Hotline 24/7
08983-08983

Chẩn đoán, xử trí, cập nhật phương pháp mới trong điều trị các bệnh lý về phổi và ngưng thở khi ngủ

Trong phiên “bệnh lý hô hấp tim mạch” diễn ra tại hội trường VIP3 của Hội nghị thường niên 2024 LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM, các chuyên gia đã bàn luận, báo cáo về những vấn đề trong chẩn đoán, xử và cập nhật phương pháp mới trong việc điều trị các bệnh lý về phổi và bệnh lý ngưng thở khi ngủ.

4 định hướng đối với bệnh nhân có nguy cơ xơ phổi tiến triển

Chủ đề “Chẩn đoán và quản lý xơ phổi tiến triển: Ứng dụng trong thực tế Việt Nam” được PGS.TS.BS Phan Thị Thu Phương - Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai mở đầu phiên báo cáo.

PGS Thu Phương cho biết, xơ phổi tiến triển với khái niệm gần nhất, đây là tình trạng tiến triển chung cả các tổn thương xơ phổi kẽ và xuất hiện tình trạng xơ hóa. Với tất cả các căn nguyên gây ra tổn thương phổi kẽ, đối với từng nhóm bệnh nhân và tùy từng nguyên nhân sẽ có các tỷ lệ khác nhau, nhưng đều có xơ phổi tiến triển. Đó là vấn đề các bác sĩ lâm sàng cần lưu ý để đánh giá, theo dõi, chẩn đoán sớm tình trạng xơ phổi tiến triển và can thiệp kịp thời.

Chuyên gia thông tin, tình trạng xơ phổi tiến triển có tiên lượng xấu theo thời gian, biểu hiện bởi triệu chứng xấu đi và suy giảm chức năng phổi, đặc biệt là tình trạng được biểu hiện bằng xơ hóa bất thường trên phim chụp cắt lớp vi tính. Đó là dấu hiệu để các bác sĩ lâm sàng hướng đến chẩn đoán, theo dõi trên thực tế. Đối với những nhóm bệnh nhân này, bệnh căn nguyên đã ở tình trạng nặng, khi bị xơ phổi tiến triển sẽ dẫn đến tình trạng tử vong sớm.

PGS.TS.BS Phan Thị Thu Phương - Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai 

Về những thách thức trong chẩn đoán xơ phổi tiến triển, phó giáo sư chia sẻ, theo sự đồng thuận của các hiệp hội chuyên môn trên thế giới như Hội Hô hấp châu Âu, Hội lồng ngực Nhật bản và Hội châu Mỹ latinh… xơ phổi tiến triển là trường hợp ở các bệnh nhân tổn thương xơ phổi kẽ, có thể tìm thấy nguyên nhân hoặc không tìm thấy nguyên nhân, nhưng không phải là xơ phổi vô căn. Có những bằng chứng trong chẩn đoán hình ảnh là có xơ phổi với 3 tiêu chí: triệu chứng hô hấp xấu đi, bằng chứng bệnh tiến triển qua thăm dò chức năng hô hấp và bằng chứng bệnh tiến triển trên phim chụp.

Chìa khóa để xác định tổn thương xơ phổi kẽ có kiểu hình tiến triển, bắt buộc bác sĩ phải nghĩ đến để đi tìm, chắc chắn sẽ phát hiện được sớm các trường hợp này. PGS Thu Hương nhấn mạnh, việc phát hiện xơ phổi có ý nghĩa quan trọng trong việc theo dõi và điều trị, đó là điều bắt buộc bác sĩ phải thực hành trên lâm sàng để phát hiện được thời điểm xơ phổi để có những chiến lược can thiệp điều trị.

Về vấn đề điều trị xơ phổi tiến triển, thuốc Nintedanib cho đến thời điểm này được chứng minh là thuốc có hiệu quả an toàn trong việc ngăn chặn diễn tiến của bệnh xơ phổi tiến triển.

Ngoài ra, một số phương pháp điều trị khác như thở oxy cho bệnh nhân, phục hồi chức năng hô hấp, đây là những phương pháp điều trị kết hợp bắt buộc sử dụng trên bệnh nhân bên cạnh thuốc chống xơ và điều trị bệnh nền.

Cuối cùng, vị chuyên gia đã nêu ra định hướng tương lai đối với bệnh nhân có nguy cơ xơ phổi tiến triển: thứ nhất, phải xác định nguyên nhân tại sao trong các nhóm bệnh, có một số bệnh nhân chỉ mắc xơ phổi tiến triển.

Thứ hai, phân tích kỹ các xét nghiệm trong máu, trong dịch phế quản là yếu tố tiên lượng gây xơ phổi tiến triển.

Thứ ba, ứng dụng AI trên những tổn thương, chụp cắt lớp vi tính để xác định các tổn thương đó sẽ gây ra tiên lượng cho xơ phổi tiến triển ra sao.

Thứ tư, ưu tiên phát triển các nghiên cứu về bệnh xơ phổi tiến triển để hiểu rõ hơn về nguyên nhân, yếu tố tiên lượng bệnh tiến triển và phác đồ điều trị xơ phổi tiến triển tối ưu.

Đợt cấp bệnh nhân phổi kẽ là thách thức lớn, tỷ lệ tử vong cao

Trong bài báo cáo “Xử trí đợt cấp bệnh phổi kẽ thường gặp”, TS.BS Vũ Thị Thu Trang - Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh phổi kẽ có rất nhiều loại bệnh khác nhau. Trong đó, nhiều bệnh phổi kẽ có diễn biến cấp tính hoặc diễn biến mạn tính, nhưng trong quá trình diễn tiến của bệnh, có thể xuất hiện đợt cấp bất cứ lúc nào.

Theo IPFnet đưa ra định nghĩa đợt cấp ILD năm 2007, tình trạng suy hô hấp cấp tính có ý nghĩa lâm sàng được xác định bằng bằng chứng về sự bất thường mới lan rộng của phế nang. Tiêu chuẩn về đợt cấp của IPF với các biểu hiện bằng suy hô hấp cấp tính, suy giảm oxy máu, tổn thương kính mờ/đông đặc trên nền tổn thương kẽ trên phim HRCT, tổn thương phế nang lan tỏa trên GPB.

Đến nay vẫn chưa có định nghĩa thống nhất cho đợt cấp của các bệnh phổi kẽ khác. Tuy nhiên, tương tự với IPF, đợt cấp của các bệnh phổi kẽ xơ hóa là tình trạng suy hô hấp cấp tính đột ngột trên lâm sàng và trên đặc trưng của viêm phổi là tổn thương phế nang lan tỏa, mới xuất hiện thường dưới 1 tháng. Tỷ lệ nhập viện gây tử vong rất cao cho những đợt cấp, trường hợp này có thể gặp trong rất nhiều bệnh phổi kẽ khác nhau. Tình trạng khó thở tăng lên, ho tăng lên và độ bão hòa oxy giảm.

TS.BS Vũ Thị Thu Trang - Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai 

Yếu tố khởi phát của xơ hóa do nhiễm trùng, hít vị ngọt (GERD), ô nhiễm không khí, căng thẳng, sự tăng tốc nội tại của quá trình xơ hóa. Những cơ trên sẽ kích hoạt một loạt các cơ chế về mặt phân tử, cơn bão cytokine và yếu tố vi sinh, từ đó dẫn tới lên đợt cấp.

Để chẩn đoán có thể trên nền bệnh phổi kẽ đã chẩn đoán hoặc mới chẩn đoán, triệu chứng hô hấp xấu đi cấp tính, suy hô hấp nặng lên, hình ảnh kính mờ hoặc đông đặc mới xuất hiện trên HRCT… Chuyên gia lưu ý, khi thực hiện chẩn đoán, cần phân biệt với các bệnh lý gây tổn thương kính mờ lan tỏa trên HRCT như viêm phổi do virus, vi khuẩn không điển hình… chẩn đoán phân biệt các nguyên nhân gây khó thở như COVID-19, tắc mạch phổi, tăng áp mạch phổi…

Tất cả các bệnh nhân có IPF hoặc không có IPF, tiên lượng đều xấu hơn đáng kể và có ý nghĩa thống kê. Bên cạnh đó, tại Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ tử vong rất cao, thậm chí có thể tới 100%.

Trong việc lựa chọn điều trị, đối với những trường hợp được chẩn đoán là CTD hoặc bắt đầu được chẩn đoán CTD, việc phát hiện đợt cấp sớm và điều trị ngay lập tức, có thể sẽ giúp bệnh nhân thoát được nguy cơ tử vong.

Vấn đề lựa chọn liệu pháp điều trị, TS.BS Vũ Thị Thu Trang cho biết, liệu pháp điều trị Pulse corticoid đóng vai trò chủ đạo, được lựa chọn để giảm nhanh phản ứng viêm, còn với các liệu pháp điều trị dùng thuốc ức chế miễn dịch khác sẽ tùy theo bệnh phổi kẽ nền. Đồng thời, chuyên gia nhấn mạnh, việc điều trị đợt cấp của bệnh nhân bệnh phổi kẽ là thách thức lớn, tỷ lệ tử vong rất cao.

Các vấn đề điều trị bệnh tăng áp phổi đã được đơn giản hóa

Nối tiếp phiên báo cáo với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị tăng áp phổi”, PGS.TS.BS Hoàng Anh Tiến - Phó Chủ tịch Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam cho biết, định nghĩa của tăng áp phổi được thay đổi từ khuyến cáo của Hội Tim mạch châu Âu (ESC) 2015, cho đến thời điểm mới nhất là 2022 và cập nhật mới nhất của Hội Tim mạch Việt Nam 2024.

Theo đó, tăng áp phổi khi áp lực động mạch phổi trung bình trên 20mmHg và khuyến cáo của ESC 2022, thêm vấn đề tăng áp phổi gắng sức, đối với bệnh nhân khi gắng sức, dựa trên kết quả có thể đánh giá bệnh nhân có bị tăng áp phổi.

PGS.TS.BS Hoàng Anh Tiến - Phó Chủ tịch Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam

Nhấn mạnh về phác đồ chẩn đoán tăng áp phổi, vị chuyên gia cho biết, phác đồ chẩn đoán đã được đơn giản hóa với 3 bước: các dấu hiệu gợi ý (trên lâm sàng, qua ECG, C-quang…), sau đó thực hiệu siêu âm tim và thăm dò chức năng hô hấp, cuối cùng là xác nhận bằng thông tim phải.

Về quy trình điều trị cho tăng áp động mạch phổi (PAH) đã được đơn giản hóa, liệu pháp phối hợp ngay từ đầu và điều trị bậc thang trong quá trình theo dõi khi thích hợp với khuyến cáo. Cụ thể, các hướng dẫn về điều trị tăng áp phổi với mục tiêu giúp bệnh nhân cải thiện về triệu chứng, tăng khả năng gắng sức thông qua chỉ số như phân độ cơ năng theo WHO-FC, quãng đường đi bộ 6 phút.

Bên cạnh đó, giúp bệnh nhân cải thiện về chức năng tim phải; bình thường hóa hoặc giúp ổn định huyết động và các dấu hiệu sinh học. Đặc biệt là cải thiện phân tầng nguy cơ, lý tưởng ở mức độ thấp; cải thiện thời gian sống, giảm biến cố tử vong và tim mạch, giảm tái nhập viện cho bệnh nhân.

Đối với việc lựa chọn nhóm thuốc khi điều trị, vai trò của ức chế thụ thể endothelin và chất đồng vận thụ thể prostacyclin đang được chứng minh trong các khuyến cáo gần đây. Bên cạnh đó, quy trình điều trị cho CTEPH đã được sửa đổi, bao gồm liệu pháp đa phương thức với phẫu thuật, thuốc và nong bằng bóng.

PGS.TS.BS Hoàng Anh Tiến cho rằng, thách thức trong điều trị tăng áp phổi hiện nay chủ yếu liên quan đánh giá phân tầng nguy cơ, vì vậy, cần lựa chọn phương thức điều trị và tính sẵn có để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Sử dụng kháng đông trong điều trị, dự phòng thuyên tắc phổi tái phát

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ - Bộ môn Nội, Đại học Y Dược TPHCM, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM với hình thức báo cáo online, tiếp tục phiên báo cáo với chủ đề “Chẩn đoán và quản lý thuyên tắc phổi”.

Mở đầu bài báo cáo, PGS Lê Thượng Vũ đã nêu ra định nghĩa về thuyên tắc phổi do huyết khối. Huyết khối thường gặp nhất là từ huyết khối tĩnh mạch, đặc biệt là chi dưới, di chuyển về động mạch phổi làm thuyên tắc, được gọi chung là thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch.

Đây là bệnh lý phổ biến, là nguyên nhân gây tử vong tim mạch đứng hàng thứ 3 sau tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim. Hiện nay, tại Việt Nam, tỷ lệ này ngày càng tăng do phát hiện tốt hơn bằng CT-scan có cản quang động mạch phổi khiến tần suất thuyên tắc phổi càng có khuynh hướng tăng.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, thuyên tắc phổi bị bỏ sót khá nhiều, bởi vì, tình trạng này thường gặp phổ biến ở người da trắng, trong khi người da vàng có tỷ lệ thấp hơn 5 lần.

Vị chuyên gia nhấn mạnh về vấn đề chẩn đoán trong bài báo cáo. Ông cho biết, triệu chứng của thuyên tắc động mạch phổi xảy ra ở cả hô hấp lẫn tim mạch. Trong đó, triệu chứng về hô hấp phổ biến như khó thở, đau ngực, còn về tim mạch, bệnh nhân thường có dấu hiệu nhịp tim nhanh.

Nếu gặp trường hợp bệnh nhân có cả hai triệu chứng ở cả hô hấp và tim mạch, sẽ khá dễ dàng cho bác sĩ chẩn đoán. Tuy nhiên, tùy vào khối lượng huyết khối thuyên tắc tại tĩnh mạch mà triệu chứng có thể nhiều hoặc ít, vì vậy, bệnh nhân thường sẽ không có đầy đủ triệu chứng và các triệu chứng của bệnh nhân thường không đặc hiệu.

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ - Bộ môn Nội, Đại học Y Dược TPHCM, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Triệu chứng phổ biến nhất là đau ngực, khó thở cũng chỉ chiếm khoảng 50-60%, do đó, nếu không có đau ngực, khó thở, bác sĩ loại trừ thuyên tắc phổi, điều này khiến bỏ sót bệnh nhân. Trường hợp chẩn đoán với nhiều kết quả là “không” như: bệnh nhân dưới 50 tuổi, tim <100 beats/min, không có bất thường về oxygen… bác sĩ có thể loại trừ mà không cần làm xét nghiệm.

X-quang ngực và điện tim có thể gợi ý thuyên tắc phổi nhưng không giúp chẩn đoán. Nhưng nếu phối hợp X-quang với lâm sàng và ECG, bác sĩ lâm sàng sẽ có cảm giác thuyên tắc phổi với việc chẩn đoán các kết quả có được.

Chẩn đoán bằng ECG có kết quả không nhạy hoặc không đặc hiệu, do đó, cần kết hợp lâm sàng, ECG với X-quang. Trong đó, X-quang và ECG được gọi là cận lâm sàng bên giường bệnh. Còn các cận lâm sàng khác để chẩn đoán, bao gồm: CT-scan, siêu âm tim, siêu âm tĩnh mạch, xạ hình thông khí túi máu…

Sau khi chẩn đoán sơ bộ, cần kiểm tra huyết động của bệnh nhân, nếu có nghi ngờ bệnh nhân đang ngưng tim, sốc, tụt huyết áp kéo dài… cần chẩn đoán theo một hướng khác. Nếu có tụt huyết áp, ngưng tim, bệnh nhân được chẩn đoán mắc thuyên tắc phổi và nguy cơ cao tử vong, nên đi con đường bằng siêu âm, xác định có huyết khối và điều trị ngay cho bệnh nhân.

Đối với trường hợp nguy cơ tử vong thấp, cụ thể, khi nhận thấy bệnh nhân không tụt huyết áp, không có nguy cơ tử vong trong thời gian ngắn, bác sĩ nên đánh giá nguy cơ lâm sàng, nếu nguy cơ lâm sàng thấp, xét nghiệm cần làm là đo D-dimer. Theo đó, nếu chỉ số cao, bắt đầu làm chẩn đoán hình ảnh, nếu D-dimer thấp (<500), có thể loại trừ thuyên tắc phổi an toàn.

Một hướng dẫn mới năm 2023 của Đức, ngoài việc chụp CT, có thể thực hiện phương pháp khác như xạ hình thông khí tưới máu. Mặc dù, trong đa số trường hợp thường chụp CT-scan để chẩn đoán, nhưng trên siêu âm tĩnh mạch cũng cho biết nguồn gốc huyết khối, tiên lượng được độ nhẹ hoặc nặng của bệnh nhân. Vì vậy, ở con đường chẩn đoán nào, có thể làm siêu âm trước, sau đó tới CT hoặc đảo ngược lại. Chuyên gia đánh giá, việc thực hiện đủ các xét nghiệm chẩn đoán sẽ tốt nhất cho bệnh nhân, và khi có thuyên tắc huyết khối sẽ tiến hành điều trị.  

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ nhận định, thuyên tắc phổi là một cấp cứu nội khoa có tỷ lệ tử vong cao giảm đáng kể sau kháng đông 2-15%. Trong chẩn đoán, nếu chẩn đoán theo xác suất mắc trên lâm sàng sẽ giúp tiết kiệm các nguồn lực và thời gian, đồng thời, phân loại bệnh nhân đúng giúp định hướng chẩn đoán và điều trị.

Về điều trị thuyên tắc phổi, điều quan trọng là đánh giá nguy cơ tử vong của bệnh nhân, đánh giá thuyên tắc và cuối cùng đánh giá độ nặng để tiến tới điều trị.

Đối với bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao, sẽ sử dụng tiêu sợi huyết, trừ những bệnh nhân có chống chỉ định tiêu sợi huyết, những phương tiện khác mới bắt đầu được sử dụng, bao gồm: lấy huyết khối bằng bóng, bằng đường hút… Tuy nhiên, đối với phương pháp hút, nếu không có dụng cụ chuyên biệt, việc hút sẽ rất lâu và không hiệu quả. Như vậy, điều trị đúng cơ chế bệnh sinh, làm tan cục huyết khối sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong. Song song đó sẽ điều trị bằng kháng đông.

Đối với nhóm bệnh nhân có nguy cơ trung bình cao, theo khuyến cáo, chỉ có bệnh nhân trung bình cao thật sự, có thể sử dụng tiêu sợi huyết, còn lại cần cân nhắc.

Tóm lại, chiến lược điều trị của thuyên tắc phổi tùy thuộc vào nguy cơ tử vong cao hay thấp. Trường hợp nguy cơ tử vong cao, việc loại trừ huyết khối vô cùng quan trọng, còn lại với tất cả các trường hợp đều phải sử dụng kháng đông.

Cuối cùng, chuyên gia nhấn mạnh, một bệnh nhân thuyên tắc phổi, nguy cơ tái phát cao, khả năng tử vong lớn, vì vậy, để dự phòng tái phát, việc sử dụng kháng đông cho bệnh nhân vô cùng quan trọng.

Inspire kích thích thần kinh hứa hẹn thay thế CPAP trong tương lai

ThS.BS Hoàng Đinh Hữu Hạnh - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM kết thúc phiên báo cáo với chủ đề “Tiếp cận phương pháp điều trị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn”.

Bác sĩ thông tin, ngưng thở do tắc nghẽn, phương pháp điều trị chính là CPAP, tuy nhiên, phương pháp này không thuận tiện và có thể gây rắc rối cho bệnh nhân. Vì vậy, một số phương pháp mới sẽ được cập nhật trong bài báo cáo này và trong tương lai gần các phương pháp đó có thể thay thế cho CPAP, kỳ vọng sẽ có mặt sớm tại Việt Nam.

Định nghĩa ngưng thở khi ngủ được chuyên gia thông tin là tình trạng luồng khí bị gián đoạn từng lúc khi ngủ, với thời gian trên 10 giây do tắc nghẽn đường thở hay do thần kinh trung ương.

