Chấn thương sọ não: Làm sao nhận biết, cách sơ cứu và phương pháp điều trị?
Chấn thương sọ não có thể để lại nhiều di chứng về thần kinh cũng như khả năng vận động, sinh hoạt bình thường. Vậy sau khi bị va đập, chấn thương làm sao nhận diện được triệu chứng chấn thương sọ não, nên sơ cứu như thế nào? Mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết.
Chấn thương sọ não là gì?
Não bộ là cơ quan đặc biệt quan trọng, bởi não bộ bị tổn thương thì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Chấn thương sọ não là một trong những tai nạn phổ biến trong đời sống. Nó là một tác động lên đầu hoặc chấn thương xuyên qua sọ gây phá vỡ chức năng bình thường của não bộ. Chúng ta có thể gặp chấn thương sọ não khi đầu bị va đập vào thứ gì đó, gặp trong nhiều tình huống như ngã từ độ cao, va quệt giao thông, vật nặng rơi vào đầu, vật cứng đập vào đầu...
Khi bị chấn thương sọ não, não bộ dễ bị biến chứng, nếu không chú ý, nạn nhân có nguy cơ bị chứng biến vĩnh viễn như liệt, nói ngọng, rối loạn tâm thần, suy giảm chức năng cao cấp của thần kinh trung ương…
Phân loại chấn thương sọ não
Tổn thương sọ não do chấn thương gồm:
- Vết thương phần mềm ở đầu.
- Vỡ xương sọ: vỡ vòm sọ, vỡ nền sọ, vỡ các khoang xoang chứa hơi của xương sọ.
- Các tổn thương nội sọ: tổn thương sọ não kín và tổn thương sọ não hở. Chấn thương sọ não hở là vết thương làm rách thủng màng cứng (vết thương chảy máu), còn vết thuơng không làm thủng màng cứng (không có dấu hiệu tổn thương trên mặt hoặc đầu) thì gọi là vết thương của chấn thương sọ não kín.
Tổn thương nội sọ có 3 thể chính:
Chấn động não là tình trạng não bộ bị xê dịch, rung lắc quá mạnh do va đập dẫn đến những vi tổn thương. Thường ảnh hưởng đến tuần hoàn và dịch ngoại bào giữa các khoang tế bào thần kinh. Đây là thể bệnh nhẹ nhất.
Đụng giập não là tình trạng tế bào não bị giập một phần. Các vùng này có tổ chức não bị phù nề, nhiều tế bào thần kinh rơi vào tình trạng nửa sống nửa chết. Thể bệnh này nặng hơn.
Máu tụ nội sọ là thể bệnh nặng nhất. Bạn có thể nghe thấy bác sĩ nói chảy máu ngoài màng cứng, dưới màng cứng, trong não, trong não thất... thì tất cả đó đều ám chỉ tình trạng máu tụ nội sọ. Máu tụ nội sọ là thể bệnh nặng nhất, có thể gây tử vong ngay tức thì nếu ổ chảy máu quá nhiều và quá lớn.
Các triệu chứng của chấn thương sọ não
Tri giác thay đổi như mất ý thức tạm thời, lú lẫn hoặc lơ mơ... là những triệu chứng cần lưu tâm đến chấn thương sọ não. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chảy máu không phải là dấu hiệu đáng tin cậy về mức độ nặng của chấn thương sọ đầu. Do đó, sau khi va đập gây tổn thương vùng não, bạn cần lưu ý đến những triệu chứng khác của chấn thương sọ não nghiêm trọng như: Tri giác thay đổi như mất ý thức tạm thời, lú lẫn hoặc lơ mơ; Cơn co giật ngắn, tình trạng này có thể cải thiện được một lát và sau đó xấu đi.
Ngoài ra, người bệnh có thể có biến dạng hộp sọ, đây là dấu hiệu của vỡ xương sọ hoặc chảy dịch trong từ tai hoặc mũi - vỡ xương sọ, đặc biệt là vỡ nền sọ, có thể khiến dịch não tủy chảy ra từ tai hoặc mũi.
Lưu ý, nếu xuất hiện các triệu chứng bầm tím mắt và da phía sau tai, thay đổi thị lực, đồng tử hai mắt có thể giãn, song thị hoặc nhìn mờ, buồn nôn và nôn… thì cần phải chú trọng và nên đến bệnh viện ngay vì đây là những tác dụng phụ thường gặp của chấn thương sọ não nghiêm trọng.
Chấn thương sọ não ở trẻ em
Trẻ hiếu động, hay chạy nhảy nên rất dễ té ngã. Do đó, cha mẹ nên trông chừng cẩn thận, đừng để hậu quả đáng tiếc xảy ra. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chấn thương sọ não không chỉ gặp ở người lớn mà trẻ em cũng dễ gặp tình trạng này nếu chẳng may trượt chân trong lúc chạy nhảy, vui chơi, đặc biệt là ở trẻ đang tập đi.
Thông thường, kích thước của vết sưng trên đầu không liên quan với mức độ nặng của chấn thương. Những chấn thương nhẹ ở đầu, như một vết sưng trên đầu, có thể điều trị bằng cách dỗ dành trẻ và một liều si rô giảm đau thích hợp.
Tuy nhiên, nếu sau chấn thương trẻ thường quấy khóc, đôi khi vật vã hoặc lừ đừ, rên rỉ và bỏ bú. Trẻ có thể buồn nôn hay nôn nhiều lần, ngay cả khi không ăn uống gì. Than đau đầu là triệu chứng chỉ gặp ở trẻ lớn thì cần sự chăm sóc y tế ngay.
Ở các trường hợp nặng, thương tổn trong sọ, trẻ có các dấu hiệu thần kinh như co giật, yếu liệt chân, giãn đồng tử và đi vào hôn mê, ngủ gọi không tỉnh dậy. Trong một số trường hợp, lỗ tai hay lỗ mũi trẻ có thể bị chảy máu hoặc chảy dịch trong vài giờ hay vài ngày sau tai nạn.
Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng kể trên thì cha mẹ không nên chủ quan. Trước tiên, cha mẹ phải thật sự bình tĩnh, không được sợ hãi, la khóc bởi điều này càng làm cho trẻ hoảng sợ. Không được vắt chanh vào miệng khi trẻ co giật như nhiều người vẫn làm. Phải nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện nhi có chuyên khoa ngoại thần kinh để được thăm khám, tư vấn và nếu cần có thể phải nhập viện theo dõi.
Chấn thương sọ não, sơ cứu thế nào?
Trong trường hợp có chấn thương nghiêm trọng ở đầu, luôn cần gọi xe cấp cứu.
Nếu nạn nhân tỉnh: Bạn nên khuyến khích người bị thương giảm thiểu mọi cử động ở đầu hoặc cổ. Vết thương trên đầu có thể chảy máu nhiều, trong trường hợp đó cần cầm máu vết thương bằng cách ấn trực tiếp và băng. Trong khi kiểm tra vết thương, tránh nhầm với cục máu đông hình thành trong tóc. Trấn an nạn nhân và cố gắng giữ cho họ bình tĩnh.
Nếu nạn nhân bất tỉnh: Không nên di chuyển nạn nhân trừ khi họ đang ở trong tình trạng nguy cấp. Mọi sự di chuyển không cần thiết đều có thể gây ra các biến chứng lớn hơn cho chính vết thương sọ não, cột sống hay những vết thương liên quan khác. Một nguyên tắc là nếu đầu bị thương thì cổ cũng có thể bị tình trạng tương tự.
Bạn cũng nên theo dõi đường thở và hô hấp của nạn nhân cho đến khi xe cứu thương tới. Nếu người bị thương thở yếu đi do có vấn đề với đường hô hấp, có thể cần rất thận trọng để ngửa đầu họ ra sau (và nâng đỡ) cho đến khi nhịp thở trở lại bình thường. Nếu nạn nhân ngừng thở hoặc không bắt được mạch, có thể cần hồi sức tim phổi (CPR).
Chụp CT khi nào cần thiết nếu nghi ngờ chấn thương sọ não?
Chụp CT không phải lúc nào cũng cần cho người bệnh bị chấn thương não. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Nếu bạn bị chấn thương đầu, sau đó cảm thấy khó chịu hoặc xuất hiện những thay đổi về hành vi bản thân thì hãy đến gặp bác sĩ ngay. Ngoài ra, nếu bị chấn thương trong thời gian gần đây, bạn hãy lập tức đến bệnh viện để được kiểm tra và thăm khám.
Các bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng (đặc biệt là thông qua chuyển động mắt và đồng tử) cùng với kiểm tra cơ bản (kiểm tra đường hô hấp, tuần hoàn) để đưa ra chẩn đoán chính xác. Ngoài ra, thang điểm Glasgow (phạm vi là từ 3-15) sẽ được sử dụng để quyết định mức độ nghiêm trọng của chấn thương sọ não.
Chụp cắt lớp vi tính (CT) được áp dụng nhằm đưa đánh giá ban đầu cho chấn thương sọ não vừa và nặng, phải được tiến hành ngay nếu bệnh nhân có triệu chứng xấu dần, tăng dần hoặc có toàn bộ hình ảnh trên một cách đột ngột và đầy đủ.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải trường hợp chấn thương não nào cũng sẽ được chụp CT ngay lập tức. Vì có những dạng tổn thương của chấn thương sọ não không dễ gì phát hiện ra ngay được nếu tiến hành chụp CT sọ não sau chấn thương. Ví dụ như máu tụ nội sọ ổ nhỏ, chảy máu rỉ rả. Nếu tiến hành chụp ngay sau chấn thương, có thể chúng ta không thu được hình ảnh tổn thương nào và dễ có một thái độ chủ quan nhầm là không bị nặng. Nhưng bản chất thì ẩn chứa bên trong không được bộc lộ. Nếu không cẩn thận, người bệnh vận động mạnh thì có thể bị bất tỉnh bất ngờ. Chính vì vậy, người bệnh nên tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, việc mất bình tình, “đòi” bác sĩ chụp CT đôi khi sẽ gây bất lợi cho việc chẩn đoán và điều trị.
Cần làm gì khi nghi ngờ chấn thương sọ não?
Khi chính bản thân bạn hoặc nghi ngờ người thân bị chấn thương não, cần đến bệnh viện đa khoa gần nhất, có khoa chấn thương, khoa ngoại thần kinh hoặc có phòng hồi sức cấp cứu để được khám và chẩn đoán sơ bộ. Từ đây, bác sĩ sẽ đưa ra những phán đoán và hướng dẫn bạn các công việc cần làm tiếp theo.
Điều trị chấn thương sọ não thế nào?
Việc điều trị chấn thương sọ não còn tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của người bệnh.
Với những chấn thương nhẹ, có thể chỉ cần quan sát và điều trị làm mất triệu chứng (ví dụ, uống thuốc giảm đau nếu nhức đầu). Trong 24 giờ đầu khi bị chấn thương, nên đánh thức bệnh nhân mỗi 2 giờ để kiểm tra các dấu hiệu của chấn thương thứ cấp. Nâng cao đầu và dùng thuốc an thần có thể giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh.
Khi áp lực trong sọ não tăng và sưng não, người bệnh sẽ được theo dõi các chức năng và truyền mannitol tĩnh mạch. Nếu bị chảy máu nhiều hoặc nặng có thể cần phải nhờ đến phẫu thuật can thiệp (ví dụ, thủ thuật mở hộp sọ để loại bỏ các cục máu đông). Tiến trình làm sạch vết thương mở và rửa các tổn thương bên trong là cần thiết để giúp giảm khả năng nhiễm trùng.
Đối với những trường hợp chấn thương sọ não chưa phẫu thuật, cần được tiếp tục theo dõi một tuần tại bệnh viện nếu nạn nhân vẫn tỉnh. Sau khi ra viện nạn nhân cần được tiếp tục theo dõi nhiều tuần tại gia đình theo sự hướng dẫn của bác sĩ dựa vào các nội dung khi khám tại bệnh viện như tri giác, dấu hiệu sinh tồn, dấu hiệu thần kinh khu trú, rối loạn tâm thần vì thực tế không ít trường hợp máu tụ dưới màng cứng mạn tính đến khoảng 2 - 3 tháng sau chấn thương sọ não mới được chẩn đoán.
Trong thời gian nạn nhân chưa tỉnh hẳn khi bị chấn thương sọ não, nếu không có chỉ định phẫu thuật thì cần điều trị bảo tồn, trước hết nhằm mục đích khắc phục tình trạng tăng áp lực sọ do phù não, ngăn ngừa quá trình nhiễm khuẩn và các biến chứng do nằm lâu phát sinh ra nhất là trong giai đoạn đầu khi nạn nhân chưa tỉnh lại.
Tuệ Giang (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình