cho hươu chạy”. Tuy nhiên, các nghiên cứu trong tâm lý học đã chỉ ra việc hỏi trực tiếp không làm gia tăng nguy cơ tự sát ở một đứa trẻ nhưng giúp phụ huynh hiểu được nếu có bất thường, nếu có nguy cơ sẽ kịp thời can thiệp.
Tự sát có rất nhiều mức độ:
- Ý tưởng thoáng qua
- Lên kế hoạch để tự tử
- Đã làm nhưng không thành công
Một số bạn đến gặp bác sĩ nói mình uống 15 - 20 viên thuốc ngủ, uống nhiều lần rồi, uống xong nhức đầu và ói, lần sau tỉnh dậy tiếp tục khóc và buồn.
Vì vậy, phải đánh giá được mức độ, khi thấy trẻ có nguy cơ tự sát phải ngay lập tức thông báo cho người có trách nhiệm như thầy cô, ban giám hiệu, gia đình,… để kịp thời can thiệp. Việc giữ bí mật có thể làm sự việc diễn ra quá đà và không còn cơ hội để giải quyết.
Nếu ba mẹ biết được vấn đề này phải ngay lập tức thông báo cho những người trong gia đình để quan sát, bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ, cất hết các thuốc, dây, dao, kéo…
Khi trẻ đã có kế hoạch tự sát, người thân không thể giải quyết được vì vậy phải đưa trẻ đến các trung tâm, bệnh viện, phòng khám có chuyên khoa Tâm lý - Tâm thần để được chuyên gia đánh giá và can thiệp. Trong trường hợp trầm cảm nặng phải can thiệp thuốc nếu không câu chuyện sẽ diễn ra theo hướng không thể kiểm soát được.
>>> Phần 2: Cách để trẻ thoát khỏi suy nghĩ muốn tự tử
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình