Cách nào giải quyết chứng “viêm cánh” mùa hè?
“Viêm cánh”, tăng tiết mồ hôi nách mùa hè là nỗi khốn khổ khó nói của rất nhiều người. Dù không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng bệnh lại ảnh hưởng lớn tới chất lượng sống.
Nỗi khốn khổ khó nói
Anh N.T.Đ là nhân viên kinh doanh của một công ty lớn tại Hà Nội. Công việc đòi hỏi anh phải giao tiếp rất nhiều nhưng cứ tới mùa hè là anh lại có nỗi khổ khó nói. “Cả vùng dưới cánh tay lúc nào cũng ướt đẫm, lại còn có mùi, thay mấy lần áo vẫn không ăn thua. Tôi khó chịu và mất tự tin kinh khủng”, anh Đ nói.
Chung nỗi khổ với anh Đ là chị Q.H. Bất kể mùa đông hay hè, ngày nào chị cũng tắm hai lần để trị bệnh ra mồ hôi nách và khử mùi nhưng mọi cố gắng của chị đều không đem lại hiệu quả. Chị cũng tìm đủ mọi cách, tìm kiếm trên mạng chia sẻ của những người “đồng cảnh ngộ”, người hướng dẫn dùng đường phèn, chanh, người hướng dẫn các loại lăn nách đặc trị… Đến mức, trong túi chị lúc nào cũng có quả chanh tươi để trưa nào cũng chui vào nhà vệ sinh cơ quan để “tự xử”.
Được bạn bè mách, lại nghe lời quảng cáo “nội soi cắt tuyến mồ hôi”, anh Đ tới một phòng mạch tư nhân thực hiện biện pháp này. Tuy nhiên, bệnh chẳng những không hết, mùi vẫn mùi, vẫn đẫm mồ hôi mà vùng nách của anh càng nhăn dúm vào nhau, sẹo chằng chịt. Còn chị Q.H càng khốn khổ. Chị nghe lời bạn đi chiếu lazer đốt bề mặt tuyến mồ hôi. “Đốt lên thấy mùi khét lắm”, chị nhớ lại. Cũng như anh Đ, kết quả, toàn bộ cùng da này của chị H nhăn nheo, sẹo chằng đụp...
TS Phạm Cao Kiêm, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng (BV Da liễu Trung ương) cho biết, tăng tiết mồ hôi là bệnh rất phổ biến, ước tính có đến 20% dân số bị tăng tiết mồ hôi và hôi nách. Trong mùa hè, nhiệt độ cơ thể tăng, lượng mồ hôi tăng lên nên vùng nách cũng không ngoại lệ. Một số người tăng mồ hôi quá mức, có thể toàn thân, hay cục bộ. Có người tăng ở tay, chân, mặt, thân, nách.
“Tại BV Da liễu Trung ương, hàng ngày đều có bệnh nhân đến khám, chữa bệnh này. Không chỉ thế, số bệnh nhân gọi điện đến tổ chăm sóc khách hàng của viện để xin tư vấn cũng không hề ít”, TS Phạm Cao Kiêm nói.
Khi tăng tiết mồ hôi nhiều sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển và là căn nguyên gây mùi. Vì thế, có những người tắm suốt ngày nhưng vẫn có “mùi”, ảnh hưởng đến xung quanh.
TS Phạm Cao Kiêm chia sẻ: “Nhiều người dân mắc bệnh đã dùng các biện pháp như chà xát chanh tươi, tắm lá trầu không. Những cách này dù không có tác dụng vào trong tuyến mồ hôi, nhưng giúp làm sạch, trung hòa chất tiết ở vùng nách để giảm mồ hôi. Những biện pháp bôi hay điều trị ngoài da chỉ mang tính tạm thời, tức khắc. Vì tuyến mồ hôi nằm sâu ở dưới da tiết ra, nên việc bôi ngoài da chỉ giải quyết được phần ngọn, mồ hôi vẫn ra nhiều, mùi vẫn hoàn mùi”.
Cũng theo TS Phạm Cao Kiêm, từ cách đây 20 năm, Viện Da liễu Trung ương đã không còn áp dụng biện pháp nội soi điều trị tuyến mồ hôi nách vì không đem lại hiệu quả lâu dài, cứ 3-6 tháng, bệnh nhân bị tái diễn tình trạng ra mồ hôi.
