Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Nguyễn Cao Viễn: Liệt đám rối thần kinh cánh tay có phục hồi được không?

Sau buổi tư vấn về cách phục hồi liệt mặt, vị "cứu tinh của người bị liệt" - BS.CK1 Nguyễn Cao Viễn trở lại với chương trình tư vấn của AloBacsi để chia sẻ về các phương pháp điều trị liệt tay (do liệt đám rối thần kinh cánh tay).

BS.CK1 Nguyễn Cao Viễn giới thiệu về phẫu thuật phục hồi thần kinh tay, khi nào nên phẫu thuật, cách thức tập luyện sau phẫu thuật và thời gian hồi phục được tính thế nào...


NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Xin BS cho biết, các nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng liệt đám rối thần kinh cánh tay ạ? Và nguyên nhân nào thường gặp nhất?

Trong vấn đề liệt đám rối thần kinh cánh tay vấn đề phổ biến nhất nhất là liệt do tai nạn giao thông, do tai nạn sinh hoạt, do hung khí như kéo dao đâm gây tổn thương. Trong đó, liệt đám rối cánh tay hay còn gọi là liệt tay do nguyên nhân do tai nạn giao thông ở Việt Nam chiếm tỷ lệ rất cao.


2. Mức độ liệt đám rối thần kinh cánh tay được chia ra như thế nào, thưa BS?

Liệt đám rối thần kinh cánh tay phân ra 2 mức độ liệt hoàn toàn và liệt không hoàn toàn.

- Liệt không hoàn toàn: được phân ra thành nhiều phân loại nhỏ trên lâm sàng và thường phân thành 2 loại thường gặp là liệt ở thân nhất trên (liệt C5C6 thuần túy) và liệt thân nhất dưới (liệt C8 và T1 thuần túy).

Tuy nhiên đám rối thần kinh cánh tay có 5 sợi thần kinh kinh C5, C6, C7, C8 và T1. C5, C6 cho ra phần thân nhất trên, C7 cho ra thân nhất giữa, C8 và T1 cho ra thân nhất dưới. Và cũng chính vì vậy mà thường các kiểu liệt đám rối thần kinh không hoàn toàn có thể phần thêm là liệt rễ C5 C6 C7 hoặc liệt rễ C5 C6 C7 và một phần rễ C8 và D1.

Liệt không hoàn toàn tức là một trong những sợi của đám rối thần kinh cánh tay này vẫn còn hoạt động nhưng đa phần thường gặp ở liệt không hoàn toàn là liệt thân nhất trên C5 C6, thân nhất giữa C7 và 1 phần thân nhất dưới C8 T1 ít khi liệt đơn thuần. Liệt không hoàn toàn thông thường được chia làm 3 cấp độ như vậy.

- Liệt hoàn toàn là liệt toàn bộ đám rối thần kinh cánh tay tức là là liệt C5, C6, C7, C8 và T1.

3. Khi xác định bệnh nhân bị liệt tay do tổn thương dây thần kinh, việc phẫu thuật được khuyến cáo tiến hành khi nào? Phẫu thuật này có khái niệm “thời gian vàng” hay không ạ?

Trường hợp thứ nhất là vấn đề khi nào phẫu thuật sớm, khi nào phẫu thuật trễ, thời gian nào là thời gian vàng quyết định phẫu thuật thành công. Đa phần nếu một vết thương bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay gây liệt tay thì ta nên phẫu thuật liền vì nếu không can thiệp liền mà để một thời gian mới phẫu thuật, vết thương của bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng xơ dính, và việc tìm lại dây thần kinh bị tổn thương rất khó khăn. Khi bị vết thương dây thần kinh mới đứt mà nối kịp thời thì khả năng phục hồi rất cao, hầu như trả lại hết chức năng vận động cho người bệnh.

Hình ảnh minh họa bó cơ đám rối thần kinh cánh tay

Trường hợp thứ hai, sau khi bệnh nhân ngã đập vai xuống, đó là tổn thương kín không gây hở ở thì bệnh nhân cũng bị liệt đám rối thần kinh cánh tay. Trong giai đoạn này nếu không xác định được tổn thương đứt hoàn toàn hay do căng giãn thì thì chúng ta phải chờ đợi từ 3 đến 5 tháng, trên 5 tháng thần kinh hư khá nhiều. Chính vì vậy đó cũng là thời gian vàng để chúng ta quyết định sự thành công cho cuộc mổ liệt đám rối thần kinh cánh tay.


4. Trong thời gian trì hoãn phẫu thuật, việc dùng các phương pháp như châm cứu, vật lý trị liệu có ý nghĩa thế nào với việc phẫu thuật và kết quả hồi phục, thưa BS?

Đây là một vấn đề rất quan trọng vì nếu bị liệt tay hay liệt đám rối thần kinh cánh tay có vết thương thì bệnh nhân đã làm phẫu thuật ngay sau đó và phục hồi tốt nếu được tập vật lý trị liệu đúng. Còn trong thời gian chờ đợi phẫu thuật, bắt buộc tất cả các người bệnh phải tập vật lý trị liệu cũng như châm cứu. kích thích điện, massage xoa bóp cơ.

Đó là điều bắt buộc vì nếu bệnh nhân không tập vật lý trị liệu các cơ khớp có thể bị xơ cứng lại, dẫn đến cơ khớp bị hư hoặc trong thời gian đó các cơ sẽ bị thoái biến theo thời gian.

Chính vì vậy trong thời gian chờ đợi quyết định phẫu thuật bắt buộc bệnh nhân phải tập vật lý trị liệu, kích thích điện và các thuốc hỗ trợ thần kinh cũng như tập về các vấn đề vật lý trị liệu cơ xương khớp để tránh trường hợp cứng khớp và thoái biến xơ cứng cơ là điều rất cần thiết.

Tại sao phải trì hoãn phẫu thuật và bệnh nhân phải chờ đợi từ 3 - 5 tháng? Bởi trong thời gian đó đám rối thần kinh cánh tay có thể chỉ bị giãn chứ không đứt hoàn toàn. Bệnh nhân sẽ bị mất tín hiệu và không vận động được vai không vận động được cánh tay nhưng sau đó từ 3 - 5 tháng những sợi thần kinh bị giãn hoặc mất tín hiệu tạm thời sẽ hồi phục và việc đánh giá đó dựa vào các cơ gần nhất được thần kinh chi phối sẽ hồi phục, do có sự tái lập lại của axon thần kinh mới sẽ mọc ra hoặc phục hồi lại những dấu hiệu của thần kinh do bị căng giãn mất tín hiệu tạm thời và nối những đoạn thần kinh tổn thương đó thì cơ sẽ hoạt động trở lại. Và nếu phẫu thuật ở giai đoạn này trên bệnh nhân không xác định chẩn đoán rõ ràng thì khá uổng bởi có thể cắt và phá hủy những thần kinh đang hồi phục.

Những cơ phục hồi gần nhất nhất là cơ trên gai và cơ dưới gai, đây là nhóm cơ cử động dang vai do nhánh thần kinh trên vai thuộc thân nhất trên C5 C6, vì vậy bệnh nhân có thể cử động dang tay ra khi bắt đầu có những tín hiệu hồi phục thần kinh.

Tuy nhiên nếu để từ 6 tháng trở đi khi không có dấu hiệu hồi phục nào của đám rối thần kinh mà vẫn chưa phẫu thuật thì khả năng phục hồi của người bệnh rất thấp, bởi giai đoạn nay cơ bắt đầu đã có dấu hiệu thoái biến, bắt đầu có hiện tượng xơ dính nếu trước đó không được tập vật lý trị liệu. Và khi bắt đầu chuyển dây thần kinh nơi xa từ vai (thần kinh 11) hoặc thần kinh hoành tới cánh tay hoặc chuyễn rễ C7 đối bên đến cánh tay thì khi thần kinh hồi phục tới đó, cơ đã bị thoái biến, bị hư và không thể phục hồi được. Giống như chúng ta trồng một cái cây trên đá mà không có đất thì cây không thể phát triển được. Lúc này chức năng chuyển ghép thần kinh sẽ hồi phục không tốt. Và đa phần những trường hớp này phải chuyển cơ để phục hồi.

 
5. Hiện nay phẫu thuật phục hồi thần kinh cánh tay có những phương pháp, kỹ thuật nào, thưa BS?

Phẫu thuật thần kinh cánh tay chủ yếu là nối, ghép và chuyển đổi dây thần kinh. Ngoài ra có chuyển cơ để phục hồi chức năng.

Nếu vết thương mới, xác định dây thần kinh đứt thì chúng ta phải nối lại. Nếu tổn thương cũ, dây thần kinh đứt bị thoái hóa một đoạn dài, chúng ta có thể phải ghép lấy một đoạn thần kinh ở nơi khác tới để làm mảnh ghép từ nơi thần kinh cho (thần kinh hoành, thần kinh 11, thần kinh liên sườn, thần kinh C7 đối bên, thần kinh 11 dối bên) đến nới thần kinh nhận (thần kinh trên vai, thần kinh nhị đầu, thần kinh thân nhất trên hoặc thần kinh bó ngoài).

Chẳng hạn như thần kinh thường sử dụng để làm mảnh ghép nhất đó là thần kinh bì cẳng chân (thần kinh Sural).

Và một mảnh ghép nữa cũng thường được sử dụng đó là mảnh ghép thần kinh trụ và khi lấy phải kèm theo mạch máu để nối ghép để nuôi thần kinh. Chỉ định lấy mảnh ghép này trong trường hợp phải sử đung rễ thần kinh C7 đối bên vì các thần kinh nơi cho gần nhất (thần kinh 11, thần kinh hoành, thần kinh liên sườn) bị tổn thương hết để nối vào thần kinh nhận (nơi cơ bị tổn thương).

Và phương pháp nữa đó là chuyển cơ trong điều trị liệt muộn, cơ bị hư nhiều và nối ghép thần kinh không có hiệu quả.

Đó là 3 phương pháp thường hay sử dụng nhất để phục hồi đám rối thần kinh cánh tay.

Tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến liệt tay.

6. Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật cho mỗi người dựa vào những yếu tố nào?

Việc phẫu thuật cho từng người bệnh phải dựa vào chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng.

Về lâm sàng:

- Thứ nhất, chúng ta phải đánh giá xem chức năng nào bệnh nhân đang có và chức năng nào bị mất. Chẳng hạn liệt một phần thì bệnh nhân có thể mất cử động dang vai, mất cử động gấp khuỷu nhưng các cử động gấp duỗi cổ tay vẫn còn, duỗi cẳng tay (duỗi khuỷu) vẫn còn. Hoặc liệt một phần: không có cử động gấp khuỷu, không có cử động dang vai, không có cử động duỗi cổ tay và duỗi khuỷu tay, chỉ nắm các ngón. Liệt toàn bộ thì mất toàn bộ các cử động của cánh tay cổ tay và bàn tay. Việc khám lâm sàng trong liệt đám rối thần kinh rất quan trọng.

- Thứ hai, chúng ta phải đánh giá chức năng của các thần kinh nơi cho như thế nào bởi đây là quyết định thành công cho ca mổ cũng như tiên lượng hồi phục sau mổ. Chẳng hạn đánh giá thần kinh 11 là động tác nâng vai lên hoặc thần kinh hoành, thần kinh liên sườn là thần kinh chủ yếu về hô hấp hít thở, thần kinh 11 đối bên hoặc thần kinh C7 bên này tốt hay không. Nếu thần kinh nơi cho yếu thì khả năng khi chuyển ghép thần kinh phúc hồi rất kém.

Về cận lâm sàng:

- Đây là yếu tố thứ ba giúp quyết định phẫu thuật sớm hay trễ, giúp tiên lượng và đánh giá một số tổn thương phối hợp liên quan tới phẫu thuật. Các cận lâm sáng thường dùng như:

+ MRI xem rõ có hình ảnh thương nhổ rễ, hay đứt, hay căng giãn thần kinh.

+ X-quang cột sống cổ 4 tư thế để xem có tổn thương gãy cột sống cổ hay không, gãy các mỏm ngang hay không.

+ X-quang ngực chụp phổi để xem có bị liệt hoành hoặc có bị gãy các xương sườn xung quanh hay không.

+ Đo chức năng hô hấp để quyết định có nên lấy thần kinh hoành hoặc thần kinh liên sườn, nếu người bệnh hô hấp yếu thì không thể nào lấy các thần kinh liên quan tới chi phối cho hô hấp.

Chính vì vậy phải tùy thuộc vào tổn thương về lâm sàng và cận lâm sàng của người bệnh thì mới đưa ra phương pháp yếu tố để lựa chọn kỹ thuật.

BS.CK1 Nguyễn Cao Viễn

7. Riêng kỹ thuật chuyển dây thần kinh từ xa bằng kỹ thuật vi phẫu được áp dụng trong trường hợp nào? Chuyển gân, ghép cơ thì áp dụng khi nào ạ?

Chuyển gân được thực hiện trong hai trường hợp:

- Trường hợp thứ nhất: liệt thần kinh đến muộn, cơ đã tổn thương, thoái biến, không thể chuyển ghép thần kinh phục hồi. Đối với chuyển gân cơ, thường bệnh nhân được chuyển gân để phục hồi chức năng, bác sĩ cũng đánh giá gân nào còn, chức năng của gân đó hiện tại tốt hay không. Vì khi chuyển gân, chuyển cơ thì cơ chuyển qua phải đạt sức cơ nhất định thì chuyển qua mới đạt được hiệu quả.

- Trường hợp thứ hai: những bệnh nhân sau khi chuyển thần kinh đã phục hồi thì lấy phần gân cơ đã phục hồi đó chuyển cho các chức năng bị mất mà chức năng cũ của người bệnh cũng không ảnh hưởng.

Vấn đề chuyển ghép cơ tự do:

Khi chuyển gân cơ tại chỗ không phục hồi được mới đặt ra vấn đề ghép cơ, chủ yếu thường dùng phương pháp ghép cơ thon tự do có nối mạch máu và thần kinh để khuỷu tay có thể gấp lại được.


8. Cơ quan “cho dây thần kinh” có bị ảnh hưởng nhiều không, thưa BS?

Thông thường khi lấy một thần kinh vận động nơi cho đưa đến nơi bị liệt không ảnh hưởng nhiều đến chức năng hiện tại của bệnh nhân. Ví dụ như cắt và chuyển dây thần kinh 11 cho thần kinh nơi nhận thì sau đó bệnh nhân nâng vai vẫn được, không bị yếu nhiều vì chúng ta chỉ lấy một nhánh.

Hoặc lấy thần kinh hoành hoặc thần kinh liên sườn thì chức năng hô hấp của người bệnh cũng không ảnh hưởng gì nhiều.

Lấy thần kinh C7 đối bên thì việc gấp duỗi khuỷu tay của bệnh nhân vẫn được.

Nói chung, sẽ không hi sinh quá lớn để ảnh hưởng đến chức năng của người bệnh hiện tại quá nhiều mà vẫn đạt được hiệu quả nhất định để phục hồi cho những bệnh nhân bị liệt tay.


9. Với một bệnh nhân bị liệt tay sau tai nạn giao thông thì sẽ trải qua bao nhiêu lần phẫu thuật để có thể phục hồi thần kinh cho cánh tay, thưa BS?

Tùy vào thể loại liệt và sự phục hồi của từng bệnh nhân sẽ quyết định số lần phẫu thuật có những trường hơp chỉ mổ một lần duy nhất nhưng có những trường hợp phải mổ 4-5 lần. Ví dụ như:

Những phương pháp phục hồi cho bệnh nhân liệt đám rối thần kinh cánh tay. Ảnh minh họa

- Trường hợp liệt thân nhất trên (liệt C5, C6) là liệt không hoàn toàn của đám rối thần kinh cánh tay thì chúng ta phẫu thuật một lần duy nhất. Một bệnh nhân có thể phục hồi lại chức năng gần như hoàn toàn bởi vì liệt C5, C6 chỉ bị mất vận động dang cánh tay và gấp khuỷu tay nên chỉ cần trải qua một lần phẫu thuật. Tuy nhiên nếu lần phẫu thuật đó chức năng của cơ không tốt, sau này bệnh nhân phải bổ trợ thêm một cơ khác, nhưng cũng rất ít trường hợp gặp phải tình trạng trên.

