Hotline 24/7
08983-08983

Cách nhận biết đau dây thần kinh tọa

Đau dây thần kinh tọa có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là lứa tuổi 30 - 60, nam mắc nhiều hơn nữ.

Mang vác và lao động nặng ở tư thế sai, các động tác thay đổi tư thế đột ngột, gò bó, rung xóc, chấn thương,... là yếu tố thường xuyên nhất làm khởi phát bệnh. Ngoài ra, yếu tố tâm lý cũng đóng vai trò nhất định thúc đẩy xuất hiện và tái phát bệnh thần kinh tọa.

Cách nhận biết đau dây thần kinh tọa
Đau dây thần kinh có đặc điểm đau lan dọc xuống phía đùi.

Nguyên nhân do đâu?

Dây thần kinh tọa là một dây thần kinh dài nhất cơ thể, trải dài từ phần dưới thắt lưng đến tận ngón chân. Dây thần kinh tọa chi phối các động tác của chân, góp phần làm nên các động tác đi lại, đứng ngồi của hai chân.

Do vậy, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đau thần kinh toạ như: Thoát vị đĩa đệm thắt lưng, các tổn thương thực thể khác ở vùng thắt lưng (dị dạng bẩm sinh, chấn thương, thoái hóa cột sống thắt lưng, u, viêm cột sống dính khớp, viêm đốt sống do nhiễm khuẩn).

Viêm rễ thần kinh toạ do ngộ độc, bướu gây chèn ép đường đi rễ thần kinh tọa, hẹp ống sống thắt lưng, bệnh lý rễ thần kinh do đái tháo đường, lao cột sống thắt lưng gây chèn ép rễ thần kinh toạ… trong đó nguyên nhân hay gặp nhất là thoát vị đĩa đệm thắt lưng do đĩa đệm là phần mềm nằm giữa các đốt sống. Khi khiêng vác quá sức, lực tác động vượt quá mức chịu đựng của đĩa đệm, có thể gây rách vành thớ: nhân nhầy chui theo khe rách ra phía sau, chèn ép lên rễ thần kinh gây đau. Một số trường hợp chịu lực quá nặng, đĩa đệm vỡ gây đau cấp tính.

Các dấu hiệu

Biểu hiện đặc trưng bằng cảm giác đau lan dọc xuống phía đùi theo rễ thần kinh lưng 5 (L5) và rễ thần kinh sống 1 (S1). Nếu rễ thần kinh L5 bị tổn thương thì có hiện tượng đau dọc từ lưng eo phía ngoài xuống ngoài động mạch cẳng chân tới tận ngón chân út.

Nếu rễ thần kinh S1 bị tổn thương thì đau dọc ra phía sau mông, thẳng xuống sau đùi, sau bắp cẳng chân tới phía ngoài bàn chân. Nếu bị bệnh thần kinh tọa trên (thần kinh hông) thì đau thường tới phía trên đầu gối; nếu bị thần kinh tọa dưới thì đau đến mắt cá ngoài bàn chân.

Cách nhận biết đau dây thần kinh tọa
Tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân đau dây thần kinh tọa.

Khi đó, người bệnh có cảm giác đau lan từ lưng xuống, lệch sang một bên mông, xuống đùi, khoeo, gót chân. Hoặc thấy đau ngược lại, từ gót chân lên. Ngoài ra, tùy từng bệnh nhân có những biểu hiện sau:

- Nhói lưng khi ho, khi hắt xì hơi, khi cười.

- Cột sống cứng, bị đau khi chuyển dịch hoặc nghiêng người .

- Khó cúi người xuống vì đau.

- Đau giữa cột sống hay lệch một bên, đau tăng lên khi bị rung người (đi xe qua ổ gà, vấp vào đá).

- Nếu đi lại nhiều, đứng nhiều, ngồi nhiều trong một ngày, đau có thể tái phát. Đau tăng thì khi chân giẫm mạnh xuống đất, ho mạnh, hắt hơi,...

- Nếu tình trạng đau kéo dài có thể thấy teo cơ bên chân đau.

Tuy nhiên, trong trường hợp đau nhẹ, người bệnh vẫn đi lại, làm việc bình thường. Nếu đi lại nhiều, đứng nhiều, ngồi nhiều trong một ngày, đau có thể tái phát. Nếu đau nhiều thì khi chân giẫm mạnh xuống đất, ho mạnh, hắt hơi, đi đại tiện rặn cũng đau. Đau nặng ảnh hưởng nhiều đến khả năng lao động. Tùy theo tổn thương, họ có thể không nhắc được gót hay mũi chân, dần dần xuất hiện teo cơ đùi, mông, cẳng chân bên tổn thương. Khi bệnh nặng, chân tê bì mất cảm giác, có thể đại tiểu tiện không tự chủ.

Đề phòng bệnh tái phát

Để phòng bệnh đau thần kinh tọa, cần tập thể dục vừa sức thường xuyên để nâng cao thể lực, áp dụng các bài tập tăng cường sự dẻo dai, khỏe mạnh của các khối cơ lưng cạnh cột sống, cơ bụng và tăng sự mềm mại của cột sống.

Tránh mọi chấn thương cho cột sống, tránh ngã dồn mông xuống đất. Nhất là đối với bệnh nhân đã từng mắc bệnh, sẽ giúp phòng ngừa tái phát bệnh lý thoát vị đĩa đệm. Người bị đau thắt lưng tránh tuyệt đối các động tác thể thao hoặc vận động quá mức như mang vác nặng, vác balô nặng, bóng chuyền, tennis. Không nên nằm đệm quá dày và mềm, giường lò xo.

Cách nhận biết đau dây thần kinh tọa

Các động tác sinh hoạt, lao động hằng ngày phải thích nghi với tình trạng đau cột sống thắt lưng. Bảo đảm tư thế đúng khi đứng, ngồi, mang vác... hay nhấc vật nặng. Cần đứng trên tư thế thẳng, không rũ vai, gù lưng. Để tránh khom lưng, khi đọc và viết lâu, nên ngồi gần bàn viết, ghế không quá cao hoặc bàn viết không quá thấp. Nếu phải ngồi lâu, nên thường xuyên đứng lên và làm các động tác thể dục giữa giờ.

Đối với những người thường xuyên phải lao động chân tay, cần chú ý tránh khiêng vác vật nặng, nhất là bê vật nặng ở tư thế cúi lom khom. Để tránh tải trọng quá mức lên cột sống, bệnh nhân có thể đeo đai lưng khi mang vác vật nặng; hãy để cho trọng lượng của vật chia đều cả hai bên cơ thể, không bao giờ mang vật nặng ở một bên người hay trong thời gian dài. Khi muốn nhấc một vật nặng lên, nên co đùi gấp gối đôi chân gập lại vừa phải nhưng vẫn giữ lưng thẳng. Không nên giữ thẳng hai chân và cúi cong người xuống khi nhấc.

AloBacsi.vn
Theo BS Nguyễn Văn Trọng - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X