Chế độ dinh dưỡng phù hợp cho người bệnh suy thận
Thận là một cơ quan quan trọng có chức năng lọc máu và loại bỏ những chất cặn bã, bài tiết nước tiểu, điều hòa thể tích máu,... Chính vì vậy, khi chức năng thận suy giảm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, nếu không kịp thời phát hiện và điều trị. Do đó, khi thận bị suy yếu, người bệnh cần duy trì một chế độ ăn khoa học và phù hợp.
Thận là cơ quan nằm trong khoang bụng sau phúc mạc, đối xứng nhau qua cột sống, ngang đốt sống ngực T11 đến đốt thắt lưng L3. Thận có chức năng lọc máu, loại bỏ chất thải, cặn bã, bài tiết nước tiểu, điều chỉnh huyết áp và điều hòa thể tích máu
Dựa vào các chức năng trên có thể thấy, thận có vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì sự sống của con người. Khi sức khỏe tốt, thận sẽ giúp bài tiết chất thải, loại bỏ chất dư dừa ra ngoài cơ thể. Khi thận yếu sẽ không thể lọc, đào thải khiến chất độc đọng lại trong cơ thể. Sau đó, làm tắc nghẽn và tổn thương thận nghiêm trọng gây ra tình trạng suy thận.
1. Vai trò của chế độ dinh dưỡng đối với người suy thận
Chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò rất quan trọng đối với cơ thể của người bệnh suy thận. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học, giúp duy trì sức khỏe của thận, hoạt động thải lọc của thận được điều hòa, hỗ trợ sản xuất ra các hormon khác cho cơ thể hoạt động tốt. Từ đó, làm chậm sự tiến triển của bệnh thận, kéo dài thời gian không phải chạy thận nhân tạo.
2. Nguyên tắc chung trong chế độ dinh dưỡng của người bệnh suy thận
Suy thận là căn bệnh nguy hiểm có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ biến chứng nặng, thậm chí là tử vong.
Do đó, đối với bệnh nhân suy thận, ngoài việc tuân thủ theo liệu trình điều trị của bác sĩ chuyên khoa thì cần xây dựng một chế độ ăn phù hợp nhằm ngăn chặn bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu. Nguyên tắc chung cho những bệnh nhân suy thận:
- Các bữa ăn phải đảm bảo đủ năng lượng và các dưỡng chất cần thiết.
- Ăn ít đạm, lượng đạm được ăn hàng ngày tùy thuộc vào giai đoạn bệnh. Ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm giàu đạm từ động vật có giá trị sinh học cao như thịt, cá, trứng,…
- Hạn chế thực phẩm giàu Natri, Kali, Phospho.
- Sử dụng các thực phẩm có nhiều Canxi.
- Đảm bảo cân bằng điện giải, nước; uống nước theo chỉ định của bác sĩ.
- Kiểm soát cân nặng ở người thừa cân, béo phì.
3. Người bệnh suy thận nên chú ý hạn chế hấp thu những loại thực phẩm nào?
Để không tạo thêm áp lực cho thận, người bệnh suy thận nên dần thay thế các món ăn có chứa nhiều những chất sau:
a. Giảm Natri
Chế độ ăn giảm muối rất quan trọng đối với các bệnh nhân suy thận. Ở cơ thể người bình thường, thận có chức năng đào thải Natri (thành phần chính trong muối) thông qua nước tiểu. Khi chức năng thận bị suy giảm, ứ đọng Natri trong cơ thể dễ dẫn đến tăng huyết áp. Áp dụng chế độ ăn giảm muối hàng ngày sẽ giúp bạn kiểm soát huyết áp và làm chậm tiến triển của bệnh. Hạn chế sử dụng:
- Các gia vị chứa Natri (muối, nước mắm, nước tương, bột nêm, bột ngọt…) trong chế biến thức ăn.
