Hotline 24/7
08983-08983

Có nên nội soi dạ dày, xét nghiệm vi khuẩn HP khi trẻ đau bụng kéo dài?

ThS.BS.CK1 Lê Chí Hiếu - Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, khi trẻ đau bụng kéo dài, nội soi dạ dày tá tràng có viêm mức độ nhẹ, mặc dù trẻ có nhiễm HP nhưng đôi khi việc quyết định điều trị HP sẽ phụ thuộc vào lâm sàng của trẻ sau đó.

1. Trẻ đau bụng kéo dài cần được thăm khám những gì?

Trước tiên, nhân chương trình hôm nay, trong bệnh lý tiêu hóa, nhờ BS chia sẻ thêm về việc thăm khám, hỏi bệnh sử ban đầu quan trọng như thế nào trong việc chẩn đoán và ra chỉ định điều trị cho trẻ ạ?

ThS.BS.CK1 Lê Chí Hiếu trả lời: Đối với một số trường hợp đau bụng mạn hoặc đau bụng kéo dài, thường quý phụ huynh sẽ rất lo lắng khi không biết trong hệ tiêu hóa của trẻ có gặp vấn đề gì không. Đôi khi phụ huynh sẽ trao đổi thêm với các bác sĩ và yêu cầu cho trẻ được siêu âm bụng. Nhưng trên thực tế, phần quan trọng nhất của việc đánh giá và để chẩn đoán, đưa ra những quyết định về điều trị dựa trên việc thăm khám và hỏi bệnh sử.

Việc hỏi bệnh sử sẽ giúp cho các bác sĩ tìm được nguyên nhân gây bệnh, ví dụ như trẻ có thể bị táo bón, viêm dạ dày hoặc đơn thuần là do bị rối loạn về những chức năng như bị khó tiêu chức năng. Chính vì vậy, việc hỏi bệnh sử sẽ giúp cho các bác sĩ tiêu hóa cũng như là các bác sĩ nhi khu trú xác định được vị trí chính xác mặt bệnh do nguyên nhân gì, từ đó tìm ra cách để giải quyết.

Tiếp theo là phần thăm khám, cũng không kém phần quan trọng, sau khi các bác đã hỏi bệnh sử, trẻ sẽ được hướng dẫn nằm trên giường bệnh, lúc này bác sĩ sẽ khám toàn thân và khu trú là khám bụng. Việc khám bụng rất quan trọng, sẽ giúp cho các bác sĩ định hướng trẻ có thể có những nguyên nhân thực thể và có cần làm thêm một số cận lâm sàng khác hay không. Chính vì vậy, việc hỏi bệnh sử và thăm khám là phần khám vô cùng quan trọng.

2. Những trường hợp nào trẻ đau bụng kéo dài cần thực hiện thêm các cận lâm sàng?

Theo BS, các bậc phụ huynh có nên “năn nỉ” bác sĩ để được thực hiện các cận lâm sàng cho con khi đi khám? Vì sao? Thông thường, những trường hợp nào, bác sĩ sẽ chỉ định cần phải thực hiện thêm các cận lâm sàng, thưa BS?

ThS.BS.CK1 Lê Chí Hiếu trả lời: Mỗi phụ huynh, ai cũng sẽ rất yêu thương con trẻ của mình, vì vậy việc thẳng thắn trao đổi với các bác sĩ khi không biết con có cần phải siêu âm bụng hay phải nội soi hay không, đây là một điều được các bác sĩ rất hoan nghênh, vì vậy khi ba mẹ hoặc người thân trong gia đình dẫn trẻ đến thăm khám, hãy mạnh dạn trao đổi trực tiếp với các bác sĩ về mong muốn của mình.

Tuy nhiên, quyết định sẽ tuỳ thuộc vào tình trạng của từng trẻ, sau khi bác sĩ đã hỏi bệnh sử, thăm khám, chẩn đoán “đây chỉ là một trường hợp táo bón chức năng” có thể trẻ sẽ không phải đi siêu âm bụng. Tương tự, có thể trẻ bị táo bón, trong trường hợp này cũng không cần nội soi để kiểm tra dạ dày.

3. Những trường hợp nào trẻ đau bụng kéo dài được chỉ định nội soi dạ dày, tá tràng?

Một số trẻ thường xuyên bị đau bụng, táo bón, hoặc gia đình có tiền sử nhiễm vi khuẩn HP nên nhiều ông bố, bà mẹ muốn nội soi dạ dày, đại tràng. Xin nhờ BS giải thích cụ thể hơn:

- Nội soi dạ dày, đại tràng ở trẻ thường được chỉ định trong trường hợp nào? Có phải trẻ cứ đau bụng là phải nội soi?

ThS.BS.CK1 Lê Chí Hiếu trả lời: Không chỉ riêng ở người lớn, trẻ em cũng có thể bị nhiễm HP. Tình trạng nhiễm vi khuẩn HP cũng có thể bị thổi phồng lên là có thể gây ung thư. Nhưng trên thực tế, theo các nghiên cứu, việc trẻ nhiễm HP thường ở độ tuổi nhỏ sẽ không xuất hiện những trường hợp ung thư hoặc rất hiếm trên lâm sàng.

Tuy nhiên để chẩn đoán và điều trị HP, các bác sĩ phải thông qua những bước như hỏi bệnh sử, thăm khám và quyết định điều trị HP hay không phải dựa vào nội soi. Những trường hợp trẻ có chỉ định nội soi dạ dày tá tràng, dựa vào những kết quả hình ảnh trên nội soi, cũng như kết quả sau nội soi, sinh thiết giải phẫu bệnh và bác sĩ kết hợp tất cả những yếu tố sau đó mới quyết định trẻ có cần thiết điều trị HP hay không.

Ví dụ ngay cả khi trẻ đau bụng kéo dài, nội soi dạ dày tá tràng mức độ nhẹ, mặc dù trẻ có nhiễm HP nhưng đôi khi việc quyết định điều trị HP sẽ phụ thuộc vào lâm sàng của trẻ sau đó. Chính vì vậy khi trẻ bị nhiễm khuẩn HP, quý phụ huynh hãy yên tâm và giữ bình tĩnh.

Theo các nghiên cứu, có khoảng 80 - 90% người Việt Nam đều bị nhiễm khuẩn HP. Do đó, không phải phát hiện nhiễm HP là cần điều trị ngay, điều này là không nên, đặc biệt là ở độ tuổi trẻ em.

4. Nội soi tiêu hóa có giới hạn theo độ tuổi của trẻ không?

ThS.BS.CK1 Lê Chí Hiếu trả lời: Phương pháp nội soi không có giới hạn về độ tuổi. Thông thường các bác sĩ thường gặp trên lâm sàng cũng như theo các tài liệu y văn trẻ ở độ tuổi trên 5 - 6 tuổi, bắt đầu đi học, tiếp xúc với nhiều loại thức ăn, nhiều người và bắt đầu xảy ra tình huống nhiễm vi khuẩn HP.

Trẻ sẽ bắt đầu xuất hiện những triệu chứng như đau bụng, khó tiêu, nôn ói, lúc này ba mẹ cần cho trẻ đi thực hiện thêm những cận lâm sàng, phát hiện ra vi khuẩn HP và điều trị.

5. Nội soi tiêu hóa cần thận trọng và chống chỉ định trên những trường hợp nào?

Lợi ích và nguy cơ khi nội soi tiêu hóa trên trẻ gồm những gì, thưa BS? Những trường hợp nào cần thận trọng, thậm chí là chống chỉ định nội soi tiêu hóa ạ?

ThS.BS.CK1 Lê Chí Hiếu trả lời: Về việc điều trị HP có rất nhiều lợi ích, nếu trẻ có chỉ định tiệt trừ hoặc là điều trị HP.

Đầu tiên là sẽ giúp cải thiện tình trạng triệu chứng của trẻ và tăng cường chất lượng cuộc sống.

Ví dụ như khi ngồi ở phòng khám, tôi đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị đau bụng kéo dài hoặc trào ngược dạ dày thực quản kéo dài nhưng uống thuốc và điều trị mãi vẫn không hết, đôi khi trẻ sẽ có những chỉ định để nội soi dạ dày tá tràng. Ở trẻ có chỉ định tiệt trừ HP, sau đó nếu việc tiệt trừ thành công sẽ giúp cho chất lượng cuộc sống trở nên tốt hơn, cân nặng được cải thiện, dinh dưỡng đầy đủ.

Tuy nhiên, không phải bất kỳ trường hợp nào nhiễm vi khuẩn HP cũng phải điều trị, điều này hết sức quan trọng và cần lưu ý.