Cơ chế bệnh sinh của ngưng thở khi ngủ phần lớn là do béo phì và cằm lẹm, làm tăng công hô hấp, khi dùng áp lực âm, cố gắng hít vào càng làm tắc nghẽn và gây tổn thương, phù phần hầu họng. Cuối vùng là tắc nghẽn đường hô hấp sinh ra ngáy và ngưng thở khi ngủ.

Theo đó, hiện nay, các phương pháp điều trị từ nhẹ đến nặng được đưa ra. Cụ thể, điều trị hành vi nhẹ (AHI < 15), bệnh nhân cần giảm cân, thu xếp giấc ngủ tốt hơn, dùng gối tránh ngáy, ngủ nghiêng, tập vật lý trị liệu.

Trong đó, giảm cân là một vấn đề khó khăn, bệnh nhân được cho đi khám dinh dưỡng, thiết kế chế độ ăn trong 2 tuần, 4 tuần… Tuy nhiên, với những bệnh nhân trên 100kg, nếu mắc chứng bệnh này, tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM phải cắt 2/3 dạ dày.

ThS.BS Hoàng Đinh Hữu Hạnh - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM 

Đối với những trường hợp khó giảm cân, có một số phương pháp là giảm cân bằng chương trình SCALE, dùng thuốc Liraglutude. Đây là loại loại thuốc điều trị tiền tiểu đường, nhưng nhận thấy sự hiệu quả trên bệnh nhân cần giảm cân, từ đó, bắt đầu nghiên cứu về loại thuốc này khi chuyển qua vấn đề dùng để giảm cân giúp chăm sóc sắc đẹp và giảm cân trong điều trị ngưng thở khi ngủ.

Qua các nghiên cứu về SCALE ngưng thở khi ngủ, đánh giá hiệu quả lâm sàng khi sử dụng Liraglutude liều 3mg, như một liệu pháp điều trị bổ trợ với chế độ ăn và luyện tập thể lực, cung cấp giảm chỉ số AHI nhiều hơn, có ý nghĩa hơn so với giả dược. Tuy nhiên, tác dụng phụ khi sử dụng Liraglutude, bệnh nhân sẽ gặp các hội chứng chủ yếu trên đường ruột, buồn ói, mệt mỏi trong khoảng 3 ngày điều trị đầu tiên, mỗi lần tăng liều, triệu chứng này lại tái lại trong khoảng 1-2 ngày đầu sử dụng thuốc.

Phương pháp trên chỉ là vấn đề điều trị thoáng qua, những bệnh nhân có cân nặng quá cao sẽ cần những biện pháp xâm lấn hơn như cắt dạ dày.

Phương pháp tập vật lý trị liệu, nếu mỗi ngày bệnh nhân đều phải tập, rất khó có hiệu quả. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM hiện nay đã có 4 bài tập vật lý trị liệu rất dễ dàng và thuận tiện cho bệnh nhân.

Nội dung của 4 bài tập chủ yếu làm cứng khẩu cái mềm, cứng nóc họng để giảm ngáy và giảm vấn đề ngưng thở khi ngủ. Các bài tập này thường được áp dụng cho trường hợp nhẹ, thậm chí, ở những ca trung bình đến nặng cũng được áp dụng. Bệnh nhân sẽ được theo dõi và kiểm tra lại sau 4 tuần điều trị, nếu không có hiệu quả, bác sĩ sẽ nâng chỉ định.

Ví dụ, những bệnh nhân ngưng thở khi ngủ mức độ trung bình, bác sĩ có thể chỉ định cho thở CPAP. Nhưng nếu ở mức độ trung bình nhẹ, việc tập đem lại hiệu quả, bác sĩ sẽ tiếp tục khuyến cáo bệnh nhân, bởi vì, rất khó thuyết phục bệnh nhân sử dụng CPAP.

Ngoài việc thở CPAP, còn có dụng cụ hỗ trợ gắn miệng, đẩy hàm ra phía trước. Tuy nhiên, dụng cụ này rất ít được khuyến cáo cho bệnh nhân sử dụng bởi vì sẽ gây mỏi hàm sau mỗi sáng bệnh nhân thức dậy.

Đối với bệnh nhân ngưng thở khi ngủ mức độ trung bình, phương pháp phẫu thuật không được khuyến cáo là lựa chọn đầu tiên, bởi vì vị trí tai mũi họng khi phẫu thuật UPPP, sẽ khoét khẩu khóe mềm, nâng to lỗ thở để cải thiện tình trạng ngưng thở khi ngủ. Tuy nhiên, khi theo dõi bệnh nhân, có tình trạng tái lại sau 2 năm, cần áp lực lớn từ CPAP sẽ mang lại hiệu quả, nhưng điều này sẽ làm bệnh nhân khó chịu.

Hiện nay, có một số loại mini CPAP rất nhỏ, mỗi sáng bệnh nhân có thể sạc và sử dụng. Một số CPAP khác như CPAP mặt nạ, cần chọn lựa loại mặt nạ có kích thước phù hợp. Tuy nhiên, nếu sử dụng CPAP mỗi đêm sẽ gây khó khăn và bất tiện cho bệnh nhân.

Do đó, liệu pháp mới FDA mới đưa vào là Inspire kích thích thần kinh hạ thiệt, chấp nhận trở thành một phương pháp điều trị ngày 14/4/2020. Đây là thiết bị được cấy dưới da với xương đòn. Phương pháp này được chỉ định cho những ca trên 18 tuổi, từ chối điều trị hoặc không thể điều trị bằng CPAP, ngưng thở khi ngủ từ trung bình đến nặng.

Inspire kích thích thần kinh hạ thiệt chống chỉ định với những nguyên nhân chính có liên quan đến tắc nghẽn ở vùng mũi. Bởi vì, kích thích thần kinh hạ thiệt, do đó, những tắc nghẽn vùng mũi như nghẹt mũi, bệnh thần kinh về cơ, liệt cư, amidan độ 4… sẽ không hiệu quả với phương pháp này.

Inspire kích thích thần kinh hạ thiệt có hiệu quả điều trị cải thiện tình trạng ngáy, giảm các biến cố hô hấp, bệnh nhân hài lòng và có cảm giác thoải mái, từ đó, tăng hợp tác điều trị.

Inspire kích thích thần kinh hạ thiệt với nghiên cứu dài nhất chỉ 18 tháng, vì vậy, cần được theo dõi thêm. Trong tương lai, sẽ có nhiều nghiên cứu hơn, đặc biệt là phương pháp nghiên cứu so sánh giữa phương pháp này với CPAP.

ThS.BS Hoàng Đinh Hữu Hạnh đặt kỳ vọng phương pháp Inspire kích thích thần kinh sẽ có mặt tại Việt nam trong tương lai để điều trị cho bệnh nhân, giảm các bất lợi từ phương pháp CPAP.

>>> Hội nghị thường niên LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM: Sôi nổi bàn luận trên 15 phiên, 77 bài báo cáo

>>> Vai trò của tiêm phòng trong điều trị bệnh nhân phổi mạn tính, nhiễm trùng hô hấp cộng đồng và bệnh nhân suy giảm miễn dịch bị nhiễm trùng

>>> Những hướng dẫn quốc tế đến thực hành tại Việt Nam về điều trị, quản lý COPD

>>> Những điểm mới trong điều trị hen người lớn, giải pháp kiểm soát bệnh đồng mắc

>>> Tầm quan trọng của tầm soát, sàng lọc bệnh lý về hô hấp và tim mạch trước khi tham gia thể dục, thể thao

Hội nghị thường niên 2024 LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM được tổ chức tại Huế trong 2 ngày 24 và 25/5/2024, với tổng 77 bài báo cáo trong 15 phiên khoa học. Bên cạnh đó, hội nghị còn tổ chức 2 buổi workshop và chương trình sinh hoạt mạng lưới ACOCUs nhân sự kiện lần này.

Đặc biệt, hội nghị năm nay cũng là kỷ niệm 10 năm thành lập LCH, do đó, trong khuôn khổ hội nghị, LCH cũng đã tổ chức đại hội, bầu ra ban chấp hành nhiệm kỳ 2024 - 2029. Theo đó, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan Tiếp tục đảm nhiệm vai trò Chủ tịch LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X