Hotline 24/7
08983-08983

Tầm quan trọng của tầm soát, sàng lọc bệnh lý về hô hấp và tim mạch trước khi tham gia thể dục, thể thao

Trong phiên báo cáo về chuyên đề “Thể dục thể thao an toàn cho bệnh nhân hô hấp mạn tính” tại Hội nghị Khoa học thường niên LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM 2024 diễn ra vào ngày 25/5/2024, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều thông tin, cập nhật mới về liên quan đến các phương pháp tầm soát, chẩn đoán, phòng ngừa các vấn đề sức khỏe trước khi tham các môn thể dục, thể thao.

Sự hiểu biết, can thiệp hỗ trợ y tế đúng mức trước - trong - sau tham gia giải chạy là vô cùng quan trọng

Mở đầu phiên hội nghị về nội dung “Thể dục thể thao an toàn cho bệnh nhân hô hấp mạn tính” là bài báo cáo “Chạy an toàn - quan điểm của bác sĩ Y học Thể dục - Thể thao” của BS Phan Vương Huy Đổng - Chủ tịch LCH Y học thể thao TPHCM thu hút nhiều người tham dự đến lắng nghe.

BS Phan Vương Huy Đổng cho biết: “Chạy bộ là một môn thể thao có tính cộng đồng cao nhất. Đối tượng tham gia bộ môn này rất đông và đa dạng (tuổi, giới, nghề nghiệp...). Đây cũng là một bộ môn dễ tham gia và dễ tổ chức giải. Tại Việt Nam, từ 2020 đến nay đã tổ chức rất nhiều các giải chạy, theo thống kê chỉ trong năm 2023 có 42 giải chạy được tổ chức có quy mô vài ngàn đến vài chục ngàn người.

Trong năm 2024, các thống kê cho thấy có đến 47 giải chạy được tổ chức tính từ đầu năm đến nay, con số tăng lên đáng kể và nhiều hơn năm ngoái (chưa tính đến các giải chạy mang tính tự phát hay ở cấp độ tỉnh thành nhỏ). Các giải chạy được tổ chức ngày một nhiều với đa mục đích”.

BS Phan Vương Huy Đổng - Chủ tịch LCH Y học thể thao TPHCM

Bất kỳ một sự kiện thể thao nào, các vấn đề về y tế luôn được đặt ra hàng đầu. Theo một nghiên cứu lớn, trong một giải chạy full marathon (42km), trung bình khoảng 1.000 người tham gia sẽ có từ 19 - 25 người có vấn đề về sức khỏe cần phải chăm sóc y tế, 90% trong số này là nhẹ, chỉ có khoảng 2 - 3 vận động viên cần được chăm sóc sức khỏe cấp độ nặng hoặc phải nhập viện.

Trên một tạp chí sức khỏe khác đăng tải nghiên cứu so sánh giữa người trưởng thành và người dưới 18 tuổi khi tham gia các giải chạy thấy rằng trong 1.000 vận động viên sẽ có 25 người trưởng thành có vấn đề, chỉ có 13 người ở vị thành niên gặp vấn đề sức khỏe. Đối tượng mất an toàn và có rủi ro cao về y tế trong các giải chạy phần lớn rơi vào nhóm các đối tượng người lớn tuổi và trưởng thành.

Trong một giải chạy Half marathon, có 5,1/1.000 vận động viên gặp rủi ro, điều này cho thấy càng chạy nhiều, đường chạy dài nguy hại về sức khỏe càng cao. Sau một thời gian khi giáo dục, tăng sức hiểu biết trong cộng đồng, phòng vệ và sàng lọc trước khi tham gia, mức độ cần chăm sóc y tế trong các giải chạy giảm xuống còn 4,1/1.000  vận động viên.

Theo một bài báo cáo được đăng trên tạp chí NEJM vào năm 2017, các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim trong ngày diễn ra sự kiện marathon có thời gian nhập viện chậm hơn (trung bình 4.4 phút) và tỷ lệ tử vong trong 30 ngày khi nhập viện cao có ý nghĩa so với những người nhập viện cùng lý do nhưng không có sự kiện marathon.

“Từ đó cho thấy cần có sự hiểu biết, can thiệp hỗ trợ y tế đúng mức trước - trong - sau tham gia giải chạy, BS Đổng nhấn mạnh.

Về an toàn trong thể thao, đặc biệt là chạy bộ, đầu tiên là cần có sự quản lý về rủi ro: Tầm soát, sàn lọc khuyến cáo đối tượng nguy cơ. Sau đó, xử lý sơ cứu hiệu quả. Thứ hai là nâng cao thể chất (dành cho người tập luyện): Nâng cao sức bền: tim mạch, hô hấp, (vùng vận động), sức mạch phù hợp với loại hình vận động kết hợp với dinh dưỡng.

Xây dựng chương trình tập luyện phù hợp tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, bệnh lý. Cuối cùng là truyền thông và tổ chức chu đáo: Truyền thông sức khỏe khuyến khích thể thao nhưng không gây ra kích động. Công tác tổ chức, lịch thi đấu và thời gian tham gia hợp lý.

Trong an toàn về Tim mạch - Hô hấp, một số biểu hiện cần lưu ý khi các vận động viên tham gia giải chạy là đau ngực, khó thở, đánh trống ngực, mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt. Đây là những tính hiệu cảnh báo có vấn đề về tim mạch - hô hấp.

Liên quan đến an toàn về thần kinh, khi tham gia các giải chạy, người vận động viên không chỉ phụ thuộc vào những bước chân, não bộ cần hoạt động để điều khiển các giác quan nhận thức để cân bằng cơ thể. Người vận động viên cần phối hợp giữa hệ thần kinh trung ương và ngoại vi để có bước chạy vững chắc và an toàn. Những dấu hiệu cảnh báo về rủi ro thần kinh là mờ mắt, mù thoáng qua; choáng váng, mất thăng bằng bất ngờ; ù tai, đau đầu dữ dội; co giật.

BS Đổng khuyến cáo: Cần tầm soát trước tham gia những giải chạy, đặc biệt là các đối tượng đặc biệt như có tiền căn đột quỵ, đang điều trị bằng thuốc thần kinh, tâm thần, có tình trạng rối loạn thăng bằng cảm giác sâu. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh thần kinh được kiểm soát tốt không bị hạn chế tham gia chạy bộ. Tuy nhiên cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa nguy cơ té ngã khi xảy ra động kinh, bao gồm không tập luyện một mình tại nơi vắng vẻ; đồng đội và huấn luynệ viên cần biết các triệu chứng báo trước và cách xử lý sơ cứu cơ bản”.

Trong an toàn về chuyển hóa - dinh dưỡng, dinh dưỡng và năng lượng đóng vai trò chủ chốt quyết định khả năng hoàn thành cung đường chạy. Có 3 nguồn năng lượng chính: Carbonhydrate (glucose glycogen), lipid, protein. Ngoài ra còn có các nguồn năng lượng hỗ trợ khác như nước, khoáng chất, vitamin và vi lượng khác.

Để đảm bảo an toàn về cơ - xương - khớp, người vận động viên trước khi tham gia các giải chạy cần làm nóng, khởi động kỹ trước khi chạy; làm nguội, thả lỏng sau khi chạy; chọn lựa dụng cụ phù hợp (giày, đế lót, quần áo); điều trị, kiểm soát tốt các bệnh lý cơ xương khớpp từ trước; tuân thủ các khuyến cáo y khoa; dinh dưỡng đầy đủ; tập bổ trợ (sức mạnh, độ dẻo, độ bền, phản xạ, thăng bằng…); cá thể hóa chương trình tập luyện với từng bệnh lý riêng biệt.

Một số vấn đề khác cũng góp phần tác động đến sức khỏe của người vận động viên khi tham gia giải chạy như mất nước, vọp bẻ, say nắng, kiệt sức do nhiệt, sốc nhiệt, bỏng nóng. Các vấn đề chủ yếu liên quan đến nhiệt độ tăng cao. Để phòng tránh các vấn đề này, người vận động viên cần hạn chế tham gia thể thao khi nhiệt độ quá cao, uống đủ nước, thích nghi dần với nhiệt độ môi trường, nhân viên y tế hỗ trợ mặt sân cần biết các dấu hiệu quá tải nhiệt và cách sơ cứu.

Khi tiếp nhận bệnh nhân bị quá tải nhiệt cần đảm bảo đủ dịch, uống hoặc truyền dịch trong trường hợp nặng, không thể uống. Làm mát nhanh chóng cho vận động viên, cởi bỏ quần áo, ngâm mát, phun nước.

BS Phan Vương Huy Đổng đi đến kết luận: “Chạy bộ, đặc biệt là marathon là một môn luyện tập có nhiều lợi ích và đang phát triển mạnh ở Việt Nam. Thời gian tập luyện thi đấu kéo dài, số lượng thi đấu đông, ẩn chứa nhiều nguy cơ mất an toàn cho người tập. Cần có sự phối hợp chăm sóc y tế, hiểu biết và năng lực người tập kết hợp truyền thông, tổ chức chặt chẽ để tạo sự an toàn cho người tập”.

Sự cần thiết của CPET trước khi tham gia chạy marathon cũng như các môn thể thao khác

Tiếp nối phiên hội nghị là bài báo cáo “Ai cần kiểm tra sức khỏe trước tham gia chạy Marathon và các môn thể thao khác?” của BS Trần Quốc Tài - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

BS Trần Quốc Tài khẳng định: “Một người hoàn toàn khỏe mạnh là rất khó, cần nhận diện đối tượng nào cần thăm khám và làm xét nghiệm chuyên sâu”.

Chương trình phòng ngừa đột tử tim mạch tại Ý từ 1979 - 2004 của tác giả Corrado đã áp dụng một chương trình phối hợp giữa thăm khám và điện tâm đồ trên tất cả những vận động viên trẻ tuổi từ 12 - 35 tuổi trong xuyên suốt 25 năm. Đồng thời nghiên cứu, so sánh trên dân số chung.

“Nghiên cứu này cho thấy rằng, sau khi áp dụng việc tầm soát, từ năm 1979 tỷ lệ những biến cố về đột tử tim trên vận động viên đã giảm đến 90%, tính đến 2004 chỉ còn 10% so với 25 năm trước. Kết quả cũng cho thấy rằng không có nhiều vận động viên bị cấm thi, sau 25 năm chỉ có 2% (879/42.386) vận động viên mất quyền thi đấu do nguyên nhân tim mạch”, BS Tài chia sẻ.

BS Trần Quốc Tài - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Nội dung của chương trình tầm soát tại Ý có 4 giai đoạn chính. Đầu tiên là thăm hỏi về tiền căn gia đình. Trong tiền căn gia đình, liên quan đến bệnh lý tim mạch, có bố mẹ hoặc anh chị em tử vong do tim mạch trước 50 tuổi. Hai là tiền căn trong gia đình có bệnh lý về cơ tim, bệnh mạch vành, QT kéo dài, rối loạn nhịp nguy hiểm và các bệnh lý về tim mạch khác.

Về hỏi bệnh sử, 4 nhóm triệu chứng quan trọng cần khai thác, đầu tiên là trước đây có bị ngất hay không? Hai là có bị đau ngực khi gắng sức. Ba là có khó thở, tình trạng khó thở không phù hợp với mức độ vận động. Bốn là cảm thấy hồi hộp, nhịp tim không đều.

Sau đó đến khám lâm sàng, bác sĩ sẽ thăm khám các hệ cơ quan, chủ yếu là đo huyết áp, nghe tim, khám xương khớp. Cuối cùng là làm điện tâm đồ, dựa trên 13 tiêu chí được kết luận trên điện tâm đồ thuộc nhóm nguy cơ. Một người vận động viên sẽ được sàng lọc qua 4 bước đơn giản trên có thể giảm 90% nguy cơ đột tử do tim.

Các Hiệp hội đưa ra hướng dẫn sàng lọc cho các vận động viên trước khi tham gia các bộ môn thể dục, thể thao là Ủy ban Olympic Quốc tế, Hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), Hội Y học Thể thao Hoa Kỳ (AMSSM).

BS Trần Quốc Tài đưa ra trính dẫn về một vài điểm cần chú trọng trong khuyến cáo của Hội Y học Thể thao Hoa Kỳ(AMSSM) 2016:

- Lượng giá trước tập luyện để tối ưu an toàn;

- Phát hiện sớm các đối tượng có nguy cơ ngưng tim và đột tử tim, bệnh lý tim mạch tiềm ẩn;

- Hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng có nhiều hạn chế;

- Ít nhất cần điện tâm đồ (ECG) xuyên suốt cả trên thực tế và khuyến cáo;

- Gắng sức sẽ giúp bộc lộ các bệnh lý tim mạch tiềm ẩn.

Vai trò của CPET trong tập luyện, đầu tiên là phân loại thể chất của vận động viên, mức độ suy giảm chức năng (nếu có). Hai là chẩn đoán sớm các bệnh lý tiềm ẩn, đáp ứng bất thường trong lúc gắng sức. Ba là kê toa tập luyện. Bốn là đánh giá đáp ứng tim mạch, hô hấp, cơ ngoại biên với bài tập cụ thể.

Năm là xác định VO2peak nền, ngưỡng nền (VT1) nền để lựa chọn vận động viên. Sáu là tính toán mức năng lượng tiêu thụ theo mức vận động. Bảy là khích lệ tập luyện. Cuối cùng là đánh giá hiệu quả sau chương trình tập, các khoảng trống có thể cải thiện để nâng cao bài tập.

Qua sàng lọc các bước, kết quả của chương trình kiểm tra sức khỏe trước tập luyện sẽ đưa ra 5 phân loại:

- Người vận động viên có đủ điều kiện về mặt y khoa để tham gia không hạn chế tất cả các hoạt động (là nhóm tốt nhất).

- Nhóm thứ hai là đủ điều kiện về mặt y khoa kèm theo khuyến cáo theo dõi/ điều trị thêm (nêu rõ).

- Nhóm ba là đủ điều kiện vè mặt y khoa cho một số môn thể thao nhất định (nêu rõ).

- Nhóm không đủ điều kiện về mặt y khoa cho bất cứ hoạt động nào cho đến khi hoàn tất lượng giá, điều trị.

- Nhóm không đủ điều kiện về mặt y khoa để tham gia vào bất cứ hình thức thể chất nào.

Kết luận lại, 4 bước căn bản giúp nhận diện nguy cơ ở người tập luyện, đầu tiên là hỏi kỹ bệnh sử, tiền căn bệnh lý, tập luyện của bản thân và gia đình người tập. Hai là thăm khám lâm sàng cẩn thận. Ba là ECG 12 chuyển đạo và cuối cùng là CPET. Qua đó, cho thấy CPET là một công cụ nâng cao đánh giá đồng thời tim mạch, hô hấp, cơ ngoại biên, có vai trò quan trọng trong kiểm tra sức khỏe và không thể thay thế.

CPET giúp chẩn đoán phân biệt khó thở do tim mạch hay hô hấp

Với bào báo cáo “Vai trò của CPET trong chẩn đoán khó thở khi gắng sức”, TS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư - Phó chủ nhiệm Bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh Miễn dịch, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết: “Khó thở là nguyên nhân phổ biến gây lo ngại cho người luyện tập thể thao hay vận động viên thi đấu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó thở khi gắng sức bao gồm tim mạch, hô hấp, thần kinh cơ. Vì vậy, cần có chiến lược chẩn đoán để tránh chẩn đoán sai”.

Các nguyên nhân thường gặp gây khó thở khi gắng sức là Thiếu máu cơ tim; Suy tim; Đáp ứng huyết áp bất thường khi gắng sức; Co thắt phế quản khi vận động (EIB); Hen do vận động (EIA); Co thắt thanh quản khi vận động; Chiến lược thở không phù hợp; Suy nhược thể chất.

Để tiếp cận khó thở chưa rõ nguyên nhân, khởi đầu luôn là khai thác bệnh sử và khám lâm sàng từ những triệu chứng gợi ý về những nguyên nhân cụ thể, sẽ tiến đến những xét nghiệm cơ bản. Ví dụ về mặt tim mạch sẽ cho đo điện tâm đồ, siêu âm tim, về hô hấp những cận lâm sàng ban đầu sẽ là X-quang phổi và những test thăm dò chức năng hô hấp.

TS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư - Phó chủ nhiệm Bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh Miễn dịch, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Bên cạnh đó, có thể làm thêm các xét nghiệm hóa sinh hoặc những chức năng tuyến giáp hay BNP. Nếu những cận lâm sàng ban đầu, dễ tiếp cận không tìm được nguyên nhân, lúc này các bác sĩ sẽ tiến đến những bài test thử thách phế quản, kế đến là CPET.

CPET là một test thử thách vận động dựa trên chứng cứ được Hoa kỳ và châu Âu ủng hộ trong hơn 50 năm qua. Chỉ số đắt giá nhất trong CPET là đo thể tích O2 tiêu thụ tối đa, bên cạnh đó là đo thể tích của CO2.

BS Anh Thư thông tin: “CPET (phương pháp đo gắng sức tim mạch hô hấp) là một phương pháp giúp định lượng chính xác thể lực về mặt hô hấp và tuần hoàn. Có một cơ chế rõ ràng, nhận diện được cơ chế sinh lý bệnh làm giới hạn khả năng vận động: hô hấp, tuần hoàn, hệ xương và ti thể. Giúp đánh giá tiên lượng dựa trên chức năng của hệ cơ quan được khảo sát”.

Quy trình đo của CPET, sử dụng công cụ đo là xe đạp lực kế hoặc thảm lăn. Quy trình tăng công thường được sử sụng là quy trình tăng dần đều (ramp), với thời gian gắng sức từ 8 - 12 phút.

CPET có thể giúp đánh giá, chẩn đoán khó thở khi gắng sức do thiếu máu cơ tim ở giai đoạn có rối loạn về mặt chuyển hóa. Khi so sánh vai trò của CPET với điện tâm đồ gắng sức có thể thấy rằng độ nhạy và độ đặc hiệu của CPET cao hơn so với điện tâm đồ gắng sức trong một nghiên cứu có đối chứng lại với chụp mạch vành bằng SPECT.

Vai trò của CPET về định hướng trong suy tim, biểu hiện khó thở khi gắng sức vốn là một biểu hiện thường gặp và đặc trưng của suy tim. CPET sẽ có vai trò trong việc xác định độ nặng của suy tim. Có vai trò trong tiên lượng, hướng dẫn điều trị và thiết lập bài tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân.

Về quá trình của hô hấp là co thắt phế quản khi vận động, đây là một tình trạng hẹp đường thở cấp tính, có thể thoáng qua và hồi phục lại hoàn toàn, xảy ra trong hoặc sau khi bệnh nhân vận động thể chất. Điểm đặc trưng của tình trạng này là xảy ra trong vòng 2 - 5 phút sau khi tập thể dục, đạt cực đại sau 10 phút và hết sau khoảng 20 - 60 phút. Tỷ lệ co thắt phế quản khi vận động dao động từ 5 - 20% ở dân số chung, ở những vận động viên có thành tích cao, tỷ lệ này tăng ở khoảng 30 - 70%.

Để chẩn đoán co thắt phế quản khi vận động, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán bằng test thử thách vận động là CPET. Bệnh nhân sẽ được đo lại hô hấp ký sau khi đã thực hiện quá trình vận động ở những thời điểm 0, 3,6,10,15, 30 phút sau gắng sức. Chẩn đoán dương tính khi có sự thay đổi của FEV1 sau thử thách vận động giảm trên 10%. Độ nặng của EIB dựa vào mức giảm FEV1.