“Quảng cáo là nội soi hút tuyến mồ hôi nhưng thực ra là hút mỡ, đưa dụng cụ vào chỉ chạm vào các dây thần kinh đến tuyến mồ hôi, sau 3 - 6 tháng thì dây thần kinh đến tuyến mồ hôi lại phát triển. Thêm vào đó, tuyến mồ hôi dưới da, phải nhìn dưới kính hiển vi chứ không nhìn thấy bằng mắt thường”, TS Phạm Cao Kiêm nói.
Trị một lần không cần phẫu thuật
Theo các bác sĩ, để điều trị tăng tiết mồ hôi, có thể tiến hành phương pháp phẫu thuật cắt tuyến mồ hôi dưới da. Phương pháp này giúp cắt toàn bộ tuyến mồ hôi, mang lại hiệu quả giảm tiết mồ hôi, giảm mùi đến 70 - 80%, với chi phí khá mềm khoảng 7 triệu đồng/ca. Tuy nhiên, là phẫu thuật nên cũng có những nhược điểm không mong muốn như nhiễm khuẩn, lâu lành vết thương dù tỉ lệ này không nhiều. Nhưng vết sẹo vùng nách chắc chắn là có. Hàng năm, Viện Da liễu điều trị cho khoảng vài trăm ca bằng phương pháp này.
Mới đây, Viện Da liễu Trung ương đã đưa vào ứng dụng phương pháp mới điều trị dứt điểm tăng tiết mồ hôi, hôi nách đến 80 - 90% mà không xâm lấn, không phẫu thuật, đó là kỹ thuật miraDry. TS Phạm Cao Kiêm cho biết, đây là phương pháp mới, nguyên lý của máy này là sử dụng năng lượng vi sóng với nhiệt độ lên tới 70 độ C, tiêu huỷ hoàn toàn tuyến mồ hôi và tuyến mồ hôi dưới da, trong khi bề mặt trên da vẫn được làm lạnh. Vì thế, dù tiêu diệt tuyến mồ hôi dưới da nhưng bề mặt da không bị ảnh hưởng, không để lại sẹo hay vết thâm. Cơ chế vi sóng này giúp người bệnh không phải can thiệp xâm lấn.
Với phương pháp này, người bệnh trải qua quá trình 60 - 75 phút trị liệu bằng máy. Trước khi tiến hành, bệnh nhân sẽ được gây tê cục bộ tại các điểm định vị ở vùng nách trước khi tiến hành. Nhờ vậy, trong quá trình trị liệu, người bệnh không cảm nhận bất cứ sự khó chịu, đau đớn nào, không phải nghỉ dưỡng.
“Tuy nhiên, nó cũng có một số tác dụng không mong muốn nhưng mức độ nhẹ như hơi bầm tím dưới da, hơi sưng nề sau khi làm. Có người bị tê nhẹ tay đến 2 - 3 ngày sau làm và các triệu chứng này sẽ dần hết hoàn toàn sau 1 tuần điều trị. Ngoài ra, chi phí điều trị cũng là một nhược điểm, giá thành cao gấp 5 lần phẫu thuật cắt tuyến mồ hôi”, TS Phạm Cao Kiêm thông tin.
Trên thế giới, hệ thống máy này đã được sử dụng vài năm nay ở hơn 50 quốc gia. Các đánh giá tại Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Nhật cho thấy hiệu quả cao đến 90% cho lần trị liệu đầu tiên.
TS Phạm Cao Kiêm nói: “Người bệnh có thể làm lần 2, lần 3 để tiếp tục trị liệu nhưng mồ hôi là sinh lý của cơ thể, do vậy không nên và không thể tiêu diệt vĩnh viễn những tuyến này bởi làm vậy có thể dễ mắc các bệnh lý về khô da như viêm da, nứt nẻ, các bệnh nhiễm khuẩn...”.
TS Phạm Cao Kiêm, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi
chức năng (BV Da liễu Trung ương) cho biết: “Cũng như với bất kỳ
các phương pháp điều trị khác, kết quả sau khi áp dụng miraDry sẽ khác
nhau, tùy thuộc vào cơ địa của từng người và không phải ai cũng có đáp
ứng tốt với phương pháp này. Có một số trường hợp mồ hôi vẫn bị ra trở
lại. Đôi khi giảm tiết mồ hôi một chỗ nhưng rất có thể các tuyến mồ hôi
còn lại sẽ tăng sản xuất để "bù" ngược trở lại cho những tuyến đã bị phá
hủy. Do vậy, người bệnh cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi lựa chọn
bất kỳ phương pháp tác động nào đối với tình trạng bệnh của mình”. |
Theo Thu Nguyên - Gia đình và Xã hội
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình