Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ biếng ăn do thiếu chất gì, hay tại gia đình cho ăn chưa đúng cách?

Trẻ biếng ăn, chậm tăng cân khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Theo BS.CK1 Lý Thu Thảo - Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, các bậc phụ huynh cần nhận biết rõ trẻ biếng ăn do nguyên nhân gì để bổ sung dưỡng chất hay thay đổi cách cho ăn.

1. Bổ sung chất gì khi trẻ biếng ăn trong giai đoạn bắt đầu ăn dặm?

Thưa BS, gần đây kênh AloBacsi nhận câu hỏi từ khán giả, điển hình như: “BS cho em hỏi con em 8 tháng chỉ chịu bú bình, ăn dặm thì bé không chịu hợp tác, em đút tầm 2 muỗng cháo là bé không chịu há miệng ăn nữa. Em hiện tại chỉ bổ sung D3K2 cho bé, em có nên bổ sung thêm sắt hay kẽm cho bé nữa không ạ?”. Trước hết xin BS đưa ra một vài nhận định về trường hợp này?

BS.CK1 Lý Thu Thảo trả lời: Đây chính là một vấn đề được các mẹ rất quan tâm. Đầu tiên cần xem độ tuổi của trẻ như thế nào. Hiện tại, đối với trẻ 8 tháng, phụ huynh cần phải biết đây chính là giai đoạn con bắt đầu ăn dặm. Đầu tiên, phải biết được chế độ ăn của trẻ như thế nào, với giai đoạn ăn dặm này, phụ huynh cần phải cho trẻ tập làm quen với tất cả các loại thức ăn từ thịt, cá, trứng, sữa đến các loại trái cây, rau củ quả.

Thông thường, ở những trẻ trong giai đoạn ăn dặm này sẽ phải cho ăn trong khoảng 2 - 3 bữa một ngày. Trong giai đoạn trẻ ăn dặm, phụ huynh cũng cần giảm bớt số lượng sữa và số c sữa mỗi ngày của trẻ.

Đối với những trẻ trong trường hợp trên, để trẻ phát triển tốt và khỏe mạnh, phụ huynh cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ về số lượng và đảm bảo cân đối về chất lượng. Bởi vì nếu không cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng sẽ dẫn đến tình trạng trẻ bị thừa hoặc thiếu các chất dinh dưỡng và làm cản trở quá trình phát triển toàn diện trẻ cả về tâm lý, sinh lý và vận động.

Ăn dặm chính là một trong những giai đoạn rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, chúng ta cần cân đối các chất dinh dưỡng với nhau và đặc biệt chú ý đến các vi chất dinh dưỡng. Vì khi thiếu vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là các loại vitamin và khoáng chất như sắt, kẽm, mangan, đồng… sẽ gây ra tình trạng biếng ăn cho trẻ.

Khi trẻ có những biểu hiện biếng ăn do thiếu vi chất, các bậc ba mẹ có thể cho trẻ sử dụng thêm những loại thực phẩm bổ sung có chứa thành phần là lysine (một trong những axit amin thiết yếu mà cơ thể không thể tự tạo ra được), các vitamin nhóm B, để kích thích hỗ trợ hệ tiêu hóa, giúp hấp thu tốt hơn, giảm được tình trạng biếng ăn, giúp cho trẻ ăn ngon miệng hơn.

Chính vì vậy, đối với trường hợp này, các bậc ba mẹ có thể cho con mình sử dụng thêm các loại thực phẩm bổ sung có chứa các thành phần như đã đề cập ở trên là lysine, các loại vitamin và khoáng chất gồm có sắt, kẽm, đồng hoặc canxi và vitamin D.

2. Làm sao để nhận diện trẻ bị biếng ăn sinh lý, biếng ăn bệnh lý và kén ăn?

Nhờ BS chỉ rõ: thế nào là trẻ bị biếng ăn sinh lý, biếng ăn bệnh lý và thế nào là kén ăn?

BS.CK1 Lý Thu Thảo trả lời: Trong từng tình trạng sẽ có những định nghĩa riêng biệt.

Đầu tiên là định nghĩa về biếng ăn, là một triệu chứng rối loạn dinh dưỡng thường gặp nhất ở trẻ. Có rất nhiều nguyên nhân cho tình trạng biếng ăn ở trẻ, có thể do biếng ăn sinh lý, do bệnh lý hoặc do tâm lý.

Kén ăn, được định nghĩa là trẻ sẽ không tiếp nhận một số loại thức ăn nhất định và khi đó sẽ dẫn đến tình trạng thiếu một số vi chất dinh dưỡng.

Đối với tình trạng biếng ăn, sẽ có biếng ăn sinh lý và biếng ăn bệnh lý. Tuy nhiên, phụ huynh cần nhận biết rõ về định nghĩa và biểu hiện của biếng ăn là như thế nào.

Trẻ được gọi là biếng ăn khi có từ hai trong các biểu hiện sau đây, thứ nhất là trẻ không ăn hết khẩu phần ăn trong một ngày của mình. Hai là trẻ ăn một bữa kéo dài trên 30 phút hay ăn ít hơn 1/2 khẩu phần ăn theo lứa tuổi. Thứ ba là trẻ sẽ có cảm giác từ chối thức ăn, bỏ chạy hoặc quấy khóc khi thấy thức ăn. Thứ tư là trẻ sẽ có biểu hiện ngậm thức ăn lâu ở trong miệng và không chịu nuốt. Thứ năm là trẻ sẽ có biểu hiện nôn, nhợn ói khi thấy thức ăn. Cuối cùng là khi phụ huynh theo dõi sẽ thấy tình trạng trẻ không tăng cân trong 3 tháng liên tục.

Đối với tình trạng biếng ăn sinh lý, sẽ thường gặp ở những trẻ bắt đầu bước sang một giai đoạn mới, chẳng hạn như tập bò, tập đi, tập nói hoặc mọc răng. Trong những giai đoạn này trẻ bắt đầu khám phá ra những khả năng mới của bản thân, vì vậy nhu cầu tập trung vào việc ăn uống sẽ giảm đi. Tình trạng này sẽ tự biến mất trong vòng vài tuần đến vài tháng, sẽ không khiến cho phụ huynh cảm thấy khó chịu và dần sẽ tự phục hồi lại như bình thường.

Đối với tình trạng biếng ăn bệnh lý, trẻ sẽ gặp những tình trạng sau. Thứ nhất trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc nuốt hoặc nhai, do cơ thể có những bệnh lý như viêm họng, viêm amidan hoặc viêm nướu, viêm lợi hay bị nấm miệng. Những bệnh lý này khiến cho trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc nhai và nuốt, gây chán và bỏ ăn.

Tình trạng thứ hai thường hay gặp trong bệnh lý nhiễm khuẩn. Đối với các trẻ nhỏ, hệ miễn dịch sẽ rất kém, vì vậy thường rất dễ nhiễm các bệnh lý nhiễm khuẩn về đường hô hấp như viêm phổi, hoặc các bệnh lý về đường tiêu hóa như viêm dạ dày, ruột. Do đó, sẽ gây nên những tình trạng khó chịu ở hệ tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, chướng hơi. Lúc này trẻ sẽ dễ bỏ và chán ăn. Ngoài ra, khi mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn, sẽ gây ra sự thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng, làm cho trẻ cảm thấy chán ăn hơn.

Khi mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn, các bậc phụ huynh thường cho trẻ uống kháng sinh, điều này sẽ làm rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột và gây tăng nặng hơn tình trạng chán ăn ở trẻ. Bên cạnh đó, trẻ có thể gặp các bệnh lý nhiễm ký sinh trùng đường ruột như giun, sán khiến cho việc biếng ăn tăng nhiều hơn.

3. Phân biệt nguyên nhân biếng ăn từ phía trẻ hay từ gia đình bằng cách nào?

Với trẻ biếng ăn, theo BS làm sao phân biệt nguyên nhân từ phía em bé và nguyên nhân từ phía gia đình?

BS.CK1 Lý Thu Thảo trả lời: Một trong những nguyên nhân biếng ăn, nếu xuất phát do trẻ, như đã đề cập, có thể do biếng ăn sinh lý (khi bước vào giai đoạn khám phá ra những khả năng mới của cơ thể, trẻ sẽ lơ là việc ăn uống) hoặc gặp các bệnh lý như viêm họng, viêm amidan hoặc các bệnh lý nhiễm khuẩn cũng sẽ khiến trẻ biếng ăn.

Tuy nhiên, còn một nguyên nhân nữa là biếng ăn xuất phát từ gia đình. Nguyên nhân xuất phát từ gia đình có rất nhiều vấn đề.

Thứ nhất có thể là do các bậc phụ huynh chưa được trang bị kiến thức đầy đủ về chế độ dinh dưỡng của trẻ theo nhu cầu, theo lứa tuổi và thường sẽ có hành động ép trẻ ăn. Khi các bậc phụ huynh ép con mình ăn sẽ gây ra một sự phản kháng ở trẻ, làm cho trẻ càng bỏ ăn hơn trước.

Thứ hai là các bậc phụ huynh chưa biết cách cho trẻ ăn những loại thức ăn đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng. Thông thường, ở giữa các bữa ăn phụ, phụ huynh sẽ cho trẻ ăn snack, bánh kẹo, nước ngọt có gas, những loại thực phẩm này sẽ làm cho trẻ dễ no và không có cảm giác thèm ăn nữa.

Ngoài ra, các bậc cha mẹ nên cho trẻ ăn cơm hoặc ăn dặm cùng với gia đình để có thể tập được thói quen sinh hoạt hợp lý từ ba mẹ.

4. Phụ huynh cần làm gì để nhận biết cơ thể trẻ đang thiếu những dưỡng chất nào?

Nếu trẻ thật sự biếng ăn do thiếu dưỡng chất thì phụ huynh có cách nào nhận biết bé đang thiếu chất, và cụ thể là thiếu chất gì hay không, thưa BS?

BS.CK1 Lý Thu Thảo trả lời: Một trong những nguyên nhân biếng ăn có thể là do thiếu vi chất dinh dưỡng, khi thiếu những vi chất này trẻ sẽ có một vài biểu hiện sau.

Thứ nhất, đối với trường hợp trẻ có biểu hiện móng tay lõm hình lòng thuyền, đây có thể là một trong những biểu hiện của tình trạng thiếu máu, thiếu sắt. Trong tình trạng trẻ thiếu máu và sắt, các bậc phụ huynh có thể cho trẻ bổ sung bằng các loại thức ăn giàu sắt, chẳng hạn như gan động vật, hải sản hoặc có thể bổ sung sắt qua đường uống.

Tình trạng thứ hai thường gặp là trẻ thường bị viêm loét miệng hoặc lở miệng, biểu hiện này là do cơ thể thiếu các vitamin nhóm B.

Ngoài ra, khi thiếu vitamin A, trẻ sẽ có những biểu hiện như bị khô mắt, mờ mắt, niêm mạc mắt nhạt.

Đối với những trẻ thiếu canxi và vitamin D, trẻ sẽ có biểu hiện đổ mồ hôi nhiều, quấy khóc về đêm, chậm mọc răng và men răng xấu.

Những biểu hiện trên chính là một vài gợi ý cho các bậc cha mẹ có thể nhận biết và đưa trẻ đến gặp bác sĩ, để xác định chính xác tình trạng biếng ăn ở trẻ là do thiếu những vi chất dinh dưỡng gì.

5. Sử dụng thực phẩm bổ sung dinh dưỡng không hợp lý gây ảnh hưởng như thế nào đến tình trạng sức khỏe của trẻ?

Tại bệnh viện và tại khoa của BS hiện đang công tác có ghi nhận tình trạng sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng do được sử dụng thực phẩm bổ sung dinh dưỡng không hợp lý không ạ?

BS.CK1 Lý Thu Thảo trả lời: Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh nên nhớ khi sử dụng các loại thực phẩm chức năng hoặc bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ, đây là một tiến trình kéo dài và đòi hỏi các bậc cha mẹ cần phải kiên trì và kiên nhẫn hợp tác với các bác sĩ.

Những loại thực phẩm chức năng thường dùng, phụ huynh nên ưu tiên chọn lựa những loại có nguồn gốc tự nhiên để trẻ dễ hấp thu hơn.

Ngoài ra, không nên dùng cùng lúc nhiều loại thực phẩm chức năng hoặc thay đổi thường xuyên, vì sẽ gây ra tình trạng rối loạn hệ miễn dịch, rối loạn hệ tiêu hóa của trẻ.

Bên cạnh đó, đối với những trẻ còi cọc, biếng ăn, chán ăn, tốt nhất ba mẹ nên đưa trẻ đến khám các chuyên khoa dinh dưỡng nhi, để có thể hợp tác với bác sĩ tìm ra một chế độ ăn dinh dưỡng hợp lý và các loại thực phẩm bổ sung cần thiết nhất cho trẻ.

6. Trẻ có thói quen ăn uống thiếu cân bằng có tự điều chỉnh được khi đến tuổi đi học không?

Đối với trẻ có thói quen ăn uống thiếu cân bằng (VD trẻ chỉ thích uống sữa mà ít ăn cơm, trẻ không thích ăn rau…) thì khi đến tuổi đi học, sẽ có những bữa ăn ở trường thì trẻ có tự điều chỉnh được không?

BS.CK1 Lý Thu Thảo trả lời: Các bậc phụ huynh thường nghĩ khi cho con mình đi học, trẻ sẽ tự điều chỉnh được thói quen ăn uống thiếu cân bằng. Tuy nhiên, đi học giống như một bước ngoặt mà trẻ sẽ phải phát triển trong một môi trường mới, lúc này bé sẽ phải gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Vì vậy, đòi hỏi sự hợp tác giữa gia đình và nhà trường rất cao trong việc điều chỉnh chế độ ăn cho trẻ.

Khi trẻ vào giai đoạn đi học, ba mẹ cần hợp tác với cô giáo và nhà trường để biết được chế độ sinh hoạt, ăn uống và ngủ nghỉ của trẻ như thế nào để có thể điều chỉnh cho thật cân đối và hợp lý giữa môi trường mới là nhà trường và ở nhà.

Một vài trẻ sẽ gặp khó khăn khi phải ăn uống tập thể chung với các bạn, khi ở nhà phụ huynh nên tập cho trẻ ăn chung với gia đình để có thể giúp trẻ quen với việc hòa nhập cùng mọi người.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên tập cho trẻ một thói quen tự giác là trước mỗi bữa ăn từ 10 - 15 phút nên ngưng các hoạt động vui chơi, giải trí để con được nghỉ ngơi và phụ giúp gia đình hoặc các cô giáo chuẩn bị bữa ăn, khi đó trẻ sẽ tăng sự tập trung ăn uống hơn.

7. Những sai lầm phụ huynh thường gặp trong quá trình cho trẻ ăn tại nhà

BS có thể chỉ ra một số sai lầm mà phụ huynh thường gặp trong quá trình cho trẻ ăn tại nhà?

BS.CK1 Lý Thu Thảo trả lời: Những sai lầm thường gặp khi các bậc cha mẹ cho trẻ ăn, sai lầm đầu tiên của nhiều phụ huynh thường gặp nhất là cho trẻ dặm quá sớm hoặc quá muộn.

Khi trẻ ăn dặm quá sớm, do hệ tiêu hóa chưa phát triển sẽ dẫn đến tình trạng các hoạt động của hệ tiêu hóa chưa hiệu quả để làm mềm thức ăn, làm cho trẻ khó chịu về hệ tiêu hóa, khiến trẻ ăn không tiêu dẫn đến tình trạng đau bụng, tiêu chảy và nôn trớ.

Thứ hai là nếu ăn dặm quá trễ hay quá muộn sẽ dẫn đến tình trạng trẻ bị thiếu chất và ngăn cản các hoạt động, tốc độ tăng trưởng ở trẻ.

Ngoài ra, có một vài sai lầm trong việc chế biến thức ăn, nhiều ba mẹ luôn nghĩ việc ninh xương hoặc hầm xương sẽ tốt hơn cho trẻ khi ăn. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng khi sử các loại thực phẩm qua cách chế biến ninh hoặc hầm sẽ làm biến đổi chất dinh dưỡng và tạo ra những chất không tốt. Vì vậy, thức ăn nên được nấu chín vừa phải và không ninh hoặc hầm quá lâu.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X