“Như vậy, khó thở khi gắng sức là triệu chứng có thể gặp ở người luyện tập thông thường và cả vận động viên. CPET giúp phát hiện các bệnh lý chỉ xuất hiện khi gắng sức, giúp phân biệt khó thở do tim mạch hay do hô hấp. Các chẩn đoán khó thở khi gắng sức CPET phát hiện là thiếu máu cơ tim, suy tim, co thắt phế quản khi gắng sức, co thắt thanh quản khi vận động, chiến lược thở bất thường, suy giảm thể chất”, TS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư kết luận.

Tầm quan trọng của hoạt động thể lực đối với sức khỏe tim mạch

Phiên hội nghị tiếp diễn với phần bài báo cáo của TS.BS Nguyễn Ngọc Phương Thư - Chuyên khoa Tim mạch, Bệnh viện 115 trình bày nội dung về “Vận động an toàn cho bệnh nhân tim mạch”

“Bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên toàn cầu cũng như tại Việt. Trong đó không hoạt động thể lực là một yếu tố nguy cơ hàng đầu có thể thay đổi được của bệnh lý tim mạch. Khi so sánh các yếu tố nguy cơ, không hoạt động thể lực ảnh hưởng đến tim mạch quan trọng gần bằng với thuốc lá, cao hơn với rối loạn lipid máu” -  TS.BS Nguyễn Ngọc Phương Thư chia sẻ.

Nếu tập luyện đều đặn sẽ mang lại tác dụng không chỉ trên hệ tim mạch, chống loạn nhịp, huyết khối, xơ vữa động mạch, thiếu máu cục bộ cơ tim; còn có tác dụng về mặt tâm thần kinh, giảm stress, lo lắng và tăng giao tiếp xã hội. Vì vậy, hoạt động thể lực đều đặn sẽ giúp chúng ta phòng ngừa cả tiên phát và thứ phát về bệnh lý tim mạch thông qua nhiều cơ chế khác nhau. Ví dụ như giúp chuyển hóa đường tốt hơn, tăng sức khỏe của hệ mạch máu, tăng sinh mạch máu, chống loạn nhịp.

TS.BS Nguyễn Ngọc Phương Thư - Chuyên khoa Tim mạch, Bệnh viện 115

TS.BS Nguyễn Ngọc Phương Thư cho biết: “Tầm quan trọng của hoạt động thể lực trên bệnh lý tim mạch không phải mới được biết đến gần đây, điều này đã được đề cập khá nhiều từ xa xưa, từ thời ông tổ của ngành y là Hippocrates. Ông có một câu nói rất nổi tiếng là ‘tất cả những phần của cơ thể nếu không được sử dụng trong một thời gian sẽ bị mất chức năng’”.

Ở những người luyện tập thường xuyên, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cấp sẽ giảm khi số lần tập luyện nhiều hơn. Ở những người có lối sống tĩnh tại, thỉnh thoảng mới tham gia một hoạt động về thể chất, nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp ở nhóm người này sẽ tăng lên hơn 100 lần. Không ảnh hưởng đến nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp, tình trạng không hoạt động thể lực cũng ảnh hưởng đến tử vong.

Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra khuyến cáo về vận động thể lực, đối với người từ 18 - 64, tập sức bền ít nhất là 150 phút với cường độ trung bình, hoặc 75 phút với cường độ nặng. Ngoài ra phải tập thêm về sức mạnh cũng như gia tăng về những hoạt động thể lực khác. Tương tự ở nhóm người từ 65 tuổi trở lên. Vì vậy, vai trò của vận động thể lực trong việc phòng ngừa tiên phát và thứ phát bệnh lý tim mạch rất rõ ràng.

Chuyên gia nhận định, với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, chúng ta có thể thấy rằng việc kê toa vận động cho người có bệnh lý tim mạch rất dễ dàng, dường như chỉ có một nội dung và bất kỳ bác sĩ nào đều có thể làm được. Tuy nhiên, trên thực tế không phải như vậy, cũng giống như việc kê đơn thuốc, cần phải cá thể hóa điều trị, cần xác định liều vận động phù hợp và an toàn cho người bệnh.

Nguyên tắc vận động an toàn ở người bệnh tim mạch, đầu tiên là thường xuyên hoạt động thể lực cường độ trung bình, khởi động và làm mát thích hợp. Hai là tư vấn cho người có lối sống tĩnh tại, không luyện tập thường xuyên tránh các hoạt động giải trí với cường độ cao đến gần tối đa. Ba là tư vấn người bệnh chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo như nặng ngực, choáng váng, tim đập nhanh/rối loạn nhịp tim, khó thở bất thường, ngừng tập và đi khám ngay khi xuất hiện những triệu chứng này.

Bốn là nhấn mạnh việc tuân thủ tần số tim đích hoặc mức khó thở theo Borg khi tập. Giảm thiểu miin thể thao cạnh tranh, tăng môn giải trí. Năm là giảm cường độ tập luyện trong điều kiện không thuận lợi (quá nóng, độ cao > 1.500m) cho đến khi thích nghi.

Sáu là những người ít vận động từ trước, khi bắt đầu một chương trình tập luyện, nên bắt đầu với cường độ từ nhẹ đến trung bình. Cụ thể là 2 - 3 MET và tăng dần cường độ gắng sức theo thời gian (2 - 3 tháng), miễn là mức cô gắng sức được cảm nhận ở mức “khá nhẹ” đến “hơi khó” và không có triệu chứng. Cuối cùng là cần trang bị máy khử rung (AED) ở những nơi tập công cộng.

Tóm lại, tập luyện thể lực chính là một liều thuốc tốt nhất và là một phương pháp rẻ tiền nhất để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra khi vận động. Bên cạnh việc kê đơn thuốc, người bác sĩ cần kê thêm đơn tập luyện cho bệnh nhân.

Bệnh nhân hen suyễn phải kiểm soát hen tốt và luôn mang theo thuốc cấp cứu

Kết thúc phiên là bài báo cáo “Chạy an toàn cho bệnh nhân hen suyễn” của PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Trưởng khoa Hô hấp, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan cho biết: “Việc vận động sẽ làm co thắt đường dẫn khí, xảy ra ở 10% người bình thường và 50 - 90% ở bệnh nhân hen suyễn. Làm kích phát cơn hen, gây co thắt thanh quản. Cơ chế co thắt phế quản do gắng sức xuất phát từ việc phản ứng TH2 tăng lên, những tổn thương của niên mạc phế quản, sự bất thường của đường dẫn khí nhỏ và bất thường của hệ thần kinh vận động”.

Đường dẫn khí bị lạnh quá mức do không khi phế nang tăng từ 6L/phút lên đến hơn 30L/phút. Đường dẫn khí bị khô do tăng không khí. Đường dẫn khí bị khô do tăng thông khí. Đường dẫn khí bị kích thích do tăng ma sát của luồng khí. Gây viêm và kích thích đường dẫn khí. Giảm CO2 trong phế nang, là những cơ chế co thắt phế quản do gắng sức.

Triệu chứng hen do vận động cũng sẽ giống như hen bình thường là ho khò khè kèm khó thở, nặng ngực. Co thắt đường dẫn khí cấp tính xảy ra trong và sau vận động. Điển hình nhất là 5 - 10 phút sau khi ngưng vận động. Thường đáp ứng với thuốc cắt cơn. Trong một số trường hợp, có người phản ứng chậm, khoảng 4 - 12 giờ sau vận động, triệu chứng thường sẽ nhẹ hơn.

Chẩn đoán hen và hen do vận động qua phương pháp hô hấp ký có test giãn phế quản. Nghiệm pháp tim mạch - hô hấp gắng sức có FEV1 giảm ³ 10%. Cần SABA hoặc SABA/SAMA mỗi ngày để ngừa cơn hen. Chẩn đoán phân biệt luôn là một phần rất khó đối với các bác sĩ, phương pháp CPET sẽ giúp đỡ rất nhiều trong vấn đề này.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Trưởng khoa Hô hấp, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Về vấn đề chạy an cho bệnh nhân hen suyễn, những việc sau đây không nên thực hiện:

- Chạy trong một khoảng thời gian dài, đoạn đường dài chưa từng tập luyện, dài hơn trước đó;

- Chạy trong môi trường khô và lạnh, ở Việt Nam, môi trường nóng gay gắt;

- Chạy trong môi trường có nhiều dị nguyên, nồng độ phấn hoa cao;

- Tập luyện rất nặng, đòi hỏi hít thở sâu kéo dài.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan khuyến cáo: “Bệnh nhân hen suyễn nên thực hiện những việc sau để giúp hoạt động chạy an toàn hơn như kiểm soát hen tốt; luôn có thuốc cấp cứu; làm ấm 10 - 15 phút bằng cách đi bộ hoặc kéo dãn để có thể vào giai đoạn trơ trong lúc tập luyện. Bên cạnh đó, kiểm tra chất lượng không khí: PM 2.5, Ozone nếu xấu, người bệnh nên vận động ở nhà; đeo khẩu trang hoặc che khăn nếu trời lạnh; uống nhiều nước; luôn luôn hít vào bằng mũi; chạy từng đoạn, có những khoảng ngừng để nghỉ ngơi”.

Người bệnh hen nên chạy chậm lại hoặc ngừng khi có triệu chứng, không cố gắng hơn để cho qua. Làm mát (cool down) bằng cách đi bộ hoặc kéo giãn trước khi ngưng vận động hoàn toàn. Chọn môn thể thao ít căng thẳng hơn như đi bộ, đi bộ tốc độ cao hoặc chọn môn đồng đội. Dùng thuốc cắt cơn có tác dụng ngăn như SBA cách 15 - 20 phút trước khi vận động. Nếu phải dùng SABA mỗi ngày, kiểm soát hen không tốt, cần đến gặp bác sĩ.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh, nếu người bệnh lên cơn hen, hãy giữ bình tĩnh. Xịt 4 nhát Ventoline, mỗi 20 phút nếu cần. Sau 60 phút không qua cơn, nên đưa bệnh nhân đi cấp cứu ở bệnh viện gần nhất. Bệnh nhân hen không nên hút thuốc và luôn giữ cho mình một cân nặng tốt nhất.

Kết thúc bài báo cáo, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan đi đến kết luận: “Chạy là một môn thể thao đơn giản mà mọi người có thể tham gia và rất nên khuyến khích. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân hen, vận động với cường độ cao, ngắn (Short Intense burst) thì tốt hơn những vận động nặng kéo dài như marathon. Bệnh nhân hen phải kiểm soát hen tốt và luôn mang theo thuốc cấp cứu. Nên kiểm tra sức khỏe trước khi tham gia tập luyện hay thi đấu, nếu thuộc nhóm có chỉ định”.

>>> Hội nghị thường niên LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM: Sôi nổi bàn luận trên 15 phiên, 77 bài báo cáo

>>> Vai trò của tiêm phòng trong điều trị bệnh nhân phổi mạn tính, nhiễm trùng hô hấp cộng đồng và bệnh nhân suy giảm miễn dịch bị nhiễm trùng

>>> Những hướng dẫn quốc tế đến thực hành tại Việt Nam về điều trị, quản lý COPD

>>> Những điểm mới trong điều trị hen người lớn, giải pháp kiểm soát bệnh đồng mắc

Hội nghị thường niên 2024 LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM được tổ chức tại Huế trong 2 ngày 24 và 25/5/2024, với tổng 77 bài báo cáo trong 15 phiên khoa học. Bên cạnh đó, hội nghị còn tổ chức 2 buổi workshop và chương trình sinh hoạt mạng lưới ACOCUs nhân sự kiện lần này.

Đặc biệt, hội nghị năm nay cũng là kỷ niệm 10 năm thành lập LCH, do đó, trong khuôn khổ hội nghị, LCH cũng đã tổ chức đại hội, bầu ra ban chấp hành nhiệm kỳ 2024 - 2029. Theo đó, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan Tiếp tục đảm nhiệm vai trò Chủ tịch LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM nhiệm kỳ 2024 - 2029.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X