Hotline 24/7
08983-08983

Bữa ăn thừa thịt, người mắc đái tháo đường tăng vọt

Với tỷ lệ mắc tăng 8-20% năm, Việt Nam là nước có tốc độ phát triển bệnh đái tháo đường nhanh nhất thế giới.

Thực tế, số người chết do bệnh này tương đương với số người tử vong do HIV/AIDS và không thua kém bệnh ung thư.
 
Đây là kết quả nghiên cứu gần đây của BV Nội tiết Trung ương. Theo đó, cả nước hiện có khoảng 5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, chiếm khoảng 6% dân số và con số này có thể sẽ tăng lên 8 triệu người vào năm 2025. Trong khi đó vào năm 2001, số người mắc bệnh này chỉ chiếm 2,7% dân số.

Lý giải về tốc độ gia tăng bệnh nhanh chóng này theo các chuyên gia là do người Việt thay đổi nhanh về lối sống, thành phần bữa ăn theo hướng mỡ hóa, đạm hóa.

Kết quả điều tra quốc gia về dinh dưỡng vừa được Bộ Y tế công bố cho thấy, trong bữa ăn tỷ lệ đạm (thịt, cá) tăng lên chiếm 15% so với 13% (năm 2000). Lượng chất béo cũng chiếm gần 18% so với 12%. Lượng thịt tiêu thụ trong bữa ăn của người Việt đã tăng gấp rưỡi (từ 51g lên 84g), thế nhưng rau xanh lại giảm đi.

Ths.BS Nguyễn Trần Kiên, Trưởng khoa bàn chân, BV Nội tiết Trung ương (Hà Nội) cho biết, trước đây khẩu phần ăn của nhiều người còn thiếu năng lượng và chủ yếu là chất xơ nên tuyến tụy đã quen với việc điều tiết lượng insulin phù hợp cho việc tiêu hóa thành phần dinh dưỡng này. Đến khi chế độ ăn thay đổi đột ngột, cơ thể trở nên thừa năng lượng, protein, lipid, các chất tồn dư bảo quản nhưng lại thiếu chất xơ, vitamin trầm trọng. Những yếu tố này cộng với việc tuyến tụy không điều chỉnh lượng insulin kịp dẫn đến nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 cao gấp nhiều lần.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ người mắc bệnh này tại nước ta tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TPHCM. Đây là bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp trong thời đại ngày nay với tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt.

Bệnh không chỉ tăng mạnh ở người trưởng thành mà còn có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Trong những năm gần đây, các bệnh viện ghi nhận không ít trẻ mới 5-10 tuổi, thậm chí vài tháng tuổi mắc bệnh này.
 
Với bệnh nhân tiểu đường, loét bàn chân là một trong những
biến chứng nguy hiểm, khó tránh. Ảnh: P.N

Điều đáng nói là tại nước ta có đến 70% bệnh nhân không biết mình mắc ệnh, nên không chữa trị. Hậu quả là nhiều trường hợp bị các biến chứng nguy hiểm, gây tàn phế, thậm chí là tử vong.

Trong đó, loét bàn chân là một biến chứng mãn tính thường thấy, khó tránh, nguy hiểm vì dẫn đến cắt chi và tử vong khi bệnh ở giai đoạn nặng. Một khi bàn chân đã bị loét thì sẽ khó có cơ hội hồi phục.

Thực tế, có 15-35% người bệnh đái tháo đường có tiềm ẩn việc loét bàn chân ở bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời. Trong số này, khoảng 10-30% bệnh nhân sẽ bị cắt chi. Chỉ một vết xước nhỏ ở bàn chân cũng có thể trở thành vết loét nặng, nhiễm trùng và dẫn đến hoại tử phải đoạn chi. Trong khi nếu phát hiện sớm và được chữa trị kịp thời có thể ngăn ngừa những tổn hại lâu dài, ngăn ngừa việc đoạn chi tới 85%.

Cũng theo thạc sĩ Kiên, hiện nay, có rất ít phương pháp điều trị thành công loét bàn chân đái tháo đường nặng, đặc biệt là những trường hợp có tắc mạch. Chi phí điều trị cho các phương pháp này rất cao, chủ yếu là can thiệp ngoại khoa và mạch máu. Dù thế tỷ lệ thành công không cao, đa số trường hợp cuối cùng cũng dẫn đến đoạn chi.

Tuy nhiên, giải pháp cắt chi cũng không giải quyết triệt để vấn đề do có tỷ lệ tái cắt chi và nguy cơ tử vong sau khi cắt chi cao, có thể lên đến 23%. Ngoài ra, 50 đến 60% bệnh nhân đã cắt chi tử vong sau 5 năm.

Cũng vì thế, với bệnh tiểu đường, người bệnh cần đặc biệt quan tâm, chăm sóc bàn chân để giảm tỷ lệ tàn phế. Cụ thể, cần tập thói quen kiểm tra bàn chân ít nhất 1 lần trong ngày. Các vết nứt trên da, phỏng rộp, vết thâm, các nốt chai chân và những chỗ đau trên da đều cần quan sát kỹ. Luôn giữ chân sạch với nước ấm và xà phòng trung tính. Tuy nhiên không nên ngâm chân trong nước quá nóng (nhiệt độ nước không nên quá 37 độ C) hoặc ngâm nước ấm quá lâu. Sau khi rửa, dùng khăn bông mềm thấm khô chân, đặc biệt các kẽ ngón chân.

Ngoài ra, người bệnh nên cắt tỉa móng chân theo đường vòng của ngón, không lấy khóe cũng như tự mình cắt các vết chai ở chân. Không đi tất, giầy dép chật, không nên để chân không ngay cả khi ở nhà. Tập cử động các ngón chân trong khoảng 5 - 10 phút, vài lần trong ngày.
 
AloBacsi.vn (Theo VnExpress)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X