- Các loại thực phẩm đóng hộp/ chế biến sẵn: thịt hộp, thịt xông khói, xúc xích,
- Các loại thực phẩm chứa nhiều muối: các món muối: cà muối, dưa muối, thịt cá muối, các thực phẩm ngâm,…
- Các loại thức ăn nhanh: khoai tây chiên, snack,…
b. Hạn chế Photpho
Đây là khoáng chất giúp cho hệ xương chắc khỏe cũng như những bộ phận khác trong cơ thể khỏe mạnh. Cũng giống như Natri và Kali, thận bình thường sẽ đào thải lượng Phospho không cần thiết ra khỏi cơ thể. Nhưng khi bị tổn thương và suy giảm chức năng, Phospho không đào thải hết sẽ bị tích tụ trong máu. Hàm lượng Phospho trong máu quá nhiều vô tình đẩy Canxi ra khỏi xương, khiến cho xương của bạn yếu đi và dễ gãy. Thậm chí trong một vài trường hợp còn gây ngứa da, đau xương, đau khớp,…
Các loại thực phẩm chứa nhiều Phospho mà người bệnh cần lưu ý:
- Các loại trái cây khô, thức ăn khô
- Các chế phẩm từ sữa như yogurt, phô mai
- Các loại thức ăn nhanh chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp
- Lòng đỏ trứng, nội tạng động vật
- Các loại nước uống giải khát: nước ngọt, rượu bia,…
Xem thêm: Top 7 loại thực phẩm người bệnh suy thận nên kiêng
c. Giảm lượng hấp thụ Kali
Kali là khoáng chất bổ sung giúp dây thần kinh và cơ hoạt động hiệu quả. Khi lượng Kali trong cơ thể quá nhiều nhưng thận lại không thể đào thải hết, dẫn đến tình trạng làm tăng hàm lượng Kali trong máu, khi tăng quá cao có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho tim và cơ.
Kali có trong hầu hết các loại thực phẩm, đặc biệt là các loại rau củ và hoa quả. Việc lựa chọn các loại thực phẩm khi ăn vào hoàn toàn có thể giúp bạn kiểm soát được lượng Kali phù hợp với tình trạng bệnh.
Một số thực phẩm giàu Kali cần hạn chế sử dụng:
- Các loại trái cây khô (nhãn khô, vải khô,…).
- Các loại trái cây: chuối, mít, sầu riêng, lựu, kiwi, cam, chanh, bưởi, dâu,…
- Các loại rau có màu đậm: rau muống, rau dền, rau mồng tơi, rau ngót, rau đay,….
- Các loại hạt khô: chocolate, ca cao, cà phê, đậu phộng, hạt điều, hạt dẻ, hạt sen,…
- Ngoài ra còn có một số loại rau củ khác như: bắp cải, củ cải trắng, hoa chuối, măng tre, nấm rơm, đậu cove, su hào,…
Ngoài việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng phù hợp, để hỗ trợ trong việc điều trị, người bệnh suy thận còn cần phải chú ý:
- Theo dõi huyết áp mỗi ngày là cách quan trọng để bảo vệ sức khỏe tim mạch và ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến suy thận.
- Tập thể dục đều đặn tùy theo tình trạng sức khỏe để tăng cường lưu thông máu và sức đề kháng cho cơ thể.
- Duy trì cân nặng ở mức ổn định có thể giúp kiểm soát tình trạng suy thận và nguy cơ bệnh tim mạch.
- Kiểm soát tốt lượng đường huyết để hạn chế biến chứng nguy hiểm.
- Nếu bác sĩ kê đơn thuốc hoặc liệu pháp, hãy tuân thủ theo hướng dẫn, tuyệt đối không tự ý thay đổi liều lượng hoặc ngưng sử dụng thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ.
- Thực hiện các xét nghiệm và kiểm tra định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để theo dõi tình trạng suy thận.
- Khi cơ thể có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, bệnh nhân cần phải báo ngay với bác sĩ điều trị để có hướng xử lý kịp thời.
- Tuyệt đối không áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào không chính thống, thiếu cơ sở khoa học hoặc theo kinh nghiệm truyền miệng. Điều này đôi khi sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hay thậm chí là nguy hiểm tính mạng.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình