Hotline 24/7
08983-08983

Các cách giảm đau mỏi chân khi đi lại nhiều

Để làm giảm tình trạng đau bắp chân và bàn chân do đi lại quá nhiều ngoài việc lựa chọn giày/dép phù hợp còn có thể áp dụng các phương pháp như ngâm chân, chườm lạnh, massage,… Vậy khi thực hiện cần lưu ý gì? Trường hợp nào nên chườm nóng, trường hợp nào nên chườm lạnh? Tất cả sẽ được ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh - Giảng viên Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Cách giảm đau nhức mỏi bắp chân, chân do đi lại quá nhiều

Nhờ BS chia sẻ một số cách giúp giảm đau nhức mỏi bắp chân, chân do đi lại quá nhiều (đặc thù công việc, hoạt động thể thao quá sức, lao động ở cường độ cao) ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Để làm giảm tình trạng đau bắp chân và bàn chân, phải xem lại dép/giày đang mang (đóng vai trò cực kỳ quan trọng). Nên chọn giày đế mềmgót không quá cao, tương đối rộng rãi.

Thứ nhất, trong giai đoạn phải đi lại nhiều sẽ có tác dụng làm giảm áp lực lên khớp, từ đó giảm áp lực lên gân, cơ, đặc biệt là vùng bắp chân; Thứ hai, nếu đi hoặc đứng nhiều sẽ có tình trạng ứ máu vùng chân gây sưng, đặc biệt là những người bị suy giãn tĩnh mạch, khi đi giày quá chật sẽ gây đau do bị chèn ép.

Nếu đi cả ngày về và bị đau, đầu tiên, có thể xoa bóp vùng bắp chân và bàn chân; thứ hai, thực hiện các bài tập căng cơ giúp cơ được nghỉ ngơi và thư giãn, làm giảm tình trạng căng cơ hoặc viêm gân. Sau khi tập gym, chạy bộ phải có giai đoạn làm nguội, các bài tập này bản chất là bài tập căng cơ;

Thứ ba là kê chân cao, nếu chân có xu hướng bị sưng sẽ giúp giảm ứ máu ở bàn chân; Cuối cùng, trong những trường hợp khớp có vẻ sưng, nên chườm lạnh sẽ giúp giảm sưng, viêm của các khớp, gân, cơ.

Ngoài ra, có thể bổ sung một số loại vitamin. Khi đi quá nhiều cơ thể sẽ tiêu thụ nhiều vitamin B hơn, vì vậy để làm giảm tình trạng đau nhức cơ nên bổ sung thêm vitamin B.

2. Cách ngâm chân với nước ấm để giảm nhức mỏi

Cách ngâm chân với nước ấm để giảm nhức mỏi (ngâm bao lâu? nước ấm hay nóng? có thể ngâm chân với nước sả, gừng, ngải cứu, lá lốt…?)

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đối với tình trạng đau khớp, đau chân hoặc bàn chân, việc ngâm chân phải cẩn thận. Không ngâm nếu chân đang bị sưng. Nên ngâm với nước ấm, nhiệt độ từ 40 - 45˚C, ngâm tối đa khoảng 15 phút. Có thể ngâm thêm một số loại dược liệu như sả, gừng,… nhưng với nồng độ vừa phải, không nên quá đậm đặc.

Tác dụng của việc ngâm chân bằng nước ấm là làm giãn nở các mạch máutăng tưới máu ở vùng bắp chân, bàn chân. Khi đi cả ngày, vùng bắp chân có tình trạng ứ axit lactic (một trong những nguyên nhân gây đau), việc ngâm chân trong nước ấm sẽ làm giãn nở các mạch máu, lấy đi những axit lactic đó.

Ví dụ, tập gym, tập thể dục, hít đất 10 cái và bắt đầu bị đau là do sự ứ axit lactic. Khi chườm nóng hoặc ngâm nước nóng các mạch máu giãn ra sẽ đưa axit lactic đi, từ đó giúp giảm đau.

Ngoài ra, ngâm nước ấm còn có tác dụng cung cấp các chất dinh dưỡng đến những vùng cơ, để phục hồi cơ nhanh hơn.

3. Chườm lạnh giảm đau nhức, thế nào là đúng?

Chườm lạnh giảm đau nhức sao cho đúng và những lưu ý khi áp dụng phương pháp này?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Chườm lạnh ngược lại với chườm nóng. Chườm lạnh sẽ có tác dụng co mạch. Khi vùng bàn chân bị sưng là gợi ý tình trạng viêm và trong đó có tình trạng tăng tưới máu dẫn đến ứ máu. Nếu chườm nóng máu sẽ dồn nhiều hơn và vấn đề viêm ngày càng hoạt động mạnh hơn, sưng lên.

Trong trường hợp bàn chân bị sưng bắt buộc phải chườm lạnh. Có thể lấy nước lạnh để ngâm chân hoặc lấy nước đá bỏ vào túi và chườm lên vùng bị sưng khoảng 15 phút. Cách 3 - 4 tiếng chườm lại 1 lần để tình trạng sưng hoặc viêm giảm nhanh.

4. Massage để giảm đau mỏi chân nên áp dụng thế nào?

Cách massage chân để giảm đau mỏi chân nên áp dụng thế nào ạ? Có nên kết hợp thêm dầu xoa bóp, rượu xoa bóp, dầu nóng…?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Việc massage khá tốt, có nhiều tác dụng như giảm đau; lưu thông mạch máu; phục hồi cơ, gân.

Tuy nhiên, trường hợp khớp bị viêm, sờ vào thấy nóng thì không nên massage vì sẽ kích thích tình trạng viêm nhiều hơn. Nếu massage và chắc chắn vùng khớp không sưng thì có thể chườm nóng nhẹ. Nóng có tác dụng giảm đau tạm thời và chườm nóng sẽ đánh lừa cảm giác đau.

Khi sử dụng dầu nóng hoặc các loại cao nóng cũng phải bôi một lượng vừa phải. Một số trường hợp bôi dầu nóng quá nhiều, dẫn đến phản ứng tại da và gây viêm da hoặc lột da.

Tóm lại, massage là tốt nhưng phải cẩn thận. Không được massage trong trường hợp vùng khớp bị sưng, sờ vào thấy nóng. Tuyệt đối không bôi dầu nóng và cao nóng vào những vùng đang bị sưng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X