Hotline 24/7
08983-08983

Chăm sóc và điều trị mụn nhọt tại nhà thế nào cho nhanh khỏi?

Mụn nhọt là tình trạng thường gặp, mặc dù hiếm khi gây ra tình trạng nguy hiểm nhưng nó khiến chúng ta thấy khó chịu. Thường, mụn nhọt sẽ khỏi sau 1-3 tuần, vậy chúng ta cần chăm sóc như thế nào để nhanh lành và không gây viêm nhiễm nặng thêm?

Nguyên nhân nào gây phát sinh mụn nhọt, thưa ThS.BS Dương Lê Trung?

Nhọt là một tình trạng nhiễm trùng da, ở vị trí nang lông tuyến bã nhờn. Bệnh lý này gây ra bởi các tụ cầu vàng được gọi là Staphylococcus aureus. Thông thường, vi khuẩn này có thể thường trú trên da tại những vị trí lỗ mũi, trong miệng, ở vùng nếp, vùng kẽ... Vì một lý do nào đó mà vi khuẩn này xâm nhập vào nang lông thông qua vết cào gãi kèm với cơ địa suy giảm miễn dịch, tiểu đường, béo phì vi khuẩn có thể dễ dàng phát triển và gây bệnh. Chúng ta có thể thấy hiện trạng là xuất hiện những cái nhọt trên da.

Vậy những mụn nhọt này có thể nhận diện như thế nào ạ?

Thông thường mụn nhọt là những nốt sưng viêm tấy đỏ và có thể kèm cảm giác đau nhức ở trên da. Ở dạng nặng của mụn nhọt còn gọi là nhọt cụm, chúng ta có thể thấy nhiều nốt tập trung lại thành một nốt rất lớn trên da, sau 1-2 ngày thì những nốt sưng viêm này có thể hóa mủ ở bên trên. Diễn tiến của nó có thể vỡ mủ ra và chảy mủ. Thông thường, những mụn nhọt như vậy có thể tự ổn định sau từ 1-3 tuần.

Mụn nhọt là một tình trạng nhiễm trùng ở da gây ra các nốt sưng, đau, có mủ bên trong, hình thành bên dưới da

Mụn nhọt nên điều trị tại nhà hay đến bệnh viện?

Điều này tùy thuộc vào độ nặng của tình trạng bệnh lý mụn nhọt. Đối với tình trạng bệnh lý nhẹ và mụn nhỏ thì có thể tự ổn định sau 1-3 tuần. Tuy nhiên, nếu tình trạng nhọt của chúng ta xuất hiện những nốt mới hoặc sưng đau nhiều hơn kèm theo những dấu hiệu nhiễm trùng, sốt mệt mỏi thì nên đến bệnh viện da liễu hoặc các phòng khám da liễu để điều trị.

Nếu điều trị tại nhà thì nên làm gì để mụn nhọt nhanh lành thưa BS?

Để điều trị mụn nhọt tại nhà chúng ta cần chườm ấm, đây là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất. Chúng ta lấy một chiếc khăn sạch, thấm vào nước ấm, nhiệt độ vừa phải, không nên dùng nước ấm quá, đặc biệt là đối với làn da mỏng manh, dễ tổn thương của trẻ nhỏ và người già. Chườm lên vết mụn nhọt từ 10-15 phút, thực hiện 3-4 lần/ ngày cho đến khi nốt nhọt vỡ ra và tháo mủ ra ngoài.

Ngoài việc chườm ấm, có thể dùng thêm thuốc gì?

Chúng ta có thể cân nhắc dùng thuốc giảm đau kháng viêm như Acetaminophen (Paracetamol) hay Ibuprofen nhưng lưu ý đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng.

Trong quá trình điều trị, nên vệ sinh thế nào để tránh viêm nhiễm?

Các bạn lưu ý không nên nặn hay bóp vết mụn nhọt bởi động tác này sẽ làm cho vết nhọt dễ dàng nhiễm trùng và viêm nặng hơn. Ngoài ra, chúng ta cần hạn chế sờ hoặc chà xát, giữ vệ sinh sạch sẽ vùng nhọt. Đặc biệt là khi vùng tổn thương nhọt bị vỡ ra thì dùng 1 miếng gạc vô trùng băng lại để vừa bảo vệ che chắn và hạn chế lây lan vi khuẩn ra những vùng da xung quanh.

Mụn nhọt thường nổi ở nhiều vị trí, đặc biệt là những vùng nhạy cảm như vùng mí mắt. Cách xử trí ở những vùng này như thế nào thưa BS?

Mụn nhọt vị trí mắt thì người ta gọi là tình trạng lẹo mắt. Với những tình trạng này các bạn nên thận trọng, chúng ta có thể đi khám thêm bác sĩ chuyên khoa Mắt. Đặc biệt hạn chế trang điểm vùng da mắt cũng như sử dụng kính áp tròng trong giai đoạn này cho đến khi vùng lẹo mắt lành hẳn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X