Cách để trẻ thoát khỏi suy nghĩ muốn tự tử
Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện - Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chi sẻ, khi phát hiện một ai đó đang có ý định tự sát hãy nhấc điện thoại lên gọi tổng đài 115 hoặc 1900 1267 - Tổng đài cấp cứu tự sát và các vấn đề về tâm thần của thành phố để có sự trợ giúp.
1. Làm cách nào để trẻ thoát khỏi suy nghĩ muốn tự tử?
Làm cách nào để các bạn thoát khỏi suy nghĩ muốn tự tử? Khi các bạn đã đi đến đường cùng và cảm thấy không có ai để thấu hiểu, không có ai để chia sẻ thì khi đó phải có những phương án gì ạ?
Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện trả lời: Người có ý tưởng hoặc hành động tự sát không phải là những người không lạc quan, không hiếu thảo, không biết suy nghĩ cho gia đình hay không có trách nhiệm với cuộc sống. Nhưng đây có thể là những người phải trải qua những điều rất tồi tệ, rất kinh khủng trong cuộc sống và đặc biệt là trong tâm trí.
Những người này đang cô đơn, họ trải qua rất nhiều đau khổ nhưng không tìm được một ai hay một điều gì đó để có thể giải tỏa những khó khăn, dẫn đến bế tắc và chọn cái chết như một giải pháp để chấm dứt đau khổ.
Tuy nhiên phải xác định những hành vi gây hại cho bản thân hay tính mạng của mình là những hành vi tiêu cực và không nên thực hiện.
Đầu tiên, những ai đang có khó khăn này hãy bình tĩnh và ngồi lại gọi tên cảm xúc của mình, đó là cảm xúc buồn, tức giận hay đau khổ, sợ hãi,… để xem mình đang cảm thấy thế nào. Đôi khi chúng ta đang bối rối, không xác định được cảm xúc và trở nên bấn loạn. Vì vậy phải gọi tên cảm xúc để hiểu được bản thân, cảm thấy chủ động hơn trong tâm trí.
Khi đã gọi tên được cảm xúc hãy nhớ đến một nơi nào đó (nơi cảm thấy bình an…), một điều gì đó (tâm linh, tôn giáo,…) hay một người nào đó (cha, mẹ, ông, bà, bạn thân, thậm chí là thú cưng…) để tìm sự an ủi, nâng đỡ.
Đôi khi một mình không thể xoay sở được, vì vậy cần tìm đến những người có chuyên môn như bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý để đồng hành trong giai đoạn khó khăn.
Đặc biệt là các bạn trong độ tuổi vị thành niên khi gặp khó khăn phải nói với phụ huynh để ít nhất nhận được sự chú ý và can thiệp kịp thời.
Người mạnh mẽ không phải là người chưa bao giờ buồn, chưa bao giờ sợ hãi, mà người mạnh mẽ là người can đảm dám nói lên rằng tôi đang buồn, tôi đang sợ để nhận được sự trợ giúp.
2. Không nên đi xa một mình khi đang trầm cảm nặng
Các bạn đang trong độ tuổi trưởng thành khi gặp vấn đề về tâm lý có thể đi xa đâu đó một vài ngày để sống trong tĩnh lặng và hiểu được mình đang cần gì, sau đó quay trở lại với những người yêu thương của mình để nói lên vấn đề hiện tại và nhận được sự hỗ trợ không thưa BS?
Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện trả lời: Đi xa để giải tỏa tâm lý chỉ nên áp dụng trong tình huống bệnh nhân còn kiểm soát được những ý nghĩ hay những xung đột tự sát.
Trong một số trường hợp trầm cảm nặng, xung đột tự sát tăng lên quá mức, không kiểm soát được thì không nên để người đó đi xa một mình mà cần phải có sự giám sát của gia đình. Thậm chí trong một số trường hợp không đảm bảo an toàn phải bắt buộc nhập viện Tâm thần để can thiệp.
TPHCM đã triển khai chương trình rất nhân văn đó là khi phát hiện được một ai đó đang có ý định tự sát hãy nhấc điện thoại lên gọi tổng đài 115 hoặc 1900 1267 - Tổng đài cấp cứu tự sát và các vấn đề về tâm thần của thành phố để có sự trợ giúp.
Nếu đang có xung đột tự sát phải hiểu rằng bản thân đang rất khó khăn nhưng không phải vô tận, sẽ có lúc những suy nghĩ này sẽ giảm. Nếu đang không tìm được người trợ giúp hãy gọi đến tổng đài để nhận được sự nâng đỡ, cũng như các bước hướng dẫn của chuyên gia và can thiệp khủng hoảng trong thời điểm đó.
Phần 1: Chuyên gia tâm lý bệnh viện nhi đồng chỉ ra 4 dấu hiệu trẻ có ý định tự tử
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình