Hotline 24/7
08983-08983

Bướu giáp không độc, khi nào cần điều trị?

Bướu giáp không độc liệu có lành tính hoàn toàn và khi nào cần điều trị? Các thông tin về căn bệnh này sẽ được THS.BS.CK2 Nguyễn Văn Việt Thành - Phó trưởng khoa lồng ngực bướu cổ - Bệnh viện Bình Dân giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Bướu giáp không độc là gì?

Thưa BS, chúng ta nên hiểu sao cho đúng về tình trạng bướu giáp không độc ạ? Ngoài bướu giáp không độc, còn có tên gọi nào khác để mô tả tình trạng này ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Văn Việt Thành trả lời: Trong dân gian thường gọi là bệnh bướu cổ, nhưng trong y khoa ngày nay sử dụng bướu giáp hoặc u giáp, nhằm chỉ một khối u ở vùng cổ có nguồn gốc từ tuyến giáp. Vì vùng cổ có rất nhiều cơ quan, nếu chỉ gọi bướu cổ, u cổ thì không định danh được nguyên nhân bệnh lý.

Trong bệnh lý tuyến giáp, u tuyến giáp, bướu tuyến giáp có hai thuật ngữ khác. Khi nghe đến từ “độc” ở các bệnh lý khác người ta thường nghĩ đến ác tính, cụ thể là ung thư. Còn trong bệnh lý của u tuyến giáp, tuyến giáp từ “độc” và từ “ác tính” là hai khái niệm khác nhau hoàn toàn về sinh lý bệnh và v bệnh lý.

Khi dùng từ độc trong bệnh lý u giáp là muốn nói đến nhiễm độc giáp (nhiễm độc hormone giáp) dẫn đến một loại triệu chứng gọi là hội chứng cường giáp hay hội chứng nhiễm độc giáp.

Từ “độc” trong bệnh lý bướu giáp không liên quan đến ung thư. Đối với ung thư tuyến giáp được gọi là u giáp ác tính. Vì vậy, trong u tuyến giáp, từ “độc” nghĩa là nhiễm độc hormone giáp, với tên gọi thường là “hội chứng cường giáp” hay “hội chứng nhiễm độc giáp”.

Về mặt bệnh lý, thường được bác sĩ chẩn đoán với 3 tiêu chí:

Thứ nhất, về mặt hình thể gồm bướu đơn nhân, đa nhân hau bướu lan tỏa.

Thứ hai, về chức năng tuyến giáp, đánh giá về sinh lý chức năng tuyến giáp với 3 trạng thái. Ở người bình thường là bình giáp. Ở một số bệnh lý sẽ nằm trong hai trạng thái suy giáp hoặc cường giáp. Trong tình huống cường giáp người ta gọi là nhiễm độc giáp, bướu giáp có hội chứng cường giáp (hội chứng nhiễm độc giáp) gọi là nhân độc tuyến giáp.

Thứ ba, về mặt tế bào, để biết bệnh nhân có bị ung thư hay không, bác sĩ sẽ chẩn đoán ác tính dựa tế bào.

2. Cần làm xét nghiệm gì để phân biệt bướu giáp không độc với bướu giáp độc?

Khi xuất hiện bướu giáp, cần làm những xét nghiệm gì để xác định bướu lành (bướu không độc) hay bướu độc thưa BS?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Văn Việt Thành trả lời: Để tiếp cận bướu giáp đầu tiên phải chẩn đoán về mặt hình thể. Qua thăm khám lâm sàng phát hiện khối u, kết hợp với siêu âm tuyến giáp sẽ phát hiện có bướu giáp hay không.

Để chẩn đoán bướu giáp không độc hay bướu giáp độc sẽ dựa trên 2 lĩnh vực. Thứ nhất là thăm khám, dựa trên các triệu chứng của nhiễm độc giáp hay cường giáp như bệnh nhân run tay, sụt cân, hồi hộp,…và xét nghiệm máu, đo ba nồng độ hoóc môn bao gồm TSH, T3, T4. Trong đó T3, T4 là hoóc môn của tuyến giáp, TSH là hooc môn của tuyến yên để đánh giá bệnh nhân có nhiễm độc tuyến giáp hay không.

3. Bướu giáp không độc có lành tính hoàn toàn?

Bướu giáp không độc liệu có “lành tính” hoàn toàn? Những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Văn Việt Thành trả lời: Sau 3 bước tiếp cận đã nêu trên, bác sĩ cần thực hiện xét nghiệm sinh thiết kim (FNA), bằng cách đâm một chiếc kim vào để lấy mô, xác định tế bào thông thường hay ung thư.

Tại Việt Nam có hai nhóm nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đối với bệnh lý bướu giáp gọi là bướu giáp dịch thể, thường gặp ở người bệnh sinh sống tại vùng dân cư ít tiếp xúc, ít sử dụng các chế phẩm, thực phẩm từ biển hoặc muối Iot.  Tuy nhiên tình trạng này ngày nay đã giảm rất nhiều, gần như không còn so với 20 - 30 năm trước bởi vì đã có chương trình chăm sóc sức khỏe từ muối Iot, chỉ còn một số ca lẻ tẻ do sự thiếu hụt Iot trong ăn uống hàng ngày,…

4. Bướu giáp không độc liệu có chuyển thành bướu giáp độc?

Liệu có trường hợp nào chuyển từ bướu giáp không độc thành “độc” không thưa BS? Nếu có, trường hợp nào có nguy cơ cao hơn cả ạ? Cần làm gì để chặn đứng nguy cơ này ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Văn Việt Thành trả lời: Về nguyên tắc, một khối u lành tính nhưng theo thời gian có thể chuyển thành ác tính vì biến đổi về mặt tế bào mà chúng ta không thể khống chế.

Theo khảo sát một bướu giáp đơn nhân, rủi ro ác tính là 5% theo thời gian. Để chẩn đoán và tầm soát việc chuyển thành ác tính, người đã xuất hiện khối u nên đi khám sức khỏe định kỳ 3 tháng, 6 tháng tùy tình trạng kích thước bướu và rối loạn chức năng tuyến giáp kèm theo nếu có. Nếu nghi ngờ ác tính phải sinh thiết kim định kỳ để đánh giá tế bào.

5. Bướu giáp không độc khi nào cần điều trị?

Bướu giáp không độc khi nào cần điều trị thưa BS? Và hiện nay có những giải pháp nào được sử dụng để điều trị bướu giáp không độc ạ? Tình trạng này có điều trị dứt điểm được không thưa BS?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Văn Việt Thành trả lời: Đối với bướu giáp không độc chỉ định điều trị chia thành hai nhóm: nhóm tuyệt đối và nhóm tương đối.

Nhóm tuyệt đối, thứ nhất nếu là ung thư bắt buộc phải mổ. Thứ hai là bắt đầu có biến chứng như chèn ép các cơ quan lân cận bao gồm thực quản, khí quản hoặc xuất huyết trong nang phải can thiệp phẫu thuật. Còn lại là can thiệp ngoại khoa nếu nằm ở mức độ tương đối, thường chỉ định phẫu thuật khi khối u trên 1cm và đã xuất hiện lâu (1-2 năm trở lên). Trường hợp khối u mới phát hiện, kích thước dưới 1cm vẫn có thể điều trị nội khoa, điều trị bằng thuốc.

Phương pháp điều trị ngoại khoa, hiện nay phẫu thuật là chủ yếu và chia làm hai nhánh chính. Một là phẫu thuật cổ điển (mổ mở), bác sĩ sẽ thực hiện mổ phần cổ để cắt tuyến giáp. Hai là phẫu thuật nội soi với ưu điểm không để lại sẹo ở vùng cổ. Như vậy, tùy vào tình trạng khối u mà có nhiều cách tiếp cận khác nhau.

Về mặt điều trị, cần lưu ý kể cả điều trị nội khoa hay ngoại khoa. Việc cắt bỏ bướu chắc chắn sẽ hết nhưng việc tái phát hay không là do nội tiết và nguyên nhân hình thành bướu. Chính vì vậy sau khi phẫu thuật vẫn phải tiếp tục điều trị nội khoa, thay đổi lối sống, điều chỉnh dinh dưỡng,… để tránh tái phát.

6. Bệnh viện Bình Dân có những phương pháp nào để điều trị bướu giáp không độc?

Hiện nay ở Bệnh viện Bình Dân ứng dụng những kỹ thuật nào để phẫu thuật trong trường hợp này ạ? Ưu và nhược điểm của mỗi phương pháp ra sao?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Văn Việt Thành trả lời: Với việc điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, Bệnh viện Bình Dân hiện tại đang áp dụng 2 phương pháp.

Một là mổ mở truyền thống, bác sĩ sẽ rạch phần cổ để cắt khối u. Và hai là phương pháp phẫu thuật nội soi, ứng dụng các lợi điểm của phẫu thuật nội soi để cắt bỏ tuyến giáp, khối u mà vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị. Ưu điểm của mổ nội soi là lành bệnh sớm hơn, không để lại sẹo giúp người bệnh tự tin hơn, đặc biệt với những bệnh nhân quan trọng về ngoại hình.

7. Những điều lưu ý trước và sau phẫu thuật bướu giáp không độc?

Cần lưu ý gì trước, trong và sau phẫu thuật điều trị bướu giáp không độc thưa BS? Thông thường, sau phẫu thuật bao lâu người bệnh có thể xuất hiện và hồi phục ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Văn Việt Thành trả lời: Trước phẫu thuật người bệnh cần khám, tư vấn và quyết định bởi các bác sĩ.

Nếu sau khi có chỉ định mổ của bác sĩ, bệnh nhân phải thực hiện xét nghiệm để giúp chẩn đoán bệnh, tầm soát các bệnh lý kèm theo, đánh giá rủi ro khi phẫu thuật, xét nghiệm để hỗ trợ quá trình gây mê.

Sau khi xét nghiệm, người bệnh được xác nhận an toàn khoa học, bác sĩ sẽ gặp bệnh nhân và người nhà để tư vấn các hiệu quả, biến chứng sau mổ. Tiếp theo là công tác chăm sóc trước mổ của điều dưỡng, hướng dẫn bệnh nhân về an toàn phẫu thuật, nhịn ăn uống tối thiểu 8 tiếng trước phẫu thuật, vệ sinh vùng cổ,… để đảm bảo an toàn khi bệnh nhân lên bàn mổ.

Thời gian của một ca mổ tuyến giáp kéo dài từ 60 - 120 phút tùy mức độ nặng nhẹ của tuyến giáp. Bệnh nhân tỉnh lại 1 - 2 tiếng sau mổ và sai đó có thể nói chuyện và ăn uống bình thường. Bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày hôm sau và hoạt động bình thường.

8. Nên ăn gì và kiêng gì khi bị bướu giáp không độc?

Với người bệnh bị bướu giáp không độc, cần chú ý gì trong chế độ dinh dưỡng? Nên kiêng thực phẩm nào và nên tăng cường bổ sung thực phẩm nào ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Văn Việt Thành trả lời: Nếu bệnh nhân nằm trong vùng dịch tễ với đặc thù ít sử dụng hay không sử dụng các chế phẩm, thực phẩm từ biển dẫn đến sự thiếu hụt Iốt thì nên cân bằng điều chỉnh bằng cách ăn nhiều các sản phẩm từ biển hơn hoặc dùng sản phẩm muối Iốt. Điều này sẽ giảm tỷ lệ và ngăn chặn nguy cơ hình thành bướu giáp không độc.

Đối với bệnh nhân bị bướu giáp riêng lẻ, từ cá nhân hình thành hình thành bướu cổ, trên lý thuyết thì cần giảm thiểu các thực phẩm họ cải và đậu nành trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu đúng mức về việc “giảm thiểu, kiêng cữ” này. Giảm không có nghĩa là cắt bỏ hoàn toàn, mà nên hạn chế ăn trường kỳ từ ngày này qua tháng khác, nhất là những người ăn chay, kiêng thịt. Thỉnh thoảng, chúng ta ăn một chén (bát) canh cải thì không cần phải lo lắng.

9. Cách phòng ngừa và ổn định tình trạng khi mắc bướu giáp không độc?

Phòng ngừa bệnh bướu giáp nói chung như thế nào thưa BS? Với những người đã mắc tình trạng này, cần làm gì để bệnh ổn định ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Văn Việt Thành trả lời: Đối với bệnh nhân đã mắc tuyến giáp cần theo dõi tình trạng bệnh lý định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Song song đó, tại nhà người bệnh cũng có thể tự theo dõi bằng cách soi gương xem khối u có to lên hay thay đổi gì so với bình thường. Nếu có thì nên quay lại bác sĩ để kiểm tra.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X