Hotline 24/7
08983-08983

Khi bị đột quỵ, điều trị ở đâu? Điều kiện cần và đủ của trung tâm đột quỵ là gì?

Đột quỵ xảy ra tại mọi thời điểm trong cuộc đời và không loại trừ một ai nhưng không phải bệnh viện nào cũng có thể điều trị được đột quỵ. Vậy khi chẳng may xảy ra đột quỵ, thì cần điều trị ở đâu, phải đến bệnh viện nào đủ khả năng cấp cứu, điều trị đột quỵ?

Đây là câu hỏi rất khó trả lời, đặc biệt với những ai đang làm trong ngành y tế và trực tiếp điều trị bệnh nhân đột quỵ, nhất là thời gian qua, đột quỵ đã trở thành chủ đề khá nóng trên mọi phương tiện truyền thông. Khi mà bệnh đột quỵ xảy ra không chỉ ở người lớn tuổi mà còn ở người trẻ và cả trẻ em. Đột quỵ đang là nổi ám ảnh với rất nhiều người, và mối quan tâm của tất cả người bệnh, gia đình người bệnh đó là “Khi đột quỵ, cần điều trị ở đâu? Làm sao để biết nơi nào có thể điều trị tốt nhất?”.

TS.BS Trần Chí Cường – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết: “Có một sự thật là không phải tất cả bệnh viện đều có thể chữa được đột quỵ như nhau, kể cả ở các nước phát triển trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Mặc dù, bác sĩ sau khi học 6 năm trong ngành Y đều có thể chẩn đoán ban đầu bệnh nhân có bị đột quỵ hay không! Chẩn đoán được đột quỵ và có thể điều trị tốt nhất cho bệnh nhân là 2 việc hoàn toàn khác nhau, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố”.

Yếu tố con người: Điều kiện cần

Đội ngũ chuyên môn là điều kiện quan trọng trong tất cả các mô hình điều trị đột quỵ. Đối với một trung tâm/bệnh viện đột quỵ để đạt chuẩn trong điều trị cần phải có tối thiểu 5 chuyên khoa: Hồi sức cấp cứu, Chẩn đoán hình ảnh, Nội thần kinh, Ngoại thần kinh, Can thiệp nội mạch.

Về chuyên khoa Hồi sức cấp cứu: Khi bệnh nhân đột quỵ rơi vào ngưng tim ngưng thở, nếu không có bác sĩ cấp cứu kịp thời thì chỉ trong 4 phút bệnh nhân đã tử vong.

Ekip bác sĩ điều dưỡng đang thực hiện hồi sức tim phổi cho bệnh nhân đang có dấu hiệu ngưng tim

Về chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh: Nếu có tất cả các thiết bị như CT scan, MRI... mà không có bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh để đọc phim 24/24 thì không thể chẩn đoán sớm nhất cho bệnh nhân.

Về chuyên khoa Nội thần kinh: Các bác sĩ nội thần kinh giúp đánh giá, phân loại đột quỵ (nhồi máu não hay xuất huyết não), loại trừ đột quỵ, đánh giá thang điểm Glasgow, thang điểm NIHSS... Sau đó, tiêm thuốc tiêu sợi huyết rTPA nếu bệnh nhân đột quỵ trong “cửa sổ” giờ vàng 4,5 giờ.

Về chuyên khoa Ngoại thần kinh: Trong trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết lượng nhiều, vỡ túi phình, vỡ dị dạng, nhồi máu não diện rộng... khi đó bác sĩ ngoại thần kinh sẽ thực hiện việc mở sọ giải ép, dẫn lưu não thất lấy máu tụ, kẹp túi phình... Nếu không có bác sĩ ngoại thần kinh sẽ không giảm được nguy cơ tử vong khi bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật.

Bác sĩ Ngoại thần kinh đang thực hiện mở sọ giải áp cho bệnh nhân bị xuất huyết não có chỉ định phẫu thuật

Về chuyên khoa Can thiệp nội mạch thần kinh-đột quỵ: Nếu không có bác sĩ can thiệp nội mạch sẽ không thể cứu được những trường hợp tắc nghẽn mạch máu lớn, nguy cơ tử vong cao từ 30% đến 90% (tắc động mạch thân nền) và ngược lại nếu có đội ngũ can thiệp nội mạch thần kinh, túc trực 24/24h, tối thiểu 5 bác sĩ có thể “đứng chính” làm cấp cứu trong đêm, sẽ giảm đáng kể tỉ lệ tử vong do tắc nghẽn mạch máu lớn.

Ekip bác sĩ can thiệp nội mạch thần kinh trong phòng chụp mạch máu xóa nền DSA

Ngoài ra, các chuyên khoa cũng không thể thiếu như gây mê hồi sức, tim mạch, nội tiết, vật lý trị liệu phục hồi chức năng cũng góp phần giúp bệnh nhân đột quỵ được điều trị và phục hồi tốt hơn.

Việc điều trị đột quỵ phải theo quy trình, nếu bất kì một vị trí nào trong quy trình bị “hỏng” sẽ làm ảnh hưởng ngay đến kết quả cứu chữa bệnh nhân, vì vậy để chạy tốt quy trình, các bác sĩ cần thống nhất về kiến thức chẩn đoán và điều trị.

Một bệnh viện đột quỵ phải có tối thiểu 15 bác sĩ chuyên khoa phụ trách về đột quỵ 24/24, chia làm 3 ekip, mỗi kíp 5 bác sĩ “trực tua ba”, mới có thể đáp ứng được tốt nhất nhu cầu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, việc “trực tua ba” kéo dài các bác sĩ thường không thể kham nổi.

Đây là điều kiện cần để xây dựng một đơn vị/trung tâm đột quỵ trong bệnh viện hoặc bệnh viện đột quỵ, lý tưởng nhất là lãnh đạo bệnh viện phải xây dựng được nguồn nhân lực 5 ekip, mỗi ekip có 5 chuyên khoa phát triển đồng đều, đạt chuẩn, phải xem vai trò của các chuyên khoa là như nhau, không có chuyên khoa nào quan trọng hơn chuyên khoa nào, phải phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng, cùng đặt sinh mạng bệnh nhân là mục tiêu hàng đầu để phấn đấu giành lại sự sống cho họ, đôi khi cũng cần đến những sự hi sinh cá nhân về thời gian, gia đình, sức khỏe...

Điều kiện đủ: Cơ sở vật chất trang thiết bị

Song song với điều kiện cần là con người, thì đòi hỏi phải có điều kiện đủ về cơ sở vật chất. Vì nếu có tất cả 5 chuyên khoa nhưng về cơ sở vật chất không đáp ứng cũng không mang lại ý nghĩa.

Tối thiểu phải có 1 máy CT đa lát cắt, chụp được hình bơm thuốc tương phản cho bệnh nhân để chẩn đoán xuất huyết não hay nhồi máu não, 1 máy chụp mạch máu xóa nền DSA, 10 máy thở, monitor...  Để an toàn hơn cho bệnh nhân, điều trị được những trường hợp khó, đến trễ sau giờ vàng... bệnh viện cần trang bị tối thiểu 1 máy MRI từ 1.5 Tesla trở lên, phần mền RAPID để đánh giá vùng thiếu máu, nhồi máu xem xét mở rộng “cửa sổ” điều trị cho bệnh nhân... và đôi khi việc cúp điện hoặc “máy hư” đột ngột sẽ làm hỏng toàn bộ những nổ lực cố gắng của bác sĩ trong cuộc chiến giành lại sự sống cho bệnh nhân.

Hệ thống monitor trung tâm, giúp bác sĩ dễ dàng quan sát, theo dõi,  giám sát các sinh hiệu của người bệnh 24/24

Máy MRI 3 Tesla giúp khảo sát mạch máu trên cơ thể, đặc biệt là mạch máu não mà không cần tiêm thuốc tương phản

Tóm lại, một mô hình trung tâm/bệnh viện đột quỵ đòi hỏi sự đầu tư rất lớn, về nguồn nhân lực cũng như chi phí vì vậy không phải bệnh viện nào cũng có thể xây dựng một trung tâm điều trị đột quỵ hiệu quả, đạt chuẩn.

Yếu tố quyết định trên cả sự đầu tư và tính toán

Yếu tố quyết định khác là sự tuyên truyền rộng rãi của các cơ quan truyền thông giúp người dân nhận biết dấu hiệu của đột quỵ, thời gian vàng, phòng ngừa và tầm soát sớm các yếu tố nguy cơ...

Khi bệnh nhân mắc bệnh đột quỵ, việc cộng đồng có kiến thức về đột quỵ góp phần giúp bệnh nhân được đưa đến bệnh viện có trung tâm đột quỵ hoặc bệnh viện đột quỵ nhanh hơn. Sự hiểu biết của cộng đồng lúc này là một yếu tố then chốt giúp điều trị thành công, giảm tai biến biến chứng cho người bệnh.

Điều đáng tiếc là đa số người dân khi có dấu hiệu tê yếu/miệng méo/nói khó... lại lờ là, chủ quan, cho rằng bệnh nhẹ, tự ở nhà theo dõi đến khi bệnh hôn mê, mất tri giác... mới đưa đến bệnh viện, điều đó đã làm mất đi thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ.

Bác sĩ Cường nhấn mạnh: “Bệnh nhân đột quỵ cần đến trung tâm/bệnh viện đột quỵ gần nhất chứ không phải cơ sở y tế gần nhất mà thiếu điều kiện để chữa đột quỵ. Vì cơ sở y tế gần nhất nếu không có cấp cứu đột quỵ nhưng lại mất thời gian sẽ càng làm tình trạng bệnh nặng hơn.

Chỉ trong một trường hợp tiên quyết cần đến trung tâm y tế gần nhất là khi người bệnh hôn mê, mất tri giác, thở khó, tím tái hoặc cần một hồi sức hỗ trợ đường thở cấp tính, khi đó cần phải đưa vào cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu ban đầu như đặt ống thở (nội khí quản), thở máy... nhằm bảo vệ đường thở cho bệnh nhân, sau đó mới chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế có cấp cứu đột quỵ gần nhất”.

Để giải được bài toán “bệnh nhân đột quỵ được điều trị tốt nhất có thể” chúng ta cần có sự phối hợp của toàn xã hội đặc biệt là trong ngành y tế giữa các bệnh viện với nhau, lý tưởng nhất là trong khoảng cách 2 giờ đi xe, chúng ta có một trung tâm cấp cứu can thiệp đột quỵ đạt chuẩn. Đây là mục tiêu mà mọi người đều mong muốn nhưng chúng ta cần phải có thời gian để đào tạo nguồn nhân lực cũng như cần đầu tư nhiều thiết bị máy móc rất tốn kém.

Tháng 6-7 hàng năm, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ  tổ chức khai giảng lớp Chẩn đoán và điều trị bệnh mạch máu thần kinh, giúp đào tạo bác sĩ chuyên sâu về can thiệp mạch

Bác sĩ Cường cũng khuyến cáo, để giảm thiểu tác hại của bệnh đột quỵ, cách phòng bệnh đột quỵ hiệu quả chính là cộng đồng cần giảm rượu bia, giảm thuốc lá, luyện tập thể dục thường xuyên, tránh thừa cân béo phì, kiểm soát huyết áp, chủ động tầm soát nếu có những triệu chứng bất thường như tê yếu tay chân, nói đớ, nói ngọng, nói khó... Việc nâng cao hiểu biết về các dấu hiệu, các yếu tố nguy cơ đột quỵ để phòng tránh, vẫn tốt hơn so với việc khi đột quỵ rồi mới quan tâm điều trị ở đâu.

Kim Cương - ảnh Đức Thịnh

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X