Hotline 24/7
08983-08983

Những hướng dẫn quốc tế đến thực hành tại Việt Nam về điều trị, quản lý COPD

Trong phiên COPD được diễn ra tại hội trường full house - Hội nghị thường niên 2024 LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng TPHCM, tổ chức tại Huế vào ngày 25/5/2024, các chuyên gia đã đề cập nội dung xoay quanh việc ứng dụng các hướng dẫn của quốc tế vào thực hành lâm sàng tại Việt Nam trong điều trị, quản lý, dự phòng các vấn đề của bệnh nhân COPD.

Cần đảm bảo quyền lợi trong quản lý, điều trị bệnh nhân COPD

TS.BS Cao Thị Mỹ Thúy - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ mở đầu phiên báo cáo với chủ đề “Từ hướng dẫn đến thực hành điều trị COPD thực tế tại Việt Nam”.

Bác sĩ cho biết, gánh nặng COPD đối với bệnh tật và tử vong vẫn là mối quan tâm, đây là vấn đề được bàn luận, quan tâm nhiều tại các diễn đàn khoa học từ chẩn đoán đến điều trị để cải thiện và giảm gánh nặng bệnh tật đối với người bệnh COPD.

Có 2 mục tiêu điều trị COPD, tùy vào tình trạng bệnh nhân ở kiểu hình nào. Đồng thời, tùy vào mức độ triệu chứng nhiều hay mức độ đợt cấp nhiều mà có chọn lựa phù hợp để cải thiện triệu chứng, cải thiện hoạt động thể lực, chất lượng cuộc sống, ngăn chặn các đợt cấp tiếp diễn sau đó và làm giảm tử vong trên một bệnh nhân COPD.

TS.BS Cao Thị Mỹ Thúy - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ

Chu trình quản lý COPD là một chu trình quản lý liên tục, giống một bệnh mãn tính khác hoặc gần giống với bệnh hô hấp là hen phế quản. Khi chẩn đoán cho bệnh nhân, đòi hỏi bác sĩ phải có chẩn đoán sớm, chính xác với kỹ thuật đo chức năng hô hấp ký để khẳng định bệnh nhân COPD.

Sau đó, bác sĩ cần đánh giá bệnh nhân để có một khởi đầu điều trị phù hợp cho bệnh nhân của mình. Tiếp đến, cần tiếp tục theo dõi, điều chỉnh phù hợp, giúp tình trạng bệnh của bệnh nhân được cải thiện. Trong suốt quá trình quản lý và điều trị, phải có sự đồng hành giữa thầy thuốc, bệnh nhân cùng những người có liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.

Đồng thời, cần lưu ý, ngoài các phương pháp điều trị bằng thuốc, các phương pháp điều trị không dùng thuốc vô cùng quan trọng, bởi vì ảnh hưởng đến cải thiện kết quả điều trị.

Trong vấn đề quản lý điều trị COPD bằng thuốc, vị chuyên gia chia sẻ, có rất nhiều hướng dẫn quản lý COPD tại các quốc gia, nhưng hướng dẫn được áp dụng nhiều nhất là GOLD và cập nhật hàng năm. Năm 2024, cập nhật của GOLD tương tự 2023 với các bước khởi đầu điều trị dựa vào phân nhóm bệnh nhân. Theo đó, ở tất cả các nhóm bệnh nhân, ngoài việc sử dụng thuốc phối hợp bộ đôi hoặc bộ ba, cần cho bệnh nhân sử dụng thêm thuốc giãn phế quản, giảm các triệu chứng khi cần.

GOLD 2024 khuyến cáo nên điều trị tiếp nối không cần biết trước đó bệnh nhân được phân loại ở nhóm nào. Việc điều trị tiếp nối bắt đầu từ các triệu chứng bệnh nhân có khó thở nhiều hay bệnh nhân còn nhiều đợt cấp để đi theo lộ trình. Cụ thể, nếu bệnh nhân còn khó thở nhiều, cần tăng các thuốc giãn phế quản, đặc biệt là giãn phế quản bộ đôi hoặc nếu bệnh nhân đã sử dụng giãn phế quản bộ đôi, bác sĩ nên xem xét chuyển dụng cụ hoặc chuyển các hoạt chất trong bộ đôi để giúp cải thiện tình trạng khó thở của bệnh nhân.

Trong trường hợp bệnh nhân còn nhiều đợt cấp, bác sĩ sẽ tiếp cận thêm một dấu ấn sinh học và quyết định cho bệnh nhân. Cần xem xét thêm bạch cầu ái toan (Eos>100), vẫn có nhiều đợt cấp, bệnh nhân đang sử dụng bộ đôi giãn phế quản tác dụng kéo dài, trong trường hợp này, có thể tăng lên bộ ba với ICS/LABA/LAMA cho bệnh nhân.

Theo khuyến cáo gần đây của GOLD, nên sử dụng thuốc bộ đôi hoặc bộ ba cho các trường hợp nhiều triệu chứng và nhiều đợt cấp, đây cũng là hai đặc điểm thường gặp ở bệnh nhân COPD trong thực hành lâm sàng. Thông thường, các khuyến cáo từ quốc tế được dựa theo các bằng chứng được chứng minh để khẳng định. Theo đó, các nhà thực hành lâm sàng có thể dựa theo hướng dẫn để áp dụng vào thực hành trên lâm sàng, từ đó phản hồi lại. Đặc biệt, cần cá thể hóa cho từng bệnh nhân trong vấn đề điều trị.

TS.BS Cao Thị Mỹ Thúy thông tin, tại Việt Nam, năm 2023, Bộ Y tế đã đưa ra một tài liệu hướng dẫn, và đối với các cơ sở y tế, tài liệu của Bộ Y tế là cơ sở để điều trị và được thanh toán BHYT. Tại mỗi cơ sở, nếu có sự thay đổi so với tài liệu này, cần xây dựng một tài liệu riêng và tổ chức một buổi thông qua hội đồng khoa học tại bệnh viện và được ban hành tại bệnh viện, đó sẽ là cơ sở để thanh toán BHYT. Vì vậy, đa số cơ sở y tế tại Việt Nam sẽ dựa vào tài liệu hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, tài liệu của Bộ Y tế vẫn dựa theo phân nhóm của GOLD năm 2022.

Hiện nay, việc quản lý điều trị bệnh nhân COPD tại Việt Nam có rất nhiều bất cập như vấn đề khu vực, bệnh nhân tại nhiều tỉnh thành khác nhau điều trị tại một bệnh viện ở khu vực khác; hoặc vấn đề bệnh nhân không điều trị tại một bệnh viện lâu dài, bỏ qua bệnh viện tuyến huyện, quản lý bệnh ở nhiều bệnh viện khác nhau, không có hồ sơ theo dõi COPD lâu dài của bệnh nhân tại một bệnh viện…

Chuyên gia thông tin, theo một tổ chức bảo trợ bệnh nhân gồm nhiều chuyên gia và nhiều hội quan tâm đến quyền lợi của bệnh nhân đã đưa ra 6 nguyên tắc. Trong đó, bệnh nhân có quyền làm những điều bệnh nhân mong mỏi. Qua 6 đặc quyền này, kêu gọi các nhà hoạch định chính sách, BHYT, các nhà lãnh đạo để bảo vệ các quyền lợi này cho bệnh nhân từ chẩn đoán sớm, điều trị đúng, giáo dục bệnh nhân và người chăm sóc để cải thiện tốt hơn cho bệnh nhân.

Cuối cùng, vị chuyên gia nhấn mạnh, gánh nặng bệnh tật COPD còn rất lớn kêu gọi sự đồng lòng của rất nhiều người, bao gồm các vị lãnh đạo, hội chuyên ngành, các vị thầy thuốc. Bên cạnh đó, cần dựa trên các tài liệu hướng dẫn vì đó là cơ sở của các bằng chứng để điều trị cho bệnh nhân. Trong quá trình điều trị, cần cá thể hóa để có kinh nghiệm và tiếp tục nghiên cứu để thay đổi hướng dẫn điều trị.

80-90% bệnh nhân COPD có triệu chứng khó thở

Nối tiếp phiên báo cáo, ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân - Khoa thăm dò chức năng Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trình bày bài báo cáo “Từ hướng dẫn đến thực hành: Chẩn đoán và khởi đầu điều trị COPD”.

Về chẩn đoán COPD, chuyên gia cho biết, đối với bác sĩ hô hấp, hướng dẫn của GOLD khá quen thuộc, còn với bác sĩ thực hành tổng quát, cũng cần nắm được việc chẩn đoán một ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cần dựa vào các triệu chứng, đặc biệt, khó thở chính là triệu chứng điển hình của COPD, khoảng 80-90% bệnh nhân COPD có triệu chứng này.

Lưu ý, bệnh nhân khó thở khi gắng sức và tăng dần theo thời gian. Ngoài ra, bệnh nhân có thể xuất hiện biểu hiện khò khè tái lại nhiều lần, khạc đàm kéo dài và có thể có những đợt nhiễm trùng hô hấp. Một số yếu tố nguy cơ của bệnh nhân COPD như hút thuốc lá và tiếp xúc sinh khối.

Việc chẩn đoán COPD phải làm hô hấp ký, nếu bệnh nhân có hô hấp ký bất thường với FEV1/FVC bảo tồn, cần theo dõi bệnh nhân. Trường hợp chỉ số FEV1/FVC trong khoảng từ 0,60 - 0,80 nên theo dõi kỹ cho bệnh nhân, đồng thời đo hô hấp ký lặp lại nhiều lần. Sau khi chẩn đoán COPD, bác sĩ phải phân độ bệnh nhân, theo GOLD 2024 là phân theo nhóm A, B, E.

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân - Khoa thăm dò chức năng Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Về vấn đề điều trị, vị chuyên gia lưu ý, nên cân nhắc lựa chọn điều trị COPD ở giai đoạn ổn định theo hướng cá thể hóa người bệnh và dựa trên sự sẵn có của thuốc. Những bệnh nhân COPD có yếu tố hen, nên được điều trị với ICS. GOLD 2024 cũng đưa ra khuyến cáo về các yếu tố cần xem xét khi khởi đầu điều trị với ICS, được phân thành 3 mức độ.

Cụ thể, nhóm rất nên dùng là nhóm bệnh nhân có nhiều đợt cấp, bạch cầu ái toan trong máu cao và có tiền sử bệnh hen hoặc đang mắc hen; nhóm nên dùng là những bệnh nhân có 1 đợt cấp trung bình/năm, bạch cầu ái toan trong máu trên 100; còn những bệnh nhân viêm phổi tái lại nhiều lần hoặc bạch cầu ái toan trong máu thấp, có tiền sử mycobacteria không cần sử dụng.

GOLD 2024 khuyến cáo, đối với bệnh nhân COPD đang sử dụng ICS/LABA ổn định, bác sĩ có thể cho bệnh nhân tiếp tục sử dụng. Tuy nhiên, nếu không ổn định, còn đợt cấp, còn triệu chứng, xem xét thay đổi cho bệnh nhân sử dụng bộ ba ICS/LABA/LAMA, đặc biệt khi bạch cầu ái toan trong máu >100.

Chuyên gia cho biết, bệnh nhân COPD nếu có nhiều đợt cấp, tỷ lệ tử vong càng cao. Đặc biệt, 22% bệnh nhân COPD tử vong trong năm đầu tiên sau đợt cấp nhập viện. Do đó, có nhiều liệu pháp giảm tử vong, và theo các nghiên cứu, khuyến cáo từ GOLD và IMPACT đã chứng minh việc phối hợp bộ ba ICS/LABA/LAMA giúp giảm đáng kể đợt cấp từ trung bình đến nặng, giảm nguy cơ tử vong so với LABA/LAMA.

Không áp dụng chung hướng dẫn điều trị COPD ở bệnh nhân lao phổi cũ cho tất cả

Trong chủ đề “Từ hướng dẫn đến thực hành: Kiểu hình COPD ở bệnh nhân lao phổi cũ”, TS.BS Nguyễn Văn Thọ - Giảng viện Bộ môn Lao phổi, Đại học Y Dược TPHCM, bác sĩ chuyên khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, khi ứng dụng chung các hướng dẫn quốc tế cho bệnh nhân Việt Nam, nếu thấy không phù hợp, nên coi lại kiểu hình COPD, bao gồm tập hợp các triệu chứng lâm sàng hay hình ảnh học, chọn ra nhóm bệnh nhân phù hợp để tăng hiệu quả điều trị, giảm thiểu tác dụng phụ, tránh những điều trị không cần thiết.

Chuyên gia đã đề cập về một kiểu hình COPD là bệnh nhân có di chứng lao phổi cũ. Tùy vào việc điều trị lao, nếu điều trị sớm, bệnh nhân có thể xóa sạch hết tổn thương hoặc tổn thương di chứng không đáng kể. Do đó, nên điều trị như một bệnh nhân COPD bình thường, nếu điều trị quá trễ, bệnh nhân sẽ mắc phải nhiều di chứng. Khi bệnh nhân bị giãn phế quản do co kéo, xơ hóa và hẹp khu trú phế quản, giảm thể tích phổi, lúc này bác sĩ mới cần xem xét lại.

Như vậy, tùy vào thời điểm và từng bệnh nhân, không áp dụng chung hướng dẫn cho tất cả, có những người từng điều trị lao, nếu di chứng không đáng kể, không cần lo ngại.

TS.BS Nguyễn Văn Thọ - Giảng viện Bộ môn Lao phổi, Đại học Y Dược TPHCM

Bác sĩ đưa ra một số tổng kết từ các nghiên cứu tại một số bệnh viện ở Việt Nam. Theo đó, tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, nghiên cứu trong 179 bệnh nhân COPD đến khám, chỉ có 10,6% có di chứng lao. Một nghiên cứu khác tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh Khánh Hòa, di chứng lao lên tới 46% trên tổng 196 bệnh nhân COPD đến khám. Tại Phòng khám Hô hấp Bệnh viện An Bình, trong 91 bệnh nhân được nghiên cứu, có đến 59% bệnh nhân có di chứng lao phổi cũ.

Tiếp tục một nghiên cứu tại bệnh viện chuyên về phổi của toàn miền Nam - Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, theo đó, bệnh nhân có di chứng lao chiếm tới 45% trong số 120 bệnh, nhưng khi hỏi tiền sử điều trị bệnh lao, lên tới 52%. Do đó, có những bệnh nhân đã điều trị bệnh lao nhưng không còn xuất hiện di chứng.

Qua phân tích trên, TS.BS Nguyễn Văn Thọ nhận định, tỷ lệ mắc di chứng lao phổi cũ trong số bệnh nhân COPD dao động tùy thuộc từng bệnh viện tại Việt Nam, khoảng 10-60%. Phần lớn, di chứng lao tương đối ít, vấn đề đáng lo ngại là nguy cơ viêm phổi, do đó, cần xem xét các yếu tố nguy cơ gây viêm phổi để hạn chế và cân nhắc trong việc sử dụng ICS.

Nguy cơ tái phát bệnh lao do ICS khá thấp, trừ khi bác sĩ không điều trị tốt, bệnh nhân phải dùng corticoid đường toàn thân, lúc đó, bệnh nhân có nguy cơ bệnh lao hoặc viêm phổi tăng lên. Do đó, phải cân nhắc điều trị phác đồ có ICS cho bệnh nhân có bệnh lao, cần đánh giá mức độ của di chứng, nếu ít, điều trị giống trường hợp COPD thông thường, còn nặng, nên lo lắng vấn đề viêm phổi hơn việc bệnh nhân tái phát bệnh lao.

Đặc biệt, chuyên gia nhấn mạnh, cần chú ý vấn đề giảm đợt cấp để giảm corticoid đường toàn thân hơn việc phải lo lắng, để bệnh nhân vào đợt cấp, sau đó sử dụng corticoid đường toàn thân, tác dụng phụ sẽ nhiều hơn. 

Phối hợp giữa cộng đồng - bệnh nhân - thầy thuốc để phòng ngừa đợt cấp COPD

Bài báo cáo “Phương thức nào dự phòng đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hiệu quả?” được tiếp nối phiên báo cáo do ThS.BS Nguyễn Thị Phụng - Khoa Nội phổi, Bệnh viện Chợ Rẫy trình bày.

Bác sĩ cho biết, đợt cấp không chỉ gây gánh nặng cho bệnh nhân COPD về mặt đại thể, khổ sở vì phải nhập viện. Gánh nặng vi thể là giảm chức năng phổi, nguy cơ nhiễm trùng, làm tăng đợt cấp nhiều hơn, bệnh nhân bị tăng hoạt tính viêm toàn thân, nặng thêm các bệnh đồng mắc, giảm chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, khi đợt cấp phải nhập viện, còn làm tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nếu đợt cấp phải nhập viện lặp lại nhiều lần, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân sẽ rất cao.

Hiện nay, tại Việt Nam, tỷ lệ đợt cấp của bệnh nhân COPD tại phòng khám ngoại trú chiếm 47,9%. Trong đó, có 83,7% bệnh nhân có đợt cấp nặng. Một khi bệnh nhân có đợt cấp nặng, tỷ lệ tái nhập viện trong vòng 12 tháng lên tới 54,9%.

ThS.BS Nguyễn Thị Phụng - Khoa Nội phổi, Bệnh viện Chợ Rẫy 

Trong các yếu tố nguy cơ khiến đợt cấp xảy ra, tiền sử đợt cấp là yếu tố dự báo tốt nhất cho bệnh nhân có nguy cơ đợt cấp trong tương lai.

Theo nghiên cứu ECLIPSE, các yếu tố nguy cơ có thể dự báo được đợt cấp: Thứ nhất, các yếu tố nguy cơ độc lập như: có đợt cấp trong năm trước đó, giảm FEV, có tiền sử trào ngược, ợ chua,… Thứ hai là mức độ khó thở của bệnh nhân. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân vẫn mặc nhiên cho rằng bệnh của bản thân sẽ có biểu hiện khó thở, can thiệp triệu chứng trễ, bệnh nhân đánh giá triệu chứng không đúng mức, không nhập viện sớm, hậu quả là diễn tiến nặng hơn và có thể nhập viện vì đợt cấp nặng sau đó.

Bác sĩ thông tin, khi bệnh nhân có đợt cấp nặng phải nhập viện, tỷ lệ tử vong tăng cao hơn so với bệnh nhân có đợt cấp nhẹ, trung bình hoặc không có đợt cấp đến 1,8 lần.

Nguyên nhân kiểm soát kém đợt cấp có thể đến từ nhiều nguồn: do bệnh nhân chủ quan, không báo cáo, không biết; từ phía nhân viên y tế, các bác sĩ có thể đánh giá, can thiệp và khởi đầu điều trị không đúng mực, đồng thời, nếu đánh giá bệnh nhân cải thiện sớm, giảm liều sớm, cũng có thể dẫn đến đợt cấp sau đó.

Cộng đồng cũng có thể gây ảnh hưởng đến bệnh nhân. Ví dụ, nếu không khuyến cáo về việc cấm hút thuốc lá đầy đủ, sâu rộng, bệnh nhân vẫn tiếp tục hút thuốc lá, đó là yếu tố nguy cơ của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Chuyên gia nhấn mạnh, chìa khóa của việc điều trị thành công, phòng ngừa hiệu quả là bác sĩ phải giáo dục cho bệnh nhân hiểu về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cách phòng ngừa đợt cấp hiệu quả. Có đến 80% bệnh nhân không phát hiện đợt cáp để báo với bác sĩ, đó cũng là nguyên nhân điều trị không hiệu quả.

Vì vậy, việc phát hiện sớm, điều trị triệt để và phòng ngừa là vai trò của thầy thuốc nhưng để phòng ngừa hiệu quả thì việc phối hợp giữa cộng đồng, bệnh nhân, thầy thuốc đều quan trọng.

Đề cập đến vai trò của bộ ba ICS/LABA/LAMA, ThS.BS Nguyễn Thị Phụng nhận định, đây là một trong những phương thức điều trị đạt hiệu quả phòng ngừa đợt cấp đã được chứng minh khi lựa chọn khởi đầu thích hợp và đến nay bộ ba này đã được FDA công nhận.

Với bệnh nhân, thuốc tốt nhất là thuốc phù hợp nhất

ThS.BS.CK2 Dương Minh Ngọc - Giảng viên Bộ môn Nội tổng quát, trường Đại học Y Dược TPHCM, Khoa Nội Phổi, Bệnh viện Chợ Rẫy mang đến bài báo cáo “Quản lý COPD dài hạn: Có còn vai trò của ICS/LABA?”

Mở đầu bài báo cáo, vị chuyên gia thông tin về thực trạng về kiểm soát COPD tại Việt Nam hiện nay. Theo đó, COPD là gánh nặng bệnh tật tại nước ta, là nguyên nhân tử vong xếp hàng thứ tại Việt Nam. Gánh nặng phần lớn liên quan đến đợt cấp, do đó, mục tiêu điều trị COPD liên quan nhiều đến giảm đợt cấp.

Vấn đề đợt cấp được quan tâm nhiều có liên quan đến sụt giảm chức năng hô hấp sau khi bệnh nhân có đợt cấp COPD, thậm chí, chức năng hô hấp không có dấu hiệu hồi phục sau 2 tháng từ khi đợt cấp xảy ra. Bên cạnh đó, đợt cấp xảy ra càng nhiều, nguy cơ tử vong càng tăng.

Tử vong sau đợt cấp cũng được bác sĩ đề cập trong bài báo cáo. Ông cho rằng, đây là vấn đề cần được quan tâm, nếu tử vong nội viện là 6,7%, 1 năm sau đó, tỷ lệ này tăng lên 33% và sau 5 năm, có thể gặp lại 3 bệnh nhân trong số 10 bệnh nhân nhập viện ban đầu.

Do đó, việc quản lý COPD dài hạn được GOLD đưa ra 2 mục tiêu là giảm triệu chứng và giảm nguy cơ để cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm đợt cấp và giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân.

ThS.BS.CK2 Dương Minh Ngọc - Giảng viên Bộ môn Nội tổng quát, trường Đại học Y Dược TPHCM

Theo khuyến cáo của GOLD dựa trên các bằng chứng tốt nhất ở thời điểm hiện tại, trong giai đoạn khởi đầu điều trị bệnh nhân COPD sẽ sử dụng thuốc bộ đôi giãn phế quản vì đã chứng minh được hiệu quả giảm triệu chứng, giảm đợt cấp và bộ ba có hiệu quả giảm tỷ lệ tử vong.

Về quản lý COPD ở giai đoạn ổn định - tiếp nối, không còn sự hiện diện của bộ đôi LABA/ICS. Trên thị trường hiện tại, có rất nhiều thuốc để quản lý bệnh nhân COPD. Tuy nhiên, các loại thuốc chỉ đầy đủ tại một địa điểm trong một thời điểm nhất định, có thể thấy qua sự đứt gãy của chuỗi cung ứng thuốc và vật tư y tế trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, tại một số khu vực, địa phương, không có đầy đủ thuộc như các trung tâm y tế lớn tại các thành phố, bệnh nhân nhận đơn thuốc và được gửi về y tế địa phương điều trị, nhưng sau một thời gian quay lại tái khám, bệnh nhân không tuân theo toa thuốc mà sử dụng thuốc cũ, nguyên nhân do địa phương không có loại thuốc bác sĩ kê trên toa và chi phí điều trị không nằm trong điều kiện của bệnh nhân.

“Do đó, ngoài việc áp dụng các hướng dẫn tốt nhất của GOLD, bác sĩ cần tính đến việc điều trị có phù hợp với bệnh nhân hay không. Loại thuốc nào phù hợp với bệnh nhân nhất, đối với người bệnh, đó là thuốc tốt nhất” - Chuyên gia nhấn mạnh.

ThS.BS.CK2 Dương Minh Ngọc lưu ý, khi lựa chọn thuốc, cần quan tâm đến tính sẵn có của thuốc, giá thành và bệnh nhân có chấp nhận sử dụng thuốc hay không. Ví dụ, bác sĩ thấy loại thuốc mới có thể giảm nguy cơ tử vong, giảm triệu chứng, những bệnh nhân cho rằng, thuốc không hiệu quả và từ chối dùng thuốc. Theo đó, bác sĩ cần tìm một phương pháp khác vì không thể ép buộc bệnh nhân, việc điều trị luôn cần sự phối hợp giữa bệnh nhân và bác sĩ.

Do đó, thuốc phù hợp nhất là loại thuốc bệnh nhân có khả năng chi trả, nhận biết được hiệu quả và có khả năng sử dụng loại thuốc đó.

Về vấn đề hiệu quả ICS/LABA, chuyên gia cho biết, hiệu quả của bộ đôi này đã được chứng minh qua rất nhiều nghiên cứu, đặc biệt, bộ đôi ICS/LABA có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm tỷ lệ đợt cấp. 

Bên cạnh đó, trên thực tế còn rất nhiều bệnh nhân đang điều trị bằng ICS/LABA, các bác sĩ có thể yên tâm với việc điều trị này có thể phù hợp với một số nhóm bệnh nhân, không sai và không đi lệch theo khuyến cáo, bởi vì, các khuyến cáo là dựa trên bằng chứng tốt nhất, còn bệnh nhân phải phù hợp nhất với họ.

ThS.BS.CK2 Dương Minh Ngọc cho biết, sử dụng phối hợp bộ đôi thuốc Bud/Form giúp cải thiện triệu chứng nhiều hơn, giảm đợt cấp tốt hơn và ít viêm phổi hơn so với Flu/Sal.

Nguy cơ nhiễm trùng ở bệnh nhân COPD, tăng gánh nặng  đợt cấp, nhập viện và tử vong

Kết thúc phiên báo cáo, TS.BS Lê Khắc Bảo - Giám đốc Trung tâm Giáo dục Y học, Đại học Y Dược TPHCM, Phó Trưởng khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đề cập đến “Tiêm ngừa cho bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Why - What - Now”.

Đi thẳng vào vấn đề Why: tại sao cần tiêm ngừa trong COPD? Chuyên gia nhấn mạnh, vì người bệnh COPD có nguy cơ cao mắc nhiễm trùng, từ đó, tăng gánh nặng bệnh tật COPD như triệu chứng, đợt cấp, nhập viện, nhập ICU, tử vong do COPD tăng lên.

Vấn đề quan trọng là việc tiêm ngừa vaccine có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh và giảm gánh nặng bệnh tật trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

TS.BS Lê Khắc Bảo - Giám đốc Trung tâm Giáo dục Y học, Đại học Y Dược TPHCM

TS.BS Lê Khắc Bảo đã phân tích cụ thể từng nguyên nhân. Ông cho biết, nguy cơ mắc bệnh viêm phổi đối với bệnh nhân COPD tăng cao. So với bệnh nền khác, nguy cơ mắc viêm phổi ở bệnh nhân COPD cao hơn 7,7 lần, tỷ lệ này nhiều hơn người khoẻ mạnh, người mắc bệnh tim, đái tháo đường, nghiện rượu, hen.

Bên cạnh viêm phổi, bệnh nhân COPD có nguy cơ mắc bệnh ho gà tăng cao. Cụ thể, những bệnh nhân bị hen hoặc COPD có nguy cơ bị nhiễm khuẩn ho gà hoặc mắc ho gà rất nặng, có thể đưa vào đợt cấp của hen và đợt cấp của COPD.

Bệnh nhân COPD có nguy cơ mắc Zona tăng cao. Những bệnh nhân trên 50 tuổi mắc COPD, có nguy cơ mắc bệnh Zona cao hơn. Theo nghiên cứu tại Đài Loan, trên những bệnh nhân không dùng corticoid, nguy cơ mắc zona đã tăng 1,67 lần; còn nếu dùng thêm corticoid dạng hít sẽ tăng 2,9 lần nguy cơ mắc bệnh zona, dùng đường uống tăng gấp 3 lần nguy cơ mắc zona. Tương tự với nghiên cứu tại Tây Ban Nha, một bệnh nhân COPD không điều trị corticoid, nguy cơ mắc zona tăng 1,45 lần, còn nếu dùng thêm corticoid đường hít, tăng gấp 1,61 lần.

Ngoài ra, việc sử dụng ICS vào trong bệnh nhân COPD kể cả bộ ba ICS/LABA/LAMA hoặc ICS/LABA, đồng nghĩa làm tăng nguy cơ mắc zona cho người bệnh COPD.

Nguy cơ mắc RSV phổ biến trên bệnh nhân COPD, có đến 10% đợt cấp liên quan đến nhiễm virus hô hấp hợp bào, và 11,4% nhập viện do RSV gây ra cho bệnh nhân COPD.

Mắc ho gà làm tăng số lần đi khám ở bệnh nhân COPD đến 3,5 lần/tháng….

Trả lời cho What - tiêm vaccine gì trong COPD? Chuyên gia thông tin, tại Việt Nam hiện nay, khuyến cáo bệnh nhân COPD tiêm ngừa ho gà, cúm, phế cầu, COVID-19, không có vaccine RSV và Zona. Nhưng theo hướng dẫn điều trị quốc tế và quốc gia đều khuyến cáo mạnh mẽ việc tiêm ngừa các bệnh nhiễm trùng trong COPD, bao gồm RSV, Zona, ho gà, cúm, phế cầu, COVID-19 giúp giảm gánh nặng bệnh tật trong COPD.

Cuối cùng, vấn đề How - tiêm vaccine như thế nào trong COPD? TS.BS Lê Khắc Bảo chia sẻ, đầu tiên, về thời điểm tiêm vaccine phù hợp là trong giai đoạn ổn định bệnh phổi mạn tính, nghĩa là sau đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính từ 28-35 ngày; bệnh nhân không có các bệnh lý khác đang điều trị và không sử dụng corticoid toàn thân trong thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, khi tiêm vaccine trong COPD đang điều trị corticoid, cần chú ý đến liều lượng corticoid bệnh nhân đang dùng. Đặc biệt, trường hợp bệnh nhân tiêm vaccine khi đang điều trị ức chế miễn dịch, lưu ý, trước khi khởi động điều trị ức chế miễn dịch 2 tuần, bệnh nhân cần tiêm ngay vaccine. Nếu đã sử dụng ức chế miễn dịch, nên trì hoãn tiêm vaccine ít nhất 3 tháng và ít nhất 6 tháng cho trường hợp bệnh nhân dùng loại ức chế miễn dịch kháng tế bào B.

Đối với vấn đề tiêm vaccine trong COPD một lần hay nhắc lại? Bác sĩ thông tin, đối với vaccine cúm, nên tiêm hàng năm; vaccine PCV chỉ cần tiêm 1 lần trong đời, tuy nhiên, nếu trước đây đã tiêm PCV13 chủng, nên tiêm nhắc lại PCV20 để bổ sung giúp tăng khả năng bảo vệ bệnh nhân COPD. Vaccine PPSV tiêm nhắc lại sau hơn 5 năm; vaccine COVID-19 lặp lại 2 lần; bạch cầu, ho gà, uốn ván, lặp lại sao mỗi 10 năm; Zona tiêm bắp, 2 mũi cách nhau 2-6 tháng.

>>> Hội nghị thường niên LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM: Sôi nổi bàn luận trên 15 phiên, 77 bài báo cáo

>>> Những điểm mới trong điều trị hen người lớn, giải pháp kiểm soát bệnh đồng mắc

>>> Vai trò của tiêm phòng trong điều trị bệnh nhân phổi mạn tính, nhiễm trùng hô hấp cộng đồng và bệnh nhân suy giảm miễn dịch bị nhiễm trùng

Hội nghị thường niên 2024 LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM được tổ chức tại Huế trong 2 ngày 24 và 25/5/2024, với tổng 77 bài báo cáo trong 15 phiên khoa học. Bên cạnh đó, hội nghị còn tổ chức 2 buổi workshop và chương trình sinh hoạt mạng lưới ACOCUs nhân sự kiện lần này.

Đặc biệt, hội nghị năm nay cũng là kỷ niệm 10 năm thành lập LCH, do đó, trong khuôn khổ hội nghị, LCH cũng đã tổ chức đại hội, bầu ra ban chấp hành nhiệm kỳ 2024 - 2029. Theo đó, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan Tiếp tục đảm nhiệm vai trò Chủ tịch LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM nhiệm kỳ 2024 - 2029.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X