BS.CK2 Trần Minh Khuyên: Làm sao phân biệt trầm cảm và buồn rầu?
Trầm cảm và buồn rầu là những bệnh lý về tâm thần kinh khá giống nhau và không thể phân biệt được. Trầm cảm là căn bệnh mà khá nhiều người trong xã hội hiện đại mắc phải, gây ra những trạng thái tâm lý tiêu cực. BS.CK2 Trần Minh Khuyên sẽ giúp bạn đọc phân biệt được hai hội chứng này.
Trầm cảm không còn là một từ xa lạ, tuy nhiên, chưa có nhiều người trong chúng ta phân biệt rõ bệnh trầm cảm và tâm trạng buồn rầu. Nhờ BS hướng dẫn?
Gần đây những từ về trầm cảm, tự kỷ hay nói với nhau nhưng định nghĩa về những vần đề này quý khán giả nên hiểu rõ. Ví dụ, trong cuộc sống có nhiều áp lực, stress như thi học kỳ, phải giải quyết việc gì đó… nhưng người ta không có khả năng hoặc chưa chuẩn bị tốt nên cảm thấy lo lắng, buồn rầu, và suy nghĩ nhiều về nó, nhưng sau khi giải quyết xong thì người ta trở lại trạng thái cân bằng, vui vẻ, hạnh phúc, sinh hoạt bình thường thì đó gọi là stress ngắn hạn.
Nhưng trong cuộc sống có nhiều vấn đề, hết stress này lại đến stress kia, sau một stress lại tiếp tục những khó khăn trong cuộc sống, dồn dập và hay tái đi tái lại, lâu ngày trở thành stress mãn tính. Khi stress mãn tính lâu ngày dẫn đến 1 bệnh lý thật sự, lúc đó gọi là hội chứng rối loạn lo âu. Nếu mắc rối loạn lo âu không giải quyết tốt, không điều trị thì lâu ngày sẽ đưa đến bệnh trầm cảm.
Trầm cảm là định nghĩa bao gồm nhiều triệu chứng trong các hội chứng, có thời gian và tiêu chuẩn chẩn đoán rõ ràng, chứ không phải buồn buồn, hay ngồi một mình… thì đó là không đúng.
BS.CK2 Trần Minh Khuyên - Chuyên khoa Tâm thần kinh-Trị liệu tâm lý, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y dược 1
Hiện nay có khá nhiều bảng trắc nghiệm trầm cảm để mọi người tự kiểm tra mình có bị trầm cảm hay không. Có bảng chỉ 10 câu hỏi có đáp án yes/no, có bảng thì 25 câu hỏi và đáp án chia thành 4 mức độ. Theo BS, chúng ta nên dùng bảng nào? Hoặc BS có thể cung cấp bảng trắc nghiệm thông dụng và phù hợp với cộng đồng không ạ?
Những bảng trắc nghiệm đó chỉ là một trong những quy trình để chẩn đoán bệnh, những test đó chỉ hỗ trợ cho việc chẩn đoán không thể lấy bảng nào cho bệnh nhân tự test, sau khi thấy có những điểm đó rồi đưa ra chẩn đoán có trầm cảm hay không.
Người bác sĩ phải khám trên lâm sàng, hỏi bệnh, quan sát, nhìn, sờ, hỏi, nghe... gồm nhiều triệu chứng đưa vào trong triệu chứng và phải đầy đủ các triệu chứng trong hội chứng, thời gian xuất hiện triệu chứng đó bao lâu vào trong khung chẩn đoán, sau đó các bác sĩ chuyển qua bộ phận cận lâm sàng, tức là test tâm lý để so với triệu chứng đúng của bệnh chứ không phỉ làm test rồi mới xác định triệu chứng của bệnh hay không.
Do đó phải có một bác sĩ khám trực tiếp, còn những test tâm lý chỉ là hỗ trợ lâm sàng.
Trước khi đi thăm khám, có cách nào giúp bệnh nhân tự nhận biết bản thân đang bị rối loạn lo âu hay trầm cảm?
Người bệnh rất dễ nhầm lẫn và không biết bản thân đang ở trong trạng thái nào. Ví dụ: người ta đang bị stress mà không biết. Vì vậy việc báo đài, cơ quan y tế phải truyền thông cho người dân hiểu được một số triệu chứng cơ bản để biết được mình đang ở trạng thái nào và khi nào cần gặp bác sĩ. Ví dụ: khi vào cơ quan nghe tiếng điện thoại cũng đã khó chịu. Thậm chí những câu nói đùa giỡn của đồng nghiệp cũng khiến bạn không hài lòng, dễ cáu gắt và giận dỗi… lúc này bạn đã có biểu hiện stress, căng thẳng.
Vì vậy, sau khi làm việc, hoặc thứ 7, Chủ nhật chúng ta nên xả stress, căng thẳng để thứ 2 lại bắt đầu làm việc. Như vậy, mình phải giải tỏa công việc 1 cách khoa học, hợp lý.
Trong hội chứng rối loạn lo âu có rất nhiều triệu chứng, như tác động lên tim (tim đập nhanh, hồi hộp, người bệnh bồn chồn, lo lắng, khó thở); căng thẳng; đau đầu; đau cổ gáy; tác động lên dây thần kinh số 10 gây tăng tiết acid, làm bệnh nhân cồn cào ở dạ dày, rối loạn tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy; run tay chân; mất năng lượng, thay đổi cảm xúc. Rối loạn lo âu đến lúc nặng hơn thường kềm với rối loạn cảm xúc, gọi là trầm cảm. Trầm cảm lại có nhiều mức độ: nhẹ, trung bình, nặng không có loạn thần, trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần… Vì có hàng loạt triệu chứng như vậy làm cho người bệnh dễ nhầm lẫn không biết bị bệnh gì.
Ví dụ: khi tim đập nhanh, hồi hộp thì cứ mặc định mình mắc bệnh lý Tim mạch, đăng ký khám Tim mạch, cũng đo điện tim, bác sĩ nghe tim. Hoặc bị khó thở lại đi khám Hô hấp, nhưng lại không khai các triệu chứng khác. Hoặc cũng có thể là do bệnh nhân đông, không để ý các chuyên khoa khác, không khám tổng quát… Vì thế, căn bệnh này dễ làm cho bệnh nhân và bác sĩ nhầm lẫn với các chuyên khoa khác. Thậm chí có người bệnh khám rất nhiều chuyên khoa và bác sĩ nhưng không biết mắc bệnh gì, lâu ngày khiến bản thân nghĩ mắc bệnh nan y, và chuyển sang giai đoạn trầm cảm.
Tại Phòng khám BV Đại học Y Dược, bệnh nhân thường được phát hiện ở giai đoạn nào, có trường hợp nào BS ấn tượng nhất?
Thường bệnh nhân vào khoa nội tổng hợp, họ không biết mình bị bệnh gì, chỉ vào khám tổng quát, lúc đầu rất dễ nhầm lẫn. Sau khi được khuyến cáo và trình bày những hội chứng thì dần dần lọc bệnh được chính xác hơn, sau khi thăm khám, BS thấy bệnh nhân có những triệu chứng không rõ ràng, chỗ nào cũng có vấn đền nhưng khám điện tim bình thường, nhịp tim chỉ hơi nhanh, đau đầu thì chụp phim, Xquang, MRI, CT không có bệnh nhưng bệnh nhân vẫn bị đau đầu. Bệnh nhân khó thở, chụp phim phổi, test thở vẫn bình thường, rõ ràng đây là bệnh thuộc chuyên khoa tâm lý, tâm thần.
Sau khi được chuyển qua chuyên khoa tâm lý, tâm thần, khoảng nửa tháng sau bệnh nhân cảm thấy đỡ, thay đổi về mặt bệnh lý, triệu chứng và tình hình bệnh ngày càng khá lên, bệnh nhân đã xác định được chuyên khoa và yên tâm điều trị, sức khỏe khá hơn và trong thời gian ngắn bệnh nhân sẽ điều trị hết bệnh.
Thưa bác sĩ, những đối tượng nào có khả năng cao bị trầm cảm nhất?
Mỗi người, mỗi cá thể, có rất nhiều nguyên nhân đưa đến trầm cảm. Thứ nhất, về yếu tố gene của gia đình. Tức là tiền căn gia đình có người mắc rối loạn lo âu hoặc bệnh lý về tâm thần kinh. Bản thân ít cở mở, sống nội tâm, ít chia sẻ thì dễ vị stress. Hoặc quá cầu toàn, các gì cũng tốt 100%, quá chăm chút, không chấp nhận sự sai sót… thành ra lúc nào cũng căng thẳng và stress và lâu ngày dễ bị rối loạn lo âu.
Và cũng tùy thuộc tuýp thần kinh (mạnh, trung bình, yếu). Đối với người có tuýp thần kinh mạnh thì mọi thứ chẳng có vấn đề gì, thậm chí sau khi đánh nhau, cãi nhau lại vui vẻ bình thường. Nhưng lại có những người như sếp cau mày một chút đã suy nghĩ không biết mình làm sai điều gì, hoặc mọi người góp ý một chút đã buồn, trầm… những người này rất dễ stress, căng thẳng.
Thành ra đối với bệnh lý trầm cảm hay rối loạn lo âu gồm rất nhiều tác nhân, đặc biệt là trong môi trường làm việc. Hoặc là cứ bị stress ngắn hạn, căng thẳng, lâu ngày dồn nén dễ đưa đến trầm cảm.
Một người bị trầm cảm thường có rất nhiều dấu hiệu. Vậy họ nên gặp bác sĩ thuộc chuyên khoa nào?
Chúng ta cần hiểu rằng: ở giai đoạn nào nên đến gặp chuyên gia nào? Ví như, ở giai đoạn đầu, khi mới chỉ bị trầm buồn chúng ta có thể gặp chuyên gia tâm lý giúp bạn giải tỏa khúc mắc và thay đổi cách nhìn sự vật hiện tượng. Bên cạnh đó bạn nên kết hợp tập thể dục, thể thao, thư giãn sẽ đưa bạn về trạng thái cân bằng.
Nhưng, nếu đã ở giai đoạn mất ngủ, tổn thương lên những cơ quan thật sự, thậm chí xuất hiện những ý nghĩ tiêu cực như tự sát thì phải gặp bác sĩ chuyên khoa về Tâm thần, họ sẽ sử dụng hóa dược can thiệp trong giai đoạn đó, hy vọng bệnh được ngăn chặn lúc đó và tốt hơn. Nhưng nếu đã rối loạn tư duy thì không thể tác động tâm lý, những tác nhân đã không còn giá trị bởi tư duy đã bị rối loạn.
Điều trị trầm cảm gồm những phương pháp nào, thưa BS?
Tùy mức độ và giai đoạn, nếu bị tác động bởi một stress nhẹ như chuyện tình cảm, ảnh hưởng nghề nghiệp, trong giai đoạn đầu có thể buồn một chút, bệnh nhân có thể đến chuyên gia tâm lý để người bệnh có thể cởi mở ra, có cái nhìn đúng về sự vật hiện tượng và có cách giải quyết.
Nhưng để lâu ngày sẽ chuyển sang bệnh lý thật sự, được gọi là bệnh lý về tâm thể, tác động thật sự lên cơ thể người. Bệnh nhân có thể mất ngủ, tim đập nhanh, bồn chồn, đau đầu thì giai đoạn đó cần một bác sĩ chuyên khoa tâm thần, hiều biết về mặt tâm lý điều trị.
Nấu bệnh nhân bị trầm cảm mà ở mức độ nặng có dấu hiệu loạn thần, tức là bệnh nhân đã suy nghĩ đến cái chết, thậm chí xuất hiện tiếng nói trong tai, nói bệnh nhân tội lỗi, vô dụng thì đó là hiện tượng ảo thanh, bệnh nhân có thể tự sát. Trong giai đoạn này không chữa trị về mặt tâm lý mà chuyển sang điều trị rối loạn tư duy, phải dùng hóa dược, dùng những thuốc chống trầm cảm, chống hoang tưởng, vitamin nhóm B chống stress, thuốc tăng cường tuần hoàn não, thuốc để bệnh nhân có những giấc ngủ để trở về trạng thái bình thường. Giai đoạn đó cần bác sĩ chuyên khoa về mặt tâm thần.
Thuốc điều trị trầm cảm là những thuốc gì? Nhiều người e ngại uống thuốc trị trầm cảm sẽ bị tác dụng phụ hoặc bị lệ thuộc thuốc, điều này có đúng không ạ?
Trong điều trị trầm cảm có nhiều phương pháp và nhiều giai đoạn. Ở giai đoạn sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa thì buộc lòng phải sử dụng. Tại vì chúng ta vừa uống thuốc, vừa kết hợp tâm lý để thư giãn, tập thể dục thể thao, ra ngoài tiếp xúc… thì việc điều trị tốt hơn.
Về thuốc điều trị rối loạn lo âu và trầm cảm có nhiều nhóm thuốc. Thứ nhất là thuốc chống lo âu, thư giãn, khi sử dụng những thuốc này bệnh nhân sẽ giảm lo âu. Kế đó là những thuốc chống trầm cảm, an thần kinh. Trong thuốc chống trầm cảm cũng có nhiều nhóm. Ngày xưa có nhóm IMAO, sau này những nhóm thuốc đó tác động với thức ăn, kết hợp với rượu bia gây ra những tác động xấu đến bệnh nhân nên ngưng sử dụng.
Sau này người ta có loại thuốc mới hơn gọi là trầm cảm 3 vòng, trong đó có nhiều loại như: Amitriptyline, thuốc chống trầm cảm 3 vòng có tác động yên dịu, giúp ngủ tốt hơn; hoặc thuốc giúp bệnh nhân tăng kích thích, tăng hoạt động, giúp dễ chịu, vui vẻ.
Sau này còn có nhóm thuốc SSRI, tức là tái hấp thu serotonin. Nghĩa là trong synap thần kinh tiết ra những hóa chất trung gian, trong đó có serotonin, nhưng do quá trình rối loạn chuyển hóa tăng tái hấp thu làm cho serotonin trong các synap bị giảm hụt đi. Sử dụng thuốc này giúp ức chế sự tái hấp thu, làm tăng serotonin ở các synap thần kinh, giúp hóa chất trung gian trong các kết nối thần kinh trở lại bình thường, điều trị trầm cảm cho bệnh nhân.
Nếu bệnh nhân trầm cảm ở mức độ nặng, điều trị tâm lý không được phải chuyển sang sử dụng thuốc. Những dấu hiệu nào giúp bệnh nhân nhận biết mình đang ở mức độ nặng?
Bệnh nhân thể hiện lên các cơ quan như tim đập nhanh, hồi hộp, bồn chồn, có người đến gặp bác sĩ thì không thể ngồi yên, trong người nôn nao, cảm giác như lo sợ chuyện gì đó mà không rõ nguyên nhân, mất ngủ, cảm thấy mình tội lỗi, muốn chết và lúc nào cái chết cũng thôi thúc bệnh nhân.
Thậm chí bệnh nhân sợ ra giữa đám đông, không dám ra đường thậm chí ở trong nhà không tiếp xúc với ai. Những giai đoạn đó buộc lòng bác sĩ sử dụng hóa dược, nếu bệnh nhân có ý tưởng tự sát thì đó là một trong những dấu hiệu bệnh nhân phải nhập viện.
Một bệnh nhân bị trầm cảm ở mức độ trung bình, nếu chịu điều trị tích cực thì khoảng bao lâu có thể quay trở lại cuộc sống bình thường?
Đối với bệnh nhân, người bác sĩ chỉ nói là: bác sĩ chỉ giúp em 6 phần, 4 phần còn lại là: phải uống thuốc đúng giờ; tích cực thể dục thể thao, vận động thể lực; ra ngoài giao lưu tiếp xúc. Và cũng tùy theo tính cách mỗi người. Có nhiều người có tính cách mạch những bị bệnh, họ sẽ tích cực thì việc điều trị tốt hơn. Còn có những người thụ động, thậm chí không chịu điều trị, thì việc điều trị khó và kéo dài hơn.
Trung bình, nhanh nhất khoảng 3 tháng điều trị bệnh sẽ tiến triển tốt. Nhưng cũng có những trường hợp kéo dài 6 tháng, thậm chỉ cả năm. Đương nhiên, khi đã ổn định vẫn phải tiếp tục điều trị với các liều duy trì, chứ không phải thấy khỏe rồi ngưng. Chúng ta phải giảm liều từ từ, thay thế những thuốc này bằng các loại thảo dược, tái khám với bác sĩ, nâng đỡ về mặt tâm lý, lên các kế hạch điều trị lâu dài, duy trì thì bệnh khá hơn.
Thời gian điều trị trầm cảm lâu hay mau sẽ phụ thuộc vào những yếu tố nào ạ?
Khi nghiên cứu về thuốc, nhà sản xuất đã khuyến cáo, có những loại thuốc cho thấy có tác dụng tốt sau 2 tuần, tức là không thể nào hôm nay uống mà ngày mai trở lại bình thường, bệnh nhân phải uống liên tục để thuốc đạt nồng độ tốt trong máu thì mới phát huy hết tác dụng.
Có những thuốc có tác dụng sau 1-2 tuần, trong thời gian đó nếu chưa thấy chuyển biến rõ rệt, bác sĩ sẽ chỉnh liều lượng phù hợp với bệnh nhân, kết hợp với thuốc chống lo âu, an thần kinh và thuốc chống trầm cảm, một số vitamin nhóm B. Sau 2-3 tuần bệnh sẽ chuyển biến rõ ràng hơn, bệnh nhân thấy phấn chấn, thoải mái để tiếp tục điều trị.
Trầm cảm có dễ tái phát không ạ? Nếu tái phát thì việc điều trị sẽ như thế nào? Làm sao để tránh tái phát?
Khi bệnh tái phát thì phải quay lại thăm khám để bác sĩ xem bạn đang ở giai đoạn nào. Nếu chưa dùng thuốc thì bạn đã bắt đầu có hiện tượng stress, hoặc rối loạn lo âu. Trước hết bác sĩ sẽ chưa dùng thuốc mà khuyên bạn cân bằng công việc, nghỉ phép đi du lịch… Điều này giúp bạn vui vẻ và tiếp tục công việc.
Nếu sau khi xả stress mà không bớt thì bác sĩ sẽ sử dụng hóa trị liệu bằng các liều thuốc giúp bạn trở về trạng thái cân bằng. Tùy ở giai đoạn nào, mức độ bệnh như thế nào thì bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị tốt hơn.
Đối với bệnh lý khác, nếu bệnh nhân điều trị xong nhưng vẫn có khả năng bị tái phát, đối với bệnh trầm cảm có dễ tái phát không?
Những người có khí chất, do tiết thần kinh, do tính cách, những người tiết thần kinh trung bình và yếu, có những người hướng nội, những người cầu toàn đã bị trầm cảm thì rất dễ tái lại, cứ bị stress, căng thẳng thì rất dễ trở lại trạng thái lo âu. Nên khi điều trị bác sĩ phải tư vấn, bệnh nhân dễ bị stress thì nên thay đỏi lối sống, thay đổi cách nhìn cuộc sống, nhìn những sự việc ở góc tích cực hơn để giải quyết vấn đề đó chứ không bị tác động bởi cuộc sống, cân bằng cuộc sống.
Khi biết mình thuộc tạng người dễ căng thẳng thì khi làm việc quá căng thẳng, làm 45 phút, bạn nên nghỉ 5-10 phút, thư giãn, uống nước, chào hỏi mọi người sau đó quay trở lại làm việc thì sẽ hạn chế bệnh tái phát.
Người thân có thể hỗ trợ những gì cho bệnh nhân trầm cảm?
Người ta thường nói, ở nhà có 1 người bệnh sẽ ảnh hưởng đến 3-4 người còn lại. Ví dụ như 1 người bị stress nằm viện thì người nhà phải chăm sóc, ảnh hưởng đến công việc người đó, 1 người vào chung với bệnh nhân là 2 người, chưa kể bệnh nhân mất ngủ làm ảnh hưởng đến người khác, đôi lúc nói vui “một người bệnh kèm theo 3 người nhà bệnh theo”, người ta cũng lo lắng cho bệnh nhân, ảnh hưởng đến công việc thậm chí mất ngủ kèm theo, nên việc chăm sóc sức khỏe tâm thần rất quan trọng.
Những người nhà có người thân bị bệnh thì nên hiểu biết về bệnh lý đó, phải điều trị về mặt nâng đỡ, xoa dịu, là điểm tựa cho bệnh nhân biết lắng nghe, có những câu hỏi gợi mở để bệnh nhân trút được những gánh nặng trong tiềm thức. Như vậy, bệnh nhân có chỗ nâng đỡ về mặt tâm lý, chăm sóc sức khỏe về mặt ăn uống, giấc ngủ, động viên tích cực đưa bệnh nhân ra ngoài dã ngoại, trò chuyện, thể dục thể thao, khuyến khích bệnh nhân.
Có những người không hiểu lại nghĩ bệnh nhân chỉ nhõng nhẽo, giả vờ bệnh, thậm chí họ la lối. Có những người có con bị áp lực do học hành căng thẳng, thường hay la mắng vì con học kém, không lắng nghe con nên trên thực tế có những chuyện xảy ra về mặt tiêu cực, khi xảy ra rồi thì người nhà mới xem xét và nhận ra con họ bị trầm cảm ở mức độ nặng nề nên mới đưa đến triệu chứng tiêu cực như vậy.
Nếu trong nhà có người bị trầm cảm thì người thân có cần đi kiểm tra tâm lý không ạ?
Khi có người thân mắc các bệnh lý trầm cảm, gia đình cũng mất ăn mất ngủ, lâu ngày dẫn đến rối loạn lo âu. Lúc dẫn người thân đi khám, bác sĩ cũng sẽ tư vấn cho người thân cách chăm sóc bệnh nhân trầm cảm; nhờ bác sĩ cung cấp một số triệu chứng khi chớm bệnh (dễ cáu gắt, ngủ ít, bực bội, khó chịu). Khi gặp những triệu chứng này nên gặp bác sĩ, chuyên gia tâm lý để tư vấn nhằm có sức khỏe, tâm lý tốt để giúp người thân của mình.
Làm thế nào để giải tỏa tâm lý và phòng tránh được căn bệnh trầm cảm?
Chúng ta đã phân tích rất nhiều về bệnh lý trầm cảm, những bệnh lý thuộc chuyên khoa tâm thần do rất nhiều nguyên nhân, do di truyền, tính cách, do cơ thể và môi trường hoạt động cuộc sống của bản thân... Trong nhịp độ cuộc sống hiện nay, bệnh nhân rất dễ mắc bệnh trầm cảm, bị stress, rối loạn lo âu. Do đó để làm tốt mọi việc, chúng ta cần chú trọng về mặt sức khỏe, về mặt thể chất và tinh thần.
Về thể chất, chúng ta nên ra ngoài tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, mỗi ngày bỏ ra 45 – 60 phút tập luyện đều đặn tùy theo tình trạng sức khỏe, có thể ban đầu đi bộ chậm dần dần đi nhanh, ban đầu tập 15-20 phút sau đó tăng lên 45-60 phút. Trong quá trình tập luyện thể dục thể thao, máu sẽ bơm lên não cung cấp đầy đủ oxi chống stress.
Về cân bằng cuộc sống, chúng ta có thể ra ngoài đi dã ngoại, trong quá trình làm việc căng thẳng, ảnh hưởng đến tâm trạng quá mức thì chúng ta nên xin nghỉ phép vài ba hôm để du lịch, nghỉ ngơi, chia sẻ với mọi người... sau đó chúng ta trở lại cân bằng và tiếp tục làm việc.
Khi có những dấu hiệu stress như công việc sa sút, kém tập trung, căng thẳng, dễ cáu gắt thậm chí có những lúc bồn chồn lo lắng... đó là dấu hiệu của stress, chúng ta nên có kế hoạch nghỉ dưỡng để trở lại trạng thái cân bằng. Khi ở mức độ đó chúng ta nên gặp chuyên gia tâm lý, nhưng khi nặng hơn chúng ta nên gặp bác sĩ thuộc chuyên khoa tâm thần, điều trị tích cực để mau thoát khỏi trạng thái bệnh lý, trở lại trạng thái tâm lý cân bằng.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình