Hotline 24/7
08983-08983

Cha mẹ cần lưu ý gì khi có con bị co giật do động kinh: ở nhà, đi học, đi chơi?

Theo BS.CK1 Lâm Tuyết Trinh - Quyền điều hành phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, đối với trẻ động kinh không nên đưa trẻ đến những nơi có ao, hồ, sông, suối, không cho trẻ tự lái xe, lưu thông trên đường và phải luôn có bố mẹ hoặc người lớn đi kèm để được xử trí kịp thời.

1. Yếu tố nào gây khởi phát tình trạng co giật ở trẻ động kinh?

Thưa BS, những nguyên nhân, yếu tố nào trong cuộc sống có thể tác động gây khởi phát tình trạng co giật ở trẻ động kinh?

BS.CK1 Lâm Tuyết Trinh trả lời: Trẻ động kinh là do bẩm sinh. Có những bệnh động kinh không biết được nguyên nhân tuy nhiên cũng có một số trường hợp co giật gây động kinh do những bệnh tiềm ẩn. Do đó, cần đi khám để các bác sĩ chuyên khoa Thần kinh có thể tìm hiểu nguyên nhân gây động kinh ở trẻ.

2. Cơn co giật ở trẻ động kinh kéo dài bao lâu và có tự chấm dứt không?

Cơn co giật ở trẻ mắc động kinh thường kéo dài trong thời gian bao lâu và tình trạng này có tự chấm dứt không hay chúng ta phải can thiệp điều trị thưa BS?

BS.CK1 Lâm Tuyết Trinh trả lời: Cơn động kinh sẽ tùy vào nguyên nhân của bệnh lý động kinh. Tuy nhiên đa số các cơn động kinh sẽ khởi phát bất kỳ lúc nào và không thể dự đoán trước.

Cơn động kinh ngắn hay dài sẽ tùy thuộc vào bệnh nền của trẻ, có trẻ sẽ rơi vào trạng thái động kinh, động kinh kéo dài trên 15 phút gây nguy hiểm cho tính mạng cũng như não bị thiếu oxy. Tuy nhiên, đa số các cơn động kinh đều giới hạn dưới 5 phút.

3. Khi trẻ lên cơn co giật, gia đình nên làm gì?

Khi trẻ lên cơn co giật gia đình nên xử trí như thế nào ngay lúc này, nên làm gì và không nên làm gì? Có nhiều quan điểm cho rằng khi trẻ lên cơn co giật nên cho trẻ uống nước hay nặn chanh để trẻ nhanh tỉnh, điều này có đúng không thưa BS?

BS.CK1 Lâm Tuyết Trinh trả lời: Cho trẻ uống nước hay nặn chanh khi trẻ lên cơn co giật là quan niệm dân gian và không đúng theo khoa học.

Những trẻ động kinh sẽ bị mất ý thức, lên những cơn co giật cơ, co giật tay chân và không hề có phản xạ nuốt. Nếu chúng ta đưa bất cứ thứ gì vào đường thở hoặc đường miệng của trẻ sẽ gây sặc là làm nặng nề hơn tình trạng hít sặc, dẫn đến viêm phổi, cũng như trẻ dễ bị thiếu oxy não.

Khi trẻ lên cơn co giật chỉ cần bình tĩnh, đặt trẻ nằm nghiêng sang một bên để các dịch ói, nước dãi chảy ra ngoài.

Không đưa bất cứ thứ gì vào miệng trẻ, kể cả que đè lưỡi, muỗng hoặc ngón tay… vì sẽ làm tổn thương vùng hàm mặt của trẻ, cũng như tay của phụ huynh.

4. Trẻ vừa ăn no mà lên cơn co giật cần xử trí thế nào?

Thưa BS, trẻ vừa ăn no mà lên cơn co giật, cha mẹ cần thực hiện các động tác nào để bảo đảm an toàn cho trẻ ạ?

BS.CK1 Lâm Tuyết Trinh trả lời: Khi trẻ vừa ăn no mà lên cơn co giật, nguy cơ ói ra thức ăn sẽ nhiều hơn.

Trong xử trí co giật nên đặt trẻ nằm nghiêng qua một bên, nếu có ói dịch sẽ chảy ra ngoài.

Không nên đặt trẻ nằm ngửa vì dịch sẽ chảy ngược ra phía sau dẫn đến nguy cơ bị sặc.

5. Nếu 2 cơn co giật xuất hiện gần nhau phải đưa trẻ đến bệnh viện

Tần suất như thế nào hoặc kèm theo các triệu chứng gì đi kèm khi trẻ lên cơn co giật mà gia đình phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay thưa BS?

BS.CK1 Lâm Tuyết Trinh trả lời: Đối với cơn co giật, đầu tiên phải xử trí ổn thỏa, sau đó mới đưa trẻ đến bệnh viện để tìm nguyên nhân.

Đối với trẻ bị động kinh, trẻ đã được theo dõi và tái khám bởi các bác sĩ thần kinh vẫn đang dùng thuốc và thỉnh thoảng mới lên cơn động kinh một lần thì có thể xử trí tại nhà, nhưng phải đúng cách để không gây biến chứng cho trẻ.

Tuy nhiên, nếu 2 cơn co giật gần nhau, mặc dù trẻ uống thuốc đúng thì phụ huynh phải đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa Thần kinh để thăm khám lại và xem xét đến việc điều chỉnh thuốc hoặc có thêm các điều trị khác.

6. Phụ huynh cần tránh những hoạt động gì để hạn chế nguy cơ tái phát ở trẻ bị động kinh?

Với những trẻ bị động kinh phụ huynh cần lưu ý tránh những hoạt động gì để hạn chế nguy cơ tái phát hoặc nguy hiểm cho trẻ thưa BS?

BS.CK1 Lâm Tuyết Trinh trả lời: Trẻ động kinh sẽ lên cơn co giật bất cứ lúc nào, dù trẻ đang tái khám và dùng thuốc đều.

Khi trẻ lên cơn động kinh sẽ mất ý thức, do đó cần tránh:

- Không đưa trẻ đến những nơi có ao, hồ, sông, suối. Vì khi trẻ lên cơn động kinh có thể ngã xuống nước mà khi đó trẻ không có ý thức sẽ dẫn đến nguy cơ chết ngạt.

- Không nên cho trẻ tự lái xe, lưu thông trên đường.

- Phải luôn có bố mẹ hoặc người lớn đi kèm để được xử trí kịp thời.

7. Thầy cô giáo cần xử trí ra sao khi trẻ lên cơn động kinh ở lớp học?

Nếu trẻ đang ở lớp học mà lên cơn động kinh thì nhà trường, các thầy cô giáo cần xử trí như thế nào cho bé?

BS.CK1 Lâm Tuyết Trinh trả lời: Đối với các trẻ bị động kinh phụ huynh nên chuẩn bị tinh thần bình tĩnh để xử trí khi trẻ có cơn co giật.

Phải đưa trẻ đi tái khám đều, dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý bỏ trị. Từ đó, nguy cơ lên cơn co giật sẽ thấp hơn so với những trẻ không điều trị đúng cách.

Hiện tại, ở các cơ sở giáo dục, các giáo viên đều được trang bị kiến thức về sơ cứu, chăm sóc trẻ. Do đó, khi trẻ đi học phụ huynh phải trao đổi với nhà trường về tình trạng bệnh lý của con, để thầy cô giáo chú ý đến trẻ hơn và chuẩn bị các biện pháp sơ cứu nếu không may trẻ bị động kinh tại lớp.

8. Gia đình cần chuẩn bị những gì để khi trẻ lên cơn động kinh có thể xử trí nhanh chóng?

Đối với gia đình có trẻ bị động kinh sẽ cần chuẩn bị những gì để khi trẻ lên cơn có thể xử trí nhanh chóng và đảm bảo an toàn cho trẻ thưa BS?

BS.CK1 Lâm Tuyết Trinh trả lời:

- Đối với phụ huynh phải bình tĩnh vì cơn động kinh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

- Cần biết cách sơ cứu đúng để giảm thiếu biến chứng cho trẻ.

- Đưa trẻ đi tái khám đều đặn, định kỳ, dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Trẻ lên cơn động kinh có thể không có nguyên nhân nhưng vẫn có một số yếu tố làm khởi phát cơn co giật như trẻ nhiễm siêu vi, sốt, viêm họng,… Vì vậy phải có thuốc hạ sốt đặt hậu môn sẵn tại nhà để khi trẻ có cơn co giật do sốt sẽ được hạ sốt kịp thời.

- Nếu trước đó trẻ có nôn ói, tiêu chảy, không ăn uống được sẽ dẫn đến tình trạng hạ đường huyết, mất điện giải như vậy chúng ta cũng nên chuẩn bị sẵn các gói điện giải hoặc sau khi trẻ co giật và tỉnh táo sẽ bổ sung để tránh khởi phát các cơn tiếp theo.

9. Làm sao phòng ngừa các cơn co giật cho trẻ mắc bệnh động kinh?

Khi trẻ mắc bệnh động kinh, để phòng ngừa các cơn co giật cho trẻ phụ huynh cần làm gì thưa BS?

BS.CK1 Lâm Tuyết Trinh trả lời: Để phòng ngừa trẻ lên cơn động kinh, phụ huynh cần cho trẻ đi tái khám chuyên khoa Thần kinh để bác sĩ theo dõi và cho trẻ sử dụng thuốc.

Lưu ý uống thuốc đều đặn theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý giảm liều hay ngưng thuốc. Vì phác đồ điều trị đối với trẻ động kinh sẽ kéo dài rất lâu. Trong 2 năm nếu trẻ không lên bất cứ cơn co giật nào mới được tính là trẻ hoàn toàn ổn định và đáp ứng với thuốc.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X