Hotline 24/7
08983-08983

Ung thư gan có thể chữa trị nếu được phát hiện sớm và phòng ngừa đúng cách

Theo thống kê của Globocan năm 2020, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai về tỷ lệ mắc ung thư gan ở nam giới và thứ tư đối với nữ. Đây là căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong rất cao. Tuy nhiên, PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng - Trưởng khoa tiêu hóa BVĐH Y dược TPHCM nhận định: “Ung thư gan có thể chữa trị được nếu chúng ta phát hiện sớm và phòng ngừa đúng cách”. Thông tin này sẽ được vị chuyên gia chia sẻ cụ thể trong bài viết dưới đây.

1. Làm thế nào để phòng tránh bệnh ung thư gan?

Xin PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng chia sẻ những thông tin cần thiết để phòng tránh bệnh ung thư gan?

PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng trả lời: Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ ung thư gan khá cao. Theo số liệu thống kê của Globocan năm 2020, ung thư gan ở Việt Nam đứng thứ hai ở nam giới và hàng thứ tư ở nữ. Tỷ suất mới mắc của ung thư gan tại Việt Nam rất cao, đứng đầu trong các loại ung thư có thể gây chết người. Tỷ lệ mắc mới và tử vong do ung thư gan có số lượng gần tương đương với nhau.

Điều này cho thấy, khi đã phát hiện ung thư gan, người bệnh có thể không qua khỏi. Chính vì điều này, chúng ta có thể quan tâm làm sao để phòng tránh và chẩn đoán ung thư gan. Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng dịch tễ viêm gan do virus B và C. Đa số bệnh nhân được phát hiện trễ. Do đó, chúng ta cần có những cải thiện trong việc dự phòng và chẩn đoán sớm, áp dụng phương pháp trị liệu mới để có được kết quả thành công, tốt đẹp nhất.

Trong đề tài ung thư gan được đề cập đến: biết sớm, chữa lành. Đây là câu nói chúng tôi được truyền đạt từ một người thầy đứng đầu tại ngành ung thư học ở Việt Nam. Đó là GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, thầy có lời căn dặn đối với các học trò theo ngành y là đối với bệnh ung thư, chúng ta đừng lo lắng quá mức. Cần biết cách quản lý để phát hiện loại bệnh ung thư nhằm chữa và đạt được kết quả tốt nhất.

Muốn phòng tránh, cần tập trung vào các đối tượng có nguy cơ bị ung thư gan. Gan bình thường khỏe mạnh không bao giờ bị ung thư, nó chỉ gặp vấn đề là có bệnh. Chúng ta thấy ung thư gan chỉ xảy ra ở người mắc bệnh gan mạn tính.

Viêm gan siêu vi B là căn bệnh phổ biến nhất ở Việt Nam và đây là căn bệnh có nguy cơ cao nhất gây ung thư gan. Căn bệnh này xảy ra nhiều người đặc biệt là ở nam giới, có độ tuổi trên 40. Trong tiền căn gia đình có người bị ung thư thì đó là những người chúng ta cần quan tâm đặc biệt và số lượng virus hiện diện trong máu của người phải rất cao trên 2000 đơn vị/ mL hoặc bệnh nhân không chỉ bị nhiễm siêu vi B. Có khi họ còn bị nhiễm virus siêu vi C, HIV…

Một số bệnh nhân tiêm chích ma túy do họ sử dụng kim tiêm chung. Điều này khiến bệnh nhân không chỉ bị lây nhiễm một loại virus mà nhiều loại virus, một số người bị xơ gan. Khi chúng ta phát hiện bệnh nhân bị viêm gan virus B, cần đưa họ vào một chương trình để theo dõi định kỳ, phát hiện sớm những trường hợp khi vừa chớm bệnh để có cách ngăn ngừa.

Ngày nay, chúng ta có những biện pháp xem xét điều trị bằng thuốc kháng virus cho những bệnh nhân viêm gan B. Mặc dù men gan của họ còn bình thường, nhóm người đó thuộc dạng nguy cơ như: trong gia đình có cha mẹ, anh chị em bị ung thư gan hoặc có độ tuổi trên 40, nhất là nam giới. Đối với nhóm người này, cần phải có kế hoạch điều trị sớm.

Với bệnh nhân bị viêm gan virus C, chúng ta biết rằng căn bệnh này diễn tiến với ung thư thông qua giai đoạn bị xơ gan. Do đó, bệnh nhân bị mắc viêm gan virus C cần được chữa trị sớm. Ngày nay, căn bệnh này có một loại thuốc chữa trị rất hiệu quả, có thể chữa trị khoảng 3 hay 4 tháng thì bệnh nhân có thể khỏi bệnh hẳn. Do đó, chúng ta lưu ý càng chữa bệnh sớm khi khối u còn nhỏ, cơ hội điều trị tận gốc càng cao.

Ngày nay, tỷ lệ xơ gan do rượu ở Việt Nam không nhỏ, sử dụng rượu bia thường xuyên, ăn uống không hợp lý. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng xơ gan, nếu bệnh nhân có thêm một số bệnh lý gan khác như: viêm gan tự miễn, xơ gan mật ứ nguyên phát hoặc các bệnh di truyền về gan... Đó là những đối tượng có nguy cơ dẫn đến ung thư sau này.

Nguyên nhân tiếp theo dẫn tới ung thư gan mà rất ít được quan tâm tới là viêm gan nhiễm mỡ. Trong dân số Việt Nam, tỷ lệ béo phì rất cao. Béo phì có thể xảy ra ở trẻ em, do chế độ dinh dưỡng: chúng ta ăn quá nhiều thức ăn giàu năng lượng, thức ăn ngọt, chất béo rất nhiều. Do đó, nếu nguy cơ thừa cân và gan nhiễm mỡ không được chú ý, điều chỉnh và điều trị bệnh có thể tiến triển thành xơ gan và ung thư.

Ngoài ra, bệnh đái tháo đường, tiếp xúc với độc chất chẳng hạn như ăn lương thực hoặc ngũ cốc bị mốc do để lâu ngày không được bảo quản kỹ. Trong nấm mốc chứa một loại nấm tên Aspergillus. Nó tiết ra Aflatoxin, chất này có nguy cơ dẫn đến ung thư. Ngoài ra, người hút thuốc nhiều cũng là yếu tố góp phần cho các bệnh ung thư tiến triển. Như vậy, để phòng tránh ung thư gan cần tập trung ở những bệnh nhân có nguy cơ bệnh gan mãn tính để có kế hoạch theo dõi định kỳ. Chỉ có cách này, chúng ta mới phát hiện sớm diễn tiến của bệnh.

Có những bằng chứng cho thấy, bệnh nhân bị viêm gan virus B có lượng virus trong máu khá cao không được điều trị tốt thì nguy cơ của họ sẽ cao hơn những người có tải lượng virus trong máu thấp hoặc bệnh nhân được kiểm soát, điều trị tốt bằng thuốc thì nguy cơ ung thư sẽ giảm đi.

Nếu bệnh nhân không chỉ bị ung thư gan hay viêm gan virus B mà còn uống rượu thường xuyên, thì sẽ có 2 tác nhân khiến gan bị hư hại nhiều hơn, dẫn đến nguy cơ xơ gan, ung thư gan càng cao.

Ung thư gan bị phát hiện rất muộn và khi bệnh nhân đến, bác sĩ bó tay không thể chữa trị được vì đây là căn bệnh không có triệu chứng và tiến triển thầm lặng trong giai đoạn đầu. Khi bệnh nhân bị đau tức ở hạ sườn phải hoặc ăn uống không được, sụt cân… ở giai đoạn này, khối u đã phát triển lớn trên toàn bộ sức khỏe bệnh nhân.

Ở người châu Á, tần suất ung thư gan và xơ gan tương đối thấp ở lứa tuổi dưới 35 - 40, nhưng sau tuổi 40 tần suất ung thư gan tăng nhanh hơn. Ở độ tuổi đó, người bị viêm gan virus B hoặc C dần dần tích lũy thời gian để con virus gây ra tổn thương trên gan dẫn đến xơ gan và ung thư. 80 - 90% bệnh nhân bị xơ gan tại thời điểm chúng ta phát hiện, họ đã bị thêm tình trạng ung thư gan. Vì vậy, chúng ta cần lưu ý bệnh nhân bị xơ gan, quan tâm đặc biệt và kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm nhằm hạn chế được diễn tiến của bệnh.

Để tầm soát sớm bệnh ung thư gan, không quá phức tạp. Đối tượng dễ bị ung thư gan là những bệnh nhân bị gan mãn tính: viêm gan virus B/C, bệnh nhân bị xơ gan, bệnh nhân bị đái tháo đường, béo phì, hút thuốc lá nhiều… Những người đó cần được xem như đối tượng nguy cơ để có kế hoạch định kỳ: mỗi 6 tháng chúng ta cần cho bệnh nhân làm xét nghiệm siêu âm bụng, thử xét nghiệm máu AFP: đây là xét nghiệm giúp tầm soát sớm ung thư gan.

Tùy theo từng quốc gia, điều kiện kinh tế cũng như chiến lược của mỗi quốc gia, họ có chiến lược để bổ sung nhằm tăng thêm xét nghiệm tầm soát cho chính xác. Ví dụ, ở Nhật, ngoài việc siêu âm bụng họ có thể cho bệnh nhân làm xét nghiệm 3 loại: xét nghiệm AFP, AFP-L3 hoặc xét nghiệm DCP. Đây là những xét nghiệm giúp tăng tỷ lệ tầm soát ung thư gan sớm. Những xét nghiệm đó hơi đắt tiền, nếu xét ở các quốc gia có nguồn lực kinh tế vừa phải hay còn hạn chế thì chỉ cần làm siêu âm bụng cùng với AFP định kỳ mỗi 6 tháng cũng có thể tầm soát sớm bệnh.

AFP là một dạng protein do tế bào ung thư sản xuất và phóng thích trong máu. Chất này có thể gặp trong một số dạng ung thư khác như ung thư của tế bào mầm, ở những giai đoạn viêm gan nặng hoặc trong thai kỳ. Trong cơ thể thai nhi cũng có thể tiết ra chất AFP.

Do đó, khi chẩn đoán, chúng ta cần biết bệnh cảnh của bệnh nhân có bệnh gan và tăng chất AFP thì mới có giá trị trong vấn đề tầm soát. Bình thường AFP < 10 ng/mL, giá trị này có thể giúp chúng ta theo dõi. Khi xét nghiệm có chỉ số > 200 ng/mL, gần như chúng ta cần phải quan tâm chắc chắn có liên quan đến ung thư gan. Cần kết hợp với siêu âm bụng để tăng tỷ lệ chính xác trong vấn đề tầm soát sớm ung thư gan.

Ngoài xét nghiệm máu, chúng ta có thể làm xét nghiệm siêu âm bụng. Đây là một xét nghiệm tương đối khá đơn giản và không gây nguy hiểm cho người bệnh, chúng ta có thể làm siêu âm bụng với chi phí vừa phải không gây tốn kém nhiều nhưng cũng có giá trị trong vấn đề tầm soát ban đầu.

Nếu chúng ta biết bệnh nhân đang có bệnh gan, chúng ta làm siêu âm mà phát hiện trong gan có khối bất thường (thường có hình ảnh ECHO kém). Nếu phát hiện được khối đó, chúng ta cần phải kiểm tra thêm và theo dõi kỹ hơn. Sáng hôm sau, chúng ta thấy kích thước của nó tăng lên một chút, một hay hai tháng sau kích thước tăng lên thì cần phải kiểm tra thêm bằng phương pháp cao cấp hơn chẳng hạn như chụp X-Quang cắt lớp điện toán để chẩn đoán chính xác.

Trong phương pháp này, chúng ta có thể thấy được khối ung thư bắt thuốc như thế nào, giúp chẩn đoán rõ ràng hơn. Ngoài chụp CT bụng, chúng ta có thể chụp cộng hưởng từ để có độ chính xác cao, giúp bổ sung cho vấn đề chẩn đoán. Cần tầm soát sớm ung thư gan vì nó có ý nghĩa rất quan trọng.

Ung thư gan không thể một sớm một chiều trở thành khối ung thư, nó phải trải qua một quá trình. Mất vài tháng, một hoặc 2 năm khối u mới tiến triển nhiều hơn. Do đó, khi phát hiện khối từ 1 - 2 cm, điều này có ý nghĩa cho vấn đề điều trị hiệu quả. Đây là cơ hội vàng giúp chúng ta điều trị dứt điểm ung thư gan.

Nếu khối u nhỏ khoảng 1-2 cm, có thể dùng phương pháp đốt hoặc phá cục u. Ở những vị trí thuận lợi, có thể phẫu thuật cắt bỏ một phân thùy nào đó để lấy hẳn khối u ra, bệnh nhân có thể khỏi bệnh.

Cần lưu ý rằng, càng phát hiện sớm khi khối u còn nhỏ, cơ hội điều trị tận gốc càng cao hơn. Hiện tại, có nhiều phương pháp điều trị như phẫu thuật, hủy u bằng sóng cao tần, đốt mạch để tiêu diệt nguồn cung cấp máu nuôi dưỡng khối u, khối u sẽ teo lại và chậm đi sự tiến triển.

Ung thư gan ở giai đoạn tiến xa (nặng), đã tiến triển qua giai đoạn di căn thì việc điều trị hỗ trợ nâng đỡ sẽ có những phương pháp điều trị bằng hóa trị đánh trúng đích để kiềm hãm được sự phát triển của khối u.

Điều quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa ung thư gan bằng cách kiểm tra sức khỏe định kỳ. Sức khỏe tốt, nhưng vẫn có thể mang bệnh trong người mà không hay biết. Do đó, khi cơ quan hay tổ chức nào tổ chức khám sức khỏe, nên dành thời gian để đi kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm tầm soát sớm.

Khi thấy được khối nghi ngờ trong quá trình siêu âm và cố tìm cho khối đó là bản chất của vấn đề gì, chúng ta sẽ tìm ra được bản chất của bệnh. Nếu đó là bệnh ung thư, điều trị sớm để đạt được hiệu quả tốt.

Tóm lại, ung thư gan là căn bệnh phổ biến, có tỷ lệ tử vong rất cao trên thế giới cũng như ở Việt Nam do bệnh diễn tiến thầm lặng và đa số được phát hiện muộn. Tuy nhiên, không nên quá thất vọng vì ung thư gan nếu được biết sớm có thể trị dứt điểm, chữa lành.

Cần tầm soát đúng đối tượng đặc biệt là bệnh nhân viêm gan B, C hoặc xơ gan. Đối với nhóm bệnh nhân này, chúng ta cần có kế hoạch theo dõi và điều trị bằng việc làm xét nghiệm siêu âm, xét nghiệm AFP định kỳ mỗi 6 tháng để phát hiện sớm khi bệnh mới manh nha, hình thành nhằm có biện pháp điều trị hiệu quả. Do đó, ung thư gan có thể chữa trị được nếu chúng ta phát hiện sớm và phòng ngừa đúng cách.                               

2. Người trẻ có cần kiểm tra gan định kỳ?

Xin BS cho biết người trẻ tuổi không bị viêm gan siêu vi có cần kiểm tra gan định kỳ không?

PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng trả lời: Nếu người trẻ không có bệnh gan cụ thể, nguy cơ ung thư gan rất hiếm. Tuy nhiên, việc thăm khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp chúng ta phát hiện những bất thường khác mà bản thân không biết.

Đôi khi, vô tình kiểm tra có thể phát hiện thêm một vấn đề sức khỏe nào đó để có những quan tâm đặc biệt hơn. Ví dụ, có một thanh niên đưa mẹ đi khám bệnh, trong khi ngồi chờ thì tranh thủ vào làm siêu âm để tiết kiệm thời gian. Khi làm siêu âm thì phát hiện khối u ở gan, không có triệu chứng. Do đó, chúng ta không được chủ quan rằng, còn trẻ là không có bệnh mà cần đi khám sức khỏe định kỳ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X