Hotline 24/7
08983-08983

Phân biệt triệu chứng hội chứng ruột kích thích với các bệnh lý đường tiêu hóa

Những triệu chứng và biểu hiện của hội chứng ruột kích thích thường tương đồng với các bệnh lý đường tiêu hóa khác, khiến cho nhiều người gặp khó khăn trong việc phân biệt. Bạn đọc AloBacsi có thể tham khảo cách phân biệt dấu hiệu bệnh này qua phần tư vấn dưới đây của ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành - Phó Trưởng khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115, TPHCM.

Triệu chứng điển hình của hội chứng ruột kích thích

Nhờ BS chỉ ra, đâu là những dấu hiệu điển hình của hội chứng ruột kích thích? Những dấu hiệu này thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý nào ở hệ tiêu hóa? Làm thế nào để phân biệt điều này?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Những dấu hiệu đặc trưng của hội chứng ruột kích thích rất dễ nhầm lẫn với những triệu chứng tiêu hóa thông thường khác, đặc biệt là chẩn đoán tình trạng rối loạn tiêu hóa.

Hội chứng ruột kích thích được biểu hiện bởi tình trạng đau bụng tái đi tái lại nhiều lần và phải thỏa các tiêu chí sau:

- Thứ nhất, cơn đau bụng này khởi phát và thường có thể đau quặn, đau âm ỉ, đau quặn trên nền âm ỉ. Tuy nhiên, cơn đau quặn này kích thích làm cho người bệnh phải đi cầu hoặc người bệnh có triệu chứng xì hơi. Khi người bệnh đi vệ sinh xong hoặc có cảm giác xì hơi được, cơn đau bụng này giảm hẳn.

- Thứ hai, người bệnh có sự thay đổi về thói quen đi cầu. Sự thay đổi về thói quen đi cầu có 2 hình thức. Một là thay đổi về tính chất phân, lúc thì người bệnh đi vệ sinh phân táo bón, có khi tiêu chảy. Bên cạnh đó, phân không đóng khuôn, đặc biệt phân là các bã rời rạc. Khi đi khám, người bệnh có thể khai rằng đi vệ sinh phân sống, có nghĩa là ăn cái gì vào thì đi ra cái đó. Đây là một dấu hiệu của hội chứng ruột kích thích.

Làm sao phân biệt cảm giác đi ngoài bình thường do sinh lý hay hội chứng ruột kích thích?

Sau khi ăn xong muốn đi cầu ngay và có cảm giác đi ngoài không hết có phải dấu hiệu của hội chứng ruột kích thích không? Làm sao để phân biệt cảm giác đi ngoài bình thường do sinh lý với hội chứng ruột kích thích, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Thông thường, sau khi ăn xong ít có khi nào phải đi vệ sinh ngay. Ăn xong, đi vệ sinh xong mà có cảm giác dễ chịu thì có 2 tình huống:

- Một, có thể chúng ta nằm trong nhóm bị hội chứng ruột kích thích.

- Hai, đây là dấu hiệu khi chúng ta ăn thức ăn lạ, sinh ra phản ứng làm nhu động ruột phải đẩy phân ra ngoài.

Đau bụng sau khi ăn ở bệnh nhân hội chứng ruột kích thích là do một cơ chế. Người ta thấy rằng, bình thường, khi lượng phân tích trữ trong bóng trực tràng đến khoảng 100g trở lên mới kích thích phản xạ đi cầu ở não, từ đó mới có phản xạ đi vệ sinh.

Khi đi vệ sinh trong thời điểm này, phân sẽ đóng khuôn, lượng vừa đủ.

Khi ăn xong mà mắc đi vệ sinh ngay, trong lần đầu có thể có phân nhưng sau đó lại kích thích khiến mình có cảm giác muốn đi nữa, hay còn gọi là đi lắt nhắt nhiều lần. Lý do là khi đồ ăn vừa vào dạ dày liền có hiện tượng nhận cảm ngược, nhầm lẫn đồ ăn vừa vào dạ dày với phân ở bóng trực tràng nên kích thích lên não, gợi phản xạ phải đi cầu.

Ở những bệnh nhân hội chứng ruột kích thích, sau khi ăn xong mới bắt đầu đau bụng và có phản xạ đi cầu. Đối với người bình thường có biểu hiện rối loạn tiêu hóa hoặc dị ứng, thông thường hầu hết sẽ được giải quyết khi đi vệ sinh 1 lần.

Tuy nhiên, trong hội chứng ruột kích thích, người bệnh đi vệ sinh khi bóng trực tràng không có nhiều phân, tạo cảm giác muốn đi vệ sinh nhưng không đi được. Đó là sự khác biệt.

Hội chứng ruột kích thích bị đau bụng thế nào?

Đau bụng là một trong những triệu chứng gợi ý ruột kích thích. Xin hỏi BS, kiểu đau bụng này có gì khác với đau bụng do đau dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Có sự khác biệt khá rõ ở bệnh nhân đau bụng do hội chứng ruột kích thích với đau bụng do các nhóm bệnh lý về dạ dày - tá tràng.

Bệnh nhân bị đau bụng do bệnh lý dạ dày - tá tràng hoặc đau bụng trong bệnh cảnh, triệu chứng không điển hình của trào ngược dạ dày, cơn đau và vị trí đau cũng khác nhau. Với người bị bệnh lý dạ dày - tá tràng, cơn đau xảy ra ở vùng dưới ức và trên rốn. Về mặt y học, vùng này được gọi là vùng thượng vị.

Đối với bệnh nhân bị bệnh lý dạ dày - tá tràng, họ có những cơn đau bụng âm ỉ, đôi khi kèm theo những triệu chứng bất thường. Ngoài cảm giác đau bụng, bệnh nhân có cảm giác nóng rát ở vùng thượng vị. Đau bụng xảy ra có thể kèm theo phản xạ buồn nôn hoặc nôn trong trào ngược dạ dày.

Một số trường hợp đau bụng trong bệnh lý dạ dày - tá tràng, người bệnh bị đau ở vùng thượng vị, có thể lệch sang trái một chút, thậm chí lan ra sau lưng hoặc lan ra vùng không với tới ở phía sau. Đó là một số trường hợp do loét ở vùng tá tràng.

Đặc điểm trong bệnh lý dạ dày - tá tràng là có liên quan đến bữa ăn. Người bệnh có thể đau khi đói, đau khi no. Bên cạnh đau, người bệnh có cảm giác xót ruột, cồn cào do sự bất thường về vấn đề tiết axit HCl trong dạ dày.

Ở bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích, cơn đau ở toàn bộ bụng và cơn đau thường là đau quặn lên, khiến người bệnh phải đi vệ sinh ngay. Nếu không đi vệ sinh được thì phải xì hơi được, cảm giác đau bụng mới nhẹ hơn. Khi xuất hiện cơn đau bụng, việc đầu tiên người bị hội chứng ruột kích thích phải làm là tìm toilet.

Phân biệt chướng bụng do hội chứng ruột kích thích và do bệnh lý dạ dày - thực quản

Ngoài đau bụng, chướng bụng, đầy hơi trong hội chứng ruột kích thích cũng có khả năng bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác, điển hình nhất là trào ngược dạ dày thực quản. Làm thế nào để phân biệt được các tình trạng này, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Ở bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích, cảm giác khó chịu ở bụng có tình trạng chướng bụng. Bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích sẽ căng chướng ở vùng bụng dưới nhiều hơn là bụng trên.

Khu vực từ rốn trở lên được xem là vùng bụng trên và từ rốn trở xuống được xem là vùng bụng dưới.

Cảm giác chướng bụng của hội chứng ruột kích thích là tình trạng chướng bụng đều và người bệnh có cảm giác chướng ở bụng dưới nhiều hơn.

Trường hợp chướng bụng do các bệnh lý về dạ dày - tá tràng thì thường biểu hiện ở vùng bụng trên nhiều hơn.

Trong hội chứng ruột kích thích, tình trạng chướng bụng này sẽ được giải quyết khi người bệnh xì hơi được. Đối với các bệnh lý đường tiêu hóa trên, thông thường triệu chứng chướng bụng đi kèm với phản xạ buồn nôn hoặc nôn. Khi bệnh nhân ợ hoặc nôn sẽ dễ chịu hơn.

Người bị hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy không có biểu hiện của nhiễm trùng đường ruột

Nhờ BS chia sẻ cụ thể hơn về tình huống phân biệt loại hội chứng ruột kích thích thể táo bón hay tiêu chảy dựa vào tính chất phân?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Phân biệt thể táo bón hoặc thể tiêu chảy dựa vào tính chất phân là rất rõ ràng và dễ phân biệt.

Người ta thấy ở bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy, thông thường tần suất đi vệ sinh sẽ nhiều hơn 1 lần mỗi ngày. Trong lần đi vệ sinh đầu tiên, phân vẫn đóng khuôn. Tuy nhiên, những lần đi sau phân không có khuôn và không có nhiều phân.

Lượng phân và lượng chất bã ăn vào không đủ để kích thích đi vệ sinh nhưng do bất thường về sự co thắt của đường ruột làm nhu động ruột cũng như phản xạ đi cầu diễn ra liên tục. Trong lòng trực tràng không có chất cặn bã cho những lần đi sau nên chỉ đi ra bọt hoặc chất nhầy.

Đối với bệnh nhân thể táo bón, tần suất đi cầu của bệnh nhân xa hơn, có thể vài ba ngày mới đi được một lần. Việc đi vệ sinh rất khó khăn, phân đóng khuôn, tơi như phân dê. Khi đi vệ sinh xong, bệnh nhân không có cảm thấy thoải mái.

Đặc điểm của người bị hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy là dù đi tiêu chảy nhiều lần nhưng không có biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng đường ruột đi kèm. Bệnh nhân không sốt, không có biểu hiện mất nước vì đi vệ sinh ra những dịch nhầy trong ruột.

Với những bệnh lý đường tiêu hóa khác, tình trạng tiêu chảy cấp xảy ra như tiêu chảy cấp do nhiễm siêu vi gọi là viêm dạ dày ruột siêu vi, tiêu chảy do nhiễm trùng, tiêu chảy do ngộ độc thức ăn,... tình trạng tiêu chảy nhiều và dữ dội, gây cho người bệnh dấu hiệu mất nước cấp trên lâm sàng.

Người bệnh sẽ cảm thấy khát nước, phải bù nước, da nhăn. Trường hợp này nếu không được xử lý, người bệnh có thể bị tổn thương đa cơ quan, đặc biệt là tổn thương thận cấp. Người bệnh có thể tử vong nếu không được xử lý kịp thời.

Ở các bệnh nhân tiêu chảy nhiễm trùng, có thể kèm theo những dấu hiệu toàn thân như sốt, lừ đừ...

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X