Hotline 24/7
08983-08983

Hà Nội: Nam thanh niên ngừng tim, hôn mê sâu khi tập gym hồi phục thần kỳ

Thông tin từ Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) cho biết, chiều 18/9/2024, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng mất ý thức đột ngột trên sàn tập gym. Chủ phòng tập và bạn cùng tập đã thực hiện ép tim và gọi cấp cứu 115.

Cụ thể, nam thanh niên 19 tuổi đang tập gym thì đột ngột mất ý thức, ngã đập mặt vào vật cứng sau đó bất tỉnh trên sàn tập, lay gọi hỏi không tỉnh. Tiền sử bệnh nhân ghi nhận có ngất 1 lần cách 7 năm.

Sau 10 phút, cấp cứu 115 đã đến phòng tập, nhân viên ý tế xác định bệnh nhân ngừng tuần hoàn, tiếp tục được cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng oxy mask trong quá trình vận chuyển.

Sau 25 phút kể từ khi phát hiện, bệnh nhân được đưa đến khoa Cấp cứu Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) trong trạng thái hôn mê sâu, tím tái, mạch cảnh mạch bẹn mất, monitor điện tim có hình ảnh nhanh thất đa hình thái.

Các bác sĩ tiếp tục cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao, ép tim, đặt nội khí quản bóp bóng oxy, tiêm adrenalin và sốc điện khử rung nhiều lần. Sau khi có mạch trở lại, huyết áp tụt sâu phải duy trì vận mạch liều cao bệnh nhân được chuyển khoa Điều trị tích cực và chống độc điều trị tiếp.

Tại đây, trên monitor theo dõi liên tục xuất hiện các cơn nhanh thất đa hình thái, các bác sĩ tiến hành siêu âm tim đánh giá nhanh tại giường không thấy các bất thường về bệnh lý cấu trúc, khả năng co bóp giảm chỉ còn 25%.

Mặc dù đã hội chẩn khoa tim mạch, phối hợp điều trị sốc điện khử rung nhiều lần và sử dụng các thuốc chống loạn nhịp, tuy nhiên tình trạng vẫn không đáp ứng, các cơn nhanh thất vẫn kháng trị...

Nam thanh niên 19 tuổi ở Hà Nội bị ngất khi tập gym, ngừng tim, hôn mê sâu... (Ảnh: BVCC)

ThS.BS  Bùi Nam Phong - Trưởng khoa Điều trị tích cực - Chống độc Bệnh viện 19-8 cho biết, thời gian cấp cứu ngừng tuần hoàn trước viện và trong viện khoảng 1 giờ là rất dài, tuy nhiên người bệnh còn trẻ nên vẫn có cơ hội.

Trong hoàn cảnh nguy kịch đó, Giám đốc bệnh viện 19-8 là PGS.TS.BS Hoàng Thanh Tuyền chỉ đạo kích hoạt ê kíp hỗ trợ ECMO khẩn với quyết tâm cao độ dành mọi phương tiện kỹ thuật để cứu chữa người bệnh.

Sau vào ECMO-VA (tuần hoàn ngoài cơ thể hỗ trợ tim), trong 3 ngày đầu monitor liên tục báo thông số nhịp nhanh thất, sau đó chuyển dần về nhịp xoang, huyết động được cải thiện và dừng hẳn các thuốc vận mạch, chống loạn nhịp.

Sau 6 ngày điều trị với ECMO-VA, bệnh nhân được thử nghiệm cai thành công với các chức năng tim hồi phục. Tuy nhiên tổn thương phổi của bệnh nhân lại diễn biến theo chiều ngược lại, tiến triển ARDS nặng (hội chứng suy hô hấp cấp tính) với phim chụp phổi mờ toàn bộ 2 phế trường.

Sau khi hội chẩn các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành hồi sức tích cực đến từ Bệnh viện Bạch Mai, thống nhất ý kiến chỉ định ECMO-VV (tuần hoàn ngoài cơ thể hỗ trợ phổi). Bệnh nhân được kết thúc ECMO tim, khâu động mạch, tiếp tục tiến hành chạy ECMO phổi. 5 ngày điều trị tiếp theo với ECMO phổi, thở máy bảo vệ phổi, các chỉ số về trao đổi oxy cũng như phim chụp phổi của bệnh nhân được cải thiện hơn, các bác sĩ kết thúc ECMO-VV.

Ba ngày sau khi kết thúc ECMO-VV, bệnh nhân tỉnh táo, được rút ống nội khí quản và hỗ trợ thở HFNC (oxy dòng cao). Các bác sĩ cho biết, trong quá trình điều trị, ngoài hỗ trợ tim phổi nhân tạo, bệnh nhân còn được áp dụng một số biện pháp hồi sức kỹ thuật cao khác như: kiểm soát thân nhiệt đích; lọc máu liên tục hỗ trợ suy đa tạng sau ngừng tuần hoàn; lọc máu ngắt quãng hỗ trợ tình trạng suy thận cấp trong 2 tuần.

Bệnh nhân cũng được tiếp nhận các chăm sóc điều dưỡng tích cực như phục hồi chức năng hô hấp, tập vật lý trị liệu thần kinh-cơ.

Ngày 17/10/2024, sau gần 1 tháng điều trị, bệnh nhân hồi phục thần kỳ, tỉnh táo, đi lại sinh hoạt bình thường, các tạng suy đã ổn định, được xuất viện về nhà.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X