Hotline 24/7
08983-08983

Chăm sóc trẻ sinh non: Những điều cha mẹ cần biết

Trẻ sinh non là trẻ được sinh ra quá sớm, trước 37 tuần của thai kỳ. Trẻ sinh non có thể chưa phát triển đầy đủ khi mới sinh nên gặp nhiều vấn đề về sức khỏe hơn và phải nằm viện lâu hơn những đứa trẻ sinh đủ tháng.

1. Khi nào được gọi là trẻ sinh non?

Sinh non là một ca sinh diễn ra hơn ba tuần trước ngày dự sinh. Nói cách khác, sinh non là một ca sinh xảy ra trước khi bắt đầu tuần thứ 37 của thai kỳ.

Trẻ sinh non, đặc biệt là những trẻ sinh rất sớm, thường mắc phải bệnh lý phức tạp. Thông thường, các biến chứng của sinh non rất khác nhau. Nhưng sinh càng sớm thì nguy cơ biến chứng càng cao.

Trẻ sinh non chia thành 4 nhóm: non muộn (34 - < 37 tuần), non vừa (32-34 tuần), rất non (28-32 tuần), cực non (< 28 tuần).

Trẻ sinh non thường sẽ được chăm sóc ở NICU (phòng chăm sóc đặc biệt dành cho các bé sơ sinh) sau khi sinh.

2. Trẻ sinh non phải đối mặt với những nguy cơ và rủi ro nào?

Theo ThS.BS Nguyễn Thị Kim Anh - Quyền Trưởng Khoa Sơ Sinh, Bệnh viện Nhi Đồng 2, trẻ sinh non có nguy cơ cao bệnh tật và tử vong do chưa trưởng thành về mặt cấu trúc giải phẫu và chức năng, đặc biệt là hệ miễn dịch rất kém.

Những vấn đề bệnh tật mà trẻ sinh non gặp phải đó là:

- Trẻ dễ bị suy hô hấp do phổi chưa trưởng thành, thiếu chất surfactant và cơ hô hấp yếu nên sau sanh trẻ thường phải hỗ trợ hô hấp. Có thể phải cần bơm chất surfactant nếu trẻ suy hô hấp nặng.

- Trẻ dễ bị ngưng thở do não chưa trưởng thành, đặc biệt mô não rất non yếu nên trẻ dễ bị xuất huyết não, là nguyên nhân khiến trẻ sinh non có thể chậm phát triển tâm thần và vận động về sau.

- Trong bào thai trẻ nào cũng có ống động mạch, sau sinh, trẻ đủ tháng thường đóng trong vài ngày. Tuy nhiên ở trẻ sinh non, ống động mạch thường còn và lâu đóng lại nên có thể sẽ ảnh hưởng trên trẻ như gây suy tim, suy hô hấp, viêm ruột hoại tử… Để điều trị đóng ống động mạch, trẻ được uống ibuprofen, nếu thất bại phải phẫu thuật cột ống động mạch.

- Trẻ dễ có nguy cơ vàng da nặng, do gan chưa trưởng thành. Do đó trẻ cần phải chiếu đèn sớm và theo dõi sát tình trạng vàng da khi nằm viện.

- Trẻ dễ bị viêm ruột hoại tử do hệ tiêu hóa chưa trưởng thành và do dễ bị nhiễm trùng. Nếu viêm ruột hoại tử xảy ra thì bệnh rất nặng, có thể cần phải phẫu thuật ruột. Do đó, trẻ sinh non sẽ được bác sĩ cho tập ăn sữa từng ít một, tăng dần mỗi ngày nếu trẻ hấp thu sữa tốt đến khi ăn đủ nhu cầu.

- Trẻ dễ bị nhiễm trùng nặng như nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm màng não, viêm ruột do sức đề kháng kém. Khi nhiễn trùng xảy ra thì cần điều trị kháng sinh dài ngày.

