Hotline 24/7
08983-08983

Các phương pháp mới trong điều trị ung thư gan có hiệu quả?

Ung thư gan là căn bệnh nguy hiểm, gây tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều phương pháp điều trị và các loại thuốc mới ra đời, giúp hiệu quả điều trị bệnh lý này được tăng cao. Trong bài viết dưới đây, ba vị chuyên gia: PGS.TS Bùi Hữu Hoàng - Trưởng khoa Tiêu hóa, TS.BS Trần Công Duy Long - Phó Trưởng khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy và BS.CK2 Lâm Quốc Trung - Phó Trưởng khoa Hóa trị ung thư của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, sẽ chia sẻ những thông tin về phương pháp điều trị và giải đáp thắc mắc về căn bệnh này.

1. Có những phương pháp nào điều trị ung thư gan?

Với những tiến bộ trong kỹ thuật điều trị hiện nay, người bệnh ung thư gan có thêm niềm tin và hy vọng gì trong việc chữa trị. Xin BS cho biết các phương pháp đang được dùng cho từng giai đoạn điều trị ung thư gan?

TS.BS. Trần Công Duy Long trả lời: Hiện nay, ung thư gan là căn bệnh có thể chữa được và tiên lượng sống sau điều trị tốt hơn trước đây rất nhiều. Một trong những yếu tố góp phần làm nên vấn đề này là do bệnh nhân được chẩn đoán sớm hơn vì hiểu được bệnh sinh, yếu tố nguy cơ, yếu tố dịch tễ. Từ đó, chúng ta tầm soát để phát hiện sớm ra bệnh.

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị. Những phương pháp đó sẽ giúp chữa khỏi hoặc kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân trong quá trình điều trị.

Về vấn đề áp dụng phương pháp điều trị với từng tình trạng, loại bệnh lý. Hầu hết bệnh nhân ung thư tế bào gan đều mắc viêm gan siêu vi trước đó. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc viêm gan siêu vi B, C rất cao. Chính vì mắc bệnh viêm gan siêu vi lâu ngày, bệnh nhân có dấu hiệu xơ gan. Từ đó, khiến cho thể trạng bệnh nhân kém và một số trường hợp ung thư được phát hiện muộn. Chính vì vậy, khi nhìn bệnh nhân bị ung thư gan, chúng ta phải nhìn cả 3 vấn đề: bệnh nhân có thể trạng tốt hay không? Chức năng gan bệnh nhân: Xơ gan có nặng không? Tình trạng ung thư như thế nào?

Dựa vào 3 yếu tố đó, bác sĩ sẽ bàn bạc và xem xét, cân nhắc cách điều trị phù hợp nhất. Một bệnh nhân yếu, chức năng gan đã kém đi, nhưng bác sĩ cố điều trị, đôi khi không phải là cách tốt nhất cho các bệnh nhân đó.

Về phương pháp điều trị, khi bệnh nhân được phát hiện sớm, khối u còn nhỏ thì cách điều trị sẽ ít xâm hại, nhẹ nhàng mà hiệu quả, gần như phẫu thuật là hủy u tại chỗ (hủy u bằng sóng cao tần RFA, hủy u bằng vi sóng Microwave). Nếu khối u được phát hiện chỉ 3cm trở lại, bệnh nhân không cần phải phẫu thuật. Dưới hướng dẫn của siêu âm, bác sĩ sẽ đưa kim qua da, qua gan để tiếp cận khối u và đốt khối u đó bằng nhiệt. Sau 1 - 2 ngày nằm viện, bệnh nhân có thể được chữa khỏi bệnh hoàn toàn và về nhà. Hủy khối u tại chỗ sẽ rất hiệu quả đối với bệnh nhân phát hiện u sớm. Do đó, chúng ta cần tầm soát, phát hiện khối u sớm để được chữa khỏi và nhẹ nhàng nhất.

Trong trường hợp bệnh nhân được phát hiện bệnh muộn hơn, khi khối u lớn nhưng chức năng gan vẫn còn tốt thì việc phẫu thuật là phương pháp hiệu quả triệt căn và được sử dụng phổ biến nhất. Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ lấy khối u cùng với phần gan bao quanh có khả năng đã có tế bào di căn xung quanh. Cách đó mới tạo ra tiên lượng tốt nhất cho bệnh nhân. Bác sĩ phải hết sức cân nhắc giữa khả năng cắt bỏ tế bào cũng như thể trạng của bệnh nhân và chức năng gan của bệnh nhân để chọn mức độ cắt gan phù hợp. Hiện nay trên thế giới, tỉ lệ sống đến 5 năm sau khi cắt gan đạt từ khoảng 50 - 70%. Tỷ lệ tai biến, biến chứng cũng đã giảm vì bác sĩ đã hiểu rõ hơn về bệnh tật, cách điều trị ung thư cũng như phương tiện hỗ trợ cho việc điều trị bệnh này.

Đối với vấn đề ghép gan, trong trường hợp bệnh nhân có tình trạng ung thư chưa quá muộn nhưng chức năng gan rất kém. Cách điều trị bằng cách bỏ hết hoàn toàn phần gan đã xơ hóa, chứa khối u bên trong là cách điều trị triệt để nhất. Thay vào đó, bệnh nhân được ghép phần gan khác của người chết não hiến tạng hoặc từ người thân trong gia đình.

Bên cạnh khả năng chữa trị triệt để bệnh ung thư, bệnh nhân sẽ không còn triệu chứng của xơ gan vì họ được ghép một mảnh gan mới, hoàn toàn khỏe mạnh, phục hồi rất tốt về chất lượng sống và sức khỏe sau khi điều trị.

Tuy nhiên với cách điều trị này, bệnh nhân cần trải qua một giai đoạn phẫu thuật lớn tương đối phức tạp. Hiện nay, việc này đã được thực hiện thường quy tại Việt Nam. Bệnh nhân phải dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài gần như suốt đời sau đó. Điều trị bằng ức chế miễn dịch hiện nay cũng đã được bảo hiểm của nhà nước hỗ trợ chi trả rất tốt. Phần lớn bệnh nhân đáp ứng khả năng điều trị này.

Cách điều trị tiếp theo, nếu bệnh nhân đến ở giai đoạn muộn hơn, không thể điều trị bởi các phương pháp triệt để như hủy u tại chỗ, cắt gan hay ghép gan. Phương pháp điều trị được áp dụng sẽ là bơm hóa chất làm tắc mạch nuôi khối u (TACE), trước đây gọi là TOCE. Cách này có thể giúp khống chế được khối u, kéo dài thời gian sống của bệnh nhân và mang đến hiệu quả tương đối tốt.

Phương pháp trên được thực hiện qua một đường truyền thường ở động mạch đùi, bẹn. Bác sĩ sẽ luồng ống đến gan, tiếp cận gần mạch máu nuôi khối u. Qua đó, họ sẽ bơm hóa chất vào khối u để bít mạch máu. Bằng cách đó, khối u sẽ chậm sự tiến triển. Thậm chí có một số loại thoái triển, giúp hạn chế sự tiến triển, để kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

Tuy nhiên, đây không phải là cách điều trị triệt để hoàn toàn, chúng ta khống chế khối u nhưng không thể loại bỏ ra ngoài. Khoảng 2 - 3 tháng, bệnh nhân phải đi kiểm tra và xem xét có mạch máu nào nuôi khối u nữa hay không. Từ đó, bác sĩ sẽ tiếp tục thủ thuật như vậy để theo dõi. Hiện nay, trong trường hợp bệnh lan rộng hoặc tiến triển hơn, nhờ sự phát triển của y học nên nhiều thuốc đã được nghiên cứu.

Gần đây nhất, các liệu pháp điều trị toàn thân như: liệu pháp ngắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch cũng góp phần kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng sống ở những bệnh nhân giai đoạn muộn. Nhiều người lầm tưởng rằng đó là hóa chất, hóa trị, nhưng điều đó không đúng. Bản chất thuốc này qua đường uống, đường truyền vào trong máu thì thuốc sẽ đến các tế bào u trong máu, khối u trong cơ thể để tiếp cận, khống chế và điều trị.

Tác dụng phụ của những loại thuốc mới cũng được hạn chế, giúp cho bệnh nhân không quá mệt mỏi như trước đây và trong giai đoạn đầu, chi phí điều trị còn cao. Nhưng với sự hỗ trợ của bảo hiểm và những chính sách, dần dần nhiều bệnh nhân càng có khả năng tiếp cận loại thuốc này để có thể kéo dài thời gian sống và kết quả điều trị.

2. Người hiến gan sẽ trải qua cuộc phẫu thuật như thế nào?

Xin BS cho biết, người hiến gan trải qua phẫu thuật nhẹ nhàng, ít xâm lấn hơn thay vì một cuộc phẫu thuật lớn mà chúng ta hay nghĩ, điều này có đúng không ạ? 

TS.BS. Trần Công Duy Long trả lời: Gần đây phẫu thuật nội soi được áp dụng rất nhiều trong lĩnh vực ngoại khoa, đặc biệt trong phẫu thuật cắt gan. Gan là một tạng nằm bên trong cơ thể, nó có vị trí tương đối phức tạp, khó. Vì vậy, khi phẫu thuật, bác sĩ cần tạo vết mổ dài và gây ra sự bất tiện cho bệnh nhân sau khi điều trị.

Chính vì vậy, chúng tôi đã áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi trong vấn đề cắt gan. Thay vì có một vết mổ dài lớn, bệnh nhân sẽ có những vết mổ 5 mm - 1 cm. Qua vết mổ đó, chúng tôi sẽ đưa dụng cụ phẫu thuật để thực hiện các thao tác phẫu thuật. Sau đó, khối u được cho vào túi nhỏ và lấy ra khỏi ổ bụng thông qua vết mổ khoảng từ 4 - 5 cm. Bằng cách làm này, bệnh nhân cảm thấy ít đau sau khi mổ, phục hồi nhanh hơn, đi lại, ra viện sớm hơn và vết sẹo mổ thẩm mỹ.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, hiệu quả của phẫu thuật nội soi không hề kém so với phẫu thuật mổ hở bình thường. Đó là cách điều trị chất lượng cao để giúp giảm mức độ xâm hại của phương pháp điều trị lên người bệnh nhưng vẫn đảm bảo được tính hiệu quả điều trị bệnh ung thư tế bào gan.

3. Các phương pháp điều trị ung thư gan hiện đại có kết quả tối ưu ra sao?

Ngoài các phương pháp điều trị cổ điển như hóa trị, bơm hóa chất thuyên tắc mạch nuôi khối u. Xin BS cho biết các phương pháp điều trị hiện đại như liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch, kháng sinh mạch máu giúp đạt kết quả tối ưu ra sao?    

BS.CK2 Lâm Quốc Trung trả lời: Đối với điều trị ung thư tế bào gan, chúng ta có 3 vũ khí chính: phẫu thuật, xạ trị và điều trị toàn thân. Ung thư biểu mô tế bào gan là sát thủ thầm lặng, căn bệnh này được chẩn đoán ở giai đoạn rất trễ. Chỉ khoảng 20 - 40% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Khi được chẩn đoán sớm, tỷ lệ sống 5 năm của bệnh nhân có thể đạt 40 - 70%. Phần lớn, bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn trễ, tỷ lệ sống còn của bệnh nhân tương đối thấp. Lúc đó, tỷ lệ sống còn 5 năm của bệnh nhân là dưới 5%.

Ghi nhận tại Việt Nam, tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư gan đứng hàng thứ nhất. Tình trạng này trở thành gánh nặng cho bệnh lý ung thư ở người Việt. Theo ghi nhận của một nghiên cứu tại Việt Nam, tỷ lệ ung thư gan thường được phát hiện ở giai đoạn muộn và chiếm 90%. Do đó, đây là một gánh nặng cần quan tâm và tìm ra phương pháp để điều trị cho nhóm bệnh nhân này.

Vai trò điều trị toàn thân ở bệnh nhân ung thư gan thường được chỉ định trong 2 giai đoạn: Thứ nhất - Giai đoạn muộn, ung thư di căn xa hoặc có xâm lấn mạch máu. Thứ hai - Giai đoạn trung gian, người bệnh có điều trị nhưng thất bại hoặc không thể can thiệp bằng phương pháp điều trị trung gian nữa. Đối với trường hợp ung thư gan đa ổ, việc điều trị đó sẽ làm ảnh hưởng đến chức năng gan của người bệnh.

Hiện nay, có các liệu pháp điều trị toàn thân, phương pháp cổ điển nhất là phương pháp hóa trị. Phương pháp thứ hai là liệu pháp nhắm trúng đích và phương pháp thứ ba là liệu pháp miễn dịch. Ngoài ra, chúng ta có thêm phương pháp kháng sinh mạch.

Về phương pháp hóa trị: Đây là một phương pháp lâu đời. Chúng ta có những loại thuốc đã được nghiên cứu trong điều trị ung thư biểu mô tế bào gan giai đoạn muộn như Doxorubicin, 5-FU. Tuy nhiên, hiệu quả việc điều trị đó tương đối không mang lại được hiệu quả nhiều hơn gây độc tính cho người bệnh, khiến việc điều trị tương đối khó trước thời kỳ phát triển của các khối sinh học phân tử.

Liệu pháp điều trị nhắm trúng đích: Đây là thuốc hiểu biết về sinh học phân tử tức là thuốc phân tử nhỏ. Thuốc phân tử này vào trong tế bào và ngăn chặn đường truyền tín hiệu để cản trở tế bào ung thư phát triển, phân chia và di căn. Thuốc có tên gọi là Sorafenib ra đời vào năm 2008. Khoảng mười năm sau, thuốc Levatinib mới xuất hiện. Cả hai thuốc này đều cho thấy có vai trò tương đối tốt cho tế bào ung thư biểu mô gan ở giai đoạn muộn.

Liệu pháp miễn dịch: Phương pháp này ra đời sau liệu pháp nhắm trúng địch một năm. Đây là phương pháp kích hoạt hệ miễn dịch cho cơ thể của chúng ta giúp hệ miễn dịch nhận diện tế bào ung thư là tế bào lạ trong cơ thể và tiêu diệt tế bào ung thư.

Các thuốc đã được chứng minh qua nghiên cứu như Atezolizumab, Pembrolizumab, Nivolumab… Khi tế bào ung thư còn nhỏ, nó không cần những mạch máu nuôi. Tuy nhiên, khi càng lớn thì tế bào cần có nhiều chất dinh dưỡng cung cấp cho nó. Tế bào cần mạch máu nhiều hơn tạo ra những mạch máu mới.

Liệu pháp kháng sinh mạch giúp thoái triển những mạch nuôi của tế bao ung thư hoặc không cho sự thành lập những mạch máu mới. Các thuốc được chứng minh làm thoái triển sự phát triển đó như Bevacizumab, Ramucirumab.

Việc kết hợp sự xuất hiện của các liệu pháp thế hệ mới như vậy, đặc biệt khi có sự kết hợp giữa liệu pháp miễn dịch và kháng sinh mạch như Atezolizumab và Bevacizumab sẽ giúp bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan kéo dài hơn. Khả năng sống còn của bệnh nhân có thể lên đến 20 tháng, đi kèm theo lợi ích đó sẽ cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân và làm chậm thời gian suy giảm hoạt động của cơ thể do bệnh lý ung thư gan gây ra. Đây là một sự tiến bộ theo thời gian tương đối dài cho việc điều trị ung thư biểu mô tế bào gan ở giai đoạn muộn.

Tuy nhiên, đi kèm với hiệu quả của việc điều trị tế bào gan theo phương pháp mới là những tác dụng phụ.

Phương pháp điều trị nhắm đích, với thuốc Sorafenib, bệnh nhân thường có tình trạng tiêu chảy, hội chứng bàn tay, bàn chân, triệu chứng về tiêu hóa. Thuốc Levatinib xuất hiện sau nhưng cũng gây ra hội chứng bàn tay, bàn chân. Tuy nhiên, thuốc này ít hơn Sorafenib.

Khi sử dụng Sorafenib, bệnh nhân thường có tình trạng tăng huyết áp và hội chứng bàn tay, bàn chân thường gặp nhiều như đỏ, sưng và đau. Thuốc còn gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Việc sử dụng các liệu pháp miễn dịch và thuốc kháng sinh mạch đã đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, khi sử dụng liệu pháp miễn dịch, người bệnh cần lưu ý, đặc biệt là những bệnh nhân có tiền sử ghép cơ quan, tiền sử bệnh tự miễn, bệnh nhân bị viêm phổi, viêm gan và viêm ruột có liên quan đến miễn dịch.

Khi sử dụng kháng sinh Bevacizumab, thuốc đem lại lợi ích trong việc chống lại tăng sinh mạch máu của khối u. Tuy nhiên, loại thuốc này gây ra những tình huống bất lợi như chảy máu đường tiêu hóa, bệnh nhân trải qua cuộc phẫu thuật ít nhất 28 ngày hoặc bệnh nhân có tình trạng kiểm soát huyết áp chưa được tốt. Vì vậy, cần lưu ý khi sử dụng thuốc kháng sinh tĩnh mạch Bevacizumab.

Các tác dụng phụ có thể được ngăn chặn hoặc quản lý một cách hiệu quả, đòi hỏi người bệnh nhân phải trao đổi liên tục với bác sĩ hoặc nhân viên y tế để bác sĩ giúp bệnh nhân thấy và hiểu được các tác dụng phụ, theo dõi và quản lý một cách dễ dàng hơn.

Ngoài tính hiệu quả và các tác dụng phụ trên, các thuốc điều trị ung thư biểu mô tế bào gan ở giai đoạn tiến xa, cần lưu ý các yếu tố khác kèm theo khi quyết định hướng điều trị cho người bệnh. Chú ý đến bệnh nhân có bị nhiễm viêm gan siêu vi B, C, tình trạng chức năng bệnh nhân hoặc tình trạng chống chỉ định dùng loại thuốc đó đối với bệnh nhân.

Sự chấp thuận ở Việt Nam cũng như đáp ứng về bảo hiểm, kinh tế của bệnh nhân cho việc điều trị, tính thuận tiện cho bệnh nhân, bệnh nhân có thể sử dụng dạng uống hoặc dạng tiêm. Nếu bệnh nhân có nhu cầu 3 tuần đến bệnh viện để được khám, tư vấn và điều trị, có thể sử dụng phối hợp giữa liệu pháp miễn dịch cùng với kháng sinh mạch cho người bệnh.

Không quên cần có những điều trị đặc hiệu khác làm tăng tính hiệu quả của việc điều trị. Trước đây, cần điều trị những yếu tố nguy cơ gây ung thư gan như tình trạng nhiễm viêm gan siêu vi B, C, xơ gan. Đồng thời, bệnh ung thư gan không chỉ là bệnh lý ung thư, nó còn là hai bệnh. Đây còn là bệnh về chức năng gan, chúng ta cần đảm bảo nâng đỡ chức gan cho bệnh nhân thật tốt trong quá trình điều trị để đảm bảo hiệu quả điều trị.

BS.CK2 Lâm Quốc Trung

Chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng đối với bệnh nhân gan xuyên suốt quá trình điều trị ung thư gan. Bệnh nhân nên ăn thực phẩm tươi, tránh xa thực phẩm chế biến sẵn. Thực phẩm chế biến sẵn có nhiều chất phụ gia kèm theo. Chúng ta cần chia nhỏ bữa ăn, nên ăn 6 - 8  bữa nhỏ một ngày thay vì ăn 3 bữa lớn/ngày vì cách này sẽ làm cho bệnh nhân tiếp nhận bữa ăn tốt hơn. Khẩu phần ăn của bệnh nhân cần phải được đầy đủ và đa dạng. Nếu chế biến thức ăn, chúng ta nên ăn thức ăn luộc hoặc hấp thay vì nướng, chiên rán ở nhiệt độ cao. Cuối cùng, người bệnh cần hạn chế rượu bia và thuốc lá. Đó là những phần dinh dưỡng kèm theo.

Ngoài điều trị đặc hiệu, chúng ta có những phương pháp kèm theo để tăng tính hiệu quả điều trị. Do đó, phối nhiều chuyên khoa sẽ đạt được kết quả điều trị một cách toàn diện hơn cho bệnh nhân. Đến lúc này, chúng ta có thể điều trị đúng bệnh, đúng phương pháp điều trị và đúng thời điểm cho bệnh nhân.

4. Những tiến bộ trong điều trị có vai trò gì với bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối?

Với những tiến bộ của khoa học trong điều trị hiện nay, BS có lời động viên gì cho bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối?                     

BS.CK2 Lâm Quốc Trung trả lời: Nếu ung thư được biết sớm, người bệnh sẽ được chữa lành. Nếu không may, bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn muộn. Với sự tiến bộ của y học, sự phát triển của phương pháp điều trị mới sẽ giúp cho người bệnh trong việc điều trị và kéo dài thời gian sống, chất lượng sống của bệnh nhân được duy trì. Hy vọng sau này với sự tiến bộ nhiều hơn, các bệnh lý về ung thư được xem như bệnh mãn tính sẽ mang lại quá trình điều trị lâu dài hơn cho bệnh nhân.

5. Triệu chứng mệt mỏi, sụt cân có phải xơ gan/ ung thư gan?

Anh trai cháu năm nay 35 tuổi, uống nhiều rượu bia, 4 năm trước anh phát hiện bị viêm gan C nhưng vì chủ quan anh không điều trị và vẫn tiếp tục uống rượu bia. Gần đây, anh có biểu hiện chán ăn, người hay mệt mỏi và sụt cân. Có phải anh cháu sang giai đoạn xơ gan hay bị ung thư rồi không, có biểu hiện nào để biết chính xác của anh cháu không?

TS.BS Trần Công Duy Long trả lời: Đây là một tình huống chúng tôi hay gặp khi tiếp xúc với bệnh nhân. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy nhiều bệnh nhân mắc bệnh viêm gan B, viêm gan C nếu không được điều trị, nguy cơ ung thư sẽ cao hơn so với bệnh nhân được điều trị.

Những bệnh nhân sử dụng rượu bia nhiều sẽ bị nguy cơ ung thư cao hơn so với người không dùng rượu bia. Trong trường hợp này, có 2 yếu tố nguy cơ là viêm gan C và uống rượu bia. Chính những yếu tố này kích thích việc mọc lên khối u.

Tóm lại, cần tầm soát viêm gan B, C không trong khám sức khỏe định kỳ. Nếu có, chúng ta cần điều trị hiệu quả và không được bỏ quên vấn đề theo dõi, tầm soát ung thư ở một lá gan đã bị nhiễm viêm gan siêu vi bằng cách đi siêu âm định kỳ mỗi 3 - 6 tháng. 

Bệnh nhân trên có triệu chứng của xơ gan. Cần xét nghiệm kỹ hơn dựa vào xét nghiệm máu, chụp CT để xác định tình trạng gan xơ hóa, khối u có thể hiện những tính chất của ác tính? Với những kỹ thuật điều trị hiện đại đã có, vẫn còn những cách để chữa khỏi bệnh, khống chế bệnh cho người bệnh này. Tuy nhiên, nếu mắc bệnh viêm gan, chúng ta phải theo dõi và chữa trị tốt, cần tầm soát ung thư để phát hiện sớm. Từ đó, mới mang lại tiên lượng tốt cho người bệnh.

6. Bị xơ gan, uống nhiều thuốc điều trị có gây hại?

Thưa BS, bố em bị xơ gan từ 2 năm trước, điều trị bằng thuốc, chỉ số không có vấn đề gì nhưng dạo gần đây ông có vẻ mệt và gầy hơn. Cho em hỏi, uống thuốc nhiều thì có sợ là càng hại gan hơn không ạ?

PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng trả lời: Khi gan đã tiến triển qua xơ gan, thì tế bào gan trong cơ thể không còn nhiều vì gan đã có nhiều thành phần xơ hóa bên trong. Do đó, gan sẽ làm việc kém đi mặc dù khi xét nghiệm máu, các chỉ số không thay đổi gì lớn. Nếu ăn uống kém, sụt cân hoặc mệt mỏi trong người, chúng ta cần gặp lại bác sĩ để được tầm soát lại hoặc xét nghiệm thêm. Nhiều khi bác sĩ phát hiện thêm các bệnh lý khác đi kèm, ví dụ, bệnh đái tháo đường cũng khiến một người gầy đi, ăn uống không đạt được kết quả mong đợi.

Khi phát hiện sớm ung thư gan, tâm lý của bệnh nhân ban đầu rất sợ khi được phát hiện bệnh, họ đi khám thường xuyên. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc và theo dõi 1 - 2 năm, một số bệnh nhân lấy toa thuốc cũ và tự mua cho đến khi bị mệt, không thấy khỏe, họ mới gặp lại bác sĩ thì việc điều trị này sẽ rất trễ. Chúng ta nên tuân thủ cách điều trị và tái khám định kỳ, đi đúng hẹn. Đừng nên chủ quan thấy khỏe trong người, tự ý bỏ thuốc sẽ khiến chúng ta phát hiện muộn một số bệnh lý.

7. Dùng thuốc đích chữa u gan ác tính có nên uống thuốc giảm tác dụng phụ?

Em 39 tuổi, cuối năm 2022 em phát hiện mình bị u gan ác tính. Em nút mạch và uống thuốc đích hơn 1 tháng thì kích thước khối u có giảm đi nhưng bị tác dụng phụ rất đau lưng. BS tư vấn cho em có nên dùng thuốc giảm tác dụng phụ không và có ảnh hưởng gì không ạ?

BS.CK2 Lâm Quốc Trung trả lời: Đi kèm với tính hiệu quả là tác dụng phụ, tình trạng thường gặp nhất là mệt mỏi, tăng huyết áp, hội chứng bàn tay, bàn chân. Khi xảy ra những tác dụng phụ đó, người bệnh đến tái khám và bác sĩ sẽ đánh giá tác dụng phụ nằm ở mức độ nào. Nếu từ độ 2 trở lên, chúng tôi sẽ ngưng thuốc hoặc giảm liều điều trị. Hiện tại, chúng ta chưa có loại thuốc nào giúp giảm tác dụng phụ. Tuy nhiên, triệu chứng đau lưng rất ít gặp. Đó là nguyên nhân gây ra tác dụng phụ do các thuốc điều trị biểu mô tế bào gan ở giai đoạn này.

Do đó, chúng ta cần loại trừ những nguyên nhân khác có thể gây ra đau lưng như thoái hóa cột sống thắt lưng, bệnh nhân có di căn xuống xương hay không. Nếu cần, người bệnh nên quay lại bác sĩ để họ khám và đánh giá lại rõ nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp hơn.

8. Xơ gan giai đoạn 4 điều trị như thế nào? Có cần ghép gan?

Bố em bị xơ gan do bia rượu, hiện tại đang ở giai đoạn 3 chuyển sang giai đoạn 4. Vậy bác sĩ cho em hỏi nam giới xơ gan giai đoạn 4 điều trị như thế nào? Em nghe BS nói có thể phải ghép gan. Nếu không ghép mà điều trị bằng thuốc thôi thì có được không ạ, vì hiện nhà em đang khá khó khăn về kinh tế?

TS.BS Trần Công Duy Long trả lời: Sau một thời gian uống bia rượu kéo dài, bệnh đã tiến triển sang một số dấu hiệu của xơ gan. Chắc chắn có 2 việc cần phải thực hiện: Thứ nhất, người bệnh cần dừng dùng rượu bia. Thứ hai, đánh giá mức độ xơ gan ra sao. Nếu bệnh nhân này chưa lớn tuổi, sức khỏe còn tương đối tốt. Giải pháp có thể chữa được cho bệnh nhân là ghép gan, phương pháp này sẽ giúp bệnh nhân có một lá gan mới cùng tình trạng sức khỏe tốt và tránh được nguy cơ ung thư sau này.

Tuy nhiên, trong quá trình chờ đợi hay chuẩn bị ghép gan hoặc chuẩn bị kinh phí cho ca mổ lớn với quá trình điều trị kéo dài cũng như chờ có người thân hiến gan hoặc một người nào đó chẳng may chết não có ý nguyện hiến tạng cao đẹp thì việc điều trị và dự phòng những biến chứng xơ gan cần được quan tâm, theo dõi.

Bệnh nhân có thể được cho thuốc uống hỗ trợ chức năng gan, soi thực quản dạ dày để theo dõi sự giãn nở bứu mạch máu do gan làm ứ trệ mạch máu thì sẽ được thắt dự phòng để tránh biến chứng xuất huyết tiêu hóa gây nguy hiểm đến tính mạng. Người bệnh sẽ được tư vấn để có chế độ dinh dưỡng phù hợp nhằm giúp tối ưu lá gan đã bị yếu, kéo dài thời gian sống có chất lượng.

TS.BS Trần Công Duy Long

9. Bị K giai đoạn đầu và viêm gan B có nên phẫu thuật?

Ông em bị K gan giai đoạn đầu và bị viêm gan B mãn tính. Men gan tăng, virus hoạt động. Em nghe nói giai đoạn đầu có thể thực hiện phẫu thuật. Với trường hợp của ông em có nên phẫu thuật không, thưa BS? Ông em còn có bệnh lý nền tăng huyết áp và đái tháo đường nữa ạ?

PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng trả lời: Nếu phát hiện ung thư gan được xem là giai đoạn sớm, tức là khối u còn khá nhỏ, 1 - 2 cm hoặc thậm chí dưới 5 cm thì có thể điều trị bằng các phương pháp triệt để. Phương pháp triệt để có nhiều cách, chúng ta phẫu thuật để cắt bỏ hẳn khối u nhưng vẫn có thể dùng kim đưa vào khối u và dùng nhiệt hoặc sóng có tần số cao để phá hủy các tế bào ung thư. Đó là cách đơn giản ít gây xâm hại nhất cho người bệnh. Nếu phát hiện sớm, đó là cơ hội tốt và chúng ta nên gặp bác sĩ để được tư vấn.

Nhiều người nghĩ phẫu thuật là sẽ dùng đến dao, kéo và khiến cho khối u phát triển. Đó là quan điểm không đúng đắn lắm. Khối u càng nhỏ, việc lấy hẳn vùng chứa khối ung thư thì đã giải quyết triệt để. Sau khi phẫu thuật, nếu bệnh nhân có bệnh viêm gan siêu vi thì nguyên nhân gây ra ung thư là do virus phá hủy tế bào phát triển thành khối u.

Vì vậy, khi chữa trị bắt buộc chúng ta phải đi điều trị kèm theo viêm gan virus B để nó không còn phá hủy tế bào gan bình thường. Chữa trị xong khối u nhưng không quan tâm đến viêm gan siêu vi, một thời gian sau, khối u sẽ xuất hiện ở vị trí khác.

Nếu người bệnh có thêm huyết áp, tiểu đường thì họ vẫn có thuốc kiểm soát bệnh trong thời gian phẫu thuật cũng như điều trị. Do đó, không nên lo lắng về vấn đề này. Nếu có bệnh nền chưa ổn, cần phải uống thuốc và điều trị cho ổn định để tiến hành phẫu thuật.   

10. Điều trị ung thư gan có được dùng thêm thuốc giảm đau và tác dụng phụ?

BS cho em hỏi, phương pháp điều trị ung thư gan nào có ít tác dụng phụ nhất và trong quá trình điều trị, em có thể bổ sung thêm thuốc để giảm đau và tác dụng phụ đi được không?

TS.BS Trần Công Duy Long trả lời: Có câu “Thuốc đắng giã tật”, tuy nhiên hiện nay ciệc điều trị luôn hướng đến thuốc ít đắng nhưng vẫn có thể giã tật. Phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào thể trạng, chức năng gan và tình trạng bướu của mỗi bệnh nhân. Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp nhẹ nhàng và an toàn nhất cho bệnh nhân nhưng vẫn tối ưu nhất được khả năng điều trị ung thư để mang lại tiên lượng sống tốt nhất.

Một yếu tố quan trọng của người bệnh là phát hiện bệnh sớm hơn. Điều này giúp bác sĩ dễ dàng chọn phương pháp điều trị ít xâm hại, nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn chữa khỏi bệnh. Cả người dân lẫn bác sĩ cùng cập nhật những kiến thức, thông tin để cùng nhau tầm soát theo dõi và chẩn đoán bệnh sớm, chữa bệnh một cách nhẹ nhàng và hiệu quả. Chúng ta phải kết hợp cùng nhau thì thuốc sẽ ít đắng, bệnh giã được hoàn toàn. 

Về vấn đề sử dụng thuốc giảm đau và thuốc giảm bớt tác dụng phụ khi điều trị, các thầy thuốc đều muốn bệnh nhân được dễ chịu nhất, ít đau nhất, phương pháp ít tác dụng phụ nhất để người bệnh được nhẹ nhàng và điều trị hiệu quả. Nếu cơ thể có thể dung nạp những loại thuốc không có tác dụng phụ nhiều, bác sĩ sẽ lập tức sử dụng để làm sao tối ưu hóa cho bệnh nhân.

11. Ung thư gan giai đoạn cuối có được dùng thuốc Nam?

Tôi được chẩn đoán Ung thư gan giai đoạn cuối vậy có nên sử dụng thuốc nam không?

PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng trả lời: Tâm lý của người dân thường giống như “bái tứ phương”. Khi bệnh nhân đến gặp bác sĩ, bác sĩ lắc đầu ca này ở giai đoạn cuối không chữa được và khuyên người nhà bệnh nhân theo kiểu “về nhà muốn ăn gì thì cho ăn”. Lúc này, chúng ta chữa theo tâm lý thoải mái nhất cho người bệnh hoặc thân nhân cho rằng đó là cú gánh cuối cùng.

Điều này không có nghĩa thuốc nam hoàn toàn không có kết quả trong điều trị. Miễn là chúng ta dùng đúng thuốc, gặp bác sĩ Đông y có kinh nghiệm điều trị. Không nên nghe những quảng cáo trên báo đài, nghe thông tin không chính thống hoặc truyền miệng những cây thuốc, nếu uống không đúng sẽ gây ra tác dụng phụ, nguy hiểm cho người bệnh. Thuốc Nam chỉ có hiệu quả nâng đỡ thể trạng, chữa trị triệu chứng. Ở giai đoạn muộn, đây cũng là một giải pháp hỗ trợ.

12. Ung thư giai đoạn 3 nên phẫu thuật hay điều trị nội khoa?

Tôi phát hiện Ung thư giai đoạn 3 khi đi khám sức khỏe định kỳ, tôi giờ rất phân vân nên phẫu thuật hay điều trị nội khoa? Bác sĩ có thể cho biết phương pháp nào có lợi hơn?                 

TS.BS Trần Công Duy Long trả lời: Đối với ung thư ở giai đoạn 3, hầu hết hiện nay cách điều trị để chữa khỏi hoặc có tiên lượng lâu nhất đa phần phải lấy bỏ khối u. Tuy nhiên, phương châm số một của thầy thuốc là an toàn, số hai là hiệu quả điều trị ung thư để bệnh nhân có thể sống lâu.

Các bác sĩ sẽ phải đánh giá kỹ hơn tình hình sức khỏe của người bệnh, giai đoạn ung thư để chọn phương pháp phù hợp.

Điều trị nội khoa có thể giúp khỏi bệnh hoặc kéo dài thời gian sống, chắc chắn bác sĩ sẽ thực hiện ngay. Tuy nhiên, mỗi phương pháp đều có ưu điểm và nhược điểm. Hiện nay đối với bệnh ung thư, nếu chúng ta lấy được khối u ra khỏi cơ thể vẫn là cách tốt nhất. Cần phải đánh giá lại sức khỏe của người bệnh ra sao, chức năng xơ gan ở mức độ nào, liệu khối u có loại bỏ được không.

Bên cạnh phẫu thuật và nội khoa, chúng ta còn những phương pháp khác như bơm hóa chất và tắt mạch. Nếu có đủ sức khỏe và có điều kiện, đôi khi ghép gan mang đến hiệu quả hoàn toàn triệt để và có tiến độ tốt nhất về lâu về dài.

13. Đã phẫu thuật nút mạch điều trị ung thư gan, có cần uống thuốc hóa trị?

Tôi đang điều trị ung thư Gan tại bệnh viện tỉnh, tôi đã được bệnh viện phẫu thuật nút mạch gì đó giờ tôi có cần uống thuốc hóa trị không?

BS.CK2 Lâm Quốc Trung trả lời: Quyết định phương pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư gan cần phải dựa vào kích thước, vị trí và số lượng khối u cũng như chức năng gan của người bệnh. Nếu ở giai đoạn sớm, chúng ta có thể dùng phương pháp phẫu thuật, đốt sóng cao tần. Đối với phương pháp trung gian, chúng ta có thể dùng nút mạch. Ở giai đoạn muộn, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp điều trị toàn thân như đã trình bày ở trên.

Hiện tại, có những nghiên cứu cho thấy hiệu quả vai trò khi làm nút mạch và kết hợp với điều trị toàn thân. Do đó, người bệnh có thể đến Bệnh viện Đại học Y dược để bác sĩ đánh giá lại giai đoạn của bệnh nhân và nếu cần, bác sĩ sẽ tư vấn hướng điều trị tiếp theo sao cho phù hợp đối với tình huống này.

14. Trước và sau nút mạch cần lưu ý những gì?

Bố em chuẩn bị nút mạch. Cho em hỏi trước và sau nút mạch cần lưu ý những gì?

PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng trả lời: Phương pháp nút mạch là bác sĩ đưa một dụng cụ vào mạch máu đang nuôi cho khối u để làm tắc mạch máu. Khi chúng ta ngừng tiếp tế lương thực, khối u sẽ không được nuôi dưỡng và nó sẽ chết đi. Trước và sau khi tiến hành làm thủ tục nút mạch, không cần có sự chuẩn bị gì đặc biệt.

Khi bác sĩ tiến hành làm những thủ thuật đặc biệt đó, họ sẽ phải đánh giá lại sức khỏe của người bệnh và tư vấn cụ thể về tình hình thể trạng của người bệnh, có những bệnh nền gì đặc biệt.

Sau khi làm nút mạch, bệnh nhân thường có phản ứng bị sốt, đau ngay vị trí tắc mạch máu đột ngột khiến hoại tử khối u, tạo ra phản ứng sinh sốt và làm đau. Do đó, sau khi làm nút mạch, sẽ xuất hiện các triệu chứng đó và khi triệu chứng xuất hiện, bác sĩ cho những loại thuốc giảm đau, hạ sốt, điều chỉnh triệu chứng cho chúng ta. Do đó, đừng quá lo lắng. Nếu cần, hãy hỏi trực tiếp bác sĩ điều trị của mình. Tùy theo thể trạng và triệu chứng tại thời điểm đó như thế nào, bác sĩ sẽ xử lý phù hợp.

15. Làm thế nào giảm men gan sau khi truyền hóa chất?

BS cho em hỏi, em mới truyền một đợt hóa chất mà men gan tăng cao quá, phải dừng điều trị. Vậy có cách nào làm giảm men gan không ạ?

BS.CK2 Lâm Quốc Trung trả lời: Ngoài bệnh lý ung thư gan, chúng ta còn có những nguyên nhân khác gây ra ung thư gan, đặc biệt là chức năng gan, viêm gan B, viêm gan C. Sau một đợt điều trị có tình trạng tăng men gan, chúng ta cần đánh giá lại tăng men gan là do thuốc gây ra hoặc bệnh lý của gan. Trường trường hợp này, cần có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân, điều chỉnh lại để việc điều trị được hiệu quả.

16. Mắc Ung thư gan, có nên đốt khối u khi tái lại nhiều lần?

Bố em phát hiện ung thư đa ổ từ tháng 1/2022. Bố em đã nút mạch 3 lần, sau đó được chỉ định mổ cắt u. Sau 2 tháng phẫu thuật thì u mọc lại và đã đốt. 2 tháng sau khi đốt u gan, bố em đi tái khám lại thì BS kêu mọc thêm một u mới. Cho em hỏi là nếu u cứ mọc lại như vậy thì cứ đốt thôi hay sao ạ?

TS.BS Trần Công Duy Long trả lời: Đây là một tình trạng khó khăn mà thỉnh thoảng chúng tôi gặp ở bệnh nhân ung thư tế bào gan. Những khối u được sinh ra có thể một phần do con cái hoặc di căn từ khối u trước. Khối u có thể được sản sinh do virus siêu vi gây tổn thương hoặc sẹo trên tế bào đó.

Chúng ta có nhiều cách điều trị bao gồm phẫu thuật, toce bơm hóa chất, điều trị nội khoa theo những liệu pháp miễn dịch nhắm trúng đích mới. Trường hợp vừa rồi là một tình huống khó. Đối với mỗi ca bệnh như vậy, chúng tôi đều phải ngồi hội chẩn với nhau bác sĩ và phẫu thuật viên, bác sĩ chuyên làm TACE, bác sĩ điều trị nội khoa sẽ luôn cân nhắc và tìm ra chiến lược phù hợp đúng cho trường hợp tương đối phức tạp trên. Chúng tôi chắc chắn sẽ phải đánh giá kỹ, hội chẩn đa chuyên khoa mô thức để chọn ra điều kiện tốt nhất cho người nhà của bạn.     

17. Ung thư gan trị bằng nút mạch được bao nhiêu lần?

Các BS ơi cho em hỏi, Ung thư gan trị bằng nút mạch được bao nhiêu lần ạ? Em nghe nói chỉ được 5 lần có phải không?

PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng trả lời: Phương pháp nút mạch làm tắc các mạch máu nuôi khối u, trong trường hợp bệnh nhân có nhiều khối u hoặc khối u lớn. Nếu tắt một mạch máu không đủ để tiêu khối u thì cần tắt nhiều lần nhằm tiêu diệt con đường mạch máu nuôi khối u.

Khi tắt một mạch máu, nó làm chết khối u nhưng cũng gây ảnh hưởng đến tế bào gan lân cận. Mạch máu không chỉ nuôi khối u mà còn nuôi một số tế bào nằm xung quanh. Nếu tắc nhiều lần, việc này cũng vô tình làm cho các tế bào gan lân cận bị ảnh hưởng. Vì vậy, nếu làm tắc mạch máu 2 - 3 lần chưa thành công thì bác sĩ không tiến hành thêm nhiều. Cách làm đó chưa phải là phương pháp hiệu quả tối ưu, chúng ta cần chọn kỹ thuật khác.

Lúc đó, cần dùng đến phương pháp hóa trị, kết hợp biện pháp hỗ trợ thêm để điều trị. Lặp lại một phương pháp 4 -5  lần sẽ không đạt hiệu quả, có thể gây ảnh hưởng đến chức năng gan. Những bệnh nhân nút mạch nhiều sẽ khiến gan bị suy yếu dần, xuất hiện các triệu chứng như báng bụng, suy giảm chức năng gan, vàng da… Bác sĩ sẽ xem xét tình trạng của bệnh nhân và quyết định làm bao nhiêu lần.

18. Mắc Ung thư gan cùng các bệnh tiểu đường, đường ruột nên ăn uống gì để bồi bổ?

BS cho em hỏi, ba em bị ung thư gan đồng thời lại mắc tiểu đường và bệnh đường ruột. Nên ăn gì để bồi bổ sức khỏe?

BS.CK2 Lâm Quốc Trung trả lời: Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong suốt quá trình điều trị ung thư biểu mô tế bào gan. Chúng ta nên ăn thực phẩm tươi, tránh những thức ăn chế biến sẵn, đóng hộp. Nên chia 6 - 8 bữa nhỏ trong một ngày, tránh dùng 3 bữa ăn lớn trong một ngày.

Việc này giúp bệnh nhân tiếp thu lượng thức ăn vừa đủ, tránh thức ăn chiên và nướng ở nhiệt độ cao.

Người bệnh cần dùng thức ăn hấp và luộc, chúng ta nên làm sao khẩu phần ăn được đầy đủ và đa dạng cũng như hạn chế rượu bia và thuốc lá. Như vậy, chế độ dinh dưỡng của người bệnh trong quá trình điều trị ung thư gan mới tốt và đảm bảo quá trình điều trị lâu dài cho người bệnh.         

>>> Ung thư gan có thể chữa trị nếu được phát hiện sớm và phòng ngừa đúng cách

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X