Hotline 24/7
08983-08983

Chạy nước rút cứu sống người bệnh đột quỵ hôn mê sâu nhưng còn “giờ vàng”

Hôn mê sâu, glasgow trong khoảng 5-6 điểm nhưng may mắn đến bệnh viện chuyên sâu cấp cứu can thiệp đột quỵ vẫn còn “giờ vàng”, người đàn ông ở Cà Mau được cứu sống diệu kỳ. Mặc dù hành trình phía trước còn rất dài, song đến nay đã có triển vọng của “sự sống” và phục hồi.

Hai bệnh viện “chạy nước rút” cứu sống người đột quỵ nặng, hôn mê sâu

Đó là trường hợp một bệnh nhân nam 53 tuổi (quê Cà Mau) vừa được Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ can thiệp kịp thời.

Từng cấp cứu nhiều ca mong manh giữa cửa tử, nhưng khi nhận được cuộc gọi của đồng nghiệp về tình hình sơ bộ của bệnh nhân “đột quỵ nặng, hôn mê sâu, đang chuyển lên S.I.S Cần Thơ” TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc chuyên môn bệnh viện không tránh khỏi căng thẳng.

Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, ngay khi tiếp nhận Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã nhanh chóng chụp CT 3D định vị và tính thể tích máu chảy cho nam bệnh nhân. Ảnh: BSCC

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, ê-kíp cấp cứu nhanh chóng đánh giá và nhận định “bệnh nhân hôn mê sâu, chỉ còn nhúc nhích được một chút, Glasgow chừng 5-6 điểm”. Nhưng may mắn nhất là bệnh nhân vẫn còn trong “giờ vàng” của đột quỵ.

Với tinh thần “còn nước còn tát”, các bác sĩ tận dụng mọi công nghệ, chuyên môn, kinh nghiệm lao nhanh vào chiến đấu với tử thần. Sau khi mổ, bệnh nhân được cho thở máy, an thần, chống phù não. Đến ngày thứ 3 sau đột quỵ, bệnh nhân đã có thể co nhẹ được 2 chân khi thăm khám. Ngày thứ 5 sau đột quỵ, bệnh nhân đã cử động được tay trái.

TS.BS Trần Chí Cường gọi sự hồi phục này là điều kỳ diệu, bởi trường hợp này được ê-kíp nhìn nhận “khó qua khỏi” khi đến bệnh viện. Để giành giật sinh mạng của một người đột quỵ là sự tổng hòa của 4 yếu tố: nhận biết dấu hiệu sớm, sơ cứu đúng cách, cấp cứu trong thời gian vàngđến đúng cơ sở y tế. Trong đó, cốt lõi nhất vẫn là “thời gian vàng” và đến đúng cơ sở y tế.

Nam bệnh nhân chạy đua với thời gian thành công và được cứu sống trong những giây phút cuối cùng, trước tiên là nhờ có người bạn bác sĩ hiểu rõ kiến thức về đột quỵ nên đưa ra phương án ứng cứu kịp thời. Thứ nữa là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa từ Cấp cứu, Chẩn đoán hình ảnh đến khoa Ngoại Thần kinh, Hồi sức tích cực của S.I.S Cần Thơ” - TS.BS Trần Chí Cường cho biết.

Vị giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đặc biệt nhấn mạnh, sự kết nối giữa các bệnh viện đóng vai trò rất quan trọng giúp cứu sống bệnh nhân. Nhờ sự chuyển viện kịp thời của Bệnh viện Đa khoa Cà Mau đã giúp đưa ra phương án tối ưu nhất giúp tiết kiệm thời gian và gia tăng cơ hội sống cho người bệnh.

Đột quỵ gia tăng, tỷ lệ đến bệnh viện trong “giờ vàng” giảm

Điều đáng buồn là không phải trường hợp nào cũng may mắn đến trong thời gian vàng như nam bệnh nhân nói trên. Trong đột quỵ, không có chữ giá như. Thời gian là não. Mỗi phút có 2 triệu tế bào thần kinh bị mất đi nên cứu chữa càng sớm càng tốt.

Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh COVID-19 phức tạp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ liên tục cấp cứu những trường hợp đột quỵ quá nặng đến trễ giờ vàng. Dịch bệnh ảnh hưởng theo khuynh hướng không tốt, tác động đáng kể đến vấn đề nhận thức và vận chuyển bệnh nhân, dẫn dến việc cấp cứu, điều trị khó khăn hơn, gia tăng tỷ lệ tử vong và tàn phế.

TS.BS Trần Chí Cường cho hay: “Đáng lo hơn nữa, tỷ lệ người bị đột quỵ không giảm, ngược lại còn có xu hướng gia tăng nhưng yếu tố giờ vàng đang chậm lại.

5 tháng đầu năm 2021, S.I.S Cần Thơ cấp cứu cho 1.603 trường hợp đột quỵ não, trong đó 77% là nhồi máu não và 23% xuất huyết não. Tỷ lệ đột quỵ nhồi mãu não tăng 2% so với 5 tháng cuối năm 2020 (tăng 400 trường hợp).

Song tỷ lệ đến bệnh viện trong giờ vàng lại giảm đi. Nếu tính trung bình năm 2020 có khoảng 23% bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện trước 6 giờ thì trong 5 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ thời gian vàng còn có 20,8%. Đây là sự thay đổi đáng kể, ảnh hưởng đến kết quả điều trị, gia tăng nguy cơ tử vong và dự hậu về sau”.

TS.BS Trần Chí Cường chia sẻ về tỷ lệ tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 tại S.I.S Cần Thơ

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tác động đến nhiều hoạt động của cộng đồng, TS.BS Trần Chí Cường nhấn mạnh cần tăng cường nhận thức về căn bệnh hơn nữa, để không bỏ lỡ thời gian vàng điều trị cũng như tiên lượng phục hồi.

Trong đó, bước đầu tiên quan trọng là nhận biết dấu hiệu đột quỵ: mặt méo 1 bên; tay chân yếu, đưa lên mà rớt xuống, chẳng hạn như đang cầm đũa, cầm chén, điện thoại… thì tự nhiên làm rơi xuống, không nhặt lên được; nói khó, ú ớ, một số trường hợp ngất xỉu. Nếu chẳng may trong gia đình người thân hoặc chúng ta thấy ai đó có những triệu chứng như trên thì hãy nhanh chóng gọi đến tổng đài 18001115 để các nhân viên tư vấn và đưa bệnh nhân đi cấp cứu đột quỵ kịp thời.

Theo TS.BS Trần Chí Cường, tốt nhất là hãy phòng tránh từ xa, giảm các yếu tố nguy cơ của đột quỵ, tầm soát ngay khi có triệu chứng bất thường. “Nước xa không cứu được lửa gần, vì vậy trang bị tốt “vũ khí” sẽ an toàn hơn là hoàn toàn bị động khi cơn đột quỵ xảy ra” - TS.BS Trần Chí Cường trải lòng.

Xem thêm tin tức về đột quỵ TẠI ĐÂY.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X