BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ: Sử dụng máy điện xung trong những trường hợp nào?
Vừa qua, một nữ bệnh nhân 50 tuổi ở Thái Nguyên tử vong sau khi dùng máy điện trị liệu để chữa đau lưng, thoái hóa đốt sống lưng. AloBacsi đã có buổi trao đổi với BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên ĐH Y Dược TPHCM, bác sĩ điều trị tại BV ĐH Y Dược TPHCM cơ sở 3 về máy điện xung cũng như ứng dụng điều trị của thiết bị này trong vật lý trị liệu.
Xung động điện là dòng điện tồn tại trong một khoảng thời gian rất ngắn. Nhiều xung động điện liên tiếp nhau tạo nên dòng điện xung. Đây là hiện tượng vật lý được ứng dụng hiệu quả trong điều trị.
Nguyên lý hoạt động của máy điện xung trong khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời:
Máy điện xung sử dụng trong Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng dựa trên các nguyên lý:
Thứ nhất, dựa trên các phản ứng của cơ thể đối với máy đó như thế nào.
Thứ hai, điện xung tác động đến cơ thể ra làm sao. Có nhiều ngưỡng để đạt hiệu quả điều trị của máy khi tác động vào cơ thể, chẳng hạn như ngưỡng cảm giác. Khi xung đến cường độ nào đó đạt được cảm giác tê bì như kim châm hay ngưỡng rung làm cho cơ cử động, ngưỡng co cơ làm cơ bó chặt hoặc ngưỡng đau khi điện xung.
Tuy nhiên, muốn mang lại hiệu quả điều trị cần phải đạt được trên ngưỡng cảm giác và dưới ngưỡng đau.
Khi điện xung tác động đến cơ thể sẽ tạo ra tạo ra hai tác dụng: kích thích gây hưng phấn và ức chế làm giảm hưng phấn thần kinh.
Do đó, khi đưa điện xung vào cơ thể, dưới tác dụng sinh học sẽ tạo hưng phấn và ức chế, tác động vào dây thần kinh vận động, cảm giác và giao cảm. Những điều này phải hài hòa để đáp ứng mong muốn điều trị của người thầy thuốc.
Máy xung điện hỗ trợ điều trị trong đau mỏi lưng, gáy.
Những bệnh gì có thể sử dụng máy điện xung để điều trị?
Máy điện xung có 2 cơ chế, là kích thích tạo ức chế và kích thích tạo hưng phấn.
Nếu kích thích tạo ức chế sẽ giúp:
- Giảm đau do chấn thương, các viêm mạn tính không do vi khuẩn như viêm khớp dạng thấp, viêm rễ - dây thần kinh như hội chứng cổ - vai - cánh tay, hội chứng thắt lưng - hông, đau thần kinh liên sườn, giảm đau trong bệnh zona.
- Giảm co rút cơ: liệt cứng trong tổn thương thần kinh trung ương.
- Giảm phù nề do chấn thương.
- Điều hòa rối loạn tuần hoàn ngoại vi (do lạnh, ứ trệ tĩnh mạch, bệnh Reynaud, chấn thương...).
- Giảm viêm trong các viêm không có nhiễm khuẩn.
Kích thích điện xung tạo hưng phấn giúp:
- Hồi phục dẫn truyền thần kinh bị tổn thương. Kích thích tăng cường sức cơ và trương lực cơ (nở cơ) trong các bệnh lý teo cơ, bại liệt, liệt do tổn thương thần kinh ngoại vi.
- Kích thích cơ vân và cơ trơn bị bại liệt: các trường hợp giảm trương lực cơ, giãn dạ dày, rối loạn vận động bàng quang, táo bón do hội chứng ruột kích thích...
Khi nào một người bị đau lưng có chỉ định dùng máy điện xung?
Muốn sử dụng điện xung phải được bác sĩ khám, đánh giá, tiên lượng, tư vấn và có chỉ định. Sau khi loại trừ các yếu tố không được điều trị ung thư, khối u, lao xương, lao khớp…, chỉ còn đau lưng thông thường như đau cơ vân do tư thế hay vận động sai lệch, lúc đó bác sĩ sẽ chỉ định điện xung.
Điện xung trong điều trị đau lưng là ức chế để giảm đau và góp phần phục hồi chức năng vùng lưng. Thời gian sử dụng từ 10-20 phút tùy theo chỉ định của bác sĩ.
Các phương pháp điều trị đau lưng ngoài việc dùng máy điện xung
Điều trị đau lưng có khá nhiều phương pháp. Trong vật lý trị liệu, ngoài máy điện xung còn có thể sử dụng xung kích trị liệu, tức là sử dụng các loại sóng để bắn và phá vỡ các phần cứng trong cơ, tạo vi tuần hoàn của các mạch máu trong cơ lưng.
Laser trị kiệu, kéo nắng trị liệu, vận động trị liệu hoặc siêu âm trị liệu, xoa bóp trị liệu cũng hỗ trợ điều trị đau lưng.
Trong y học cổ truyền, ngoài dùng thuốc còn có xoa bóp bấm huyệt, châm cứu và tập luyện trị liệu.
Rất nhiều phương pháp điều trị đau lưng.
Những người nào tuyệt đối không được dùng máy điện xung?
Máy điện xung ngoài lợi ích trong quá trình điều trị thì cũng có một số vấn đề cần lưu ý. Đó là trường hợp ở bệnh nhân bị chảy máu, hay có nguy cơ đe dọa chảy máu thì không được điều trị máy điện xung.
Bệnh nhân lao xương, lao khớp; có ổ nhiễm khuẩn, nhiễm trùng cấp; có khối u, dù là u lành hoặc u ác cũng tuyệt đối không được đặt máy điện xung.
Bên cạnh đó, những bệnh nhân có viêm tắc động mạch, tĩnh mạch hay người mang máy tạo nhịp tim cũng không có chỉ định điều trị bằng máy điện xung.
Tuy nhiên, cũng có một số chỉ định mang tính chất tương đối, ví dụ như trẻ em, người bệnh tâm thần, bệnh lý ngoài da, đặc biệt phụ nữ có thai cũng hạn chế thấp nhất việc sử dụng máy điện xung trong vùng bụng cũng như vùng lưng.
Bệnh nhân mang máy tạo nhịp tim là một trong những đối tượng chống chỉ định khi sử dụng máy điện xung.
Sử dụng máy điện xung có tác dụng ngoài ý muốn nào không?
Việc sử dụng máy điện xung cũng có một số tác dụng ngoài ý muốn nếu không có sự chỉ định hợp lý hoặc bảo quản máy tốt.
Thứ nhất, điện giật: Thường do máy hỏng làm rò điện nguồn ra điện cực điều trị. Phải cắt ngay điện nguồn, tùy tình trạng bệnh nhân mà có biện pháp xử trí, nếu ngừng tim phải cấp cứu theo phác đồ ngừng tuần hoàn. Phải tuân thủ đúng quy trình điều trị, trước khi điều trị phải kiểm tra tính an toàn của máy.
Thứ hai, cảm giác bị điện giật: Do chiết áp bị lỏng hoặc thao tác điều trị không đúng làm thay đổi cường độ dòng điện đột ngột. Do đó phải, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, kiểm tra máy trước khi điều trị để đảm bảo an toàn. Nhắc nhở bệnh nhân về cảm giác khi điều trị và không chạm vào vật dẫn điện.
Thứ ba, dị ứng với dòng điện: Da tại vùng đặt điện cực đỏ, nổi mẩn phải ngừng điều trị, đôi khi dị ứng do điện cực vải quá bẩn. Vì vậy, cần giặt sạch, luộc hấp khử khuẩn điện cực vải.
Thứ tư, bỏng: ít xảy ra, chỉ gặp với dòng điện xung một chiều, thời gian có xung dài và điện cực kim loại tiếp xúc trực tiếp với da bệnh nhân.
Do đó, bệnh nhân phải được bác sĩ khám tư vấn. Một số bệnh nhân mắc các bệnh nền như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim,… nếu không được đánh giá trước, khi thực hiện điện xung sẽ vô tình tạo sự kích thích mạnh làm tăng huyết áp gây đột quỵ, đột tử… Vì vậy, khi điện xung, bệnh nhân cần phải được thực hiện ở cơ sở y tế để khi có những dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ ngưng làm và cấp cứu kịp thời.
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ - Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày Bệnh viện Đại Học Y Dược TPHCM, Cố vấn chuyên môn Vật lý triệu liệu phục hồi chức năng - Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế S.I.S Cần Thơ.
Nếu bệnh nhân mua máy điện xung về nhà, việc chọn mua và sử dụng phải lưu ý những vấn đề gì?
Lưu ý thứ nhất: máy còn trong hạn bảo hành không, cách sử dụng máy như thế nào.
Lưu ý thứ 2: chú ý vấn đề điện của máy, nguồn cắm, chỉ định của máy có phù hợp với bệnh lý và thời gian bao lâu, 1 ngày bao nhiêu lần, đến giai đoạn nào không nên sử dụng,… vì nhiều quá hoặc ít quá cũng không tốt.
Tốt nhất người bệnh nên điều trị ở cơ sở y tế được Nhà nước cho phép hoặc theo sự chỉ định của bác sĩ.
Về trường hợp bệnh nhân nữ ở Thái Nguyên tử vong sau khi dùng máy điện xung, theo BS, cần làm rõ những vấn đề gì trong câu chuyện này?
Tôi vẫn thường nói con người chỉ có một, sức khỏe cũng chỉ có một, hãy giao sức khỏe của bạn cho thầy thuốc, đừng giao cho máy móc hoặc một người không có chuyên môn.
Hiện nay, việc sử dụng tràn lan các dụng cụ, máy móc để tăng cường sức khỏe thực sự không có lợi, cũng như máy điện xung cần lưu ý phải có người theo dõi sát trong quá trình sử dụng, vì nếu sử dụng vượt quá ngưỡng cảm giác sẽ gây đau đớn hoặc sốc, gây nguy hiểm tính mạng.
Do đó hiệu quả điều trị phải trên ngưỡng cảm giác và dưới ngưỡng đau.
Bên cạnh đó, bác sĩ phải thăm hỏi bệnh nhân xem có bệnh nền hay không, ví dụ: bệnh nhân bị cao huyết áp, khi kích thích sẽ gây tăng huyết áp hoặc nhồi máu cơ tim, điều này vô tình đẩy nhanh diễn tiến bệnh nặng hơn.
Chính vì vậy, tôi khuyên các bạn việc sử dụng máy điện xung nên được thực hiện ở cơ sở y tế và cơ sở y tế này phải được Nhà nước cho phép mới đủ yếu tố pháp lý để điều trị bệnh.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình