Các kỹ thuật “bắt” tinh trùng, giành lại cơ hội làm cha cho nam giới vô tinh
Các công nghệ và phương pháp điều trị hiện nay giúp nam giới hoàn toàn có thể thực hiện mong ước làm cha dù vô tinh. Phần tư vấn của PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương và CNSH Tăng Kim Hoàng Văn - Trưởng lab IVF, khoa Hiếm muộn - Bệnh viện Hùng Vương sẽ giải thích rõ về những phương pháp điều trị hiếm muộn hiện đại đang được áp dụng hiện nay.
Tự ti do vô tinh khiến gia đình đổ vỡ...
Trong quá trình thăm khám và điều trị tại Bệnh viện Hùng Vương, BS thấy có những quan niệm sai lầm nào về vô tinh mà nhiều người thường mắc phải?
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Khi phát hiện một trường hợp vô tinh và thông báo cho cặp vợ chồng, cảm xúc đầu tiên của người chồng là tự ti. Đôi khi cảm giác tự ti này sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Nếu người vợ không hỗ trợ được về mặt tinh thần cho người chồng, rất có khả năng cặp đôi này sẽ chia tay.
Khi được chẩn đoán vô tinh, nhiều người cảm thấy tương lai như sụp đổ. Một con người ngoài sự nghiệp ra thì còn gia đình, theo quan điểm của nhiều người, gia đình thì phải có con nối dõi. Với những gia đình theo truyền thống phương Đông như Việt Nam, việc thực hiện thiên chức làm cha, sinh con nối dõi tông đường rất quan trọng. Tâm lý tự ti có thể dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Có những người cao thượng muốn giải thoát cho vợ mình vì vô tinh như một bản án cuối cùng cho cuộc đời họ.
Nhưng khi thực hiện thêm các xét nghiệm khác, trường hợp vô tinh do tắc nghẽn vẫn có phương cách để giúp người đàn ông thực hiện được thiên chức làm cha. Khi được chẩn đoán vô tinh, nam giới phải hết sức bình tĩnh để tìm và phân nhóm nguyên nhân, từ đó có những can thiệp điều trị phù hợp.
Những tiến bộ y học mở ra hy vọng cho trường hợp vô tinh
Nhờ anh Hoàng Văn chia sẻ một vài trường hợp điều trị vô tinh thành công tại Bệnh viện Hùng Vương và hiện giờ đã làm cha như mong ước? Thông thường, các bước thăm khám và điều trị vô tinh tại Bệnh viện Hùng Vương sẽ diễn ra như thế nào?
CNSH Tăng Kim Hoàng Văn trả lời: Trong quá trình tư vấn và điều trị cho những cặp vợ chồng có người chồng bị vô tinh, mỗi trường hợp là một hoàn cảnh, một tâm tư riêng, trong đó có một số trường hợp rất ấn tượng.
Trường hợp đầu tiên, cặp vợ chồng đã từng sinh thiết tinh hoàn và thụ tinh ống nghiệm nhưng chưa thành công. Người chồng phải xin tinh trùng từ ngân hàng, sau đó thụ tinh với tinh trùng được hiến và có con. Tuy nhiên, người chồng vẫn chưa cảm giác được trọn vẹn.
Người phụ nữ xin trứng vẫn có thể mang thai và nuôi con, họ sẽ có tình cảm nhiều hơn so với nam giới xin tinh trùng từ người khác, với họ việc này vẫn còn khó chấp nhận. Vì những lý do đó, bệnh nhân vẫn tiếp tục kiên trì. Y học ngày càng phát triển, từ đó có những kỹ thuật mới hơn như micro-TESE.
Chúng tôi tiến hành mổ tinh trùng vào ngày lấy trứng của người vợ, đội ngũ chuyên viên LAB kinh nghiệm đã xử lý tinh trùng này tiêm vào trứng. Bệnh nhân vẫn còn dư một ít tinh trùng để lưu trữ cho những lần sau.
Với lần làm thụ tinh ống nghiệm này, bệnh nhân may mắn có được 6 phôi. Chuyển 2 phôi đầu tiên thành công, người vợ sinh được 1 bé khỏe mạnh. Bệnh nhân có thể có thêm con nếu muốn vì vẫn còn phôi trữ. Đây là một trường hợp thành công.
Đối với trường hợp thứ hai, chúng tôi vô cùng cân nhắc vì đây là trường hợp có thai đầu tiên từ kỹ thuật tiêm tinh tử. Về cơ bản, muốn thụ tinh thành công và tạo ra một em bé, chúng ta cần có tinh trùng và khỏe mạnh, qua điều kiện nuôi cấy tối ưu của LAB để tạo thành phôi khỏe mạnh, sau đó đặt vào tử cung để phát triển thành em bé.
Nghiên cứu cho thấy, trong quần thể 50% nam giới không có tinh trùng, có đến 30% trường hợp có thể tìm thấy tinh trùng. Chúng ta hiểu nôn na rằng, từ lúc sinh tinh đến lúc tinh trùng hoàn thiện thành đuôi và có khả năng di chuyển sẽ mất khoảng 3 tháng. Tinh trùng non là tiền thân của tinh trùng trưởng thành hoàn tất giảm phân 2, có độ tuổi khoảng 2,5 tháng.
Giả thuyết được đặt ra là nếu dùng tinh trùng non để tiêm vào trứng có thể phần nào mang lại hy vọng cho những trường hợp từ chối xin tinh trùng từ ngân hàng hoặc xin con nuôi. Để thực hiện kỹ thuật này, Bệnh viện Hùng Vương đã phải cử chuyên gia sang Nhật học tập trong 2 năm để thiết lập quy trình và tạo điều kiện.
Ngoài vấn đề khó thực hiện, kỹ thuật này đòi hỏi rất nhiều kiến thức vì trứng chỉ được lập trình để thụ tinh với tinh trùng hoàn chỉnh, không có khả năng tiếp xúc với tinh trùng còn non. Khi sử dụng kỹ thuật này, phải lựa chọn đúng tinh trùng còn non để tiêm. Việc tiêm cũng phải dựa vào các dụng cụ chuyên biệt vì tinh trùng non có kích thước lớn hơn tình trùng nhiều lần và gây tổn thương trứng nhiều hơn. Sau đó, cần phải tái lập trình để trứng hiểu rằng phải thụ tinh với tinh trùng non và tạo thành phôi.
Vì vậy, một trường hợp thực hiện thành công là một khuyến khích lớn, động viên và tiếp sức cho những cặp vợ chồng hiếm muộn. Mặc dù tỷ lệ thành công còn thấp, nhưng trong tương lai, khi kỹ thuật phát triển hơn nữa và được nhiều người quan tâm đến vấn đề này, chúng ta sẽ có nhiều nghiên cứu cải tiến để tăng cơ hội làm cha sinh học cho những cặp vợ chồng rơi vào trường hợp vô tinh.
Khó điều trị khỏi hoàn toàn tình trạng vô tinh
Câu hỏi của khán giả: Thưa BS, vô tinh có điều trị khỏi hoàn toàn được không? Đâu là những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thành công khi điều trị vô tinh, thưa BS? Nhờ BS chia sẻ thêm giúp em, những điều em nên làm cũng như lưu ý để việc điều trị này thành công?
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Như đã phân tích, vô tinh có nhiều nguyên nhân, Các nguyên nhân rối loạn di truyền, rối loạn nhiễm sắc thể, rối loạn gen... đa phần không thể điều trị khỏi. Viêm nhiễm hoặc chấn thương để lại hậu quả là tinh hoàn không còn sản xuất tinh trùng cũng không khắc phục được.
Bên cạnh đó cũng có những nguyên nhân có thể sửa chữa được. Ví dụ, có thể cắt - nối đoạn tắc nghẽn để điều trị trong trường hợp đường sinh tinh bị tắc nghẽn.
Như vậy, tùy vào nguyên nhân của vô tinh mà có thể điều trị khỏi hoặc không thể điều trị khỏi. Nhưng đa phần các trường hợp đều không thể điều trị khỏi hoàn toàn được. Tuy nhiên, sự tiến bộ của khoa học sẽ hỗ trợ để những người vô tinh thực hiện được thiên chức làm cha.
Không phải trường hợp nào mắc quai bị cũng dẫn đến vô tinh
Câu hỏi của khán giả: Hồi nhỏ em có bị quai bị nhưng không rõ là có bị ảnh hưởng gì đến chất lượng tinh trùng hay có nguy cơ vô sinh, vô tinh hay không. Bây giờ em muốn kiểm tra thì làm như thế nào, thưa BS? Các xét nghiệm em cần làm là gì và đến đâu để có thể làm hết các xét nghiệm này?
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Không phải bất kỳ ai bị quai bị cũng bị viêm tinh hoàn và không phải ai bị viêm tinh hoàn cũng đều bị vô tinh. Nếu cảm thấy lo lắng vì từng bị quai bị, bạn có thể làm tinh dịch đồ để chẩn đoán vô tinh.
Chỉ có 1% nhiễm quai bị bị viêm tinh hoàn, và trong 1% viêm tinh hoàn này, không phải trường hợp nào cũng dẫn đến hậu quả vô tinh. Quan trọng nhất là nên cho con em mình tiêm ngừa để phòng ngừa nhiễm quai bị, trong trường hợp chẳng may nhiễm bệnh, mức độ sẽ nhẹ hơn và hạn chế những biến chứng viêm não, viêm tinh hoàn,...
Phân biệt các kỹ thuật tìm tinh trùng
Câu hỏi của khán giả: Em đọc thông tin về điều trị vô tinh mà hoang mang quá. Nào là kỹ thuật TESA, MESA, rồi TESE, micro-TESE. Em muốn hỏi rằng các kỹ thuật này khác nhau ở điểm nào? Hiệu quả tìm thấy tinh trùng và chỉ định của mỗi kỹ thuật này ra sao
CNSH Tăng Kim Hoàng Văn trả lời: Các thuật ngữ trên thường được sử dụng trong nam khoa. PESA là kỹ thuật chọc hút tìm tinh trùng từ mào tinh, bằng cách dùng kim chọc qua bìu. Tinh hoàn là nhà máy sản xuất tinh trùng, tinh trùng được dự trữ ở mào tinh hoàn. Trong trường hợp bị tắc nghẽn, có thể áp dụng kỹ thuật PESA dùng kim đâm qua bìu, tới vị trí của ống dẫn tinh mào tinh.
Thay vì dùng kim chọc hút, ở kỹ thuật MESA dùng vi phẫu mở da bìu tới vị trí của mào tinh. Dùng dao vi phẫu rạch một vết nhỏ trên mào tinh để dịch tràn ra ngoài. Sau đó hút phần dịch này và gửi về LAB để tìm tinh trùng. Kỹ thuật này thường được dùng trong những trường hợp vô sinh do tắc nghẽn, cơ hội tìm thấy tinh trùng gần như 100%.
TESA là phương pháp lấy tinh trùng từ tinh hoàn chứ không phải mào tinh bằng cách dùng kim nhỏ đâm xuyên da bìu tới vị trí tinh hoàn và lấy một vài mẫu mô trong tinh hoàn, trong đó có chứa ống sinh tinh. Ống sinh tinh sẽ được gửi về LAB để tiến hành xử lý để tìm tinh trùng từ ống dẫn tinh của tinh hoàn.
TESE cũng là kỹ thuật lấy tinh trùng từ tinh hoàn nhưng bằng vi phẫu. Tinh hoàn của một người trưởng thành có khoảng 1.000 ống dẫn tinh. TESE phẫu thuật mở tinh hoàn chỉ lấy một vài mẫu mô để tiến hành tìm tinh trùng.
Micro-TESE là kỹ thuật hiện đại hơn, là tiêu chuẩn vàng để tìm tinh trùng trong những trường hợp vô tinh không do tắc. Về cơ bản, mirco-TESE gần giống với TESE, điểm khác là dùng kính hiển vi vi phẫu, phóng đại ống sinh tinh lên nhiều lần.
Các bác sĩ nam khoa sẽ tìm những vùng có khả năng sinh tinh cao trong khoảng 1.000 ống sinh tinh và lấy một vài ống sinh tinh để gửi về LAB. Những chuyên viên khoa học sẽ xử lý các mẫu mô và tìm tinh trùng.
So với TESE, mirco-TESE có xác suất tìm thấy tinh trùng cao hơn và ít xâm lấn hơn trong khi số lượng mô phải lấy ít hơn.
Phân biệt IVF cổ điển và ICSI
Câu hỏi của khán giả: Vậy ICSI khác gì với IVF? ICSI được thực hiện như thế nào và trường hợp nào thì thực hiện ICSI
CNSH Tăng Kim Hoàng Văn trả lời: Em bé thụ tinh ống nghiệm đầu tiên ra đời chính là nhờ IVF cổ điển. Nguyên tắc của kỹ thuật này là bắt chước gần giống với tự nhiên. Trong tự nhiên, để thụ tinh cần có trứng và tinh trùng, tinh trùng bơi xuyên qua màng bao của trứng.
IVF cổ điển sử dụng những điều kiện nuôi cấy nghiêm ngặt trong môi trường tương tự dịch ống dẫn trứng, nơi trứng và tinh trùng gặp nhau trong thụ tinh tự nhiên. Khi thả vào, tinh trùng sẽ tự bơi xung quanh trứng. Tinh trùng nào phù hợp và khỏe mạnh sẽ tự có khả năng chui vào trứng, thụ tinh và tạo thành phôi.
IVF cổ điển đã ra đời từ những năm 1978.
Trong quá trình điều trị, có nhiều trường hợp nam giới không có đủ số lượng tinh trùng, tinh trùng bất thường. Tinh trùng được lấy từ tinh hoàn như đã chia sẻ thường không có khả năng bơi, bơi rất yếu hoặc chưa thực sự trưởng thành để kết hợp với trứng. Trong những trường hợp này, chúng ta sẽ sử dụng kỹ thuật ICSI.
Nói một cách dễ hiểu, thay vì để tinh trùng tự bơi đến và thụ tinh với trứng, kỹ thuật ICSI dùng kính hiển vi có độ phóng đại cao để phóng đại tinh trùng lên khoảng 300, 400 lần, sau đó dùng kim đầu vát để bắt tinh trùng đẹp nhất và tiêm thẳng vào trứng. ICSI là tiêm tinh trùng vào bào tương trứng. Kỹ thuật này ra đời vào khoảng năm 1991.
Em bé thụ tinh ống nghiệm liệu có khác với em bé thụ thai tự nhiên?
Câu hỏi của khán giả: An toàn của trẻ sinh ra từ các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, kỹ thuật tìm tinh trùng này như thế nào? Cơ hội phát triển của trẻ có được như các bé con sinh ra từ cha mẹ khỏe mạnh khác?
CNSH Tăng Kim Hoàng Văn trả lời: Trong suốt lịch sử phát triển của thụ tinh ống nghiệm, em bé gái đầu tiên được sinh ra tại Anh vào năm 1978 là Louise Brown. Năm 36 tuổi, bà bắt đầy lập gia đình và có con bình thường.
Thời điểm đứa trẻ thụ tinh ống nghiệm đầu tiên ra đời, câu hỏi thường được đề cập nhất chính là liệu em bé sinh ra nhờ một kỹ thuật không giống với tự nhiên có bất thường gì về cả thể chất và tâm thần vận động hay không.
Từ năm 1978 đến nay, qua gần 40 năm, đã có rất nhiều em bé ra đời nhờ thụ tinh ống nghiệm. Do nhu cầu điều trị vô sinh rất cao nên các kỹ thuật cũng phát triển. Mỗi 5 đến 10 năm, trên thế giới đều có dữ liệu thống kê về so sánh trẻ được thụ tinh trong ống nghiệm và những trẻ thụ thai tự nhiên về cả thể chất và tinh thần vận động.
Đến thời điểm hiện tại, không có bằng chứng nào cho thấy em bé sinh ra nhờ thụ tinh ống nghiệm IVF hay ICSI có bất thường nhiều hơn so với trẻ sinh tự nhiên. Các vấn đề bất thường gặp phải ở cả hai nhóm dều tương đương nhau.
Do đó, vào năm 2010 đã có một giải Nobel Y học được trao cho cha đẻ của kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, xem đây là một thành tựu của nhân loại.
Độ tuổi có con của đàn ông ít bị ảnh hưởng như phụ nữ
Những trường hợp phát hiện sớm vô tinh có giúp việc điều trị trở nên thuận lợi hơn và có khả năng có con tốt hơn so với việc phát hiện muộn hay không, thưa BS? Có cách nào phát hiện sớm vô tinh không?
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Người phụ nữ bước vào tuổi mãn kinh thì không còn khả năng có thai được nữa. Khác với nữ giới, nam giới có thể có con từ lúc dậy thì cho đến hết cuộc đời. Việc sản xuất tinh trùng kéo dài rất lâu, độ tuổi có con của đàn ông ít bị ảnh hưởng như phụ nữ.
Việc vô tinh còn sản xuất tinh trùng hay không sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện thiên chức làm cha. Vô tinh liên quan đến không sản xuất tinh trùng hay sản xuất tinh trùng ít sẽ ảnh hưởng theo thời gian. Nếu phát hiện sớm, việc tìm tinh trùng trong những ống sinh tinh sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn so với để kéo dài.
Để phát hiện vô tinh, chỉ có cách làm tinh dịch đồ. Theo khuyến cáo tại Việt Nam cũng như trên thế giới, những bạn chuẩn bị bước vào hôn nhân cần phải đi khám tiền hôn nhân. Trong khám tiền hôn nhân sẽ có làm tinh dịch đồ, có thể phát hiện tình trạng vô tinh.
Cơ hội thành công khi làm IVF có sụt giảm khi thực hiện nhiều lần
Nam giới không có tinh trùng, thất bại trong lần đầu tiên thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản sẽ được làm gì ở các bước tiếp theo? Cơ hội thành công liệu có giảm qua những lần thực hiện?
CNSH Tăng Kim Hoàng Văn trả lời: Theo y văn thế giới, hiện tại, nếu làm thụ tinh ống nghiệm với tinh trùng thu được từ tinh hoàn, tỷ lệ sống trong 1 chu kỳ điều trị rơi vào khoảng 25%. Điều này cho thấy việc thụ tinh trong ống nghiệm chưa chắc có thể thành công ngay từ lần đầu tiên.
Tùy vào nguyên nhân vô sinh, vô tinh để có những hướng xử trí khác nhau. Trường hợp vô tinh do bế tắc giải quyết khá đơn giản. Thông qua kỹ thuật PESA, TESA, MESA có thể tìm thấy được tinh trùng để lưu trữ, một lần thủ thuật có thể lưu trữ tinh trùng cho nhiều chu kỳ khác nhau. Do đó, nếu thất bại trong lần đầu tiên thì có thể rã đông tinh trùng đông lạnh để tiến hành lần tiếp theo.
Những trường hợp vô tinh không do bế tắc phức tạp hơn. Xác suất tìm thấy tinh trùng qua micro-TESE chỉ khoảng 50% và không chắc có đủ tinh trùng để thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Nếu có đủ cũng không chắc có dư để lưu trữ vì tinh trùng thu được trong những trường hợp này thường rất yếu và ít. LAB không xử lý tốt có thể làm tinh trùng chết hết trong quá trình đông lạnh - rã đông, phải tiến hành phẫu thuật lại nếu muốn thực hiện lần tiếp theo.
Kỹ thuật phẫu thuật lại khá xâm lấn, bệnh nhân phải trải qua một cuộc mổ, tốn thêm nhiều chi phí và có hệ lụy do sinh thiết tinh hoàn quá nhiều lần. Do đó, khi tư vấn cho những trường hợp này, chúng tôi sẽ cân nhắc nhiều yếu tố: nguyên nhân vô tinh, điều kiện hoàn cảnh của hai vợ chồng, điều kiện về thời gian, chi phí, tiền bạc và hiệu quả cụ thể của mỗi kỹ thuật. Từ đó giúp bệnh nhân đưa ra quyết định phù hợp nhất với họ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình