Hotline 24/7
08983-08983

Các biến chứng thần kinh tự chủ do đái tháo đường

Bệnh thần kinh tự chủ (Autonomic neuropathy) do đái tháo đường là biến chứng thần kinh xảy ra do đường huyết tăng cao tác động đến các sợi thần kinh kiểm soát chức năng tự động của tim, bàng quang, đường tiêu hóa, cơ quan sinh dục, tiết mồ hôi và nhiều cơ quan khác.

I. Các loại tiểu đường thường gặp

1. Tiểu đường type 1

Tiểu đường type 1 là thể bệnh do tế bào beta của tuyến tụy bị phá hủy gây giảm tiết insulin hoặc không tiết ra insulin, khiến lượng insulin lưu hành trong máu rất ít, không thể điều hòa lượng đường trong máu, gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.

Phần lớn tiểu đường type 1 xảy ra ở trẻ em và những người trẻ tuổi (thường gặp nhất là dưới 20 tuổi), chiếm khoảng 5 - 10% tổng số trường hợp mắc bệnh tiểu đường. Ở thể này, các triệu chứng bệnh xảy ra đột ngột, tiến triển nhanh nên có thể dễ dàng phát hiện bệnh.

2. Tiểu đường type 2

Tiểu đường type 2, trước kia được gọi là bệnh tiểu đường của người lớn tuổi hay tiểu đường không phụ thuộc vào insulin. Ở thể bệnh này, insulin do tuyến tụy tiết ra mặc dù đạt số lượng như người bình thường nhưng lại giảm, hoặc không có vai trò điều hòa lượng đường trong máu do giảm chức năng của tế bào beta tuyến tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin.

Đây là thể bệnh phổ biến nhất, gặp nhiều nhất ở người trên 40 tuổi và có xu hướng dần trẻ hóa. Số bệnh nhân ở thể này chiếm đến 90 - 95% tổng số các trường hợp mắc bệnh. Bệnh không có những triệu chứng rõ ràng nên bệnh nhân khó phát hiện.

3. Tiểu đường thai kỳ

Ngoài hai thể chính trên (tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2), bệnh tiểu đường còn một thể bệnh chỉ xảy ra ở phụ nữ mang thai, gọi là tiểu đường thai kỳ. Ở phụ nữ mang thai, nhau thai sẽ tạo ra các hormone nữ như estrogen, progesterone sẽ tác động vào các thụ thể insulin ở trên tế bào đích, làm tăng đề kháng insulin. Tuy nhiên, khi tuyến tụy không thể sản xuất đủ lượng insulin cần thiết để vượt qua sức đề kháng này sẽ dẫn đến tích tụ đường trong máu, dẫn đến tiểu đường trong suốt thai kỳ.

Mặc dù thể tiểu đường thai kỳ sẽ hết ngay khi sản phụ sinh con, nhưng sản phụ cần được can thiệp điều trị hiệu quả trong suốt quãng thời gian mang thai để tránh các tác động xấu ảnh hưởng đến cả mẹ và bé.

4. Tiền tiểu đường

Tiền tiểu đường là một dạng rối loạn chuyển hóa đường khi đói hoặc rối loạn dung nạp đường khiến chỉ số đường huyết tăng cao nhưng chưa vượt ngưỡng để chẩn đoán là bệnh tiểu đường.

Tiền tiểu đường là giai đoạn trung gian giữa người bình thường và tiểu đường type 2. Khoảng 5 - 10% người tiền tiểu đường sẽ trở thành tiểu đường hằng năm và tổng cộng 70% người tiền tiểu đường sẽ thành tiểu đường thực sự và có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu người bệnh không được điều trị đúng cách, cũng như không điều chỉnh lối sống và chế độ dinh dưỡng ở mức hợp lý.

Nguyên nhân: gồm nhiều yếu tố tác động như các gen nguy cơ, kháng insulin, tăng nhu cầu tiết insulin, ngộ độc glucose, ngộ độc lipid, rối loạn tiết/giảm hoạt động incretin, tích luỹ amylin, giảm khối lượng tế bào beta tuyến tụy… kết cục là làm giảm chức năng tế bào beta tiến triển. Mức độ giảm tiết insulin và đề kháng insulin xuất hiện từ rất sớm, trước khi được chẩn đoán tiểu đường khoảng 13 năm, và tăng dần theo thời gian. 

Do đó, việc phát hiện sớm và can thiệp điều trị tích cực người mắc tiền tiểu đường sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc tiểu đường type 2 và dự phòng các biến chứng tim mạch và biến chứng khác do tăng glucose máu (cả tăng lúc đói và sau ăn).

Xem thêm: Bệnh tiểu đường type 2 ảnh hưởng đến trí nhớ như thế nào?

II. Bệnh thần kinh tiểu đường

Là hậu quả của thiếu máu thần kinh do bệnh vi mạch, ảnh hưởng trực tiếp của đường huyết lên tế bào thần kinh và những thay đổi trao đổi chất nội bào làm giảm chức năng thần kinh. Bệnh thần kinh đái tháo đường được chia ra nhiều dạng bao gồm: 

- Bệnh thần kinh ngoại biên: bệnh thần kinh thường gặp nhất ở bệnh nhân tiểu đường, ảnh hưởng trên dây thần kinh bàn chân và cẳng chân, một số trường hợp bị ở bàn tay và cẳng tay. Khoảng 1/3  đến 1/2 bệnh nhân tiểu đường có biến chứng thần kinh ngoại biên. Triệu chứng bệnh bao gồm: tê, ngứa, mất cảm giác bàn chân,… 

- Bệnh thần kinh tự chủ: Ảnh hưởng đến thần kinh tự chủ của hệ tiêu hóa, tim mạch, tiết niệu, cơ quan sinh dục, mắt, tuyến mồ hôi… gây mất khả năng nhận biết dấu hiệu hạ đường huyết. 

- Bệnh đơn dây thần kinh: Tổn thương các dây thần kinh đơn lẻ thường gặp ở tay, đầu, thân mình hoặc chân. Tổn thương chèn ép lên dây thần kinh gây hội chứng ống cổ tay làm đau, tê, teo cơ bàn tay… 

- Bệnh đám rối - rễ thần kinh: Tổn thương dây thần kinh gây teo cơ. Bệnh đa dây thần kinh, biểu hiện đau một bên đùi, sụt cân, yếu vận động. 

III. Các triệu chứng của bệnh thần kinh tự chủ do đái tháo đường

1. Bệnh thần kinh tự chủ ở hệ tiêu hóa

Có thể tác động lên bất cứ phần nào của hệ tiêu hóa như rối loạn vận động thực quản gây khó nuốt, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng liệt dạ dày như chướng bụng, đầy hơi, ăn không tiêu, buồn nôn, nôn, táo bón hoặc tiêu lỏng, đi tiêu không tự chủ. 

2. Bệnh thần kinh tự chủ hệ tim mạch

Cơ thể mất khả năng điều chỉnh huyết áp và nhịp tim, dẫn tới hạ huyết áp tư thế khi bệnh nhân thay đổi tư thế sang ngồi hay đứng. Gây các triệu chứng như chóng mặt, nhịp tim nhanh.

Xem thêm: Giảm nhận thức do đái tháo đường

3. Tổn thương dây thần kinh tự chủ ở hệ sinh dục

Có các triệu chứng như rối loạn cương dương, xuất tinh ngược dòng ở nam giới, ảnh hưởng trên 50% đàn ông bị đái tháo đường trên 60 tuổi. Ở nữ giới xuất hiện các triệu chứng như giảm ham muốn, giảm tiết dịch nhờn, khô âm đạo, đau tăng trong khi giao hợp.

4. Tổn thương dây thần kinh tự chủ ở hệ tiết niệu 

Gây bệnh bàng quang thần kinh do đái tháo đường, người bệnh có các triệu chứng như tiểu không kiểm soát, tiểu đêm nhiều, tiểu lắt nhắt, tiểu gấp hoặc bí tiểu, dòng nước tiểu yếu. Bệnh tăng tiết hoặc giảm tiết mồ hôi bất thường.

Bệnh thần kinh tự chủ thường xảy ra trên bệnh nhân đái tháo đường nhiều năm kiểm soát đường huyết không tốt. Biến chứng nguy hiểm là người bệnh mất khả năng nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng của hạ đường huyết, dẫn đến hôn mê hạ đường huyết.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X