Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ: Tập thở cải thiện thông khí do di chứng COVID-19

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên ĐH Y Dược TPHCM cho biết, những bệnh nhân mắc COVID-19 đã có tổn thương phổi, sau khi phục hồi, việc tập thở sẽ cải thiện thông khí do di chứng bệnh để lại, đồng thời nâng đề kháng cho cơ thể.

Con người chúng ta thở hơn 20.000 lần một ngày. Với mỗi một hơi thở, chúng ta đã cung cấp sự sống cho hàng nghìn tỷ tế bào trong cơ thể, đồng thời loại bỏ carbon dioxide có hại, giúp con người tồn tại và duy trì sự sống.

Thở dễ dàng là vậy, nhưng không phải ai cũng biết thở đúng cách.

Vậy những dấu hiệu cho thấy một người đang thở không đúng cách?

Tập thở mang lại lợi ích gì, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 đang biến động như hiện nay?

Tất cả những thắc mắc này sẽ được BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ  - giảng viên ĐH Y Dược TPHCM, bác sĩ điều trị tại BV ĐH Y Dược TPHCM cơ sở 3 giải đáp trong bài tư vấn sau.

Hít thở sâu có lợi ích gì?

Mọi người hiểu nôm na thở là hoạt động hô hấp của phổi nhằm cung cấp oxy cho cơ thể. Theo BS Tấn Vũ, thở còn có vai trò và ý nghĩa như thế nào đối với sức khỏe con người ạ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời:

Ngay từ lúc chào đời, tiếng khóc đầu tiên của đứa bé, hoặc nếu không khóc thì cũng vỗ mông cho bé khóc, do đó tiếng khóc là tiếng thở đầu tiên của con người khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Theo dân gian, còn thở là còn sống, hết thở thì không còn sống trên đời.

Thở giúp duy trì sự sống và điều hòa các hoạt động trong cơ thể. Một trong những điều đặc biệt là thở giúp làm chủ cảm xúc của con người. Vì vậy, thở đóng vai trò quan trọng về cả thể xác lẫn tinh thần cũng như các hoạt động trong cuộc sống.

Thở vốn là một phản xạ tự nhiên, vậy tại sao chúng ta phải tập thở? Hít thở sâu có lợi ích gì ạ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời:

Hít thở sâu giúp đưa một lượng oxy vào cơ thể. Khi đưa lượng oxy này vào, sự trao đổi khí trong phổi diễn ra trọn vẹn nhất. Sau khi phế nang đã được thông khí, oxy từ phế nang đi vào mao mạch phổi và CO2 từ mao mạch thoát ra ngoài.

Thở sâu giúp điều chỉnh hoạt động của hệ thống thần kinh, nội tiết cũng như giảm những căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày. Bình thường chúng ta vẫn thở, nhưng khi chú ý thì chúng ta thở chủ động. Sự chủ động này giúp bản thân chúng ta làm chủ cuộc sống, và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tập thở chữa được bệnh gì?

Bác sĩ Tấn Vũ có thể chỉ ra dấu hiệu cho thấy một người đang thở không đúng cách?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời:

Dấu hiệu thở không đúng cách gồm có:

Thứ nhất, theo quan niệm Đông y, phế chủ bì mao, tức là khi một người thở không đúng cách, làn da của người đó không sáng, không tươi nhuận.

Thứ hai, mặt của một người bừng đỏ, không làm chủ được cảm xúc của mình, dễ cáu gắt và nổi giận. Điều này là do không thở đúng cách.

Hiện nay tập thở có những trường phái nào, thưa bác sĩ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời:

Hiện nay, tập thở có rất nhiều trường phái, ví dụ thở bằng bụng; thở ngực; hít vào nâng vai lên; có người kết hợp bụng-ngực-vai; có người thở nghịch, nghĩa là hít vào ép bụng lại, khi thở ra bụng cũng nở ra; có người thở không đều nhau hoặc đều nhau...

Nhưng, chung quy lại phải thở đúng cách, nghĩa là khi thở, thanh quản phải mở mới thở đúng, những trường phái tôi vừa liệt kê chỉ là kỹ thuật, quan trọng là hơi thở đúng, giữ hơi mở thanh quản mới mang lại sức khỏe tốt cho người tập thở.

Xin bác sĩ cho biết tập thở có thể điều trị và hỗ trợ điều trị những bệnh gì ạ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời:

Thở đúng cách giúp con người làm chủ cảm xúc và khỏe mạnh hơn. Theo quan niệm Đông y, hít thở đưa khí xuống đan điền - đây là mảnh đất sản sinh ra thuốc, gọi là nội đan. Khi nội đan không điều chỉnh được mới đưa thuốc từ ngoài vào (gọi là ngoại đan).

Công phu tập luyện thở gọi là khí công. Khi khí công được luyện nhiều lần tạo thành khí lực giúp tăng cường sức mạnh và khả năng làm việc.

Do đó, tập thở giúp khỏe khắn và chống lại bệnh tật. Có một số chống chỉ định khi thở kết hợp các động tác như trồng chuối, cái cày ở người cao huyết áp. Tất cả mọi người dù khỏe mạnh hay bệnh tật đều nên tập thở chủ động tăng cường sức khỏe, cải thiện bệnh tật.

Lợi ích của tập thở trước đại dịch COVID-19

Riêng với công cuộc phòng chống dịch COVID-19, tập thở sẽ mang lại lợi ích gì, thưa bác sĩ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời:

Tập thở đúng cách góp phần nâng cao sức đề kháng. Bởi một trong những phương pháp bảo vệ bản thân trước đại dịch COVID-19 là tăng cường sức đề kháng.

Những người mắc COVID-19 đã có tổn thương phổi, sau khi phục hồi, việc tập thở sẽ cải thiện thông khí do di chứng COVID-19 để lại, đồng thời nâng đề kháng cho cơ thể. Do vậy, thở đúng cách rất hiệu quả trong việc tăng sức đề kháng cũng như các bệnh lý về sau.

Tập thở được thực hiện như thế nào?

Tập thở nên tập trong bao lâu, mỗi ngày mấy lần?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời:

Tập thở là một quá trình lâu dài, nhưng nếu phối hợp với các động tác thì mỗi ngày cần 3 lần nửa tiếng, tức là buổi sáng tập 30 phút, buổi trưa thư giãn nửa tiếng nhằm nghỉ ngơi, buổi tối 30 phút.

Việc tập thở không cần nhiều, chỉ cần đều. Liệu trình tập thở phải tính bằng tháng, bằng năm mới giúp nâng cao sức khỏe. Việc tập ào ạt, rồi sau đó bỏ tập không mang lại lợi ích sức khỏe.

Tính chất của bài tập thở có khác nhau giữa các độ tuổi không? Trẻ em có cần tập thở không? Tập thở có chống chỉ định không ạ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời:

Hầu như tất cả mọi đối tượng đều cần tập thở, ngay cả trẻ em. Tập thở giúp kiểm soát hơi thở của mình và làm chủ cảm xúc, nâng cao sức đề kháng.

Nhưng thường sau 35 tuổi người ta mới bắt đầu chú ý đến hơi thở, vì lúc này sức khỏe con người bắt đầu đi xuống. Do đó, việc tập thở sẽ kích hoạt các cơ quan khác làm chậm lại quá trình lão hóa.

Người lớn tuổi sẽ phải tập thở nhiều hơn, nhưng trẻ em lại ít chú ý vấn đề này. Nhưng nếu muốn tập thở tốt thì nên tập từ nhỏ đến lớn, bởi nó là cả một quá trình chứ không chỉ ngày một ngày hai.

Tập thở kết hợp với động tác sẽ có một số chống chỉ định. Với người khỏe hay người bệnh, việc chỉ tập thở là hết sức bình thường.

Trước khi tập thở, chúng ta có cần chuẩn bị gì, và nên chọn không gian như thế nào, thưa bác sĩ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời:

Hiện nay, không gian đô thị cộng với sự căng thẳng trong công việc ở các văn phòng đưa đến tình trạng stress và không làm chủ được cảm xúc của nhiều người.

Do đó, khi tập thở, mọi người có thể tận dụng không gian bất cứ đâu để ngồi, nhỏ nhưng phải thoáng mát, bởi tập thở là cả quá trình lâu dài. Các bạn không nên chuẩn bị công phu trước khi tập thở, vì điều này sẽ gây cảm giác chán nản trước khi tập luyện.

Khi ngồi tập thở, các bạn hít sâu vào, lắc người qua lại thật nhẹ nhàng rồi thở ra. Việc này hỗ trợ sự trao đổi khí tốt hơn.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào như trên tàu xe hay văn phòng, các bạn cũng có thể tập thở bình thường.

Trước khi vào giường ngủ, mọi người tập thở bằng cách kết hợp động tác đứng trước, sau đó vào giường ngồi, tiếp đến là nằm sấp, nằm ngửa và thư giãn, từ đó chìm vào giấc ngủ.

Buổi sáng, các bạn tập nằm ngửa trước, rồi đến nằm sấp, sau đó ngồi, đứng lên, cuối cùng là đi làm.

Mọi người phải thiết kế được việc tập thở kết hợp động tác, vừa tăng cường sức thở, vừa cải thiện độ mạnh mẽ trong cơ thể, điều này thực sự rất tốt.

Bài tập thở phù hợp với mỗi đối tượng bệnh nhân

Bác sĩ Tấn Vũ có thể hướng dẫn các bài tập thở thông thường để giúp cho tất cả mọi người đều có thể áp dụng?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời:

Các bạn có thể tập bằng cách ngồi thẳng lưng và để tay lên đầu gối, hít mạnh một hơi và lắc người qua lại khoảng 4 lần, sau đó thở mạnh ra.

Lúc hít sâu sẽ đưa nhiều oxy vào cơ thể và khi thở ra thải khí CO2 ra ngoài. Động tác lắc người giúp cho sự trao đổi khí được diễn ra một cách tốt nhất, để bạn làm chủ cảm xúc, kích hoạt các hệ thống của cơ thể.

Hoặc bạn có thể ngồi xếp bằng, hai bàn tay đan chéo rồi đưa ra phía trước và hít mạnh, tiếp theo đưa người cùng tay qua lại vài lần (lúc này cơ cổ cần phải căng cứng mới đúng kỹ thuật, cơ cổ mềm là sai), sau đó thở mạnh ra.

Tư thế nào không quan trọng, quan trọng là thở đúng mới giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.

Với những người cao huyết áp, huyết áp thấp hoặc đáo tháo đường, bệnh về đường hô hấp thì có bài tập thở nào phù hợp thưa bác sĩ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời:

Các bạn có thể tập thở bằng động tác nằm, kê mông, giơ chân và thư giãn, tuyệt đối không được căng thẳng.

Đối với huyết áp thấp, mọi người có thể tập động tác dồn máu lên não như tư thế trồng chuối, cái cày để vùng đầu khí huyết được lưu thông.

Đối với bệnh đái tháo đường, hiện nay, người ta khuyên vận động, do đó bài tập thở ở những đối tượng bệnh nhân này cũng bình thường. Tuy nhiên làm sao để cho tay chân đều tham gia quá trình vận động khi thở, mang oxy đến từng tế bào.

Với bệnh về phổi thì đặc biệt hơn, ví dụ như hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn, khi tập thở cần hít oxy vào càng nhiều càng tốt và thở CO2 ra tối đa. Động tác phù hợp gồm xem xa xem gần, co tay rút ra phía sau hoặc để tay sau gáy... là những động tác tác động vào vùng ngực, có lợi cho bệnh lý về hô hấp.

Tóm lại, tất cả mọi người đều tập như nhau nhưng đối với mỗi bệnh lý, sức khỏe, tuổi tác thì sẽ gia giảm hoặc phối hợp thêm các động tác để tăng cường sức thở.

Với các sĩ tử sắp thi đại học, tâm trạng lúc nào cũng lo lắng, căng thẳng, vậy liệu có bài tập thở nào giúp hỗ trợ tốt hơn cho sức khỏe của các bạn không BS?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời:

Hiện nay, stress là chất muối làm thi vị cuộc đời, cuộc đời không stress thì cuộc đời vô vị, cũng như ăn mà không có muối thì không ngon.

Tuy nhiên, stress ít thì không ảnh hưởng lớn, nhưng stress nhiều quá như áp lực công việc, học tập, thi cử thì sẽ có những bài tập chú ý đến vấn đề hít thở sâu.

Ví dụ như các bạn đứng lên, tay vịn vào ghế hoặc lan can và hít thở sâu, tự nhiên sẽ có cảm giác như một luồng khí huyết lưu thông toàn cơ thể làm cho mình vượt qua được căng thẳng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X