Thứ hai là về chống chỉ định, đôi khi việc chỉ định nội soi dạ dày tá tràng để chẩn đoán HP là phương pháp đầu tay và là tiêu chuẩn vàng trong việc chẩn đoán và điều trị. Do đó, thường ở những trẻ có chống chỉ định cho cuộc gây mê hoặc là có các bất thường về những cấu trúc, các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên là không nên nội soi, để kiểm tra hoặc sẽ trì hoãn những việc đó để có thể đánh giá tiếp tục và theo dõi trẻ.

Ví dụ như trẻ có vấn đề về bệnh lý huyết học, tiểu cầu thấp, bác sĩ tiêu hóa sẽ hướng dẫn trẻ đến khám các bác sĩ chuyên khoa về huyết học để đánh giá tình trạng của trẻ trước khi gặp bác sĩ tiêu hóa thăm khám.

6. Trẻ cần nhịn ăn bao lâu trước nội soi tiêu hóa?

Trong trường hợp trẻ được chỉ định nội soi tiêu hóa, nhất là dạ dày và đại tràng, để đảm bảo nội soi an toàn, phụ huynh cần cho BS biết những thông tin gì về trẻ?

ThS.BS.CK1 Lê Chí Hiếu trả lời: Để đảm bảo nội soi an toàn, đầu tiên thường các bác sĩ sẽ thăm hỏi trước đó trẻ có mắc bệnh lý nền gì hay không. Hai là trong vòng 1 tháng trở lại đây trẻ có sử dụng kháng sinh hoặc có đang uống thuốc gì hay không? Khi trẻ có chỉ định nội soi, phụ huynh nên lưu ý cung cấp thêm những thông tin này cho các bác sĩ.

Ngoài ra, trước ngày nội soi, khi gặp các bác sĩ phụ huynh nên trao đổi thêm về tình trạng những ngày gần đây con có những vấn đề về cấp tính hay không? Ví dụ như bị rối loạn tiêu hóa, viêm đường hô hấp trên. Từ đó các bác sĩ mới có thể đưa ra những chẩn đoán và quyết định lần thăm khám này có thể trì hoãn việc nội soi, để lại cho lần tái khám tiếp theo, vì việc nội soi để chẩn đoán điều trị không phải một trường hợp khẩn cấp.

- Trẻ sẽ cần chuẩn bị ra sao cho ngày nội soi? Cần nhịn ăn uống bao lâu trước nội soi ạ?

ThS.BS.CK1 Lê Chí Hiếu trả lời: Thông thường, để việc nội soi được diễn ra tốt nhất, từ thực quản đến dạ dày phải thật sạch sẽ và trơn láng để khi ống nội soi đi vào mới thấy được những sang thương chính xác nhất.

Chính vì vậy, thường các bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân nên nhịn ăn 6 tiếng trước khi nội soi, đi ngủ sớm và có mặt đúng giờ để các bác sĩ hướng dẫn làm thủ tục, cũng như để các bác sĩ gây mê thăm khám và nhận định bệnh, từ đó mới quyết định trẻ có thể thực hiện nội soi ngay trong ngày hôm đó được không.

- Thường có một số phụ huynh sẽ xót con khi phải để cho trẻ nhịn ăn trong khoảng thời gian dài. Nhiều người thắc mắc rằng liệu cho trẻ uống một ít sữa cho đỡ đói có được không, thưa BS?

ThS.BS.CK1 Lê Chí Hiếu trả lời: Việc phụ huynh lo lắng khi trẻ quấy khóc, than đói bụng là điều tất yếu.

Một số trường hợp tôi từng gặp là khoảng 3 - 4 giờ sáng phụ huyng cũng cho bé uống sữa trước lúc nội soi. Điều này là không nên, nhưng nếu đã lỡ xảy ra do các bậc cho mẹ quá lo lắng cho con mình, những trường hợp này sẽ được bác sĩ xếp nội soi sau các bé khác, vì thường phải nhịn ăn ít nhất là 6 tiếng.

7. Nội soi tiêu hóa cho trẻ thực hiện trong bao lâu?

Quy trình nội soi tiêu hóa cho trẻ thường diễn ra như thế nào, mất bao lâu, thưa BS?

ThS.BS.CK1 Lê Chí Hiếu trả lời: Khi trẻ bắt đầu có chỉ định nội soi, ví dụ hôm nay bệnh nhân đi khám bác sĩ và có chỉ định nội soi cho bé, không nhất thiết phải thực hiện liền trong ngày hôm đó. Các bác sĩ sẽ cho trẻ một lịch hẹn, khi đến ngày đã hẹn sẽ lên nội soi.

Lý do là vì trẻ cần có một sự chuẩn bị tốt về mặt sức khỏe, ngừng các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến việc nội soi.

Vào ngày nội soi ba mẹ nên cho trẻ có mặt đúng giờ, bác sĩ sẽ cho bé thực hiện một số các xét nghiệm cơ bản để tầm soát tình trạng nhiễm trùng. Từ đó, các bác sĩ gây mê sẽ thăm khám cho bé, xem ngày hôm nay trẻ có thể được gây mê an toàn không và sau đó tiến hành nội soi.

Thông thường, trong một cuộc nội soi tiêu hóa dạ dày tá tràng sẽ diễn ra rất nhanh, khoảng 15 phút trở lại. Sau khi trẻ tỉnh lại, bác sĩ gây mê sẽ đánh giá và khoảng 1 - 2 tiếng sau, khi trẻ tỉnh hoàn toàn, có thể được uống sữa hoặc ăn cháo loãng.

8. Làm thế nào để giảm bớt những khó chịu sau nội soi cho trẻ?

Nội soi có thể gây khó chịu cho trẻ, kể cả sau khi đã kết thúc thủ thuật. Cần làm gì để giảm bớt những khó chịu này ạ?

ThS.BS.CK1 Lê Chí Hiếu trả lời: Trước khi nội soi, ba mẹ cần tư vấn để trẻ chuẩn bị tâm lý, đây là một việc hết sức quan trọng.

Thứ hai là khi trẻ đã thức dậy sau khi nội soi, ba mẹ cần dỗ dành cũng như các bác sĩ sẽ quan tâm, theo dõi các bé. Từ đó, có thể giải thích cho trẻ hiểu tại sao mình lại cảm thấy khó chịu và khi nào các triệu chứng sẽ cải thiện, khi đó trẻ sẽ yên tâm hơn và cảm thấy đỡ tuổi thân hơn khi phải vào viện để nội soi.

9. Khi trẻ khó chịu, buồn nôn, nôn ói quá mức sau nội soi cần cho trẻ thăm khám lại

Phụ huynh cần phải lưu ý, theo dõi các triệu chứng nào cần phải quay lại bệnh viện sau khi trẻ nội soi tiêu hóa, thưa BS?

ThS.BS.CK1 Lê Chí Hiếu trả lời: Như đã trình bày, thường các cuộc nội soi sẽ diễn ra rất an toàn. Tuy nhiên, đôi khi có những biểu hiện mà phụ huynh phải lưu ý để đưa trẻ quay lại bệnh viện.

Trong một cuộc nội soi, các bác sĩ sẽ thực hiện thông qua việc bơm hơi vào ống tiêu hóa trẻ để có thể quan sát dễ dàng. Chính vì vậy, ba mẹ cần lưu ý nếu trẻ cảm thấy đầy bụng, khó chịu, buồn nôn, nôn ói quá mức sau cuộc nội soi, phải đưa con đi thăm khám lại ngay khi xuất hiện các triệu chứng như trên.

Tiếp theo là những vấn đề về dị ứng, trong quá trình sử dụng thuốc mê, thường sẽ có diễn ra những tình trạng dị ứng. Tỷ lệ dị ứng thuốc mê ở trẻ rất thấp, nhưng không phải là không có. Do đó, khi trẻ xuất viện về, nếu trẻ có biểu hiện nổi mề đay, đau bụng hoặc khò khè, khó thở, quý phụ huynh nên đưa trẻ quay lại bệnh viện hoặc liên hệ đến những cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

10. Có phương pháp nào thay thế khi trẻ có chống chỉ định với nội soi không?

Với những trẻ có chống chỉ định với nội soi, BS có thể chỉ định các phương pháp chẩn đoán nào để thay thế, thưa BS?

ThS.BS.CK1 Lê Chí Hiếu trả lời: Thông thường, ở những trẻ khỏe mạnh sẽ không có quá nhiều vấn đề về việc chống chỉ định trong nội soi. Những trường hợp chống chỉ định nội soi thường xảy ra trên những bệnh nhân nội trú, những bệnh nhân này có các bệnh nền phức tạp.

Thông thường, nếu giả sử có những trường hợp đó xảy ra, có thể các bác sĩ sẽ điều trị thử xem có đáp ứng hoàn toàn cho việc điều trị hay không. Nếu việc nội soi xấu hơn tình hình, có thể quyết định chọn những phương pháp an toàn, ít xâm lấn hơn và quý phụ huynh có thể cảm thấy yên tâm, hài lòng khi chọn một phương pháp phù hợp đối với con mình.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X