- Trẻ dễ bị hạ thân nhiệt do khả năng điều nhiệt kém, nếu hạ thân nhiệt xảy ra thì tình trạng bệnh rất nghiêm trọng. Vì thế, trẻ cần sưởi ấm như nằm lồng ấp, da kế da với mẹ (chăm sóc kangaroo).

- Trẻ dễ bị hạ đường huyết do không có dự trữ glycogen tại gan do sinh sớm. Do đó, sau sinh trẻ cần truyền dịch như glucose tránh hạ đường huyết.

- Trẻ dễ bị thiếu máu vì không dự trữ sắt ở gan, do sinh sớm. Do đó, trong quá trình điều trị, bác sĩ sẽ cho truyền máu khi có thiếu máu nặng. Sau sinh 2 tuần, trẻ được uống sắt để dự phòng thiếu máu.

- Trẻ dễ bị lệ thuộc oxy kéo dài, gọi là loạn sản phế quản phổi. Do nhu môi phổi chưa trưởng thành dễ bị tổn thương với nồng độ oxy cao gây xơ phổi.

- Trẻ có nguy cơ bị bệnh lý võng mạc, nếu nặng gây bong võng mạc dẫn đến mù lòa. Nguy cơ càng cao khi trẻ càng non, thở oxy nồng độ cao và kéo dài. Do đó sau sinh khoảng 3-4 tuần, trẻ non ≤ 34 tuần hay ≤ 2kg sẽ được khám mắt định kỳ lần đầu tiên, tái khám mỗi 2 tuần cho đến khi mắt ổn. Nếu có bệnh lý võng mạc sẽ được điều trị laser hay tiêm thuốc avastine.

- Trẻ có nguy cơ giảm thính lực. Vì vậy tất cả trẻ sinh non cần tầm soát thính lực.

Phổi của những trẻ sinh non chưa hoàn thiện. Suy hô hấp là một trong những lí do cần phải chăm sóc bé trong lồng ấp.

3. Cách chăm sóc trẻ sinh non tại nhà

BS Kim Anh chia sẻ, chăm sóc trẻ sinh non tại nhà cũng tương tự như các trẻ sinh thường, nhưng bố mẹ, người nhà cần lưu ý một số điểm sau đây:

- Mẹ tiếp tục kangaroo trẻ, giúp trẻ hạn chế cơn ngưng thở, tránh lạnh, tăng mối liên hệ mẹ con. Người làm thay thế mẹ kangagroo có thể là bố hay ông bà, cậu dì, cô chú…

- Chăm sóc trẻ phải kỹ lưỡng: rửa tay trước chăm sóc trẻ và sau thay tã. Các đồ dùng cho trẻ như bình sữa, ly, muỗng phải vô trùng như luộc nước sôi. Quần áo và đồ dùng khác phải sạch sẽ.

- Cho trẻ uống sữa theo hướng dẫn của bác sĩ: ưu tiên dùng sữa mẹ, nếu mẹ không đủ thì uống sữa non tháng.

- Cách ly trẻ khỏi những người trong gia đình đang bị bệnh như anh chị của bé, đặc biệt là bệnh hô hấp. Nếu người tham gia chăm sóc trẻ có dấu hiệu cảm ho thì phải đeo khẩu trang.

- Cho trẻ ở phòng thoáng mát, nhưng tránh gió lùa, tránh tiếng ồn, khói thuốc lá và ánh sáng chói. Phải có người luôn trông chừng trẻ vì trẻ dễ bị tím và ngưng thở, đặc biệt là sau khi bú xong.

- Tái khám theo hẹn của bác sĩ để đánh giá dinh dưỡng và phát triển của trẻ định kỳ, đặc biệt phải tầm soát thính lực và khám mắt theo hẹn. Cho trẻ uống thuốc như vitamin D, sắt, và các vitamin khác theo chỉ định của bác sĩ.

Phương pháp Kangaroo thường được sử dụng cho trẻ sinh non hoặc thiếu tháng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X