- Trường hợp phẫu thuật liệt C5, C6, C7, C8 và T1 thể gấp được khuỷu tay thì đa phần bệnh nhân phải trải qua 2 lần phẫu thuật: lần thứ nhất là phục hồi gấp khuỷu tay và dang vai, lần thứ hai là phục hồi duỗi cổ tay.

- Nếu liệt hoàn toàn, bệnh nhân đa phần phải trải 4 lần phẫu thuật: lần đầu tiên là phục hồi gấp khuỷu và dang tay. Lần thứ hai phục hồi đóng cứng khớp tạo đối ngón. Lần thứ ba thực hiện chuyển gân cơ để phục hồi nắm các ngón tay. Lần thứ tư để duỗi một phần ngón tay, bàn tay.
Nói chung tùy vào mức độ liệt và tùy vào dạng liệt: hoàn toàn hay liệt không hoàn toàn để bệnh nhân có thời gian phục hồi khác nhau.

Không phải phải trường hợp nào bị liệt cũng phải trải qua rất nhiều lần phẫu thuật, tuy nhiên có một số trường hợp sau khi chuyển thần kinh mà cơ teo nhiều, có phục hồi nhưng không đạt được kết quả như mong muốn thì thì phải chuyển ghép một cơ phụ để bệnh nhân phục hồi tốt hơn.


10. Quá trình phục hồi thần kinh có đặc trưng và khó khăn riêng như thế nào so với phục hồi xương và cơ, thưa BS?

Nói một cách ví von xương giống như một khung xe máy, mạch máu giống như xăng nhớt, thần kinh giống như điện, để vận động được thì dây thần kinh (dây điện) phải có có điện thì mạch máu mới hoạt động được để nuôi các cơ.

Vấn đề phục hồi thần kinh không khác gì xương khớp nhưng mức độ lành của thần kinh chậm hơn. Bên cạnh đó, cảm giác của người bệnh khi không vận động được rất khó chịu, cho nên việc phục hồi thần kinh bao giờ cũng lâu hơn xương khớp.

Tuy nhiên, cũng không phải lâu hoàn toàn vì có những trường hợp cơ quan bị đứt ngay tại vùng cơ đó thì việc nối cơ sẽ phục hồi rất nhanh.


11. Dường như có khá nhiều bệnh nhân tỏ ra sốt ruột khi chờ đợi cánh tay mình cử động trở lại. Nhờ BS nói kỹ về tốc độ phục hồi thần kinh, thời gian hồi phục được tính như thế nào?

Đa phần những người bị liệt có cường độ làm việc rất cao, đột nhiên bị tai nạn khiến cánh tay bị tàn phế. Đầu tiên, họ khó chấp nhận sự thật trên cơ thể của mình, cánh tay của mình đang bị liệt, họ sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý, nhất là những người làm chủ gia đình, có thể bị trầm cảm, chưa kể bị gia đình bỏ mặc hay nơi làm việc từ chối.

Người bệnh không biết khi nào mình sẽ hồi phục lại, nhưng bác sĩ muốn nhắn nhủ với các bạn là phải chấp nhận hiện tại để hướng tới việc điều trị phục hồi với thời gian tương đối lâu, không phải tính bằng tháng mà có thể tính bằng năm.

Khi phẫu thuật phục hồi liệt thần kinh thì thường thần kinh mọc qua chỗ nối mất 45 ngày, sau khi qua được chỗ nối sẽ đi được 0,5mm - 1mm một ngày và bệnh nhân có thể đoán được ngày hồi phục.

Tuy nhiên nếu tập luyện chăm chỉ, kích điện, massage cơ, xoa bóp cơ, dùng thêm thuốc hỗ trợ thần kinh như nhóm vitamin để tăng cường thêm cho cơ thì mức độ phục hồi nhanh hơn.

Phục hồi thần kinh bị liệt giống như nuôi một đứa trẻ trong gia đình, người trong nhà sẽ không nhận ra trẻ lớn lên từng ngày và chỉ những người ngoài lâu lâu tới thăm mới thấy sự lớn lên của đứa trẻ.

Cũng như vậy, những người bị liệt sẽ không nhận thấy và cũng không cảm nhận được những sự phục hồi của thần kinh từng ngày. Và đối bệnh nhân liệt đám rối thần kinh cánh tay cũng vậy, chỉ bác sĩ phẫu thuật mới hiểu rõ và thấy được sự phục hồi của thần kinh. Bởi vì khi bệnh nhân tái khám lại sau 3-4 tháng, bác sĩ dễ dàng nhận thấy và đánh giá mức độ phục hồi của họ thông qua quan sát một số nhóm cơ cử động mà ngay cả bản thân người bệnh cũng không để ý thấy vì giai đoạn đầu rất khó nhận biết.

Vì vậy, phải tái khám đúng hẹn để bác sĩ đánh giá đúng tình trạng hồi phục và những vấn đề chưa hồi phục để có hướng giải quyết phù hợp. Còn để bệnh nhân tự mình đánh giá và không khám lại sẽ rất khó cảm nhận và họ thường chán nản, mất phương hướng, rồi hoài nghi về khả năng hồi phục của mình.


12. Nhờ BS hướng dẫn bài tập vận động sau phẫu thuật cho người bị liệt tay?


Không có một bài tập chung cho tất cả các trường hợp liệt tay, mà tùy vào việc ghép nối thần kinh từ nơi cho của cơ nào chuyển đến thần kinh nơi nhận cho cơ nào mà bệnh nhân sẽ được hướng dẫn bài tập phù hợp.


Ảnh minh họa

Ví dụ:

- Khi lấy thần kinh 11 phục hồi dang vai thì đầu tiên bệnh nhân phải nâng vai lên và trong đầu phải nghĩ mình dang tay ra. Mặc dù tay vẫn chưa dang lên được nhưng phải suy nghĩ đến việc dang tay. Sau này khi thần kinh cơ hồi phục thì bệnh nhân chỉ cần suy nghĩ mình dang tay lên, bệnh nhân sẽ làm được. Bởi mình đã thay đổi chức năng đó ngay trên bộ não.

- Nếu chuyển thần kinh hoành vào thần kinh trên vai để phục hồi cho dang vai, việc đầu tiên bạn tập không phải nâng vai nữa mà tập hít thì mới nâng vai được. Bạn phải hít và nghĩ mình phải dang tay ra, dang vai ra. Sau một thời gian thần kinh vận động phục hồi thì bạn chỉ cần suy nghĩ việc dang vai ra.

- Nếu chuyển thần kinh liên sườn vào thần kinh cơ nhị đầu phục hồi gấp khuỷu, việc đầu tiên bạn cũng phải hít thở và suy nghĩ gấp khuỷu tay lại. Khi thần kinh hồi phục chạy qua qua cơ nhị đầu thì bạn chỉ cần suy nghĩ gập lại và khuỷu tay có thể gấp lại mà không cần phải hít thở. Nếu không tập khi hít thở và suy nghĩ để gập thì sau khi hồi phục, muốn gấp khuỷu người bệnh phải hít thở mới gấp được.

- Nếu lấy thần kinh C7 đối bên chuyển vào thân nhất trên hoặc bó ngoài của đám rối, việc đầu tiên muốn hồi phục là phải tập duỗi khuỷu tay và suy nghĩ những động tác của cơ đích thì mới hồi phục và vân động theo ý muốn được.

Tập luyện là tập động tác của cơ quan cho nhưng phải suy nghĩ nơi cơ quan nhận tập, động tác bình thường của nơi nhận thì mới đạt được kết quả tốt. Nếu tập mà không suy nghĩ thì sau này muốn làm động tác đó theo ý muốn sẽ rất khó.

Ngoài ra, còn một bài tập vật lý trị liệu chung là bạn phải xoa bóp cơ, kích thích điện để tránh trường hợp dính cơ và tránh thoái biến cơ, tránh co cứng khớp trong thời gian đợi thần kinh hồi phục. Điều này cũng rất quan trọng để khi hồi phục cơ các khớp hoạt động được.


13. Nếu kiên trì và chăm chỉ tập luyện thì sau bao lâu tính từ ca phẫu thuật đầu tiên, bệnh nhân có thể làm việc trở lại? Chức năng sẽ hồi phục cao nhất là khoảng bao nhiêu % ạ?

Khả năng hồi phục tùy vào dạng tổn thương của đám rối thần kinh. Ví dụ như:

- Nếu bệnh nhân bị tổn thương thân nhất trên C5, C6 tức là bị tổn thương một phần của đám rối thần kinh cánh tay thì người bệnh có thể phục hồi gần như hoàn toàn sau phẫu thuật chuyển ghép thần kinh. Và kỹ thuật này được mô tả như sau: Chuyển thần kinh 11 và thần kinh dang vai, chuyển một phần vận động thần kinh trụ và thần kinh giữa vào thần kinh cơ nhi đầu và cơ cánh tay để hồi phục gấp khuỷu, chuyển thần kinh nách vào thần kinh mũ chi phối cho cơ delta.

Bài tập cho bệnh nhân liệt C56. Ảnh minh họa

- Còn nếu bệnh nhân liệt C5, C6, C7 và một phần C8 và T1 thì bệnh nhân cũng cử động được gấp khuỷu và dang vai ra. Sau đó phải chuyển thêm một lần cơ nữa bệnh nhân mới trở lại cuộc sống gần như hoàn toàn.

Bài tập cho bệnh nhân liệt C567, một phần C8 và T1. Ảnh minh họa

- Nếu liệt toàn bộ, phẫu thuật chuyển thần kinh chỉ là gấp khuỷu, và dang vai sau đó mới chuyển gân cơ phục hồi các cử động còn lại.

Tuy nhiên một số nghiên cứu ở nước ngoài, khi liệt toàn bộ, họ lấy rễ thần kinh C7 đối bên này chuyển sang bên tổn thương với mong muốn hồi phục gấp khuỷu dang vai và gập các ngón tay cùng trong một lần nhưng điều này hết sức khó vì không thành công cao lắm.

Vấn đề chuyển ghép thần kinh cơ bản nhất: ở đây phải ưu tiên dùng các thần kinh nơi cho gần nhất, nối thần kinh gần nhất, vì như vậy khi thần kinh hồi phục thần kinh cơ sẽ vẫn còn và chưa thoái biến. Còn khi các thần kinh cho nơi gần hư hết mới sử dụng thần kinh cho ở xa, nơi đối bên thì mức độ phần trăm phục hồi của người bệnh tùy vào dạng liệt, thái độ tập luyện và ý chí của người bệnh, sẽ đưa lại phục hồi chức năng khác nhau.

Liệt một phần và thời gian phẫu thuật sớm dưới 6 tháng, chức năng cơ tốt có thể phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên liệt toàn bộ chỉ đưa lại một phần chức năng gấp khuỷu và dang vai, sau này có thể nắm được các ngón tay, trường hợp này không hi vọng phục hồi hoàn toàn.


~~~~~~~~
Hy vọng qua những chia sẻ của BS.CK1 Nguyễn Cao Viễn sẽ giúp quý vị hiểu rõ hơn về liệt tay, nguyên nhân, cách điều trị và phương pháp phòng tránh. Thay mặt bạn đọc, xin chân thành cảm ơn bác sĩ!.

Nếu có thắc mắc về sức khỏe, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn

Zalo: 08983 08983

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của các buổi tư vấn trực tuyến qua số điện thoại: 08983 08983

Ngoài ra, quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh: AloBacsi - video.

Trân trọng!



Thực hiện: Hồng Nhung - Mỹ Thi - Thanh Thủy
Ảnh: Hồng Nhung
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X