Cách đọc và hiểu các chỉ số xét nghiệm máu cơ bản - Phần 1
Kỹ thuật y khoa hiện đại ngày nay cho phép có thể xét nghiệm hàng trăm chỉ số khác nhau trong máu từ cơ bản đến chuyên sâu, để đánh giá tình trạng sức khỏe và chẩn đoán rất nhiều bệnh lý khác nhau. BS.CK2 Trần Khánh Phương - BS điều trị chuyên khoa Nội, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh cho biết, nắm được một số thông tin cơ bản, chính yếu trong xét nghiệm máu của bản thân là cách để biết rõ hơn tình trạng sức khỏe của mình.
Các chỉ số xét nghiệm máu luôn luôn cần được bác sĩ phân tích và kết luận
BS.CK2 Trần Khánh Phương nhấn mạnh, trước hết, cần lưu ý rằng ngưỡng bình thường trong tờ kết quả máu chỉ mang tính tham khảo, không đúng với mọi cá nhân. Một số xét nghiệm phải vượt ngưỡng một giá trị khá lớn mới có ý nghĩa bệnh lý, trong khi một số khác lại phải thấp hơn ngưỡng bình thường mới an toàn cho cơ thể; do đó bác sĩ mới là người tư vấn chính xác nhất cho bạn tùy từng trường hợp cụ thể.
“Xét nghiệm máu đơn thuần không thể chẩn đoán hết tất cả các bệnh trong cơ thể dù nó có hàng trăm chỉ số đi chăng nữa. Để kiểm tra tổng quát cơ thể, ngoài khám lâm sàng và xét nghiệm máu, cần kết hợp thêm các kỹ thuật khác như chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, Xquang, chụp cắt lớp…) hay nội soi” - chuyên gia tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh cho biết.
Cách đọc các chỉ số xét nghiệm máu
Theo BS.CK2 Trần Khánh Phương, một xét nghiệm công thức máu có thể bao gồm gần 30 thông số trong đó, tuy nhiên về cơ bản, chỉ cần quan tâm nhất tới 3 thông số đại diện cho 3 dòng tế bào máu quan trọng:
- WBC (White Blood Cell - BẠCH CẦU): tăng trên 10.000/mm3 thường là tình trạng nhiễm trùng (nhiễm vi khuẩn), càng cao càng nhiễm trùng nặng. Bạch cầu - WBC giảm (dưới 4.000/mm3) trong các bệnh nhiễm virus (ví dụ như sốt xuất huyết). WBC tăng rất cao hoặc giảm rất nhiều trong các bệnh ác tính về máu (ung thư máu), suy tủy.
- RBC (Red Blood Cell - HỒNG CẦU): giúp chẩn đoán bạn có đang bị thiếu máu hay không. Khi mất máu cấp tính hay mạn tính, chỉ số hồng cầu - RBC sẽ giảm thấp, kéo theo một loạt các chỉ số theo sau hồng cầu như Hct, Hb (Hgb), hoặc MCV, MCH cũng có thể giảm theo.
- PLT (Platelet - TIỂU CẦU): một thành phần giúp cho quá trình đông máu, cầm máu. Chỉ số này đặc biệt quan trọng trong theo dõi bệnh sốt xuất huyết. Tiểu cầu giảm càng nặng, càng có nguy cơ chảy máu hơn. Tiểu cầu tăng hay giảm còn gặp trong một số bệnh lý huyết học: giảm tiểu cầu miễn dịch, ung thư máu…
4 chỉ số chính trong bộ mỡ máu
- Cholesterol: Cholesterol toàn phần, là tổng các loại mỡ Cholesterol trong cơ thể, mang ý nghĩa chung chung. Chỉ số này nên duy trì ở mức dưới 5,2 mmol/L (200 mg/dL).
- Triglyceride: Đây là một thành phần mỡ máu ảnh hưởng nhiều bởi thức ăn bạn nhập vào cơ thể: chế độ ăn nhiều dầu mỡ, tinh bột, rượu bia hoặc chế độ sinh hoạt ít vận động, béo phì. Triglyceride tăng trong bệnh đái tháo đường, suy giáp, hội chứng thận hư, hội chứng chuyển hóa hoặc dùng một số thuốc như corticoid, thuốc ngừa thai.
Triglyceride tăng rất cao (trên 10 mmol/l) ngoài bất lợi cho tim mạch còn có thể gây ra tình trạng viêm tụy cấp nặng, nguy hiểm tính mạng.
- LDL-Cholesterol (LDL-C): Còn được gọi là mỡ xấu - kẻ thù của bệnh mạch vành, đột quỵ. LDL-C gây xơ vữa, hẹp lòng mạch máu, là tiền đề của bệnh cảnh đột quỵ, nhồi máu cơ tim cấp, thiếu máu cục bộ cơ tim. Chỉ số này cần càng thấp càng tốt. Đặc biệt cần lưu ý trên những người có yếu tố nguy cơ tim mạch như: người lớn tuổi, hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, tiền sử đã từng đột quỵ, bệnh mạch vành.
- HDL-Cholesterol (HDL-C): Ngược với LDL-C, HDL-C thường được gọi là mỡ tốt. HDL-C “trấn áp” LDL-C, dọn sạch các xơ vữa, số này càng cao càng có lợi cho tim mạch.
Xét nghiệm nước tiểu không phải yếu tố chính để chẩn đoán tiểu đường
BS.CK2 Trần Khánh Phương nhấn mạnh: “Để chẩn đoán tiểu đường thì xét nghiệm máu tĩnh mạch mới là yếu tố quyết định, chứ không phải xét nghiệm nước tiểu”.
Glucose (đường huyết) là mức đường trong máu ngay tại thời điểm lấy máu. Chỉ số đường huyết có hai đơn vị thông dụng là mg/dl (mg%) và mmol/l, do đó khi đọc kết quả phải chú ý đến đơn vị của chỉ số này. Chỉ số đường hường huyết của người bình thường ở mức dưới 100 mg/dl (mg%) hoặc 5,6 mmol/l.
Tiền đái tháo đường (hay còn gọi là rối loạn đường huyết đói) có chỉ số đường huyết từ 100-125 mg/dl (mg%) hoặc 5,6-6,9 mmol/l. Đường huyết từ 126 mg/dl (mg%) hoặc 7 mmol/l trở lên được xem là có bệnh đái tháo đường.
Bệnh nhân được yêu cầu nhịn ăn ít nhất 8 tiếng để xét nghiệm đường huyết chính xác, và đây không phải xét nghiệm lấy máu mao mạch từ đầu ngón tay. Cần lặp lại xét nghiệm chuẩn ít nhất 2 lần mới có thể chẩn đoán được đái tháo đường.
“Bệnh nhân tiểu đường luôn cần nắm rõ chỉ số “đường dài hạn” HbA1C của mình. HbA1C phản ánh tình trạng đường huyết trong 3 tháng vừa qua có được kiểm soát tốt hay chưa, chứ không phải chỉ dựa vào chỉ số đường huyết tại một thời điểm như trên. Không cần nhịn đói khi xét nghiệm HbA1C vì nó không bị ảnh hưởng bởi thức ăn ngay tại thời điểm lấy máu.
HbA1C bình thường nằm ở mức dưới 5,6%. HbA1C từ 5,7% đến 6,4% được xếp vào nhóm tiền đái tháo đường. Bệnh nhân đái tháo đường có chỉ số HbA1C từ 6,5% trở lên. Bác sĩ luôn quan tâm đến chỉ số HbA1C này để điều chỉnh thuốc cho người bệnh. Tùy vào độ tuổi, tổng trạng, số năm mắc bệnh…mà bác sĩ sẽ điều trị để bệnh nhân đạt được chỉ số HbA1C mục tiêu tốt nhất với từng cá thể” - BS.CK2 Trần Khánh Phương chia sẻ.
(Còn tiếp)
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình