Hotline 24/7
08983-08983

Cấp cứu mổ lấy thai cho sản phụ 32 tuổi bị cơ tim chu sinh

Vừa qua, Bệnh viện Quốc tế City (CIH) tiếp nhận sản phụ mang thai nhờ thụ tinh ống nghiệm ở tuần thai 36, nhập viện trong tình trạng khó thở nhẹ, phù chân, bệnh đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp. Khi xác định sản phụ mắc bệnh cơ tim chu sinh, ê-kip bác sĩ phối hợp nhiều chuyên khoa đã quyết định mổ lấy thai, giúp mẹ và bé vượt qua thời khắc nguy kịch.

Sản phụ T.T.K.A (32 tuổi, ngụ TPHCM) được đưa đến Bệnh viện Quốc tế City trong tình trạng khó thở nhẹ, phù chân, bệnh đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp. Qua thăm khám, chỉ định siêu âm tim và thực hiện một số xét nghiệm máu, các bác sĩ đã chẩn đoán sản phụ mắc bệnh cơ tim chu sinh.

Ngay lập tức, ê-kip bác sĩ gồm khoa Phụ Sản, Tim mạch, Gây mê hồi sức đã hội chẩn, đi đến quyết định mổ lấy thai để cứu sống cả mẹ và bé trong cơn hiểm nghèo. Trước đó, sản phụ đã từng theo dõi thai kỳ tại Bệnh viện Quốc tế City, được các bác sĩ sản phụ khoa kiểm soát tốt đái tháo đường thai kỳ và bệnh tăng huyết áp.

Để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé, ê-kíp Bác sĩ Sản khoa - Tim mạch - Gây mê hồi sức quyết định chấm dứt thai kỳ ở tuần 36 (Ảnh:BVCC)

ThS.BS Bùi Thị Xuân Nga - Khoa Tim Mạch của Bệnh viện Quốc tế City cho biết, qua thăm khám, siêu âm tim và làm xét nghiệm đánh giá, các bác sĩ phát hiện sản phụ mắc bệnh cơ tim chu sinh với thất trái dãn lớn, chức năng co bóp kém. Sản phụ có nguy cơ diễn biến nặng nếu tiếp tục thai kỳ đến ngày dự sinh.

Để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé, ê-kíp Bác sĩ Sản khoa - Tim mạch - Gây mê hồi sức quyết định chấm dứt thai kỳ ở tuần 36. BS.CK2 Phạm Minh Khôi Nguyên, phẫu thuật viên chính giải thích, bệnh cơ tim chu sinh là bệnh hiếm gặp, chỉ khoảng 1/900 ca nhưng tỷ lệ tử vong khá cao. Nếu phát hiện sản phụ có bệnh cơ tim chu sinh thì phải cân nhắc việc chấm dứt thai kỳ để ổn định tình trạng bệnh lý nội khoa của mẹ.

 5 ngày sau mổ, sức khỏe sản phụ ổn định, em bé khỏe mạnh, đã được xuất viện (Ảnh: BVCC)

Sau phẫu thuật, cả mẹ và em bé được chăm sóc chu đáo với các bác sĩ khoa Hồi sức, Tim mạch, Nhi sơ sinh. 5 ngày sau mổ, sức khỏe sản phụ ổn định, em bé khỏe mạnh, đã được xuất viện.

ThS.BS.CK2 Lục Chánh Trí - Trưởng khoa Gây mê hồi sức (CIH) cảnh báo, nguy cơ cao nhất của bệnh cơ tim chu sinh là ngưng tim trong thời gian mổ. Khi mổ, bệnh nhân phải chịu đựng một áp lực lớn của phẫu thuật, đồng thời cơ tim chịu sự thay đổi lớn trong thời gian mổ do chảy máu, vấn đề hồi lưu máu từ tử cung co hồi sau sinh.

Việc thăm khám tiền mê ở tuổi thai thứ 36 - 37 tuần để tầm soát các bệnh lý có thể gặp ở phụ nữ mang thai, giúp thai phụ và các bác sĩ chủ động phối hợp trong việc điều trị tốt nhất cho mẹ và bé. Với ca bệnh cơ tim chu sinh, việc lên kế hoạch gây mê chủ động, theo dõi huyết động liên tục, kết hợp giảm đau sau mổ hiệu quả bằng gây tê cơ vuông thắt lưng đem lại kết quả tốt cho ca mổ, giúp sản phụ hồi phục sớm

Qua trường hợp này, các bác sĩ của CIH khuyên sản phụ là nên tuân thủ lịch khám thai định kỳ, nếu có dấu hiệu bất thường thì sản phụ cần trao đổi với bác sĩ và khảo sát kịp thời để có những can thiệp tích cực.

Bệnh cơ tim chu sinh là bệnh cơ tim dãn nở có biểu hiện của tình trạng suy chức năng thất trái. Bệnh thường xảy ra ở thai phụ vào tháng cuối của thai kỳ hoặc trong vòng 5 tháng đầu sau khi sinh mà không xác định nguyên nhân khác gây suy tim.

Triệu chứng của bệnh gồm hội chứng suy tim bao gồm khó thở, mệt, phù ở mắt cá chân. Tuy nhiên những triệu chứng này cũng thường xuất hiện vào những tháng cuối của thai kỳ. Do đó, để chẩn đoán một bệnh nhân có dấu hiệu bệnh cơ tim chu sinh, bác sĩ luôn phải rất kỹ lưỡng trong thăm khám và theo dõi thai kỳ.

Về tiên lượng, may mắn rằng phần lớn các bệnh cơ tim chu sinh có thể hồi phục hoàn toàn hoặc một phần. Vì thế, sản phụ cần tuân thủ điều trị và tái khám theo lịch của bác sĩ.

Nếu sản phụ có tiền căn bệnh cơ tim chu sinh trong thai kỳ trước và tiếp tục có dự định mang thai thì phải khám tim mạch để đánh giá lại tình trạng tim mạch tiền sản. Những trường hợp chức năng thất trái không phục hồi hoàn toàn có thể diễn tiến rất nặng trong thai kỳ tiếp theo. Đối với những trường hợp này, bác sĩ khuyên không nên mang thai. Những trường hợp mang thai có tiền sử bệnh cơ tim chu sinh cần theo dõi sát tình trạng tim mạch trong thai kỳ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X